CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH
Qua Mầu nhiệm Phục Sinh, Thiên Chúa làm gì cho chúng
ta?
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Cv 4:8-12;
1 Ga 3:1-2; Ga 10:11-18)
Mầu nhiệm
Phục Sinh chứa đựng tất cả những gì Thiên Chúa làm cho chúng ta vì yêu thương
chúng ta. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay tiếp
tục chủ đề này khi trình bày những điều Thiên Chúa làm cho chúng ta qua Chúa
Giê-su Ki-tô. Trước hết, Thiên Chúa đã
sai Con Một đến trần gian, sinh ra bởi Trinh Nữ Ma-ri-a và được đặt tên là
Giê-su, nghĩa là “Thiên Chúa cứu”. Để cứu
chúng ta khỏi ách nô lệ tội lỗi và ma quỷ, Chúa Giê-su đã chấp nhận chết trên
thập giá và sống lại từ kẻ chết. Vậy Danh thánh Giê-su là đề tài bài giảng của
thánh Phê-rô dành cho các thủ lãnh và kỳ mục Do-thái (bài đọc 1). Tiếp theo là suy niệm của thánh Gio-an trình
bày một chân lý vô cùng quan trọng: nhờ
Đức Ki-tô, Thiên Chúa gọi chúng ta là con
cái Người và dạy chúng ta phải nên giống Đức Ki-tô (bài đọc 2). Sau cùng, Chúa Giê-su công bố Người là Mục Tử Nhân Lành được Chúa Cha sai đến để
hiến mạng sống mình vì đoàn chiên và thi hành nhiệm vụ chăn dắt đoàn chiên là
chúng ta (bài Tin Mừng).
1. Nhờ danh Đức Giê-su Ki-tô, Thiên Chúa cứu độ
chúng ta. Những hành động vừa kể
của Thiên Chúa không phải là những hành động rời rạc và không liên quan với nhau. Trái lại, có sự nối kết mật thiết từ việc cứu
độ với việc kêu gọi chúng ta làm con Thiên Chúa, và sau cùng với việc dẫn dắt
chúng ta là chiên của Người về đồng cỏ xanh vĩnh cửu. Vậy trước tiên chúng ta hãy nghe thánh Phê-rô
nói về việc Thiên Chúa cứu độ chúng ta.
Như chúng ta đã biết, sau khi hai ông Phê-rô và Gioan chữa lành cho một
người què từ khi lọt lòng mẹ thì các ngài bị bắt và bị tống giam cho đến ngày
hôm sau. Bị giải ra trước Thượng Hội Đồng,
các ngài bị tra hỏi về việc chữa lành cho người què. Phê-rô đã trả lời trước các thủ lãnh trong
dân và các kỳ mục. Dĩ nhiên đây là dịp tốt
để ngài rao giảng Đức Ki-tô Phục Sinh.
Điểm chủ yếu khi trả lời họ là ngài nhấn mạnh rằng: “Chính nhờ
danh Đức Giê-su Ki-tô… mà người này được lành mạnh ra đứng trước mặt quý vị”. Để xác nhận “Đức Giê-su Ki-tô” ấy là ai,
Phê-rô đã không ngần ngại nói thêm: Chúa
Giê-su ấy chính là “Người Na-da-rét, Đấng
mà quý vị đã đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi
chết”. Có lẽ chúng ta đừng vội nghĩ rằng
Phê-rô nói như thế là ngài muốn “buộc tội” họ về tội giết Đức Ki-tô. Thực ra thâm tâm Phê-rô vẫn cho rằng họ đã giết
Đức Ki-tô “vì không hiểu biết” (Cv 3:17).
Ngài chỉ muốn nói rằng hành động của họ như vậy là sai và nếu họ sám hối
thì Thiên Chúa sẽ tha thứ cho họ. Tuy
nhiên điều quan trọng nhất Phê-rô muốn nói đến không phải là lỗi lầm của họ, mà
thực ra ngài muốn đề cao “danh thánh Giê-su” và ý nghĩa của danh thánh ấy. Giê-su nghĩa là “Thiên Chúa cứu”. Vậy với ý
nghĩa ấy, quả thực hôm nay nhờ danh thánh Giê-su mà người què được chữa lành và
đời anh đã được cứu. Cũng thế, nhờ danh
thánh Giê-su mà chúng ta được cứu độ khỏi những hậu quả tai hại do ma quỷ và tội
lỗi gây nên. Phê-rô đã lấy việc anh què
được “cứu” để ám chỉ việc chúng ta được cứu độ.
Nhưng ngài còn trưng thêm một hình ảnh khác để diễn tả hành vi “cứu” của
Chúa Giê-su, đó là chức năng của “đá góc tường”. Chúng ta thắc mắc tại sao ngài gọi Chúa
Giê-su là đá góc tường. Đây là hình ảnh
rất thực tế chúng ta gặp trong việc xây cất.
Ngày xưa làm gì có xi-măng cốt sắt như bây giờ! Do đó, viên đá góc tường giữ vai trò quan trọng
là liên kết những viên đá của hai bức tường lại. Đúng thế, Chúa Giê-su là viên đá góc tường để
liên kết Thiên Chúa và chúng ta lại với nhau.
Hình ảnh này diễn tả sứ mệnh của Chúa Giê-su là hòa giải chúng ta với
Thiên Chúa và cho chúng ta được làm con Thiên Chúa vậy.
2. “Chúa Cha yêu chúng ta đến nỗi cho chúng ta
được gọi là con Thiên Chúa”. Việc
thứ hai Thiên Chúa làm cho chúng ta qua Mầu nhiệm Phục Sinh, đó là Người cho
chúng ta được làm con Thiên Chúa. Khi
Thiên Chúa tạo dựng trời đất và con người, chúng ta đã có một giá trị đặc biệt
so với các thụ tạo khác. Chúng ta chỉ
kém các thiên thần một chút thôi. “Chúa cho con người chẳng thua
kém thần linh là mấy,
ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa
sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới
chân” (Tv 8:6-7). Nhưng do lỗi lầm của nguyên tổ A-đam, loài
người đã biến thành “kẻ thù” của Thiên Chúa vì mang vết nhơ tội tổ tông. Đã tự mình trở thành kẻ thù của Thiên Chúa,
con người phải lãnh nhận hậu quả do tội lỗi là đau khổ và sự chết. Tuy nhiên tình yêu Thiên Chúa không giới hạn,
nên Người đoái thương lập kế hoạch để tái tạo con người và phục hồi chỗ đứng của
họ trước mặt Người. Nếu tội lỗi đã giết
chết mối tương quan thân thiết giữa con người với Thiên Chúa và biến họ thành kẻ
thù của Người, thì giờ đây Thiên Chúa sẽ cho hồi sinh mối tương quan ấy và cho
con người được hòa giải với Người. Người
đã thực hiện việc tái tạo kỳ diệu này nhờ cái Chết và sự Phục sinh của Đức
Ki-tô. Người còn đi xa hơn thế nữa khi
cho Thánh Thần giúp chúng ta có đủ tư cách để gọi Thiên Chúa là Cha, “Áp-ba”
(Rm 8:15). Tất cả đó là cách Thiên Chúa
biểu lộ tình yêu Người đối với chúng ta.
Thánh Gio-an không chỉ bằng lòng với ý tưởng “Thiên Chúa cho chúng ta được
gọi là con Thiên Chúa” mà ngài còn quả quyết mạnh mẽ: “Mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa”. Khi cho
chúng ta được gọi là con Thiên Chúa, Thiên Chúa mở ra một tương lai chắc chắn. Thánh Gio-an bảo: Hiện tại chúng ta là con Thiên Chúa. Rồi ngài giải thích thêm: Nhưng tương lai chúng ta sẽ ra sao thì chưa
biết! Lý do chưa biết được là vì tương
lai ấy còn tùy thuộc hiện tại của chúng ta.
Nếu chúng ta trong những năm tháng sống trên trần gian này được biến đổi
nên giống Chúa Ki-tô, Con Một Người, thì tương lai chúng ta sẽ giống như số phận
của Đức Ki-tô. Nhưng nếu chúng ta không
chịu làm con Thiên Chúa ở đời này thì ta cũng không thể hoặc không được làm con
Thiên Chúa ở đời sau! Kết luận là chúng
ta phải liên tục sống Mầu nhiệm Phục Sinh, luôn sẵn sàng chết đi cho tội lỗi để
sống lại trong con người mới của Chúa Ki-tô và sống theo Thần Khí của Người.
3. Thiên Chúa cho Đức Ki-tô Phục Sinh làm vị Mục
Tử Nhân Lành để dẫn dắt chúng ta.
Trong dịp Lễ Lều, Chúa Giê-su lên Giê-ru-sa-lem dự lễ. Người giảng dạy và nhiều khi tranh luận với
giới lãnh đạo tôn giáo Do-thái về nhiều vấn đề liên quan đến căn tính và sứ mệnh
của Người. Tại đây Người cũng làm nhiều
phép lạ. Dấu lạ được thánh Gio-an chọn lựa
và ghi lại là phép lạ Chúa cho một anh mù từ thuở mới sinh được sáng mắt. Sau đó Chúa tuyên bố Người là ánh sáng trần
gian. Tiếp theo chủ đề ánh sáng trần gian, Chúa Giê-su còn mặc khải một điều
khác cũng quan trọng như vậy: Chúa là Mục
Tử Nhân Lành. Ở đây, Chúa Giê-su khẳng định
thế nào là mục tử nhân lành khi Người so sánh mục tử với người làm thuê. Điều rõ ràng nhất để phân biệt là mục tử đích
thực thì chăn chiên vì yêu thương các con chiên của mình, còn người làm thuê chỉ
chăn chiên để lãnh tiền công. Tình yêu
khắng khít giữa mục tử và chiên đã khiến cho mục tử sẵn sàng “hy sinh mạng sống
cho đoàn chiên”. Còn người làm thuê vì
không có tình yêu đối với chiên nên khi anh ta thấy sói đến và nguy hiểm thì bỏ
chiên mà chạy, mặc cho chiên bị sói vồ và phải chạy tán loạn. “Hy sinh mạng sống cho đoàn chiên” là điều
Chúa Giê-su tiên báo về cuộc Thương Khó của Người. Đúng thế, để biểu lộ tình yêu thắm thiết đối
với chúng ta, Chúa Giê-su, Mục Tử Nhân Lành, đã thí mạng sống Người trên thập
giá để chiến thắng tội lỗi và sự chết mà cứu chúng ta khỏi nanh vuốt của
chúng. Nghĩ tới chiến thắng này, thánh
Phao-lô đã ngạo nghễ thách thức tội lỗi và sự chết: “Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng
của ngươi? Hỡi
tử thần, đâu là nọc độc của ngươi?” (1 Cr
15:55). Cái chết của Chúa Giê-su là một
hy sinh vĩ đại chưa từng có, bởi mặc dù “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được,
nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình”.
Chúa Giê-su là Thiên Chúa làm người phàm thì thử hỏi ai có thể lấy đi mạng
sống của Người được? Nhưng chính Người
đã dùng “quyền” của Người để hy sinh và lấy lại mạng sống Người. Mà “quyền” ở đây không phải là quyền bính giống
như người đời, nhưng là “tình yêu”, động lực để Chúa hy sinh mạng sống (Thương
Khó) và sức mạnh để lấy lại mạng sống (Phục Sinh). Tất cả nằm trong “kế hoạch yêu thương” Thiên
Chúa Cha “đã định từ trước trong Đức Ki-tô” (Ep 1:9). Trước khi Chúa Phục Sinh lên trời, Người đã
long trọng hứa với đoàn chiên của Người:
“Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20).
Đúng vậy, Chúa Giê-su, Mục Tử Nhân Lành vẫn ở giữa chúng ta để chăn dắt
chúng ta bằng Lời Người, nuôi dưỡng linh hồn chúng ta bằng Thánh Thể Người. Lạy Cha chí thánh, cảm tạ tình yêu của Chúa
Cha đã ban cho chúng con Mục Tử Giê-su.
Như Thánh Vịnh đã tôn vinh Cha là Mục Tử nhà Ít-ra-en, chúng con cũng
tôn vinh Con Cha là Mục Tử Nhân Lành của chúng con.
Sống sứ điệp Lời
Chúa
Chúng ta
được Thiên Chúa cứu độ nhờ máu Con Một Người đã đổ ra trên thập giá. Chúng ta được Chúa Ki-tô thay đổi thân phận tội
lỗi để được làm con Thiên Chúa. Sau cùng
chúng ta có diễm phúc được chính Chúa Giê-su làm Mục Tử Nhân Lành dẫn dắt. Thử hỏi còn điều gì hơn thế nữa để chứng minh
tình yêu Thiên Chúa yêu thương chúng ta không?
Như vậy trước hết chúng ta chỉ còn biết ngàn lần cảm tạ Chúa, vì tình
thương của Người bền vững muôn đời. Tuy
nhiên chúng ta cũng đừng quên lời thánh Gio-an căn dặn: hiện tại chúng ta là con Thiên Chúa đấy, nhưng
còn tương lai chúng ta sẽ là gì thì đó là do chúng ta quyết định. Ước mong chúng ta trung thành làm con Thiên
Chúa ở đời này bằng cách bắt chước Chúa Giê-su, để mai sau chúng ta được mãi
mãi làm con cái của Cha trên trời.
Lm. Đa-minh Trần
đình Nhi