CHÚA NHẬT 6 PHỤC SINH B

Cv 10,2-26.34-35.44-48 ; 1 Ga 4,7-10 ; Ga 15,9-17

THỰC HÀNH YÊU THƯƠNG CỤ THỂ TRONG CUỘC SỐNG

I.HỌC LỜI CHÚA

1.TIN MỪNG: Ga 15,9-17

(9) Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, thì Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. (10) Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy, và ở lại trong tình thương của Người. (11) Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em, để niềm vui của Thầy ở trong anh em, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn. (12) Đây là điều răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em. (13) Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. (14) Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. (15) Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết.(16) Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại. Hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em. (17) Điều Thầy truyền dạy anh em là: Hãy yêu thương nhau.

2.Ý CHÍNH:

Sau khi trình bày về dụ ngôn cây nho và cành nho ám chỉ liên hệ mật thiết giữa Đức Giê-su với các môn đệ, Đức Giê-su tiếp tục trình bày về sự hiệp thông giữa các môn đệ với nhau. Người ban cho họ một điều răn mới là “phải yêu thương nhau giống như Người đã yêu”. Người coi tình yêu ấy chính là dấu hiệu môn đệ thực sự của Người.

3.CHÚ THÍCH:

- C 9-10): + Chúa Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến anh em: Noi gương Chúa Cha đã yêu Chúa Con (x. Ga 3,35), Đức Giê-su cũng yêu thương các môn đệ bằng một tình yêu vô cùng mật thiết. + Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy: Vâng giữ các giới răn là một cách thế diễn tả tình yêu của các môn đệ đối với Đức Giê-su. Đó cũng là dấu chỉ cho thấy các ông đang “ở lại trong” tình thương của Người. + Như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy: Trong suốt cuộc sống ở trần gian, Đức Giê-su luôn vâng theo Thánh ý Chúa Cha (x. Ga 6,38), đến nỗi bằng lòng chịu chết trên thập giá (x. Pl 2,8). Sự vâng phục các điều Chúa Cha truyền chính là bằng chứng Đức Giê-su luôn ở lại trong tình thương của Người.

- C 11-13: + Để niềm vui của Thầy ở trong anh em, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn: Niềm vui hân hoan của Đức Giê-su có được do luôn làm theo Thánh Ý Chúa Cha. Niềm vui ấy các môn đệ cũng sẽ nhận được, nếu các ông cũng tuân giữ giới răn yêu thương mà Đức Giê-su truyền dạy. + Đây là điều răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em: Các môn đệ phải yêu thương nhau không phải chỉ bằng tình cảm hay là lời nói cử chỉ bề ngoài, nhưng phải thể hiện qua việc dấn thân chịu chết vì anh em, noi gương Đức Giê-su đã yêu thương và nộp mình chịu chết đền tội cho môn đệ. + Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình: Tình thương thực sự đòi sự hy sinh và cho đi. Món quà trao tặng càng có giá trị thì tình yêu càng lớn lao. Sự trao tặng cả mạng sống của mình là dấu hiệu của một tình yêu tột đỉnh. Đức Giê-su đã yêu thương môn đệ đến cùng nên sẵn sàng hy sinh chịu chết thay cho môn đệ. Người cũng đòi họ phải noi gương Người mà hy sinh mạng sống vì anh em (x.1 Ga 3,16; 1 Pr 2,21).

- C 14-15: + Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa nhưng là bạn hữu: Tình bạn dẫn đến hiệp thông về tư tưởng, tâm tình và sự sống. Đức Giê-su đã cư xử với các môn đệ bằng thứ tình bạn này, vì Người đã tỏ cho các ông biết tất cả những gì Người nhận được từ nơi Cha.

- C 16-17: + Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em: Ơn gọi làm môn đệ Đức Giê-su không do công trạng hay sự lựa chọn đi theo Người, nhưng là do Người đã kêu gọi và tuyển chọn các ông trước và các ông đã đáp lại bằng sự từ bỏ mọi sự mà theo Người như 4 môn đệ đầu tiên (x. Mt 4,19-21). + Và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại: Chính Đức Giê-su đã huấn luyện và sai các môn đệ ra đi truyền giáo bằng việc rao giảng Tin Mừng Nước Trời và làm chứng cho Người (x. Mt 10,1-10; 28,19; Cv 1,8). Nhờ kết hiệp mật thiết với Đức Giê-su và nhờ Ơn Thánh Thần tác động mà các ông đã đưa được nhiều người gia nhập Hội Thánh (x. Ga 20,22-23; Cv 2,37-41). + Những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em: Những lời cầu xin nhân danh Đức Giê-su chắc sẽ được Chúa Cha chấp nhận. + Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau: Yêu thương nhau là một giới răn mới của Đức Giê-su và là điều quan trọng nhất, nên được Người nhắc đi nhắc lại nhiều lần.

4.CÂU HỎI: 1) Đức Giê-su ban cho môn đệ giới răn mới thế nào? 2) Tình yêu thương môn đệ của Đức Giê-su giống như tình yêu của ai đối với Người? 3) Môn đệ phải đáp lại tình yêu của Đức Giê-su thế nào giống như Người đã yêu mến Chúa Cha? 4) Niềm vui Đức Giê-su có được là do đâu và các môn đệ phải làm gì để cũng có được niềm vui ấy? 5) Đức Giê-su truyền cho các môn đệ phải yêu thương theo cung cách tình yêu của ai? 6) Hai đặc điểm của tình yêu thực sự là gì? 7) Đức Giê-su đã đối xử với môn đệ như bạn hữu thể hiện qua điều gì? 8) Đức Giê-su khẳng định chính Người đã yêu thương kêu gọi và tuyển chọn các môn đệ. Hãy cho biết tên của bốn môn đệ đầu tiên được Đức Giê-su kêu gọi và tuyển chọn là những ai? 9) Đức Giê-su đã ra lệnh cho các môn đệ đi truyền giảng Tin Mừng trong hoàn cảnh nào? 10) Đức Giê-su dạy phải cầu xin nhân danh ai để được Chúa Cha chấp nhận?

II.SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: ”Anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại.  Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi sự, anh em phải có lòng bác ái: Đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3, 12-14).

2. CÂU CHUYỆN: THẾ NÀO LÀ MỘT TÌNH YÊU THỰC SỰ ?

1) TÌNH YÊU THỰC SỰ LÀ NGHĨ TỐT NÓI TỐT VÀ LÀM TỐT CHO NGƯỜI YÊU:

BÃO THÚC tức Bão Thúc Nha người nước Tề, đã cắt cử Quản Trọng một vị tướng giỏi cho Hoàn Công dùng.

Khi Bão Thúc chết, Quản Trọng thương tiếc khóc như mưa, ướt đầm cả vạt áo. Có người hỏi:

– Ông với Bão Thúc không phải là họ hàng thân thích, sao ông lại thương tiếc ông ta quá vậy?

Quản Trọng giải thích:

– Ngươi không rõ ngọn ngành đâu! Để ta nói cho mà nghe. Ta lúc nhỏ khốn khổ, thường buôn bán chung với Bão Thúc :

* Lúc chia lãi, bao giờ ta cũng lấy phần hơn, nhưng Bão Thúc không cho ta là tham, biết ta gặp cảnh túng bấn không biết xoay xở thế nào cho đủ tiền để tiêu dùng nên mới làm thế.

* Ta ở chỗ chợ búa thường hay bị lắm kẻ bắt nạt, Bão Thúc không coi ta là người hèn nhát, nhưng nghĩ ta rộng lượng, không chấp những điều người ta đối xử với mình.

* Ta bàn việc với Bão Thúc, nhiều lúc việc hỏng, Bão Thúc không cho ta là ngu, mà cho việc thành công hay thất bại là do may mắn hay không.

* Ta, ba lần ra làm quan và cả ba lần đều bị bãi nhiệm, Bão Thúc không nghĩ ta chẳng ra gì, mà chỉ nghĩ do ta chưa gặp thời, chưa tìm được vua giỏi.

* Ta ra trận ba lần đều thua cả ba, Bão Thúc không cho ta bất tài, nhưng biết ta còn có mẹ già phải lo phụng dưỡng.

* Ta nhịn nhục thờ vua Hoàn Công, Bão Thúc không cho ta là kẻ vô liêm sỉ, không biết xấu hổ, mà nghĩ ta không nhỏ mọn, nhưng có chí về sau sẽ làm lợi cho cả thiên hạ…

Sinh ra ta là cha mẹ, hiểu biết ta là Bão Thúc. Với người hiểu biết mình, thì đem cả tính mạng ra mà đền đáp còn chưa đủ, phương chi chỉ thương khóc thế này thì có thấm vào đâu! (Thuyết Uyển. Cổ Học Tinh Hoa)

2) TÌNH YÊU THỰC SỰ CỦA BÀ MẸ HY SINH CỨU CON KHỎI CHẾT:

Trong trận động đất sóng thần xảy ra ở Nhật Bản vào tháng năm 2010, khi đội cứu hộ tiếp cận một ngôi nhà của một phụ nữ trẻ, họ trông thấy thi thể bất động của chị qua các khe nứt. Nhưng tư thế của chị như đang quỳ cầu nguyện, toàn thân hướng về phía trước, và hai tay như đang ôm một thứ gì đó. Ngôi nhà đổ nát đã đè lên lưng và đầu của chị. Người đội trưởng cứu hộ đã đưa tay qua khe hở để chạm tới người phụ nữ với hy vọng chị vẫn còn sống. Khi chạm đến làn da lạnh và cơ thể cứng thì ông xác định người phụ nữ này đã chết. Ông tiếp tục tìm kiếm và đã khám phá ra bên dưới thân thể người phụ nữ còn một đứa bé còn sống. Ông la to: ”Một đứa , là một đứa !” Sau đó cả đội cứu hộ đã di dời từng mảnh đổ vỡ của căn nhà chung quanh người chị. Một cậu bé 3 tháng tuổi đã được tìm thấy trong tấm chăn hoa bên dưới thân người mẹ đã chết. Người mẹ đã hy sinh thân mình để cứu đứa con khi căn nhà sụp đổ, chị đã ôm trọn đứa trẻ và đón nhận toàn bộ sức nặng của tòa nhà. Đứa trẻ vẫn ngủ bình yên khi người đội trưởng đưa ra ngoài. Bác sỹ đã nhanh chóng kiểm tra sức khỏe của cậu bé, và đã tìm thấy một chiếc điện thoại trong tấm chăn bông. Một dòng chữ hiện ra trên màn hình: “Nếu con còn sống, con hãy nhớ rằng mẹ luôn yêu thương con.”

3) TÌNH YÊU THỰC SỰ CỦA ANH SẴN SÀNG HIẾN MÁU ĐỂ CỨU SỐNG EM:

Có hai anh em nhà kia, cậu bé trai 8 tuổi và cô em gái của cậu 6 tuổi. Cả hai đều gầy yếu và thường đau ốm luôn. Một hôm cậu bé bị một cơn đau gan cấp tính, được cha mẹ đưa vào cấp cứu tại bệnh viện gần nhà. Sau thời gian hai tuần lễ điều trị, cậu bé đã thoát khỏi tình trạng nguy hiểm và đang nằm viện thêm ít ngày để hồi sức. Nhưng sau đó, lại đến lượt cô em gái bị chứng xuất huyết nội và được mang đi cấp cứu tại cùng một bệnh viện với anh. Cô bé bị mất máu khá nhiều cần được tiếp máu. Thế nhưng bệnh viện lại không có sẵn loại máu của cô để truyền. Rất may là máu của cậu bé lại cùng nhóm máu với cô em. Khi được hỏi có muốn cho máu để cứu sống em gái không, thì lúc đầu cậu bé hơi ngần ngại và lo lắng một chút. Nhưng ngay sau đó, cậu ta đã lấy lại bình tĩnh và trả lời bác sĩ rằng: “Vâng, con bằng lòng hiến máu cho em con. Xin bác sĩ hãy cố gắng cứu sống nó. Vì con thương em con lắm”. Sau đó bác sĩ đã lấy máu của cậu truyền cho cô em. Một lúc khi tỉnh dậy, cậu đã làm cho mọi người trong phòng ngạc nhiên và cười ồ khi nói: “Ô hay! Con vẫn còn sống đấy ư? Vậy bác sĩ đã tiếp máu cho em con chưa? Em con bây giờ ra sao rồi?” Thì ra cậu bé đã tưởng lầm rằng khi chấp nhận hiến máu, là cậu phải cho em tất cả số máu trong người mình! Nhưng vì quá thương em và không muốn em chết, nên sau một lúc ngần ngại, cậu đã quyết định hy sinh chịu chết để cho em cậu được sống!

4) TÌNH YÊU THỰC SỰ KHI VƯỢT QUA HẬN THÙ DÂN TỘC:

Vào năm 2001, chiến tranh giữa Ít-ra-en và Palestine lại bùng phát dữ dội. Hầu như ngày nào cũng có nhiều người chết và bị thương. Số nạn nhân Palestine luôn nhiều hơn bên Ít-ra-en. Tuy nhiên, giữa bầu khí hận thù giữa hai dận tộc này, thỉnh thoảng vẫn loé sáng lên những câu chuyện cảm động như chuyện Tình Yêu không biên giới sau đây:

Ngày 6 tháng 6 năm 2001, các đài phát thanh và truyền hình khắp thế giới đã loan truyền một bản tin đặc biệt: Trong một trận tấn công của quân đội Ít-ra-en, một số người Palestine đã bị giết chết, trong số này có một thanh niên người Palestine. Sau đó gia đình anh đã tình nguyện hiến tất cả các bộ phận trong cơ thể của anh cho các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện. Nhờ đó mà 5 người đã được cứu sống, trong số này có một thanh niên người Ít-ra-en. Anh ta bị suy tim rất nặng đang nằm chờ chết. Nhưng nhờ quả tim của người thanh niên Palestine trên đã bị quân đội Ít-ra-en bắn chết mà anh thanh niên người Ít-ra-en này lại được sống. Khi phóng viên hỏi tại sao lại cho đi trái tim của con trai để cứu sống một người dân Ít-ra-en thù địch, thì ông bố người Palestine đã cho biết: ông chỉ quan tâm cứu mạng bất cứ người nào đang phải đau khổ không cần biết họ là ai. Còn viên bác sĩ làm phẫu thuật ghép tim thì phát biểu: Khi so sánh 2 quả tim của người Palestin và người Ít-ra-en trên tay. Tôi thấy cả hai đều có cấu trúc giống y như nhau và không thể phân biệt đâu là tim của người Palestin, đâu là tim của người Ít-ra-en”.

5) TÌNH YÊU THỰC SỰ CỦA NGƯỜI HY SINH CHẾT THAY CHO NGƯỜI XA LẠ:

"Tôi là một linh mục công giáo Ba-lan, tôi đã già, Tôi muốn được chết thay cho ông này, vì ông còn có vợ con" Lời của cha KÔN-BÊ (Maximilianus MA-RI-A Kolbe) đã nói với viên cai ngục Đức Quốc Xã, trong lúc hắn chọn ra 10 tù nhân phải chết đền tội thay cho một tù nhân mới vượt ngục vào đêm hôm trước. Quyết định của Cha Kônbê đã cứu tù nhân tên là PHĂNG-XIT (Francis) thóat chết, khi ông là người cuối cùng được chọn ra xếp hàng vào hầm chết đói. Sau đó, cha Kôn-bê đã chung số phận với 9 tù nhân kia. Suốt trong những ngày trong ngục tối nhịn đói chờ chết, người ta không nghe thấy những tiếng la hét nguyền rủa quen thuộc phát ra từ hầm này, nhưng thay vào đó là những lời kinh tiếng hát của nhóm tù nhân sắp chết do tác động của cha Kônbê. Câu chuyện tình nguyện chết thay cho người khác của cha Kôn-bê đã cho thấy “Tình yêu mạnh hơn sự chết”. Thực vậy, Chính do tình yêu Chúa và tha nhân thúc bách mà cha Kôn-bê đã không còn sợ chết để tình nguyện chịu chết thay cho một người không quen biết là ông Phăng-sít. Sự tình nguyện chết thay cho người khác của cha Kônbê cũng cho thấy tình yêu của cha thật là cao cả noi gương Chúa Giê-su như lời Người dạy trong Tin mừng Chúa Nhật hôm nay: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình (Ga 15,13).

3. THẢO LUẬN:

1) Sau nhiều năm theo Chúa, bạn đã thực hành giới răn yêu thương tha nhân trong gia đình, khu xóm và môi trường làm việc ra sao?

2) Để sống yêu thương cụ thể, ngoài việc năng đọc Lời Chúa, tham dự thánh lễ, cầu nguyện, bạn cần phải làm gì nữa?

4. SUY NIỆM:

Tin Mừng hôm nay ghi lại lời Chúa Giê-su dạy các môn đệ và các tín hữu chúng ta hôm nay: “Đây là điều răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). Thánh Gio-an cũng viết thư khuyên các tín hữu của ngài: “Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,8). Vậy Thế nào là yêu thương nhau theo lời Chúa dạy ? Tại sao chúng ta phải yêu thương tha nhân ? Tình yêu thực sự đòi phải được thể hiện ra sao trong cuộc sống ? Chúng ta phải làm gì để có thể sống giới răn yêu thương theo gương mẫu và lời dạy của Chúa Giê-su ?

1) Tình yêu thực sự phải bằng việc làm hơn là lời nói:

Loài người ngoài phần trí khôn biết suy nghĩ phải quấy, còn có tình cảm yêu ghét thôi thúc để làm điều tốt và ghét điều xấu, từ đó sẽ dẫn đến việc làm tốt yêu thương phục vụ chia sẻ điều lành và tránh làm điều ác có hại cho tha nhân. Các việc thể hiện tình yêu này đã được Hội Thánh tóm lại trong kinh Thương Người, trong đó có thương xác bảy mối và thương linh hồn bảy mối. Thánh Giacôbê cũng đòi các tín hữu phải yêu thương cụ thể như sau: “Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: "Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no", nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì ?” (Gc 2, 15-16). “Nhờ hành động mà con người nên công chính, chứ không phải nhờ đức tin mà thôi” (Gc 2,24).

2) Tình yêu thực sự là điều kiện để vào Nước Trời: 

Đến ngày tận thế khi đến lần thứ hai để xét xử muôn dân, Vua Thẩm Phán Giê-su sẽ xét xử mọi người sống kẻ chết. Người không xét họ dựa theo các việc đạo đức đọc kinh dự lễ, mà dựa trên các hoa trái từ các việc đạo đức là các hành vi bác ái cụ thể như sau: “Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói các ngươi đã cho ăn. Ta khát các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm”…”Ta bảo thật: Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,34-36.40.45).

3) Tình yêu thực sự là phương thế hữu hiệu để làm chứng cho Chúa:

Ngày nay chúng ta cần ý thức sứ mạng làm chứng cho Chúa như lệnh Chúa truyền cho Hội Thánh trước khi lên trời. Làm chứng cho Chúa chỉ thực sự hiệu quả bằng các việc yêu thương cụ thể như sau:

- Cảm thông và tận tình giúp đỡ những người bệnh tật nghèo khổ bên cạnh.

- Nhẫn nhịn chịu đựng những lời nói xấu của người khác, bỏ qua những lỗi lầm của kẻ khác: “biến việc lớn thành nhỏ, việc nhỏ thành không có gì” để sống hòa thuận với anh em.

- Dấn thân đi bước trước đến với tha nhân bằng việc năng thăm viếng những người khuyết tật, neo đơn, nhà cô nhi, nhà mở, nhà tình thương… để động viên an ủi, chia sẻ cơm bánh tiền bạc… hầu đáp ứng các nhu cầu cấp bách của họ.

- Trao học bổng cho học sinh sinh viên nghèo khó chăm học, mở lớp xóa mù chữ, dạy nghề đơn giản, lập quỹ giúp vốn buôn bán làm ăn nhỏ để giúp người nghèo có phương tiện tự lập và vươn lên…

Đó là một số phương cách thực hành yêu thương cụ thể theo gương mẫu và lời dạy của Chúa Giê-su và Đức MA-RI-A.

4) Cần làm gì cụ thể để sống giới răn yêu thương của Chúa:

Hầu như mọi tín hữu đều đã biết phải thực hành giới răn mến Chúa yêu người để nên môn đệ đích thực của Chúa Giê-su và xứng đáng gia nhập vào Nước Trời. Nhưng khi xét mình, có lẽ chúng ta phải nhận rằng mình chưa thực hành điều răn này được bao nhiêu. Để có thể sống bác ái yêu thương, ngoài việc phải năng dự lễ đọc kinh chúng ta còn phải đọc Lời Chúa và cầu xin ơn trợ lực của Chúa Thánh Thần để có thể tập sống yêu thương tha nhân trong từng việc cụ thể.

Bác ái là một nhân đức nên phải tập thành thói quen tốt từ nhỏ đến lớn và trong suốt cuộc đời. Tâp luyện nghĩa là phải lặp đi lặp lại những việc tốt sao cho thành thói quen tốt, trở thành lối phản xạ tốt bằng lời nói, thái độ, lối ứng xử vị tha, nhân hậu, cảm thông, nhẫn nhịn, hy sinh, khiêm tốn, phục vụ… đối với tha nhân mà không cần phải suy nghĩ… 

Thánh Phan-xi-cô Át-si cũng dạy các tín hữu chúng ta thực hành giới răn mến Chúa yêu người trong Kinh Hòa Bình mà mỗi người cần tâm sự với Chúa mỗi ngày, cần thực tập từng lời kinh như nguyên tắc ứng xử bác ái với tha nhân để loan báo Tin Mừng Tình Thương cho họ:

Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người.

Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa.

Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm.

Để con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng.

Để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu.

Lạy Chúa xin hãy dạy con:

Tìm an ủi người hơn được người ủi an.

Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết.

Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu.

Vì chính khí hiến thân là khi được nhận lãnh.

Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân.

Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ.

Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.

Ôi Thần Linh thánh ái! Xin mở rộng lòng con. Xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí Ơn An Bình.

5. LỜI CẦU:

Lạy Chúa Cha giàu lòng từ bi nhân ái. Xin ban Thánh Thần đến giúp chúng con thực hành giới răn yêu thương của Chúa Giê-su theo gương mẫu và lời dạy của Người. Nhờ quyết tâm sống yêu thương bằng việc thực tập sống nhân bản hằng ngày và việc học sống yêu thương noi gương Chúa làm và lời Người dạy, kèm theo cầu xin ơn Thánh Thần trợ giúp, chúng con mới hy vọng sẽ được Chúa biến đổi để ngày một nên giống Đức Giê-su: Làm con hiếu thảo luôn làm vui lòng Chúa Cha, nên môn đệ đích thực bằng việc thuộc lời Chúa dạy và thực hành bác ái cụ thể, chúng con sẽ ngày một nên hòan thiện hơn, tích cực góp phần loan báo Tin mừng, làm chứng nhân tình thương cùa Chúa trước mặt người đời.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH - HHTM

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm B