CHÚA NHẬT III PHỤC SINH

Tại sao Chúa Giê-su đã phải chết và sống lại?

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Cv 3:13-15, 17-19;  1 Ga 2:1-5a;  Lc 24:35-48)

        Suốt hai tuần sau lễ Phục Sinh, chúng ta đã được nghe các tường thuật Tin Mừng về biến cố Chúa Giê-su sống lại và những lần Chúa hiện ra với các phụ nữ đi thăm mộ cũng như với các tông đồ tụ họp trong căn nhà cửa đóng then cài vì sợ những kẻ thù của Chúa.  Để nhắc nhớ chúng ta đừng quên ý nghĩa và mục đích cái chết và phục sinh của Chúa Giê-su, Phụng vụ Lời Chúa trở lại mời gọi chúng ta suy nghĩ lý do tại sao Chúa Giê-su đã chết và sống lại.  Trong bài giảng thứ hai sau khi lãnh nhận Thánh Thần, ông Phê-rô tiếp tục nói với đồng bào Ít-ra-en về cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Chúa Giê-su Ki-tô.  Tuy có nhắc đến việc họ “đã giết Đấng khơi nguồn sự sống”, Phê-rô vẫn nghĩ tốt cho họ khi nói là họ “đã hành động vì không hiểu biết” và ngài còn khẳng định rằng theo kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, “Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình” như lời các ngôn sứ đã báo trước (bài đọc 1).  Riêng thánh Gio-an lại có cái nhìn rất đặc biệt về vai trò của Chúa Giê-su khi Chúa chịu chết và sống lại, là để làm “của lễ đền bù tội lỗi chúng ta và tội lỗi cả thế gian nữa” (bài đọc 2).  Sau cùng chúng ta hãy nghe chính Đấng đã chết và sống lại nói với chúng ta về cái Chết và sự Phục Sinh của Người:  “Có lời Kinh Thánh chép rằng:  Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại” (bài Tin Mừng).

        1.  “Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết”.  Sau phép lạ hai ông Phê-rô và Gio-an làm cho một người què từ khi lọt lòng mẹ được chữa lành và đi đứng bình thường, toàn dân Giêrusalem kinh ngạc và chạy ùa tới gặp hai ông đang ở hành lang Salômôn.  Nhân cơ hội này, Phê-rô giảng cho dân chúng nghe về Chúa Giê-su.  Đây là bài giảng thứ hai của ngài.  Để bắt đầu bài giảng, thánh Phê-rô nói đến sự kiện “Thiên Chúa đã tôn vinh Tôi Trung của Người là Đức Giê-su” khi Người cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết.  Tiếp đến, khi nói về cái chết của Chúa Giê-su, Phê-rô không có ý tố cáo tội ác của dân là đã gây áp lực với Phi-la-tô để giết Chúa Giê-su, “Đấng khơi nguồn sự sống”.  Trái lại, ngài còn chữa tội cho họ khi quả quyết rằng họ đã hành động vì thiếu hiểu biết.  Thực ra trong bài giảng này, ngài muốn đề cao chính việc Thiên Chúa đã làm cho Chúa Giê-su sống lại từ kẻ chết, điều mà Phê-rô và các tông đồ cương quyết làm chứng.  Vậy ngài đã đề cao việc ấy bằng cách nào?  Đó là ngài so sánh giữa hai hành động đối nghịch nhau:  trong khi đồng bào Ít-ra-en giết chết Chúa Giê-su là Đấng khơi nguồn sự sống, thì Thiên Chúa lại làm cho Chúa Giê-su được sống lại từ cõi chết.  Quả thực đúng như những lời chúng ta hát trong bài Ca Tiếp Liên lễ Phục Sinh rằng:  “Sống và chết hai bên song đấu cách diệu kỳ, tướng lãnh sự sống đã chết đi, nhưng vẫn sống mà cai trị”.  Tội lỗi cùng với sự chết đã “song đấu” với Thiên Chúa nơi con người Đức Ki-tô là “tướng lãnh sự sống”.  Đúng thế, vị tướng lãnh của chúng ta đã tắt thở trên thập giá một cách nhục nhã.  Nhưng như thế không có nghĩa là Người đã thua trận!  Trái lại, Thiên Chúa đã dùng chính cái chết của vị tướng lãnh này để tiêu diệt sự chết, chiến thắng kẻ thù ma quỷ và tội lỗi, bằng cách cho vị tướng lãnh được sống lại để tiếp tục làm “Đấng khơi nguồn sự sống” cho toàn thể nhân loại mọi thời.  Cuộc song đấu của Chúa Giê-su với tội lỗi cùng sự chết và chiến thắng của Người, tất cả đều nằm trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa đã được tất cả các ngôn sứ báo trước rồi.  Vậy tại sao thánh Phê-rô lại đặc biệt nhấn mạnh đến “những điều Thiên Chúa đã thực hiện” và được các ngôn sứ báo trước, tức là sự kiện “Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình” và sống lại từ kẻ chết?  Vì ngài muốn nói với đồng bào Ít-ra-en rằng bất kể họ đã hành động vì không hiểu biết khi họ giết Đức Ki-tô, nhưng Thiên Chúa giàu lòng thương xót vẫn sẵn sàng tha thứ nếu “anh em sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xóa bỏ tội lỗi cho anh em”.  Vì thế, kết thúc bài giảng của thánh Phê-rô chính là lời kêu gọi người ta hãy sám hối và tin vào Chúa Ki-tô là Con Thiên Chúa.

        2.  Đức Giê-su Ki-tô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta và tội lỗi cả thế gian nữa.  Trong khi thánh Phê-rô rao giảng bằng lời thì thánh Gio-an lại rao giảng qua bức thư của ngài.  Giống như thánh Phê-rô đã mở đầu bài giảng khi nhắc đến tội ác của đồng bào Ít-ra-en là giết Đức Giê-su, thánh Gio-an cũng khởi đầu khi ngài nêu lên tình trạng tội lỗi của chúng ta.  Ngài khẳng định mục đích ngài viết thư này là “để anh em đừng phạm tội”.  Nhưng ngài cũng quá rõ chúng ta ai mà chẳng phạm tội.  Vì thế, ngài nói tiếp ngay:  “Nhưng nếu ai phạm tội, thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha:  đó là Đức Giê-su Ki-tô, Đấng Công Chính”.  Vậy Đấng Bảo Trợ sẽ làm gì cho chúng ta là những kẻ tội lỗi?  Đây là câu trả lời của ngài:  “Đức Giê-su Ki-tô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta”.  Ngài muốn nói đến việc Chúa Giê-su đã chịu chết trên thập giá để làm của lễ đền tội cho nhân loại.  Trước kia, một mình vị thượng tế mới được vào cung thánh Đền Thờ mỗi năm một lần, đem theo máu dê máu bò để dâng làm của lễ đền tội cho chính mình và cho dân.  Giờ đây Chúa Giê-su đi vào cung thánh là chính thân xác Người, mang theo chính Máu Người đổ ra chỉ một lần để làm của lễ dâng lên Chúa Cha mà đền bù tội lỗi nhân loại (xin đọc thư Do-thái chương 9).  Điều thánh Gio-an mong thấy nơi chúng ta là hãy nhận biết tình yêu Thiên Chúa yêu thương chúng ta khi Người để cho Con Một Người phải đổ máu và chết trên thập giá mà đền bù tội lỗi chúng ta.  Cách chúng ta “biết Thiên Chúa” hoặc tạ ơn Thiên Chúa, đó là chúng ta hãy tuân giữ các điều răn của Người.  Khi chúng ta tạ ơn Chúa bằng cách tuân giữ các điều răn của Người thì cũng là cách chúng ta chứng minh rằng “tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo” nơi chúng ta rồi.

        3.  “Có lời Kinh Thánh chép rằng:  Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại”.  Chúng ta đã nghe thánh Phê-rô giảng về ý nghĩa cái chết và sự phục sinh của Chúa Giê-su.  Chúng ta cũng đọc thư thánh Gio-an khẳng định Chúa Giê-su là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta.  Nhưng giờ đây, khi hiện ra với các môn đệ, chính Chúa Ki-tô sống lại nói cho chúng ta biết về cuộc khổ nạn và phục sinh của Người.  Thánh sử Lu-ca kể lại biến cố Chúa Phục Sinh hiện ra với các môn đệ.  Nhưng không ngờ khi gặp lại Chúa, họ lại “kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma”.  Tuy nhiên có lẽ chúng ta đừng quá để ý đến việc Chúa cố gắng trấn an họ và chứng minh cho họ thấy chính là Người chứ không phải ma, mà điều quan trọng là Người cho họ thấy “tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm”.  Họ là những người đã đọc hoặc nghe Kinh Thánh.  Nhưng làm sao họ có thể tự mình hiểu được nếu không được soi sáng.  Vậy đây là lúc “Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh”, tức là hiểu được những điều Kinh Thánh nói về con người và sứ mệnh của Đấng Ki-tô.  Tuy nhiên Chúa Giê-su không chỉ muốn họ hiểu rằng “Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại”, mà hơn thế nữa, họ còn phải “nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân” biết Người đã chết và sống lại để cứu độ nhân loại.  Vì Chúa Ki-tô đã chết để đem lại ơn tha thứ tội lỗi cho nhân loại, nên môn đệ Chúa cũng phải kêu gọi người ta hãy sám hối để được ơn tha tội.

Sống sứ điệp Lời Chúa

        Một điều chúng ta nhận thấy rõ là mục đích của cả ba bài đọc đều quy về một điểm kết luận:  kêu gọi người ta sám hối để được ơn tha tội.  Thánh Phê-rô kêu gọi đồng bào Ít-ra-en hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa.  Thánh Gio-an dạy ta hãy vững tin vào tình yêu Thiên Chúa, vì mặc dù chúng ta là những kẻ tội lỗi, nhưng chúng ta có Chúa Giê-su Ki-tô là Đấng Bảo Trợ chúng ta trước mặt Chúa Cha để hòa giải chúng ta với Chúa Cha.  Còn Chúa Ki-tô thì đích thân khẳng định với chúng ta rằng sứ mệnh của Người là phải chịu khổ hình, chịu chết và sống lại để đền bù tội lỗi chúng ta và cho chúng ta được trở về làm con cái Thiên Chúa.  Giáo Hội nhắc nhở chúng ta hãy hiểu rõ những gì Chúa Giê-su Ki-tô đã làm cho chúng ta qua Mầu nhiệm Phục Sinh, để chúng ta biết đáp lại tình yêu Thiên Chúa, Đấng đã trao nộp Con Một vì chúng ta.  Vậy Mầu nhiệm Phục Sinh kêu gọi chúng ta tiếp tục sống lại phần hồn, tiếp tục diễn trình sám hối, để trở nên mỗi ngày một giống Chúa Ki-tô hơn. Đó cũng chính là ý nghĩa của ơn cứu độ vậy!

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm B