CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH B
Cv 9,26-31 ; 1 Ga 3,18-24 ; Ga 15,1-8
HIỆP THÔNG VỚI CHÚA - ĐIỀU KIỆN ĐỂ SINH NHIỀU HOA TRÁI
I.HỌC LỜI CHÚA
1.TIN MỪNG: Ga 15,1-8
(1) Thầy là cây nho thật, và Cha
Thầy là người trồng nho. (2) Cành nào gắn liền với Thầy mà không
sinh hoa trái, thì Người chặt đi ; Còn cành nào sinh hoa trái, thì
Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. (3) Anh em được thanh
sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em
(4) Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như
cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây
nho. Anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. (5) Thầy là cây nho,
anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy,
thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Vì không có Thầy, anh em chẳng làm
gì được. (6) Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành
nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi.
(7) Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì
muốn gì anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. (8) Điều làm Chúa Cha
được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái, và trở thành môn đệ của
Thầy.
2.Ý CHÍNH:
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy sự
hiệp thông với Đức Giê-su là điều kiện để đức Tin của các môn đệ
phát sinh hoa trái. Cũng như cành nho kết hiệp mật thiết với thân cây
mới có thể sinh hoa kết quả thế nào, thì các tín hữu cũng phải kết
hiệp mật thiết với Chúa Giê-su và hiệp thông với nhau thì mới làm vinh
danh cho Thiên Chúa và góp phần cứu rỗi tha nhân.
3.CHÚ THÍCH:
- C 1-3: + Thầy là cây nho
thật: Trong Cựu Ước, các
ngôn sứ đã so sánh dân Ít-ra-en như một vườn nho gồm những cây nho
thuần chủng hảo hạng mà Thiên Chúa đã chọn lựa và vun trồng (x Is
5,1-7). Nhưng Ít-ra-en đã biến thành loài nho tạp chủng, chỉ phát sinh
ra quả dại trái chua (x. Gr 2,21). Trong Tân Ước, Đức Giê-su đã tự nhận Người
thực là cây nho của Thiên Chúa (x Ga 15,1). + Cha Thầy là người
trồng nho: Chúa Cha đã trồng cây nho này khi sai Đức Giê-su
xuống trần gian để cứu độ loài người. + Cành nào gắn liền với
Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi: Thiên Chúa đồng thời cũng là chủ cây nho sẽ loại bỏ
những cành nho nào không phát sinh hoa trái, nghĩa là không có lối
sống tốt hơn người thu thuế và dân ngoại (x. Mt 5,46-47), không
thánh thiện hơn các kinh sư và các Pha-ri-sêu giả hình (x. Mt 5,20),
không trở thành muối ướp thiên hạ khỏi hư hỏng (x Mt 5,13), không
chiếu tỏa ánh sáng tin yêu qua việc phụng sự Thiên Chúa và phục vụ
tha nhân (x. Mt 5,14-16). + Còn cành nào sinh hoa trái, thì
Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn: Cây nho có khả
năng sinh hoa trái ám chỉ các tín hữu tốt sẽ được chủ vườn tỉa bớt
cành lá rườm rà là các thói hư tật xấu để họ phát sinh hoa trái
là các việc lành nhiều hơn. + Anh em được thanh sạch rồi nhờ
lời Thầy đã nói với anh em: Lời
Chúa ví như lưỡi dao sắc bén, sẽ thanh luyện, tỉa bớt các thói hư tội
lỗi, làm cho các tín hữu ngày một nên hoàn thiện hơn.
- C 4-5: + Hãy ở lại trong
Thầy như Thầy ở lại trong anh em:
Tin Mừng Gio-an có nhiều câu Đức Giê-su nói đến “ở lại trong” hay
“gắn liền với”. Chẳng hạn: “Anh em hãy ở lại trong Thầy” (x. Ga
15,4), “Thầy ở lại trong anh em” (Ga 15,4-5), “Lời Thầy ở lại
trong anh em” (Ga 15,7), “Anh em hãy ở lại trong tình thương
của Thầy” (Ga 15,9-10) ; “Nếu không gắn liền với thân cây nho” (Ga
15,4). “Ở lại trong lời Người” (Ga 8,31), “Ở lại trong ánh sáng” là
yêu thương anh em (1 Ga 2,10), “Mầm sống của Thiên Chúa sẽ ở lại trong
người ấy, và người ấy sẽ không thể phạm tội, vì đã được Thiên Chúa
sinh ra” (1 Ga 3,9). + Thầy là cây nho, anh em là cành: Giống như cành nho cần liên kết
với thân cây nho thì các môn đệ cũng phải hiệp thông với Đức Ki-tô,
để đón nhận được sức sống là Ơn Thánh Thần (x Ga 20,21). + Ai ở
lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh
nhiều hoa trái: Người môn đệ nếu biết hiệp thông và ở lại
với Đức Giê-su thì sẽ đón nhận được nhựa sống ân sủng từ Đức Giê-su
thông ban. Khi đó, sứ mệnh tông đồ dù bước đầu có khó khăn nhưng cuối
cùng cũng sẽ thành công, giống như hạt giống sau ba lần thất bại vì
được gieo vào đất xấu, cuối cùng đã gặt hái thành công khi được gieo
vào đất tốt (x. Mt 13,3-8). + Vì không có Thầy, anh em chẳng làm
gì được: Đức Giê-su chính
là nguồn sống ban ơn cứu độ. Các môn đệ sẽ thất bại trong việc loan
báo Tin Mừng nếu không “ở lại trong” hay không kết hiệp với Người (x 1
Cr 3,6-7).
- C 6-8: + Ai không ở lại
trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo: Những
người không kết hiệp với Đức Giê-su, tức là không được Người tỉa sạch
tội lỗi và các thói hư, không được ơn Thánh Thần thánh hóa, thì sẽ
bị loại ra khỏi Nước Thiên Chúa và không được sống đời đời. + Người
ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi: Số phận của những người này là sẽ bị phạt trong
hỏa ngục muôn đời vào ngày tận thế, giống như “cỏ lùng” bị quăng vào
lò lửa khi tới mùa gặt, nơi đó họ sẽ phải khóc lóc nghiến răng” (x.
Mt 13,41-42). + Thì muốn gì anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý: Một khi đã kết hiệp với Đức
Giê-su, thì lời cầu nguyện nhân danh Người sẽ đẹp lòng Chúa Cha và
được Chúa Cha nhậm lời (x Ga 16,23). + Điều làm Chúa Cha được tôn
vinh: Thánh ý của Chúa
Cha là muốn cho mọi người được ơn cứu rỗi. Chúa Cha đã sai Chúa Con
đến thế gian, để nhờ Con của Ngài mà nhân loại được sống đời đời.
Vì thế, khi chúng ta sinh hoa trái, có lối sống tốt lành thánh thiện
và làm cho nhiều người được ơn cứu độ... là chúng ta đã làm theo Ý
Chúa Cha, làm cho Danh Cha cả sáng, hay được tôn vinh trước mặt người
đời (kinh Lạy Cha). + Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn
đệ của Thầy: Khi chúng ta
trở thành chứng nhân của Đức Giê-su, giúp lương dân nhận biết tôn thờ
và yêu mến Thiên Chúa... là chúng ta phát sinh nhiều hoa trái và bấy
giờ chúng ta mới trở thành môn đệ thực sự của Đức Giê-su.
4.CÂU HỎI: 1) Chúa Giê-su muốn
dạy các tín hữu chúng ta điều gì qua đoạn Tin Mừng này? 2) Trong Cựu
Ước, các ngôn sứ đã so sánh dân Ít-ra-en với cây gì? 3)Trong Tân Ước,
Đức Giê-su đã ví mình như cây nho và người trồng nho là ai? 4) Cây nho
không sinh hoa trái sẽ bị chặt đi ám chỉ loại tín hữu nào? 5) Cây
sinh trái tốt thì sẽ được chủ vườn làm gì để sai trái hơn? Lời
Chúa ví như vật dụng gì để cắt tỉa cành nho? 6) Đức Giê-su đã nói
những lời nào để mời gọi các môn đệ “hãy ở lại trong”hay “gắn liền
với” Người? 7) Ai ở lại trong Chúa Giê-su và gắn bó với Người thì
sẽ được gì? 8) Câu “Vì không có Thầy anh em chẳng làm gì được” phải
được hiểu như thế nào? 9) Số phận đời đời của những kẻ “không ở lại”
trong Đức Giê-su ra sao? 10) Để lời cầu nguyện được Thiên Chúa chấp
nhận thì chúng ta cần có thái độ thế nào đối với Đức Giê-su? 11)
Các tín hữu phải có nếp sống ra sao để Chúa Cha được tôn vinh? 12)
Cụ thể các tín hữu phải làm gì để phát sinh nhiều hoa trái?
II.SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Thầy là cây nho,
anh em là cành” (Ga 15,5):
2. CÂU CHUYỆN:
1) BÓNG ĐIỆN CHÁY SÁNG NHỜ KẾT HIỆP
VỚI NGUỒN ĐIỆN:
Một Linh Mục sang truyền giáo tại
Phi Châu, sống trong một trung tâm truyền giáo ở một miền quê kém văn minh.
Ngài dựng lên một nhà máy có máy phát điện nhỏ để cung cấp điện cho khu vực nhà
thờ và nhà xứ. Một hôm một người dân bản địa đã tới thăm cha, ông rất bỡ ngỡ
khi thấy cha bật một công tắc nhỏ ở vách tường là các bóng điện treo ở phòng
khách và hành lang đồng loạt cháy sáng. Ông liền xin cha một bóng đèn mang về
nhà và đã được như ý.
Ít ngày sau, vị linh mục có dịp đến
thăm nhà ông. Khi bước vào nhà, ngài rất bỡ ngỡ khi thấy chủ nhà đã dùng một
đoạn giây thừng treo chiếc bóng đèn cha cho giữa trần nhà. Thấy vẻ ngạc nhiên
của cha, ông ta bèn phân bua: “Thưa cha, mấy bóng đèn Cha mới cho hôm trước,
mang về treo lên nhưng không sao cháy sáng được như ở trong nhà cha... Vị linh
mục mỉm cười và đã giải thích cho ông ta hiểu rằng : Chiếc bóng đèn điện chỉ
cháy sáng nếu được nối liền với nguồn điện phát ra từ máy phát điện.
2) MẤT ĐI NIỀM TIN VÀO CHÚA SẼ BỊ BẤT HẠNH:
Văn hào Von-te (Voltaire) là một tín
hữu đã bị mất đức tin để trở thành một nhà vô thần, chuyên viết bài để kich
liệt chống lại niềm tin vào Thiên Chúa và Giáo Hội.
Vào năm 1778, Von-te bị bệnh thổ
huyết. Quá lo sợ trước cái chết, ông đã cho người nhà đi mời một linh mục đến
cho ông xưng tội. Và để cho linh mục tin là ông thật lòng ăn năn trở lại, ông
đã viết sẵn một bản tuyên ngôn mang nội dung như sau:
"Tôi ký tên dưới đây hiện đang mắc bệnh thổ huyết
trầm trọng. Trước đây 4 hôm tôi đã được xưng tội với Linh Mục Gauthier. Nếu
Chúa gọi tôi về trong tuổi 81 này, tôi muốn được chết trong Giáo Hội Công giáo
là nơi tôi ra chào đời. Tôi hy vọng Thiên Chúa nhân từ sẽ tha hết các tội cho
tôi và nếu tôi đã làm gương mù gương xấu thì nay tôi tha thiết xin Chúa bỏ qua
cho tôi". Ký tên vào bản văn đó xong, Voltaire còn thêm mấy dòng nữa như sau: “Cha Gauthier bảo cho tôi biết là có một số
người đã quả quyết rằng: Nếu tôi được khỏi bệnh, tôi sẽ lại chối phắt những
việc mà tôi đã làm khi nguy tử. Tôi xin quả quyết từ nay sẽ không có chuyện
chối bỏ đức tin nữa. Đây là chuyện bịa đặt mà người ta đã từng gán cho nhiều
nhà thông thái và sáng suốt hơn tôi".
Và quả như nhiều người dự đoán, sau
khi khỏe lại, phái tự do tư tưởng và những đồ đệ của Von-te lại đến công kênh
ông đi tới rạp hát, và tại đây ông lại nuốt lời mới tuyên tín để công khai chối
bỏ đức tin vào Chúa và thù nghịch với Hội Thánh.
Sau đó ít ngày, Von-te lại bị thổ
huyết lại. Lần này ông cũng mời linh mục tới nhưng bạn bè của ông đã đến bao
vây không cho linh mục được tiếp xúc với ông. Von-te rất tức giận và không
ngừng nguyền rủa bọn người này. Khi được bạn bè đỡ ngồi dậy, ông đã cắn vào tay
của họ. Thống chế Ri-sơ-li-ơ (Richelieu) chứng kiến cảnh này đã rùng mình ghê
sợ, ông vừa bỏ ra ngoài vừa nói: "Thật là một thảm họa"
Ngày 30/5/1778 Von-te đã chết cách
khốn nạn sau những cơn đau đớn quằn quại và rống lên tuyệt vọng. Đức Tổng Giám
mục Paris đã từ chối không cho ông được củ hành thánh lễ an táng trong nhà thờ.
Von-te chính là cây nho không sinh
trái do mất đức tin vào Thiên Chúa và Hội Thánh.
3) NGỢI KHEN CẢM TẠ CHÚA MỌI LÚC VÀ MỌI NƠI:
Thi sĩ La-mác-tine của Pháp có kể
lại một giai thoại như sau:
“Một hôm, tình cờ đi ngang qua một
khu rừng, tôi nghe thấy có một âm thanh kì lạ: cứ sau một tiếng gõ búa vào đá
là lại có một tiếng cám ơn Chúa! Đến gần nơi phát ra âm thanh, thi sĩ Lamartine
thấy một người thợ đá đang miệt mài làm việc. Cứ mỗi lần gõ búa vào phiến đá,
ông lại thốt lên hai tiếng “Cám ơn Chúa”.
Thi sĩ Lamartine nấn ná hỏi xem người
thợ đá đang làm gì và được ông trả lời:
“Tôi đang tạ ơn Chúa”. Ngạc nhiên về lòng tin của một người mà cuộc sống
quá vất vả lầm than, thi sĩ nói với ông ta:
- Giả như Chúa cho bác sống một cuộc sống sung túc giàu có thì tôi hiểu được lý do tại
sao bác không ngừng thốt lên hai tiếng “Cám ơn Chúa”. Đàng này, Chúa chỉ nghĩ
đến bác có một lần duy nhất, khi tạo dựng nên bác. Sau đó Ngài chỉ ban cho bác
một cây búa, và rồi Ngài không còn ngó ngàng gì đến bác nữa? Thế thì tại sao
bác lại cứ phải luôn miệng cám ơn Ngài?
Nghe vậy, người thợ đá hỏi lại thi
sĩ:
- Ông cho rằng, Thiên Chúa chỉ nghĩ
đến tôi có một lần thôi sao?
- Dĩ nhiên -Thi sĩ Lamartine bèn
thách thức- Chúa chỉ nghĩ đến bác có một lần thôi!
Bấy giờ người thợ đá liền thốt lên
với giọng run run xúc động:
- Tôi nghĩ tôi làm như vậy cũng không
có gì quá đáng cả. Ông hãy nghĩ xem: Tôi chỉ là một con người hèn kém nhưng đã
được Thiên Chúa đoái thương dù chỉ một lần. Như vậy không đủ để tôi suốt đời phải
dâng lời ngợi khen cảm tạ ơn Ngài hay sao? Vâng, cám ơn Chúa, cám ơn Chúa!
Nói xong, người thợ đá bỏ mặc cho
thi sĩ đứng đó và tiếp tục điệp khúc quen thuộc của ông! Vừa đập đá ông vừa nói: “Cám ơn Chúa! Cám ơn Chúa!”.
4) SỐNG KẾT HIỆP VỚI CHÚA NOI GƯƠNG THÁNH NỮ
TÊ-RÊ-SA:
Thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng
Giê-su, sinh năm 1873 tại A-lăng-sông (Alancon) nước Pháp. Ngay từ năm 15
tuổi, Tê-rê-sa đã được đặc ân gia nhập vào dòng kín Các-men. Chín năm
sau, tức năm 1897, chị Tê-rê-sa đã an nghỉ trong Chúa do bị bệnh lao
phổi. Thế mà, ngay sau khi qua đời, tiếng thơm nhân đức của chị đã vang
đi khắp nơi. Rồi đến năm 1925, nghĩa là chỉ sau 28 năm, Tê-rê-sa đã được
Đức Pi-ô XI phong lên bậc hiển thánh và được đặt làm bổn mạng các
xứ truyền giáo, ngang hàng với thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê. Mới đây, Đức
Gio-an Phao-lô Đệ Nhị lại phong Tê-rê-sa lên hàng tiến sĩ, là thày dạy
của Hội Thánh.
Đọc tiểu sử của thánh nữ, ta
thấy Tê-rê-sa không phải vất vả đi khắp nơi rao giảng Lời Chúa cho dân
chúng và đương đầu với bè lạc giáo như thánh phụ Đa-minh; Không sống đời
khắc khổ, ăn chay đánh tội như thánh Phan-xi-cô Khó Khăn; Không phải bỏ
quê hương đến những vùng xa xôi truyền giáo như thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê
; Không để lại nhiều tác phẩm có giá trị triết lý và thần học như
thánh Tô-ma A-qui-nô ; Không làm nhiều phép lạ giúp đỡ những người
nghèo khổ bất hạnh như thánh Mác-tin Po-rê; Không chịu cực hình đau
khổ để làm chứng cho Chúa như các thánh tử đạo Việt Nam... Thế nhưng
tại sao Tê-rê-sa lại được Hội Thánh tôn vinh là đại Thánh của thế kỷ
XX và XXI? Thưa chính là nhờ chị có đời sống nội tâm đạo đức, luôn
sống kết hiệp mật thiết với Chúa Giê-su như cành nho kết hiệp mật thiết
với thân cây nho. Nhờ sự kết hiệp đó, dù không làm được những việc
lớn lao bề ngoài, nhưng Tê-rê-sa đã mang lại nhiều ích lợi thiêng liêng
cho Hội Thánh thời đại mới. Nhờ kết hiệp mật thiết với Chúa Giê-su,
mà Tê-rê-sa đã mang lại một sinh lực mới cho Hội Thánh, như lời Chúa
phán: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người
ấy sinh nhiều hoa trái. Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được”
(Ga 15,5).
3. THẢO LUẬN:
1) Cụ thể, bạn nên làm gì để
noi gương thánh nữ Tê-rê-sa “Sống đời thường bằng một cách thức phi
thường”?
2) Trong cuộc sống hằng ngày bạn có
thể kết hiệp với Chúa bằng cách làm một việc tốt kèm theo lời nguyện
tắt: ”Lạy Chúa, con làm việc này để thể hiện lòng con yêu mến Chúa”.
Ngoài ra, bạn còn có thể làm gì để kết hiệp với Chúa?
4. SUY NIỆM:
1) ĐIỀU KIỆN ĐỂ CÂY NHO SINH NHIỀU
HOA TRÁI:
Cây nho muốn được sai trái nhiều quả
cần hai điều kiện như sau:
- Cành nho cần kết hiệp mật thiết với thân cây: Nếu cành không liên kết với thân
cây thì dòng nhựa trong thân sẽ không lưu chuyển để nuôi dưỡng cành, giúp cành
trổ sinh hoa trái như lời Chúa phán: ”Thầy là cây nho, anh em là
cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì
người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm
gì được” (Ga 15,5).
- Cành nho cần được cắt tỉa: Nếu chủ vườn cứ để cho cành lá tự do
phát triển, thì cây nho có thể xanh tốt đẹp mắt nhưng sẽ không phát sinh nhiều hoa
trái. Xanh tốt như thế là thất bại vì điều người trồng nho là hoa trái chứ
không phải nhiều cành và lá cây. Muốn cây nho đươc nhiều trái, chủ vườn cần tỉa
bớt cành lá. Việc cắt tỉa này làm cho nhựa cây không bị phân tán, nhưng tập
trung vào các cành chính để chúng có khả năng sinh nhiều hoa ngon trái ngọt.
2) ĐIỀU KIỆN ĐỂ CÁC TÍN HỮU PHÁT SINH VIỆC LÀNH:
Các tín hữu muốn được sống dồi dào
và phát sinh nhiều việc bác ái thì cần hai điều kiện:
- Một là phải kết hiệp mật thiết với Chúa Giê-su: Như Người đã nói với các môn đệ “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại
trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái”(Ga 14,5). Tin mừng
Gio-an 9 lần đã viết “ở lại trong”. Qua đó cho thấy đây là điều kiện
không thể thiếu, nếu muốn đức tin phát sinh nhiều hoa trái như lời Chúa phán:
”Không có Thầy, các con không thể làm được gì”(Ga 14,5).
Thực vậy: Đức Giê-su chính là nguồn
sống của các tín hữu chúng ta. Tách lìa Người, chúng ta không thể sống, càng
không thể phát triển được. Người là nguồn ân sủng thấm nhập vào lòng chúng ta,
uốn nắn tình cảm, củng cố ý chí, phát sinh những hoa trái thiêng liêng trong tư
tưởng, lời nói, việc làm của chúng ta. Nhờ kết hiệp mật thiết với Chúa, chúng ta
sẽ suy nghĩ nói năng và hành đông giống như Người.
- Hai là phải chịu cắt tỉa khi chịu các đau khổ thử thách: Cành nho muốn sai trái phải được tỉa
bớt những cành lá rườm rà. Cũng vậy, linh hồn cũng cần được cắt tỉa nhưng gì ngãng
trở ơn Chúa như:
+ Cắt tỉa đi những ý riêng của ta để
chỉ đi tìm thánh ý Chúa.
+ Cắt tỉa những thói hư và lối sống
đạo hình thức để được kết hiệp mật thiết với Chúa.
+ Cắt tỉa những thái độ phô trương
quyền lực để biết ăn ở hiền hòa và khiêm hạ.
+ Khi sẵn sàng chấp nhận bị cắt tỉa
qua những thất bại gặp phải, những phê bình chỉ trích của tha nhân, những nghi
kỵ hiểu lầm của người khác… Chúa sẽ mài dũa chúng ta nên trưởng thành hơn, sẽ giúp
chúng ta học tập các đức tính tốt.
Việc cắt tỉa tuy có làm chúng ta đau
khổ, nhưng “thuốc đắng dã tật”: chúng sẽ đem lại cho chúng ta những ơn ích thiêng
liêng vô cùng lớn lao.
3) GƯƠNG SỐNG TÌNH “MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI” CÚA ĐỨC GIÊ-SU:
- Chính Đức Giê-su
luôn cầu nguyện kết hiệp với Chúa Cha: Khi chịu phép rửa (x. Lc 3,21);
Trước khi chọn các môn đệ (x. Lc 6,12); Trước khi biến hình (x. Lc 9,28); Trước
khi chữa bệnh (x. Lc 5,16); Trước cuộc khổ nạn (x. Lc 22,34-46); Trong bữa Tiệc
Ly, trong đêm bị nôp và trên cây thập giá (x. Lc 23,34.46)...
- Người còn sẵn
sàng chịu cắt tỉa khi: Bỏ ý riêng để vâng theo ý Cha: "Lạy Cha, nếu
Cha muốn, xin Cha cất chén này xa con. Nhưng xin đừng theo ý con, một theo ý
Cha" (Lc 22,42).
4) HIỆP THÔNG VỚI
CHÚA CHA VÀ CHẤP NHẬN CHỊU ĐAU KHỔ:
Ngày nay thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng
Giê-su đã khám phá ra “Con Đường Thơ Ấu Thiêng Liêng”, là sống Đức Ái noi
theo lời dạy và gương lành của Đức Giê-su, để giúp chúng ta nên thánh. Thánh
nữ đã viết về con đường này như sau:
“Đức Ái đã cho tôi thấy chìa khóa về ơn gọi của
tôi. Tôi hiểu rằng: nếu Hội Thánh là một thân thể gồm nhiều chi thể,
thì các chi thể đương nhiên phải có một chi trọng yếu hơn. Đó là
trái tim luôn cháy lửa yêu mến. Chỉ có lòng mến mới thúc bách mọi
thành viên trong Hội Thánh hăng hái hoạt động. Nếu ngọn lửa mến đó
tắt đi thì các tông đồ không còn rao giảng Tin mừng, các vị tử đạo
sẽ không hy sinh đổ máu. Tôi hiểu lòng mến bao trùm mọi ơn gọi khác,
bao quát mọi không gian và thời gian. Tóm lại lòng mến là vĩnh
cửu”.
Cụ thể con đường Thơ Ấu Thiêng Liêng
được tóm lại giúp chúng ta dễ thực hành như sau:
- Quyết tâm sống câu châm ngôn: “Sống đời thường
bằng một cách thức phi thường”.
- Tận hiến toàn thân để làm vinh danh Chúa và
phục vụ tha nhân.
- Luôn tin yêu phó thác mọi sự trong tay Chúa quan
phòng, như con thơ tin cậy phó thác ngủ yên trong vòng tay bà mẹ.
- Sẵn sàng đón nhận những đau khổ gặp phải do hiểu
lầm hay khinh dể của tha nhân, như những món quà Chúa gởi giúp ta thanh
luyện hầu ngày càng nên tốt lành thánh thiện hơn.
5. CẦU NGUYỆN:
“Ôi Giê-su là Tình Yêu của con.
Con đã khám phá ra ơn gọi của con là Sống Tình Yêu! Con đã tìm ra
chỗ đứng của con trong lòng Hội Thánh là Mẹ của con mà Chúa đã ban
cho con. Con sẽ là Tình Yêu, và như vậy con sẽ là tất cả...” (Lời nguyện của thánh nữ Tê-rê-sa).
X. HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A. - Đ. XIN
CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH - HHTM