Chúa Nhật Phục Sinh – Ngày 4 tháng 4, 2021

Lm. PETER STRAVINSKAS

 

Các bài đọc: Acts 10:34a, 37–43 • Ps 118:1–2, 16–17, 22–23 • Col 3:1–4 or 1 Cor 5:6b–8 • Jn 20:1–9

bible.usccb.org/bible/readings/040421.cfm

 

“Đây tôi nói cho anh em biết mầu nhiệm này.” (1Cor 15:51)

 

Có bao nhiêu người trong chúng ta được thêm nghị lực khi nghe lời loan báo trên trích từ nhạc phẩm “Đấng Mê-si-a” của Handel, được trình bày bởi tiếng kèn hùng tráng và giọng đơn mạnh mẽ, loan báo sự sống lại của một người chết? Nhưng đâu là mầu nhiệm? Chúng ta hãy nói đến điều không phải mầu nhiệm là gì: vì mầu nhiệm không phải là câu chuyện tương tự những truyện trinh thám thách đố người đọc tìm ra Ai-là-thủ-phạm của các tác giả Agatha Christie hay Perry Mason hoặc Columbo. Nói theo khía cạnh thần học và thậm chí cả về mặt xã hội học về mầu nhiệm là nói đến toàn bộ kế hoạch Thiên Chúa cứu độ chúng ta trong Chúa Kitô.

Và vì thế, thật thích hợp khi đề cập tới hai giáo lý căn bản trong Kytô giáo, Nhập thể và Phục sinh của Chúa Giêsu, là hai “mầu nhiệm”. Khi được trình bày như niềm tin, cả hai mầu nhiệm đều mời gọi ta đáp lại bằng sự khiêm tốn. Có phải là ngẫu nhiên khi muốn vào Vương cung Thánh đường Giáng Sinh tại Bethlehem, người ta phải cúi thấp người để vào không? (cánh cửa nguyên thủy bị chặn một phần, để những kỵ sĩ Hồi giáo xâm lược không thể làm ô danh nơi thánh); tương tự như vậy, đâu phải ngẫu nhiên mà người ta yêu cầu khách hành hương phải cúi đầu thấp nếu muốn vào trong khu “chính mộ” hoặc địa điểm chôn cất Chúa trong thánh đường Mộ Thánh?

Thật là thú vị khi nhận thấy không ít giáo phụ đã phỏng đoán rằng Lucifer đã nổi dậy vào dịp Thiên Chúa Cha tuyên bố Người có ý định cho Con của Người mặc lấy xác phàm. Sự kiện Thiên Chúa làm người thật đáng sợ cho Lucifer đến nỗi nó đã phải thét lên “Non serviam” (“Tôi sẽ không tuân phục”). Việc Thiên Chúa trở thành nhục thể thực là quá đáng đối với thiên thần mang ánh sáng tuy sáng láng nhưng lại kiêu căng.

Tương tự như vậy, suốt hai ngàn năm qua, nhiều con người “thông minh sáng láng” đã bày tỏ quan điểm rằng một Người đã chết sống lại là chuyện lố bịch, có lẽ đó chỉ là một câu chuyện cổ tích dễ thương, nhưng với con người hiện đại thì việc sống lại từ cõi chết như vậy chắc chắn không dễ gì hiểu được. Tôi còn nhớ rất rõ khi nhận được cú điện thoại từ đài CNN Hoa Kỳ vào ngày Thứ Tư Tuần Thánh năm 1994, thông báo cho tôi rằng John Shelby Spong, vị Giám mục Tin lành cấp tiến ở Newark, vừa xuất bản một cuốn sách mới có tên: Phục sinh: Huyền thoại hay Thực tại? Không cần phải nói, quan điểm cuốn sách của ông đã khẳng định rằng tất cả những câu chuyện về “ngôi mộ trống” chẳng qua chỉ là những câu chuyện thần thoại dễ thương, mang ý nghĩa ngụ ngôn. Họ hỏi tôi có sẵn sàng tranh luận với Giám mục đó vào Thứ Năm Tuần Thánh không? Tôi đã đồng ý.

Đó là một kinh nghiệm vô cùng khó chịu, nhưng cuối cùng cũng thành công. Giám mục Spong nói rằng ý tưởng của tôi về một thân xác sống lại thực là vô lý và khó lòng làm cho những người đương thời chấp nhận được. Tôi đã trả lời bằng lời trích dẫn Thánh Phaolô: “Nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1Cr 15, 14). Giám mục mỉm cười với vẻ trịch thượng và tiếp tục nói, "Cha Stravinskas trình bày một quan điểm mà ngày nay không một học giả Công giáo nào có thể chấp nhận được." Ông còn đề cao Cha Raymond Brown như một điển hình cho sự uyên bác như thế.

Cá nhân tôi biết rõ Cha Brown, và cũng nên nhắc lại ở đây, linh mục Brown đã được bổ nhiệm phục vụ trong Ủy ban Giáo hoàng về Kinh Thánh. Người bổ nhiệm không ai khác ngoài Hồng y Joseph Ratzinger; trên thực tế, trong chuyến đi diễn thuyết ở Mỹ của ĐHY Ratzinger năm 1988 tại Đại chủng viện Thánh Giuse ở New York, ĐHY đã coi Brown như một nhà nghiên cứu Công giáo gương mẫu về Kinh thánh. Thật thú vị, cha Brown đã viết một tác phẩm nhỏ về cả hai sự kiện thụ thai Chúa Giêsu mà vẫn đồng trinh và thân xác phục sinh của Chúa Giêsu, cuốn sách khẳng định cả về mặt Kinh thánh lẫn tín điều, một tác phẩm mà Spong hoặc không biết hay đã cố ý lờ đi. Được Chúa soi sáng mau lẹ, tôi đã trích một dòng trong phần chú giải của cha Brown về những trình thuật thời thơ ấu Chúa Giêsu, trong đó cha Brown nhắc đến Spong: “Spong ca ngợi tôi khi ông ấy viết về tôi là một học giả Tân Ước; . . . Tôi (cha Brown) hy vọng mình không vô lễ nếu đối lại tôi nhận thấy tôi không nghĩ bất cứ một tác giả Tân ước nào lại thừa nhận Chúa Giêsu của Spong như nhân vật đang được rao giảng hoặc được viết xuống”. Ông chuẩn giám mục này chỉ còn nước im lặng thôi.

Quan điểm của Spong là nếu Chúa Giê-su có sống lại từ kẻ chết theo nghĩa thân xác thể lý thì thực sự điều này cũng không quan trọng. Điều quan trọng là Người đã sống lại trong tâm hồn chúng ta. Nếu đúng như vậy, thì tại sao ông ta không đi theo Socrates, vì nhà hiền triết này rõ ràng là một người lương thiện và cũng đã chết trong một cái chết oan nghiệt? Nhưng tại sao chúng ta không tưởng nhớ Socrates như tưởng niệm Chúa Giê-su? Chỉ có một vấn đề duy nhất là về cách tiếp cận sự kiện: Socrates thậm chí chẳng bao giờ bày tỏ từ trước rằng ông sẽ sống lại từ kẻ chết, và không một môn đệ nào của ông từng nói xa gần về viễn ảnh sống lại ấy. Còn Chúa Giêsu Kytô đã nhiều lần từng tuyên bố Người sẽ sống lại, và các môn đồ Người đã rất coi trọng điều đó – ngay cả các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái cũng nghiêm túc đến nỗi họ phải xin Philatô đặt lính canh ở lối vào mộ Chúa! Nếu Chúa Giêsu không sống lại từ cõi chết, như Người đã nói trước, thì Người là một kẻ lừa đảo và chúng ta chẳng cần làm gì thêm nữa đối với Người.

Như các bạn đã biết rõ, vài năm trước, một dự án trùng tu Vương cung thánh đường Mộ Thánh ở Jerusalem đã được bắt đầu, người ta đặc biệt chú ý đến khu chính mộ hoặc nơi chôn cất của Chúa Giêsu. Khi các nhà khoa học, nhà khảo cổ và những người thợ khác đào tới "phiến đá xức dầu", thì các máy đo bức xạ phân tử trở nên rối loạn và các dụng cụ khác bị tê liệt, do ảnh hưởng bởi nhiễu điện từ quá mạnh. Điều này khiến một số nhà khoa học liên kết hiện tượng này với giả thuyết thường được chấp nhận về cách thức hình ảnh thi thể được in lên Tấm vải liệm Turin.

Có thể bạn sẽ hỏi tại sao tôi lại dành quá nhiều thời giờ nói đến các chứng cứ dựa trên khoa học và kỹ thuật, về sự Phục sinh của Chúa. "Chỉ cần tin thôi vẫn chưa đủ sao?" Chắc chắn rồi, niềm tin là thiết yếu, nhưng đó là bước cuối cùng chứ không phải bước đầu tiên. Hành vi đức tin luôn phải là hành vi của con người toàn vẹn – cả lý trí lẫn ý chí. Do đó, những gì chúng ta tin thì không bao giờ có thể là phi lý – nhưng là siêu hợp lý, đúng vậy, nhưng không bao giờ là vô lý. Đó là lý do tại sao các Thánh sử đã dành nhiều đoạn mô tả dài dòng để làm nổi bật thực tại Phục sinh thể xác của Đức Ki-tô: Người ăn uống, Ngươi nói năng bằng giọng nói quen thuộc, thân xác Người có thể được đụng chạm vào, Người vẫn còn mang các vết thương do Cuộc Khổ nạn và cái chết cứu độ của Người.

Một linh mục, vừa trở về sau chuyến hành hương Đất Thánh, kể lại sự náo nức và mong đợi của nhóm khi họ xếp hàng chờ vào viếng khu chính mộ. Sẽ như thế nào khi bước vào nơi có Đức Kitô là Sao Mai, “trở về từ cõi chết, … chiếu rọi ánh sáng bình an của Người cho nhân loại”, như bài Công Bố Phục Sinh (Exsultet) có một không hai mà chúng ta đã nghe hát đêm qua? Vị linh mục nói rằng mình đã cúi thật thấp để bước vào, quỳ gối và bị đánh động bởi không gian trống trải. “Chẳng có gì ở đó,” cha thốt lên. Và rồi điều làm cha nhận ra ngay, “Phải rồi, không có gì ở đó cả, vì Người đã sống lại thật!” Đó chẳng phải là thông điệp của các thiên thần vào buổi sáng Lễ Phục sinh sao? (Xem Mt 28: 6).

Giờ đây, sự thật cứu rỗi này được áp dụng thế nào cho chúng ta? Nó "cứu" chúng ta như thế nào? Biết được G.K. Chesterton có một đức tin vững mạnh vào sự phục sinh thể xác của Đức Kitô, một phóng viên hoài nghi đã hỏi ông ta sẽ làm gì nếu ông thấy Chúa Kitô Phục sinh đứng ngay sau lưng mình. Trước sự ngạc nhiên của tên phóng viên, Chesterton đã phản biện: Nhưng Người thực sự đang hiện diện!" Người hiện diện với chúng ta, không chỉ theo một cách “thiêng liêng”, thanh thoát nào đó; nhưng Người ở với chúng ta thực sự và theo bản thể trong Bí tích Thánh Thể. Do đó, Thánh Gioan Kim khẩu khích lệ cộng đoàn của Người – và cả chúng ta rằng: “Nếu các bạn không nghe được tiếng Chúa, thì có gì là quan trọng? Bạn hãy chiêm ngắm Người trên bàn thờ”. Thánh nhân nói tiếp:

“Bằng một đức tin sống động hãy tin rằng ngay lúc này đây cũng là chính bữa tối mà Đức Kytô đã tham dự với các tông đồ. Thật vậy, không có sự khác biệt giữa Bữa Tiệc Ly và Bữa Tiệc trên Bàn Thờ. Cũng không thể nói rằng bữa tiệc trên bàn thờ được cử hành bởi một người hôm nay khác với bữa tiệc cử hành bởi Đức Kitô hôm qua, bởi vì chính Chúa Giêsu thực hiện cả hai bữa tiệc. Vậy thì, khi bạn thấy linh mục trao của ăn thánh cho bạn, đừng nghĩ rằng chính linh mục trao cho bạn, nhưng hãy biết rằng đó là Chúa Kitô đang đưa tay ra cho bạn”.

Thánh Gioan Kim khẩu chỉ đơn giản đem ngôn ngữ hùng tráng vào một khung cảnh không kém hùng tráng được Thánh Luca miêu tả qua một trong những lần hiện ra sau Phục sinh thật quyến rũ và xúc động nhất, đó là câu chuyện Emmaus. Các bạn nhớ rõ chứ, tôi tin chắn như vậy. Đó là đêm Phục sinh, khi hai môn đệ chán chường (có vẻ như trước đây!) của Chúa Giê-su đang hấp tấp rời khỏi Jerusalem, vì sợ mình phải chịu chung số phận như Thầy mình. Một người lạ đến gần họ, người đó hỏi về nỗi sầu khổ của họ và người khách lạ dần dần dẫn họ qua Sách Thánh, để làm sống lại niềm hy vọng của họ vào Chúa Giêsu. Được Người khích lệ hai ông lên tinh thần đến nỗi mời Người dùng bữa tối với họ, trong suốt thời gian sự việc diễn ra, vị khách lạ trở thành chủ nhà, khi Người “bẻ bánh” cho họ, thì trong chính cử chỉ quen thuộc đó, cuối cùng các ông nhận ra “Người lạ” không ai khác hơn là Chúa Kitô Phục Sinh. Vào lúc đó, Người biến mất khỏi tầm mắt họ!

Thật kỳ lạ, cho đến khi chúng ta nhận ra Thánh Luca muốn dạy cho độc giả của Người và chúng ta ngày nay rằng ai có Chúa Kitô Thánh Thể, thì người ấy cũng có chính Chúa Giêsu, Đấng đã đi khắp các nẻo đường xứ Galilêa. Chúng ta hoàn toàn chẳng thiệt thòi gì; trên thực tế, chúng ta có thể nói rằng mình còn có phúc hơn các tông đồ nữa, vì sự hiện diện của Chúa Giêsu trong chúng ta trở nên một nơi cư ngụ đích thực, trong khi kinh nghiệm của các tông đồ về Chúa Giêsu trong cuộc đời dương thế chỉ hoàn toàn là bề ngoài thôi. Cho phép tôi đề nghị một cách kéo dài thêm việc cử hành phụng vụ này: Khi bạn cầu nguyện xin ơn lành trước bữa ăn mừng Lễ hôm nay, hãy đọc Lu-ca 24 và mời Người lạ trên đường Emmau cùng dùng bữa với bạn và bạn với Người (Xem Kh 3:20 - Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta), và như thế là bạn đã thực hiện lời cầu xin của bài thánh ca dễ thương Draw Us in the Spirit's Tether (Xin lôi kéo chúng con vào trong mối dây liên kết của Chúa Thánh Thần), để xin cho "mọi bữa ăn của chúng con đều là bí tích của Người".

Giờ đây chúng ta đã đi hết một chu kỳ phụng vụ. Các mầu nhiệm Nhập thể và Phục sinh được tái diễn mỗi khi cử hành “các Mầu nhiệm Thánh”, tức là Thánh lễ, khi Chúa Giêsu sinh ra trong chúng ta, chết trong chúng ta và sống lại trong chúng ta. Không có gì trong khu chính mộ cả, vì Chúa Giêsu đang hiện diện trong Giáo hội Người, đặc biệt nhất trong Bí tích Thánh Thể. Trong ca hiệp lễ, Mẹ Giáo Hội sẽ cho chúng ta nghe vang vọng lời thánh Phao-lô: Pascha nostrum immolatus est Christus: itaque epulemur in azymis sinceritatis et veritatis, alleluia (Chiên Vượt Qua của chúng ta là Đức Kytô đã được hiến tế; vì thế chúng ta hãy mừng lễ với bánh không men tinh tuyền và chân chính, alleluia).

Qua bài Ca Tiếp Liên Victimae Paschali nổi tiếng và đầy ẩn dụ, trong đó những nghịch lý thánh thiện được trình bày, Giáo hội đã cho chúng ta lý do vui mừng vô biên: Agnus redemit oves (Chiên Con đã cứu chuộc đoàn chiên mẹ); Christus innocens Patri reconciliavit peccatores (Đức Kytô vô tội đã hòa giải tội nhân với Chúa Cha); Dux vitae mortuus regnat vivus (Tướng lãnh sự sống đã chết đi, nhưng vẫn sống mà cai trị). Cùng các tín hữu qua mọi thời đại, chúng ta hãy hỏi bà Mađalêna: Quid vidisti, Maria? (Hỡi Maria, bà đã thấy gì?), bà sẽ vui vẻ trả lời: Sepulcrum Christi viventis (Tôi đã thấy mồ Đức Kytô đang sống). Lời tuyên bố của bà về ngôi mộ trống đã khiến chúng ta phải hô to lên với tất cả lòng sốt sắng và đức tin mà chúng ta tích chứa bấy lâu: Scimus Christum surrexisse a mortuis vere (Chúng tôi biết Đức Kitô đã sống lại thật từ cõi chết) và vì thế, với lý do vô cùng chính đáng, chúng ta khẩn cầu: Tu nobis, victor Rex, miserere (Lạy Chúa, Vua chiến thắng, xin thương xót chúng tôi). Amen. Alleluia.

 

Đây tôi nói cho anh em biết mầu nhiệm này (1 Cr 15:51).

 

Nguồn: The Homiletic & Pastoral Review – (hprweb.com)

Chuyển ngữ: JB. Đào Ngọc Điệp

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm B