Chúa Nhật II, Kính Lòng Thương Xót Của Chúa – Ngày 11 tháng 4, 2021

 

Lm. PETER STRAVINSKAS

Các bài đọc: Acts 4:32-35 • Ps 118:2–4, 13–15, 22–24 • 1 Jn 5:1–6 • Jn 20:19–31   

bible.usccb.org/bible/readings/041121.cfm

 

Lời đầu tiên Chúa Giêsu Sống lại đã thốt lên trong đêm Phục Sinh như một hồng ân đặc biệt Ngài ban cho Giáo Hội, đó là “Bình an!” Điều ý nghĩa là ngay sau lời chào, Chúa Giêsu đã ủy thác cho các tông đồ hãy nhân danh Người mà tha tội: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”  Vậy hai mệnh lệnh này có liên quan gì với nhau?

 

Từ “shalom” trong tiếng Do Thái Chúa Giê-su đã sử dụng trong đêm Phục sinh ấy mang nhiều ý nghĩa đến nỗi không thể dịch thỏa đáng bằng chỉ một từ ngữ. Shalom diễn tả sự lành mạnh, hài hòa, hiệp nhất, bình an và những tương quan đúng đắn. Điều này gợi lại các tường thuật trong sách Sáng Thế mô tả Thiên Chúa và con người trong một sự kết hợp mật thiết của tình bạn và tình yêu. Tuy nhiên, sự kết hợp đó đã bị tiêu diệt do tội lỗi nguyên tổ chúng ta. Kể từ ngày đó, tội lỗi luôn cản trở con người đến với Thiên Chúa. Để tìm được bình an, rào cản tội lỗi ấy phải được gỡ bỏ. Do đó mới có mối liên kết giữa ơn Phục sinh bình an và ơn Phục sinh tha thứ.

 

Mối liên kết đó được Giáo hội duy trì trong Bí tích Giải Tội. Không phải vô cớ mà nhiều giáo phụ gọi Bí Tích Giải Tội là “Bí Tích Thánh Tẩy Thứ Hai”. Các ngài đã nhận thấy trong Bí Tích này khả năng thật an ủi khi người ta trở lại tình trạng trong trắng của Bí Tích Thánh Tẩy, tức là khả năng có được cơ hội thứ hai nếu một hối nhân chỉ cần thực lòng ăn năn và bắt đầu lại.

 

Điều này rất quan trọng trong cuộc sống con người, đến nỗi G. K. Chesterton, đại văn hào người Anh và cũng là người trở lại đạo, khi người ta hỏi tại sao ông trở lại Công giáo, ông đã trả lời rất giản dị: "Để tội lỗi của tôi được tha thứ!". Và một lý do rất mạnh mẽ khiến một người muốn thuộc về Giáo Hội Công giáo, đó là để họ cảm nghiệm lòng bao dung, tha thứ, thương xót của Thiên Chúa Toàn Năng.

 

Việc bàn đến một người có được “cứu độ” hay không đã trở nên khá phổ biến trong nhiều khu phố. Tuy nhiên, trên thực tế, ơn cứu độ là một quá trình liên tục trong cuộc sống một người khi họ cố gắng tiến đến gần Chúa hơn. Chính vì nghĩ rằng để nhắm tới sự phát triển và hòa giải nên Giáo hội mới đem đến cho các con cái mình Bí tích Giải Tội. Theo định nghĩa của Công Đồng Trentô, Bí Tích Giải Tội được Chúa Giêsu thiết lập nhằm mục đích giao hòa các Kytô hữu với Thiên Chúa khi họ thường phạm tội sau khi được Rửa Tội.

 

Theo Giáo Hội Công Giáo, có ba khía cạnh riêng biệt của Bí Tích Giải Tội. Điều đầu tiên và quan trọng nhất đó là hối nhân phải có lòng ăn năn tội; tức là người đó cảm thấy hối hận vì đã phạm tội. Sự tha thứ tùy thuộc vào lòng ước muốn được tha thứ và quyết tâm không phạm lỗi đó nữa trong tương lai. Bí tích này nhằm mục đích tạo một cuộc gặp gỡ đích thực giữa con người tội lỗi và Chúa Giêsu Đấng tha thứ. Bất cứ điều gì thiếu lòng ăn năn sẽ đều là giả bộ đạo đức. Để thay đổi cuộc sống, trải qua một kinh nghiệm hối cải, thì không có gì đòi hỏi người ta hơn là ước muốn đích thực quay lưng lại với tội lỗi.  Thông thường, những người không Công giáo cảm tưởng rằng cách người Công giáo phản ứng khi sắp phạm tội là câu nói: “Không sao, tôi sẽ đi xưng tội vào thứ Bảy.” Thái độ như vậy tạo nên việc cười nhạo đức công chính của Thiên Chúa và là một sự châm biếm đối với thần học bí tích của Giáo hội.

 

Thứ hai, hối nhân phải xưng các tội lỗi mình và thừa nhận mình đã sa ngã trước mặt Thiên Chúa.

 

Thư Giacôbê dạy chúng ta “hãy thú tội với nhau” (Gia 5:16). Khi thú nhận mình đã phạm tội, chúng ta cũng nhìn nhận mình cần đến quyền năng chữa lành của Chúa Giêsu Kytô trong cuộc sống chúng ta.

 

Phần sau cùng trong Bí tích Giải Tội là việc đền tội. Ngoài việc tìm cách xóa bỏ ý thức tội lỗi, hối nhân phải cố gắng thực hiện một hình thức đền bù nào đó cho những sai trái đã phạm.

 

Bí tích Giải Tội, mặc dù bị nhiều người ngoài Giáo hội chỉ trích là không có căn bản Kinh Thánh, thực ra có những nền tảng Kinh Thánh rõ ràng. Ngay từ gốc rễ, Bí Tích được đặt trên nền tảng quyền tha tội của Chúa Giêsu Kytô.

 

Trong chương 9 phúc âm Mathêu, Thánh Sử kể lại câu chuyện Chúa Giêsu chữa người bại liệt tại Ca-phác-na-um. Chúa Giê-su nói với người bại liệt rằng tội lỗi của ông đã được tha, khiến các kinh sư có mặt nghĩ là Chúa Giê-su đã phạm thượng, vì chỉ có Thiên Chúa mới có thể tha tội. Như thế, họ đã không công nhận Chúa Giê-su là Thiên Chúa. Chúa Giê-su biết những ý nghĩ của họ, nên đáp lại bằng cách ra lệnh cho người bại liệt: “Đứng dậy, vác giường đi về nhà!” (Mt 9, 6). Chúa Giêsu nói rằng Người ban lệnh này “để các ông (kinh sư) biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội” (Mt 9, 6). Chúa Giê-su hiển nhiên có quyền từ Thiên Chúa để tha tội

 

Giáo hội Công giáo, dựa trên căn bản dữ liệu lịch sử và Kinh Thánh, dạy rằng Chúa Giêsu Kytô đã trao quyền tha tội cho các Tông Đồ của Người, bởi vì rõ ràng trong các sách Phúc âm, Chúa Giê-su thực sự đã trao quyền năng và thẩm quyền cho các tông đồ của Người. Lu-ca khẳng định rằng “Đức Giê-su tập họp Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật” (Lu-ca 9, 1). Rõ ràng việc ủy thác các đặc quyền của Thiên Chúa cho các tông đồ không phải là không có tiền lệ.

 

Giống như Chúa Giêsu đã trao ban cho các môn đệ của Người quyền lực và quyền bính để chiến thắng ma quỷ và chữa lành bệnh tật, thì Người cũng ban cho họ quyền lực và quyền bính để tha tội. Trong Phúc Âm thánh Mathêu 18, 18, Chúa Giê-su nói với các tông đồ của Người: “Thầy bảo thật anh em: Dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy”. Theo thuật ngữ của các ráp-bi, quyền cầm buộc và tháo cởi là quyền tuyên bố những gì được phép và bị cấm theo lề luật. Nó cũng mang ý nghĩa tương tự bao gồm cả quyền khai trừ người ta khỏi cộng đoàn hoặc kết nạp người ta vào cộng đoàn.

 

Phúc âm Thánh Gioan hầu như không chút nghi ngờ về ý định của Chúa Kytô khi trao quyền tha tội cho các tông đồ của Người. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, như đã được lưu ý, Chúa Kitô Phục Sinh nói với các Tông đồ: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. Rõ ràng là có một sự ủy quyền cụ thể và có chủ ý, đặc biệt vì Chúa Kytô so sánh việc Người ủy thác cho các tông đồ với việc Chúa Cha ủy thác cho Người. Chính ở điểm này mà Chúa Kitô ban cho các Tông đồ quyền năng và thẩm quyền dứt khoát để tha tội khi Người nói với họ, “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha ; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ ”. Đây không phải là một dụ ngôn hay sự ví von mà là một hành động trực tiếp ủy thác quyền năng và thẩm quyền từ Chúa cho các tông đồ của Người. Rồi như Chúa Kytô đã chọn các môn đệ để thi hành sứ vụ của Người, thì các tông đồ cũng chọn những người kế vị để thi hành công việc của các ngài (xem 2 Ti 1: 6; 2: 2).

 

Bây giờ chúng ta hãy theo dòng thời gian từ thời Chúa Kitô trở đi cho tới một thế kỷ trước thời chúng ta.

 

Năm 1905, một bé gái sinh ra do một cặp vợ chồng nghèo nhưng sùng đạo người Ba Lan. Khi còn niên thiếu, cô đã vào Dòng các Nữ tu Đức Mẹ Thương xót ở Warsaw. Vì không được học hành nhiều, nên chị Faustina được giao những công việc nặng nhọc nhất; giữa lúc đảm nhiệm các nhiệm vụ nấu ăn, làm bánh, làm vườn và giữ nhà, nữ tu trẻ đã trải qua nhiều cảm nghiệm thần bí, qua đó Chúa chúng ta muốn chị trở thành tông đồ và thư ký của Người - để một lần nữa loan báo cho nhân loại Tin Mừng về lòng Chúa thương xót. Qua một trong những thông điệp Chúa ban cho chị, Chúa nói: “Nhân loại sẽ không có hòa bình cho đến khi tín thác vào lòng thương xót của Ta. . . Hỡi con gái của Ta, hãy siêng năng viết ra mọi câu Ta nói với con liên quan đến lòng thương xót của Ta, vì điều này có ý nghĩa đối với rất nhiều linh hồn sẽ được hưởng lợi ích từ đó.”

 

Chị Faustina cũng được cho biết Giáo hội phải mừng lễ kính Lòng Chúa Thương Xót - vào Chúa Nhật sau Lễ Phục sinh. Không phải ngẫu nhiên mà ngày này Giáo hội đọc đoạn Tin Mừng thuật lại việc Chúa Kitô thiết lập Bí tích Giải Tội để làm dấu hiệu chắc chắn và rõ ràng nhất nói lên Lòng Chúa Thương Xót. Cũng vậy, nhà thần bí trẻ tuổi này đã viết ra hai lời cầu nguyện được đọc cho chị từ chính Nguồn Thương Xót. Câu đầu như thế này: “Lạy Cha Hằng Hữu, con xin dâng Cha Mình, Máu, Linh hồn và Thần tính của Con rất yêu dấu Cha là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, để đền bù vì tội lỗi chúng con và toàn thế giới”. Câu thứ hai là: "Vì cuộc tử nạn đau thương của Chúa Giêsu, xin thương xót chúng con và toàn thế giới."

 

Chúa chúng ta đã hứa với chị Faustina rằng những điều lớn lao sẽ xảy ra nếu người ta cầu nguyện chuỗi kính Lòng Thương Xót với thái độ xứng hợp:

 

Ai siêng năng lần chuối Lòng Chúa Thương Xót sẽ nhận được ơn thương xót lớn lao vào giờ lâm chung. Các linh mục sẽ giới thiệu chuỗi Lòng Chúa Thương Xót cho những người tội lỗi như là nguồn hy vọng cứu rỗi cuối cùng của họ. Ngay cả một tội nhân cứng lòng nhất, nếu họ lần chuỗi chỉ một lần thôi thì cũng sẽ nhận được ơn lòng thương xót vô biên của Ta. Ta mong muốn rằng cả thế giới biết đến lòng thương xót vô cùng của Ta. Ta muốn ban ơn lành không tưởng tượng được cho những ai tin tưởng vào lòng thương xót của Ta.

 

Thật vậy, món quà đầu tiên Chúa Kytô Phục Sinh ban cho Giáo Hội là bình an của Người, bình an tuôn tràn từ lòng thương xót hằng có của Người. Chúng ta cần phải suy gẫm về điều đó và tin tưởng vào điều đó với tất cả tâm hồn mình, cảm tạ Chúa về hồng ân này, hồng ân rất nhiều người ao ước và hy vọng nhưng không bao giờ nhận ra rằng Lòng Thương Xót ấy đã sẵn sàng cho họ.

 

Vì nhiều lý do khác nhau, việc sùng kính Lòng Chúa Thương Xót này lại không được hưởng ứng tích cực từ giáo quyền. Đó là, cho đến khi một giám mục trẻ người Ba Lan tên là Karol Woytyla mở lại cuộc thảo luận và sau đó, với tư cách là Giáo hoàng Gioan Phaolô II, đã dứt khoát chấp thuận việc sùng kính Lòng Chúa Thương Xót, thậm chí còn tuyên phong chị Faustina là vị thánh đầu tiên của Thiên Niên Kỷ Thứ Ba.

 

Chúng ta biết rằng đức tin, trọng tâm của đoạn Tin Mừng hôm nay, chứa đựng nhiều điều hơn cả việc tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa. Đức tin đòi hỏi chúng ta phải hành động và sống đức tin bằng cách tuân giữ luật lệ Thiên Chúa và tìm cách gần Chúa mỗi ngày một hơn. Được cứu độ không phải là một cảm nghiệm nhức nhối, một lần trong đời, mà là sự liên tục đáp lại tình yêu và thánh ý Thiên Chúa. Tuy nhiên dù đã cố gắng hết sức, tất cả chúng ta đều thiếu sót trong lý tưởng này và dễ dàng sa vào tội lỗi. Khi ban cho chúng ta Bí Tích Giải Tội, Chúa Kitô cho chúng ta được tiếp tục hòa giải với Người và tăng trưởng vững chắc trong đức tin của chúng ta. Nhân danh Chúa Giêsu Kytô, Giáo Hội và các linh mục của mình thực hiện sứ mệnh Chúa ban khi kêu gọi mọi thành phần trong Thân Thể Chúa Ki tô hãy đến với lòng thống hối, hòa giải và kết hợp trọn lành hơn với Đấng Cứu Độ là Chúa Giêsu Kytô.

 

Nếu Chúa Giêsu Phục sinh hiện ra với các Tông đồ đã mở đầu bằng lời chào “Bình an”, thì chúng ta cũng biết rằng Người đã bắt đầu sứ vụ công khai của Người qua lời mời gọi, hay đúng hơn là mệnh lệnh: “Hãy sám hối” (Mc 1, 15). Bí tích Giải Tội là phương cách người Công giáo trải qua diễn trình thống hối để cảm nghiệm được sự bình an của Chúa Kytô. Hoặc, như linh mục giải tội cam kết với hối nhân: “Chúa đã giải thoát con khỏi tội lỗi của con. Hãy đi bình an”.

 

Nguồn: The Homiletic & Pastoral Review – (hprweb.com)

Chuyển ngữ: JB. Đào Ngọc Điệp

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm B