CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH
Tình yêu Thiên Chúa quy tụ muôn người thành một vương
quốc
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Cv 10:25-26, 34-35, 44-48; 1 Ga 4:7-10;
Ga 15:9-17)
Qua mầu
nhiệm Phục Sinh, Thiên Chúa mở ra một chân trời mới là việc Người quy tụ muôn
dân thành vương quốc của Tin Mừng. Thiên Chúa cũng muốn mọi người trong vương quốc
liên kết với nhau trong cùng một niềm tin vào Đức Ki-tô phục sinh. Vậy yếu tố nào quy tụ họ lại với nhau? Chính là Thánh Thần, tình yêu của Thiên
Chúa. Bài đọc 1 nhấn mạnh đến việc
“Thiên Chúa không thiên vị người nào”. Nếu
Thiên Chúa đã ban Thánh Thần cho những người dân ngoại đến lãnh nhận ơn cứu độ
như những người thuộc gia đình ông Co-nê-li-ô, thì điều này chứng tỏ là Người
muốn vương quốc của Người phải mang tính phổ quát. Thánh Gio-an tông đồ suy nghĩ về tính phổ
quát này và nhận ra chính tình yêu Thiên Chúa đã quy tụ dân Do-thái cùng dân
ngoại vào trong cùng một kế hoạch cứu độ của Người. Sau cùng, Chúa Giê-su đã trình bày hiến pháp
của vương quốc Người là sống yêu thương theo gương của Người.
1. Thiên Chúa không thiên vị người nào… Hễ ai
kính sợ Chúa và ăn ngay ở lành cũng đều được Người tiếp nhận. Đó là điều thánh Phê-rô khẳng định khi ngài
giảng Tin Mừng cho ông Co-nê-li-ô và người nhà của ông. Câu chuyện thánh Phê-rô
rao giảng Tin Mừng và rửa tội cho gia đình ông Co-nê-li-ô là biến cố quan trọng
đánh dấu một hướng đi mới của lịch sự Giáo Hội Đức Ki-tô. Sau khi Chúa Giê-su lên trời, việc rao giảng
Tin Mừng thường giới hạn tại Giê-ru-sa-lem và những nơi lân cận. Nhưng khi cơn bách hại Giáo Hội tới hồi quyết
liệt, các tông đồ và tín hữu phải chạy trốn đi khắp nơi, vô tình đem Tin Mừng đến
những nơi họ trốn tránh và đạo Chúa được quảng bá rộng rãi. Tuy nhiên, kế hoạch phát triển vương quốc Đức
Ki-tô đã được Thiên Chúa sắp đặt rồi.
Thánh Phê-rô, trong một thị kiến tại Gia-phô, được Thiên Chúa sai tới
Xê-da-rê để rao giảng cho gia đình ông Co-nê-li-ô. Vậy ông Co-nê-li-ô là ai? “Ở Xê-da-rê có một người tên là
Co-nê-li-ô làm đại đội trưởng thuộc cơ đội gọi là cơ đội I-ta-li-a. Ông
là người đạo đức và kính sợ Thiên Chúa, cũng như cả nhà ông; ông rộng tay cứu
trợ dân và luôn luôn cầu nguyện cùng Thiên Chúa”
(Cv 10:1-2). Chính vì Thiên Chúa không thiên vị ai và vì ông
Co-nê-li-ô “kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành” nên Người đã đón nhận ông và
gia đình ông vào đại gia đình của Người là Giáo Hội.
Đang khi
thánh Phê-rô ca tụng sự công bằng và lòng yêu thương của Thiên Chúa thì Thiên
Chúa đã xác nhận điều ấy bằng cách cho “Thánh Thần ngự xuống trên tất cả những
người đang nghe lời Thiên Chúa”. Thánh
Thần là thần khí của sự thật và tình yêu, do đó lúc này Thánh Thần ngự xuống là
để làm chứng rằng Thiên Chúa không thiên vị ai, nhưng yêu thương và muốn cứu độ
mọi người. Ngoài ra, như thánh Phao-lô vẫn
thường dạy, đó là nhờ Thánh Thần chứng thực và giúp đỡ, chúng ta mới có thể kêu
lên “Áp-ba! Cha ơi!” (Rô-ma 8:15-16),
nghĩa là nhờ Chúa Ki-tô giao hòa và nhờ Chúa Thánh Thần hỗ trợ, chúng ta mới được
làm con cái Thiên Chúa. Dựa trên sự hiện
diện của Thánh Thần, thánh Phê-rô lý luận rằng:
“Thiên Chúa cũng ban Thánh Thần xuống cả trên các dân ngoại nữa”, cho
nên nếu “Những người này đã nhận được Thánh Thần cũng như chúng ta, thì ai có
thể ngăn cản chúng ta lấy nước làm phép rửa cho họ”. Thế là thánh Phê-rô là vị tông đồ đầu tiên đến
rao giảng cho dân ngoại, và gia đình ông Co-nê-li-ô đã là những anh chị em dân
ngoại đầu tiên được đón nhận Tin Mừng và làm phần tử thuộc Giáo Hội phổ quát của
Đức Ki-tô.
2. Hiến pháp của Vương quốc Đức Ki-tô là sống
yêu thương. Thiên Chúa thiết lập
một vương quốc dựa trên mầu nhiệm Đức Ki-tô để giúp mọi công dân của Nước Người
sống sao cho đúng lý tưởng làm con Thiên Chúa.
Vậy Đức Ki-tô là “Trưởng Tử giữa một đàn em đông đúc” (Rô-ma 8:29) và
Vua của vương quốc Tin Mừng đã công bố lý tưởng sống làm con Thiên Chúa như
sau: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu
thương anh em”. Chúa Giê-su có lối giải
thích tình yêu thật tuyệt vời và thực tế.
Người không sử dụng những mỹ từ hoặc lối lý luận của một bài học luân lý
hay đạo đức để bàn về yêu thương. Nhưng
Người dùng lối so sánh mà bất cứ ai đã từng sống với Người hay học theo lối sống
của Người đều hiểu được dễ dàng. Đó là
“Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy”. Chúa Giê-su “sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước
muôn đời”. Vì Người là “Thiên Chúa bởi
Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được
sinh ra mà không phải được tạo thành”, cho nên chúng ta cũng có thể nói Chúa
Giê-su là “tình yêu sinh bởi tình yêu” vì “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Gio-an
4:8). Đây không chỉ là so sánh bình thường,
nhưng Chúa Giê-su muốn đưa chúng ta về cội nguồn tình yêu là Chúa Cha. Do kinh nghiệm bản thân về tình yêu Chúa Cha
dành cho mình, Chúa Giê-su đã yêu thương chúng ta theo đúng cách thức ấy. Khi Chúa Giê-su tuyên bố “không có tình
thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của
mình”, Người muốn chúng ta nghĩ đến tình yêu của Chúa Cha yêu thương chúng
ta. Thiên Chúa đã từng coi A-đam là bạn
hữu của Người. Người cũng coi chúng ta
là bạn hữu của Người, nhất là sau khi Chúa Giê-su đã chết để giao hòa chúng ta
với Thiên Chúa thì chúng ta được phục hồi tình bạn với Thiên Chúa giống như ông
A-đam trước khi ông phạm tội. Vậy ở đây
quả thực Chúa Cha đã hy sinh “tính mạng” của Người khi trao nộp Con Một vì
chúng ta. Chúa Giê-su là Con Một và cũng
là “tính mạng” của Thiên Chúa Cha đấy!
Còn Chúa Giê-su thì cũng vì yêu mến Cha mà sẵn sàng để Cha sai đi và bằng
lòng chịu chết trên thập giá. Chúa Con
đã hy sinh mạng sống vì Chúa Cha đồng thời cũng vì chúng ta nữa!
Sau khi
đưa chúng ta trở về nguồn Tình Yêu là Chúa Cha và cách thức Chúa Cha yêu mến Chúa
Con cũng như yêu mến nhân loại, thì Chúa Giê-su dựa vào đó để đưa ra “Điều răn
mới” làm hiến pháp cho vương quốc của Người.
Người dõng dạc công bố: “Đây là
điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương
nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.
Cách Chúa Giê-su yêu thương chúng ta là Người đã hy sinh tính mạng vì
chúng ta để chứng tỏ tình yêu của Người là cao cả hơn bất cứ tình yêu nào. Rồi để xác nhận tình yêu cao cả Người dành
cho chúng ta, Người quyết định gọi chúng ta là bạn hữu của Người. Tại sao Người muốn gọi chúng ta như vậy? Vì “tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy,
Thầy đã cho anh em biết”. Mạng sống Người,
Người còn không tiếc với chúng ta , thì dĩ nhiên những gì Người nhận lãnh từ
Chúa Cha, Người sẽ chia sẻ với chúng ta.
Cuối
cùng, Chúa Giê-su muốn tình yêu của chúng ta phải là tình yêu “sinh được hoa
trái tồn tại”. Chúng ta hãy nhìn vào những
hoa trái tồn tại và phong phú sinh bởi tình yêu của chính Người mà chúc tụng
Thiên Chúa Cha. Ơn cứu độ, phúc làm con
Thiên Chúa, hồng ân Thánh Thần, các ơn sủng khác và biết bao phúc lành chúng ta
lãnh nhận, tất cả đều là “hoa trái tồn tại” của tình yêu Chúa Giê-su đem lại
cho chúng ta. Chúa Giê-su chọn chúng ta
làm môn đệ Người với mục đích để chúng ta sinh hoa trái cho vương quốc Người và
làm vinh danh Chúa Cha. Vì Người chọn
chúng ta để chúng ta được sống trong tình yêu Chúa và tình yêu anh chị em, nên
hiến pháp yêu thương không còn là luật lệ bó buộc chúng ta nữa, nhưng giúp
chúng ta được bình an và vui mừng trong sự hiệp nhất đời này và đời sau.
Sống sứ điệp Lời
Chúa
Hôm nay
chúng ta được nghe nói nhiều về tình yêu. Trước hết thánh Phê-rô trình bày tình yêu
không thiên vị của Thiên Chúa là lý do để Giáo Hội biểu hiện tính phổ quát mà
quy tụ cả anh chị em dân ngoại vào Giáo Hội Chúa Ki-tô. Còn Chúa Giê-su thì giúp chúng ta chiêm ngưỡng
tình yêu của Chúa Cha và tình yêu của Người qua kế hoạch cứu độ. Để rút ra bài học thực hành, điều thứ nhất là
chúng ta hãy theo hướng dẫn của thánh Gio-an.
Ngài dạy: “Chúng ta hãy yêu
thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa”. Thế nào là “bắt nguồn từ Thiên Chúa”? Thiên Chúa là tình yêu, nên nếu chúng ta “đã
được Thiên Chúa sinh ra” mà chúng ta lại không yêu thương – mến Chúa và yêu người
– thì chúng ta sẽ không còn là con cái Thiên Chúa nữa!
Điều thứ
hai của bài học thực hành là chúng ta hãy sống theo cách Chúa Giê-su giải thích
thế nào là yêu mến. Người giải thích bằng
một từ rất đơn giản được lập đi lập lại trong đoạn Tin Mừng, đó là “ở lại”. Ở lại là “giữ các điều răn cũa Thầy” như “Thầy
đã giữ các điều răn của Cha Thầy”. Mà
“điều răn” không là gì khác ngoài tình yêu.
Như Chúa Cha đã hy sinh “tính mạng” là Chúa Con vì chúng ta và Chúa
Giê-su đã hy sinh tính mạng Người vì chúng ta, thì chúng ta cũng phải hy sinh
“tính mạng” chúng ta vì anh chị em. Dĩ
nhiên tính mạng chúng ta không chỉ là mạng sống thân xác này, nhưng bao gồm biết
bao điều khác nữa mà chúng ta cần phải hy sinh vì anh chị em. Vậy chúng ta hãy nhận ra những gì thuộc “tính
mạng” chúng ta để sẵn sàng theo gương Chúa Giê-su mà hy sinh vì anh chị em.
Lm. Đa-minh Trần
đình Nhi