Tạ ơn và phó thác cho Thiên Chúa toàn năng

SUY NIỆM THÁNH LỄ TẤT NIÊN 2021

(Is 63 7-9, 1Cr 1, 3-9, Lc 1, 39-55)

Một năm với tháng ngày dần trôi, giờ chúng ta đang sống là thời khắc cuối cùng của năm cũ, giờ phút thật linh thiêng. Chúng ta để lại năm cũ và bước vào năm mới với cả lo âu lẫn lạc quan.

Thế giới đã trải qua một năm biến động do tác động của nhiều yếu tố, trong đó có đại dịch Covid-19 và thiên tai. Covid-19 để lại dấu vết ở khắp nơi trên thế giới, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, làm thay đổi mọi nề nếp sinh hoạt phụng vụ và mục vụ của Giáo hội Công giáo hoàn vũ, đẩy cả nhân loại vào cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có. Chỉ trong vòng một năm, hơn 81 triệu người đã nhiễm bệnh, trong đó hơn 1,75 triệu người tử vong. Con số tiếp tục tăng nhanh mỗi ngày và chưa có dấu hiệu dừng lại. Sự xuất hiện của các biến thể vi rút mới khiến nỗi lo càng thêm lớn.

Ngày 3.11.2020 tại Mỹ diễn ra cuộc bầu cử đầy tranh cãi trong lịch sử. Joe Biden trở thành Tống Thống thứ 46 của Hoa Kỳ. Thế giới với những cạnh tranh chiến lược, xung đột và chia rẽ. Dù có một kẻ thù chung là Covid-19 nhưng không vì thế mà cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn giảm đi trong năm 2020. Thậm chí, đại dịch còn làm cho quan hệ Mỹ - Trung trở nên căng thẳng tới ngưỡng lo ngại Chiến tranh lạnh mới. Biên giới Ấn - Trung bùng nổ cuộc đụng độ gây chết người khiến hai bên điều động lượng lớn binh sĩ và khí tài hạng nặng. Vùng Nagorno-Karabakh năm 2020 trở thành chiến trường đẫm máu giữa Armenia và Azerbaijan. Tung Đông nơm nớp lo sợ về một cuộc chiến tranh nóng khi Mỹ tấn công giết chết tướng Qassem Soleimani, chỉ huy đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran. 

Một năm sắp kết thúc, Hội Thánh là Mẹ chúng ta dạy, khi kết thúc một năm và mỗi ngày, chúng ta phải tự vấn lương tâm, và nhìn lại những gì đã xảy ra để tạ ơn Chúa.

Tạ ơn

Lại một năm sắp đến hồi kết thúc, người kitô hữu chúng ta dựa trên Thánh Kinh thấy thời gian không mang tính tuần hoàn mà là một đường thẳng, thời gian là con đường dẫn đến chung cuộc, nên một năm trôi qua là một bước đi hướng đến sự hoàn tất của lịch sử, đến cứu cánh của nhân loại là hy vọng và vui mừng được gặp Chúa, thì việc tạ ơn này thật là ý nghĩa.

Tạ ơn Chúa vì tất cả những dấu chỉ hào phóng Thiên Chúa thể hiện trong lịch sử nhân loại. Tạ ơn Chúa vì tất cả những gì con người có đều là hồng ân của Chúa. Trong cuộc sống, chúng ta thường quên đi những gì là ân huệ của Chúa. Và để sống tâm tình tạ ơn và phó thác vào Thiên Chúa thật không dễ chút nào!

Đi vào tâm tình tạ ơn, chúng ta nhìn nhận rằng, tội lỗi và yếu đuối đã làm ta xa rời Thiên Chúa Tình Yêu. Dù nhận thức được những điều mình phạm mất lòng Chúa, nhưng với sức con người, chúng ta khó thoát ra vòng xoáy tội lỗi. Chỉ có Chúa mới kéo chúng ta về với Chúa.

Trong giờ phút linh thiêng này, thật là đẹp, khi giờ đây chúng ta đồng thanh hiệp ý với Mẹ Maria hát lên bài ca tạ ơn : Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, vì Người đã và còn đang biểu lộ quyền năng của Ngài… đã và còn đang làm tan rã những kẻ kiêu căng… đã và còn đang hạ xuống người quyền thế… đã và còn đang nâng dậy kẻ khiêm cung… đã và còn đang ban tràn đầy ơn lành cho người đói khát… đã và còn đang đuổi người giàu có ra về tay không… đã và còn đang cứu giúp Israel Dân Người. Ðó là bảy hành động của Thiên Chúa là Chúa của lịch sử cứu độ. Thánh Phaolô nhắn nhủ chúng ta rằng: “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu” (1 Tx 5, 16-18). Cảm tạ Chúa và xin Chúa thứ tha, kèm theo lòng phó thác cho Chúa năm mới sắp tới.

Xin ơn tha thứ

Cũng vào dịp cuối năm, cùng với việc tạ ơn, Đức Thánh Cha Phanxicô còn thức tỉnh con cái mình: “Chúng ta được kêu gọi kiểm điểm xem những thế sự có được thực hiện theo ý Thiên Chúa hay là chúng ta chỉ ưu tiên lắng nghe những dự án của con người, nhiều khi đầy những tư lợi, lòng khao khát quyền lực vô độ và bạo lực vô cớ” (Bài giảng Kinh Chiều cuối năm 2015). Nên chúng ta phải tạ lỗi với Chúa và với mọi người. Tạ lỗi để nói lên lòng sám hối, ăn năn. Tạ lỗi về những điều thiếu sót, điều chưa tốt, chưa chu toàn, hoặc lỗi bác ái với tha nhân. Xin Chúa thương tha thứ những lỗi lầm mà chúng ta đã phạm trong năm qua. Tương lai tùy thuộc ở Chúa, chúng ta phải có tinh thần phó thác.

Sống phó thác

Nhìn lại một năm đã qua, chúng ta thấy các biến cố lần lượt diễn ra. Những ngày cuối năm, ánh sáng của hy vọng đã xuất hiện nơi cuối đường hầm. CNN bình luận, 2020 có thể là năm bạn không muốn nhớ lại, nhưng sẽ là năm bạn không thể quên. Covid -19 là kẻ thù chung của thế giới, trong cuộc chiến với kẻ thù, cả thế giới bước vào cuộc đua phát triển vắc xin trong thời gian ngắn kỷ lục. Ngay lúc này, Nga, Mỹ, châu Âu đã bắt đầu việc tiêm chủng trên quy mô lớn chưa từng có. Với kỳ vọng có được khiên chắn cho con người trước Covid-19, các nước còn bước vào một cuộc đua khốc liệt khác: mua sắm vắc xin. Dù đẩy nhanh tiến độ lẫn công suất nhưng lượng vắc xin chỉ mới đáp ứng được một phần nhu cầu của thế giới.

Thỏa thuận hòa bình Trung Đông được xem là một trong những điểm sáng hiếm hoi của thế giới năm 2020 vừa qua. SpaceX hai lần phóng thành công tàu vũ trụ đưa các phi hành gia NASA lên quỹ đạo. Trung Quốc ghi tên vào lịch sử khi trở thành quốc gia thứ hai (sau Mỹ) cắm cờ trên mặt trăng.

Nhìn qua mọi sự, đến giờ phút này đây, chúng ta phải khẳng định rằng, Thiên Chúa là chủ lịch sử, Ngài hướng dẫn các biến cố nhân loại, đồng thời phó thác vận mệnh tương lai cho Chúa và thưa rằng : Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con được làm người, được làm con Chúa thêm một năm nữa. Xin cho đời chúng con trở thành bài ca tạ ơn Chúa bằng tâm tình sống biết ơn mọi người đang yêu thương giúp đỡ chúng con để danh Chúa được toả sáng. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

 

 

Để Được Hạnh Phúc Hãy Thực Hành Lời Chúa

THÁNH LỄ GIAO THỪA NĂM 2021

(Mt 5, 1-10)

Lẽ đất trời có khởi thuỷ phải có tận cùng, một năm có bắt đầu ắt phải có kết thúc, bắt đầu vào lúc giao thừa, cũng lại kết thúc vào lúc giao thừa. Và đây là giây phút thiêng liêng và tuyệt đẹp, trời đất giao hòa, âm dương đan dệt vào nhau, mỗi người đều cảm thấy như có một cái gì đó thôi thúc, nhưng cũng có một cái gì đó níu kéo lòng ta, chúng ta đang ở vào thời khắc cũ giao lại, mới đón lấy, năm cũ sang năm mới.

Trong giờ phút huyền nhiệm này, mở ra những ngày mới, giúp con người hy vọng, cậy trông và tín thác vào Đấng tác tạo cả đất trời, Đấng ấy là Cứu Chúa của chúng ta. Không gì thích hợp bằng việc chúng ta phải làm trước tiên là hướng tâm hồn lên Chúa là nguồn mạch mọi ơn phúc, để xin Ngài giáng phúc thi ân cho mọi người, mọi nhà, hầu tất cả được sống bình an và yêu thương trong sự quan phòng của Chúa là Đấng Giầu Lòng Thương Xót và thứ tha.

Lời Thánh vịnh 133,3 mới đẹp làm sao : “Cúi xin Đấng tạo thành trời đất, xuống cho đoàn con muôn ngàn phúc cả từ núi thánh Sion” ( Tv 133, 3 ). Lời nguyện dưới đây lôi kéo chúng ta về với Chúa, Đấng là Alpha và Ô Mêga, là Nguyên thủy và là Cùng đích: “Lạy Thiên Chúa là Đấng vô thủy vô chung, là căn nguyên và cùng đích vạn vật, trong giờ phút giao thừa này, chúng con hướng tâm hồn lên Chúa. Cúi xin Chúa rộng ban cho chúng con một năm dồi dào phúc lộc, và đầy lòng hăng hái làm việc lành để tôn vinh danh thánh” (Lời Ca nhập lễ).

Lời Môsê ngỏ với Aaron và các con ông Aaron như sợi dây lôi kéo phúc lành và bình an của Chúa xuống cho dân : “Nguyện Đức Chúa ban phúc lành và gìn giữ anh em ! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em! Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em” (x. Ds 6, 22.27). Chúc như thế là đặt con cái Israel dưới quyền bảo trợ của danh Chúa và Chúa sẽ chúc lành cho chúng. Tác giả Thánh Vịnh nói cho chúng ta biết lý do tại sao phải hướng lòng lên Chúa và van xin Ngài : “Ơn phù hộ tôi đến từ Đức Chúa là Đấng dựng nên cả đất trời” (Tv 120, 1-2). Nếu như khi xưa thánh Phaolô đã khuyên tín hữu Thêxalônica, nay ngài cũng khuyên chúng ta : “Hãy cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh” (1Tx 5,16).

Trước thềm năm mới, mỗi người chúng ta đều mang trong mình những những tâm tư và ước muốn. Ưu tư nhìn lại quá khứ, hy vọng hướng tới tương lại. Vậy giờ đây chúng ta có những tâm tình nào, ước muốn gì, chờ đời gì và nhất là nói gì với Chúa ? Chắc chắn một điều là ai cũng xin Chúa là Đấng vô thủy vô chung, là căn nguyên và cùng đích vạn vật, rộng ban cho một năm mới phúc lộc dồi dào, và lòng hăng hái làm việc lành để tôn vinh Danh Chúa.

Về phương diện con người, điều đầu tiên trong năm mới chúng ta cầu chúc cho nhau đó là chúc được bình an, hạnh phúc, vui vẻ, may mắn, mà người có đạo còn chúc nhau được đầy niềm vui và phúc lành của Thiên Chúa.

Về phía Thiên Chúa, vì Ngài là Thiên Chúa Tình Yêu, Ngài yêu thương con người và hằng mong muốn con người được hạnh phúc, nên Ngài sẵn sàng chúc phúc cho chúng ta, chúng ta hãy tin tưởng vào Ngài. Ngài vui khi nhìn thấy chúng ta mạnh khoẻ, cả về thể xác lẫn tâm hồn. Cha mẹ nào mà không vui khi thấy con cái mình lớn lên, khôn ngoan, khoẻ mạnh? Huống chi là Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên chúng ta, không để chúng ta hư không đời, mà lại sinh ra ta cho ta được làm người…lại cho Ngôi Hai Xuống thế làm người để cứu độ, giải thoát ta khỏi mọi tội lỗi và sự dữ, cứu chúng ta khỏi án phạt đời đời. Lời Chúa trong Thánh lễ Giao thừa minh chứng rõ ràng rằng, Thiên Chúa muốn chúng ta là những người hạnh phúc (x. Mt 5, 1-10).

Năm hết, Tết đến, người ta đều chúc nhau thật nhiều sức khoẻ, bình an, khang an và hạnh phúc trong năm mới. Chúc nhau đong đầy hạnh phúc, xuân sang đắc lộc, gia đình hạnh phúc, vạn sự cát tường… tựu chung lại là cầu mong cho nhau được hạnh phúc. Câu hỏi được đặt ra : Đâu là căn nguyên hạnh phúc của đời người chúng ta ? Chúng ta phải quả quyết rằng : chỉ có Chúa mới là nguồn hạnh phúc của đời chúng ta, là hoan lạc của mọi tâm can, là bình an cho đời tươi thắp sáng.

Ở đầu mỗi câu Tin Mừng (Mt 5, 1-12) vừa nghe là một loạt các từ “phúc”, chúng ta có thể suy diễn rằng, Thiên Chúa là Hạnh Phúc, nên Chúa cũng muốn chúng ta là những người hạnh phúc, những phúc nhân.

Thánh lễ Giao thừa này, Tin Mừng trình bày bài giảng đầu tiên của Chúa Giêsu nói với dân chúng trên ngọn đồi thoai thoải quanh hồ Galilêa. Thánh Mathêu viết: “Khi thấy đám đông, Chúa Giêsu lên núi: Người ngồi xuống và các môn đệ đến gần. Người bắt đầu giảng dạy họ” (Mt 5,1-2). Chúa Giêsu tuyên bố “phúc” cho người có tinh thần nghèo khó, người sầu khổ, người có lòng thương xót, những người đói khát công lý, có lòng trong sạch, những người bị bách hại (x. Mt 5,3-10). Ðây không phải là một ý thức hệ mới, nhưng là một giáo huấn đến từ trên cao và liên hệ tới thân phận con người chúng ta, thân phận mà Chúa đã muốn nhận lấy khi nhập thể, để cứu vớt. Vì thế, “Bài giảng trên núi được gửi đến tất cả mọi người, trong hiện tại và tương lai… và người ta chỉ có thể hiểu và sống bài giảng này trong hành trình theo Chúa Giêsu, đồng hành với Người” (Ðức Giêsu thành Nazareth, tr. 92). Năm Mới khởi đầu, chắc chắn các Mối Phúc là một chương trình sống mới cho chúng ta, để được giải thoát khỏi những giá trị giả dối của trần gian và cởi mở đối với những thiện ích chân thực, hiện tại cũng như tương lai. Thực vậy, khi Thiên Chúa an ủi, thỏa mãn sự đói khát công lý, lau sạch nước mắt của những người sầu khổ, có nghĩa là Thiên Chúa mở Nước Trời, nơi hạnh phúc cho họ.

Trước thềm Năm Mới Tân Sửu, chúng ta hãy khẩn cầu các thánh là những người đã được xem là phúc nhân, đặc biệt xin Mẹ Maria, là ‘Đấng đầy ơn phúc’, giúp con cái Mẹ thoát mọi nguy hiểm xác hồn và trở thành những phúc nhân trong năm mới, nhất là trước tòa Chúa Giêsu Kitô, Con Mẹ đến muôn thủa muôn đời ! Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

 

 

Suy Niệm Mùng Một Tết Con Trâu 2021

 

Anh chị em thân mến,

Năm con Chuột trôi qua, chúng ta đón chào năm con trâu đến, Năm Tân Sửu. Trong 12 con giáp, con trâu là con vật gần gũi nhất với người nông dân, một biểu tượng tuyệt đẹp của nền văn minh nông nghiệp lúa nước.

Trâu là một loài động vật có quan hệ với con người. Có lẽ không người Việt Nam nào không biết đến những câu ca chan chứa tình cảm này: "Trâu ơi ta bảo trâu này - Trâu ra ngoài ruộng cấy cày với ta - Cấy cày vốn nghiệp nông gia - Ta đây trâu đấy ai mà quản công - Bao giờ cây lúa còn bông - Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn".  

Những câu tục ngữ, thành ngữ "Con trâu là đầu cơ nghiệp", "tậu trâu cưới vợ, làm nhà…", "ruộng sâu, trâu nái", "chín đụn mười trâu"… nói lên vị trí, vai trò quan trọng của con trâu đối với người nông dân. Con trâu gắn bó mật thiết với người nông dân. Thủa thiếu thời thì chăn trâu, cắt cỏ giúp đỡ mẹ cha lớn lên điều khiển trâu cày bừa, kéo xe, về già, trẻ trâu trở thành các cụ lại tiếp tục dắt trâu, giúp con cháu.

Chúng ta không thể phủ nhận quá trình lao động bên nhau đã tạo nên quan hệ gắn bó giữa người với trâu. Có những nét tương đồng về số phận, khiến trâu và người trở thành bạn thân thiết. Con trâu hiền lành chăm chỉ, vất vả một nắng hai sương "làm không kịp thở, ăn chẳng kịp nhai" như người, trâu cũng thật thà, chất phác, chịu thiệt thòi do "trâu chậm uống nước đục". Trâu cũng vững chãi, mạnh mẽ như người, người có sức khỏe được ví "khỏe như trâu". Ai đó nói "đàn gẩy tai trâu" ý muốn nói trâu vô cảm là chưa đúng, trâu cũng thông minh, "tinh quái" ra phết, biết "sáng tai họ, điếc tai cày", biết được thái độ của chủ mà xử trí. 

Trâu cũng là con vật tình nghĩa, thủy chung, xa cách nhiều năm vẫn nhớ chủ, đi xa vẫn nhớ đường về : “Lạc đường theo chó, lạc ngõ theo trâu”. Bản tính hiền lành, song trâu cũng là một loài vật dũng mãnh, thiện chiến, không dễ bắt nạt. Câu chuyện "Trâu đoàn kết giết hổ" là một bài học về tinh thần đoàn kết chống lại kẻ thù. Giai thoại dân gian cũng kể rằng cậu bé Đinh Bộ Lĩnh thuở nhỏ chăn trâu đã lấy cờ lau tập trận, sau thành Vạn Thắng Vương lẫy lừng. 

Trâu trong Kinh Thánh

Mừng Năm Tân Sửu, chúng ta tìm hiểu xem trong Kinh Thánh đã nói đến con Trâu như thế nào.

Trước hết, con trâu đã được Thiên Chúa dựng nên: ““Kìa con trâu nước mà Ta đã dựng nên nó như dựng nên ngươi” (G 40,10-19). Trâu tượng trưng cho sức mạnh : “Thiên Chúa đã đưa chúng ra khỏi Ai cập, Người là sức mạnh của chúng tựa sừng trâu” (Ds 23, 22); Tác giả vịnh gian than vãn cầu xin Chúa cứu khi lâm nạn : “Xin cứu mạng khỏi sa lưỡi kiếm, Gỡ thân con thoát miệng chó rừng, Khỏi nanh sư tử hãi hùng, Phận hèn khốn khổ thoát sừng trâu điên” (Tv 22,20-22). Trâu được kẻ vào loài không thanh sạch (x. Lv 11,3); “Đây là những thú vật các ngươi được ăn: bò, cừu, dê, nai, hươu, hoẵng, sơn dương, linh dương, trâu rừng” (Đnl 14,4-5).

Amốt dùng hình ảnh trâu cày nơi thôn quê để thức tỉnh dân Chúa: “Người ta đem trâu bò đi cày ngoài biển sao? Thế mà các ngươi đã biến lẽ phải thành thuốc độc, đổi công lý nên ngải đắng!” (Am 6,12).

Hãy nghe Sách Ông Gióp nói về con trâu : “Liệu trâu rừng có muốn phục vụ ngươi, có chịu ngươi nhốt nó qua đêm bên máng cỏ nhà ngươi? (G 39,9). Liệu ngươi có đặt được ách vào cổ trâu rừng mà bắt nó kéo cày, và liệu nó có chịu theo ngươi đi cày bừa dưới thung lũng? (G 39,10). Ngươi có thể tin vào sức trâu rừng khoẻ mạnh mà giao cho nó những công việc nặng nề được không? (G 39, 11). Ngươi có thể nghĩ rằng trâu rừng sẽ trở lại và đem lúa về sân phơi của ngươi chăng?” (G 39,12).

 

Bài học từ năm con trâu

Có người cho rằng trong thời đại 4.0, hình ảnh con trâu kềnh càng, chậm chạp không còn phù hợp. Thời đại mới, tất cả đều nhanh chóng, “siêu tốc”, “phi mã”, gọn nhẹ, tinh xảo hơn…Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển nóng, thiếu kiểm soát, chạy theo những giá trị vật chất trước mắt đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về văn hóa, xã hội, môi trường…đe dọa sự phát triển bền vững, thậm chí dự báo những thảm họa. Vì vậy, biểu tượng con trâu rất thích hợp với xu hướng phát triển “chậm mà chắc”, coi trọng những giá trị tinh thần làm nền tảng của đạo đức xã hội như : hiền lành, hài hòa, chất phác, chăm chỉ, cần cù lao động, tình nghĩa thủy chung, kiên cường. Gốc có bền, cây mới vươn cao, móng có chắc chắn thì ngôi nhà mới vững chãi được. Dân giàu, nước mạnh; dân yên, nước vững bền. Đó là bài học giản dị, sâu sắc của cha ông mà đôi lúc nhiều người không nhớ. 

Đối với quản lý xã hội, cần lấy dân làm gốc, tôn trọng, phát huy quyền làm chủ của dân, quan tâm đến đời sống của dân, chú trọng đến an sinh xã hội. Từ mấy thế kỉ trước, danh tướng Trần Hưng Đạo trước khi lâm chung đã căn dặn đức vua: “Phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước…”, anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi cũng thiết tha mong mỏi: “Sao cho trong thôn cùng xóm vắng không có một tiếng hờn giận oán sầu”; “việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh”. 

Đối với giáo dục, vì chạy theo thành tích, bằng cấp, không chú trọng thực chất, đào tạo ra những con người thiếu kiến thức căn bản, thiếu kĩ năng nghề nghiệp, lâm vào tình cảnh dở dang, lửng lơ… gây nên nhiều nhức nhối cho xã hội. 

Một số bậc làm cha làm mẹ chỉ lo đầu tư cho con học cho giỏi, vào trường chuyên, lớp chọn, đỗ vào các trường đại học danh giá, tìm kiếm những việc làm nhàn hạ, thu nhập cao, dạy cho con những cách ứng xử vừa lòng cấp trên, lo vun vén cho cá nhân…mà coi nhẹ giáo dục cho con cái lòng trung thực, tình yêu lao động, lòng nhân ái, khoan dung, hiệp nghĩa. Nhà trường thì chú trọng việc dạy chữ, mà coi nhẹ dạy người.  Nghĩa là chúng ta đang rời xa “văn hóa Trâu” xích gần hơn “văn hóa Cáo”, lo ngọn quên gốc, một nguy cơ của đạo đức xã hội. Như thế có gì là hay, là khôn ngoan. 

Nhiều người mải mê kiếm tiền, đến khi ngoảnh nhìn lại, trong tay có tất cả nhưng lại than thở không biết hạnh phúc là gì. Khi coi việc kiếm tiền là mục đích sống, con người đã tự chuốc lấy bi kịch. Khi luôn phải bận rộn toan tính, tìm cách "khôn ngoan", sống "lá mặt lá trái" không tin tưởng, chân thành với mọi người thì không thể có hạnh phúc. Hẳn mọi người còn nhớ bi kịch của chàng Đông Ki-sốt, bi kịch của lòng hiệp nghĩa, của lòng tốt, sự trung thực trở nên cô độc, buồn cười trong một xã hội quá khôn ngoan, tỉnh táo. 

Hy vọng rằng năm Tân Sửu 2021, tinh thần “văn hóa Trâu” với những phẩm chất tốt đẹp của đạo lý truyền thống dân tộc sẽ được phục hưng. Chúc mọi người Năm Mới nhiều sức khỏe, khang an, thịnh vượng, phát đạt, thăng tiến về tinh thần cũng như vật chất nhờ hồng ân Thiên Chúa tặng ban. Amen.

 

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

 

Nhớ Cầu Cho Bậc Tổ Tiên

SUY NIỆM LỄ MÙNG HAI TẾT 2021

 

Theo tập tục vẫn có từ đời cha Đắc Lộ, để thánh hóa ba ngày Tết Nguyên Đán, Hội Thánh đã chỉ định Ngày Mồng Một Tết, là Ngày cầu cho thế giới được hòa bình, cho quốc thái dân an, cho gia đình ấm êm hạnh phúc. Hôm nay Ngày Mồng Hai Tếtngày kính nhớ tổ tiên ông bà, cha mẹ, theo tinh thần của Đạo Hiếu, hướng chúng ta về với cội nguồn là những đấng cộng tác với Thiên Chúa để sinh thành, dưỡng dục chúng ta thành người. 

Ý tưởng của Lời ca nhập lễ : “Nhớ cầu cho bậc tổ tiên, khắc ghi công đức một niềm tri ân. Phúc thay kẻ nhắm mắt lìa đời, đã lìa đời trong ơn nghĩa Chúa. Trải qua bao nhọc nhằn vất vả, giờ đây họ xứng đáng nghỉ ngơi. Vì công đức xưa kia vẫn còn theo họ mãi”. Lời nguyện tiến lễ mới đẹp làm sao : “Cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận mà tuôn đổ hồng ân xuống trên tổ tiên và ông bà cha mẹ chúng con, để chúng con cũng được thừa hưởng phúc ấm của các ngài”.

Chúa truyền phải thảo cha kính mẹ

Thụ ơn ắt phải báo đền, mẹ cha là hình ảnh của Thiên Chúa: ngoài việc sinh thành, dưỡng dục, các ngài còn là người đại diện Chúa, là hình ảnh của Thiên Chúa tình thương hằng bao bọc, che chở và nuôi dưỡng chúng ta nên người. Chính trong bậc sống gia đình, cha mẹ được Thiên Chúa mời gọi để cộng tác vào chương trình tạo dựng của Ngài, để cho ra đời những người con, mang hình ảnh Chúa, và tô điểm thêm cho trái đất nhiều người ca ngợi và kính sợ Chúa. Vì thế, bổn phận của cháu con, ngoài việc phụng dưỡng, giúp đỡ cha mẹ khi già yếu, còn phải hằng ngày cầu nguyện cho cha mẹ: luôn sống xứng bậc mình, sẵn sàng hy sinh để nuôi dưỡng và giáo dục cho tròn bổn phận mình. Thiên Chúa dạy chúng ta: “Hãy thảo kính cha mẹ” (Mc.7, 8-13). Phụng dưỡng mẹ cha theo đúng lời Chúa truyền dạy, chớ dựa vào: “truyền thống của cha ông mà hủy bỏ lời Thiên Chúa” (Mt 13, 6).

Ơn phúc đến từ việc tôn kính mẹ cha

Nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục, tất cả chúng ta đều phải biết sống hiếu thảo, vâng lời, giúp đỡ cha mẹ lúc sinh thời cũng như khi đã khuất bóng. Việc “đền ơn đáp nghĩa” là một nghĩa vụ thiêng liêng và cũng là bổn phận của kẻ làm con. Ai thực hành Lời Chúa dạy sẽ được Chúa ban dư tràn phúc lành.

 Ước muốn sống lâu, sống hạnh phúc trên địa cầu này là lời cầu chúc trên cửa miệng của chúng ta trong ngày đầu năm mới, bởi ai cũng mơ sống hạnh phúc, khang an và trường thọ. Chúa dạy : “Ai thảo kính cha sẽ được sống lâu dài” (Hc 3,6). Thánh Phaolô Tông đồ khuyên chúng ta “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ, theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: Để ngươi được hạnh phúc và trường thọ trên mặt đất này” (Ep 6,1).

Ngoài việc sống vui sống hạnh phúc, kẻ tôn kính mẹ cha còn được tha thứ tội lỗi : “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm” (Hc 3,2). Được nhận lời khi cầu xin: “Ai hiếu thảo với cha mẹ, khi cầu xin họ sẽ được lắng nghe” (Hc 3,5b). Được con cái báo đền : “Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái” (Hc 3,5a). Vì “Sóng trước đổ đâu, sóng sau theo đấy”. Người bất hiếu với cha mẹ sẽ bị con cái đối xử tàn tệ hơn. Người có hiếu với cha mẹ cũng sẽ được con cái đối xử tốt đẹp. Được ơn lành tích trữ trong kho tang : “Ai kính mẹ thì tích trữ kho báu” (Hc 3,4).

Phận làm con cho tròn chứ Hiều

Thật phù hợp với đạo lý dân tộc Việt Nam, chiếc bánh chưng, một sản phẩm cổ truyền, một chứng tích của đạo lý, chúng ta làm để ăn ngày Tết nhắc nhớ chúng ta mang nặng nghĩa mẹ tình cha. Bởi Lang Liêu, vị hoàng tử thứ mười tám, con người hiền lành, hiếu thảo đã dâng lên vua cha thứ bánh chưng tượng trưng cho đất, bánh dầy tượng trưng cho trời, nhân bánh tựa công ơn sinh thành của cha mẹ; với ý nghĩa xem công cha nghĩa mẹ to lớn như trời cao đất rộng, che chở cho con cái sống an vui giữa đời.

Vì cha nên mới có mình,

Mẹ cha đối đáp công trình biết bao

Ơn này sánh với trời cao

Trong lòng con dám lúc nào lãng quên

Ngày Tết, cầm bánh chưng lên ăn, làm chúng ta nhớ đến tổ tiên để tỏ lòng hiếu thảo như: thăm viếng, chúc tết, giúp đỡ là một lẽ, chúng ta còn phải xin lễ cầu nguyện cho những người đã khuất. Tất cả đều là những nghĩa cử cần thiết, không thể thiếu được.

Cây có cội, nước có nguồn, con người có tổ có tông: có cha có mẹ, có ông có bà”. Ai trong chúng ta cũng đều thuộc nằm lòng những câu ca dao tục ngữ của người xưa răn dạy về đạo hiếu đối với mẹ cha.

Tôn kính

Công cha nghĩa mẹ cao dày,

Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ.

Nuôi con khó nhọc đến giờ,

Trưởng thành con phải biết kính thờ song thân.”

Phụng dưỡng

Còn nữa, phận làm con đối với cha mẹ:

“Khi ấm lạnh ta hầu săn sóc

Xem cháo cơm thay thế mọi bề

Ra vào thăm hỏi từng khi

Người đà vô sự ta thì an tâm.”

                      (Nguyễn Trãi, Gia Huấn Ca)

Vâng lời

Dạy sao cho được con hiền

Để cho cha mẹ khỏi phiền về con

Một niềm phép tắc nết na

Biết sống biết kính mới là khôn ngoan

Có một số người, không biết sống đạo gì mà lại đối xử nhất trọng nhất khinh. Bởi vì đối với người Việt Nam, tương quan với họ hàng gia tộc là điều quan trọng. Lấy vợ, lấy chồng không chỉ là lấy một người mà “lấy” cả họ hàng nhà chồng, nhà vợ. Cách cư xử với họ hàng bên chồng hay bên vợ không chỉ liên quan đến bản thân mà còn liên quan đến cả họ hàng bên mình.

Trong tác phẩm “Gia Huấn Ca” Nguyễn Trãi đã đề cao đạo đức, và chữ hiếu được nhấn mạnh rất rõ:

“Dù nội ngoại bên nào cũng vậy,

Đừng tranh dành bên ấy, bên này,

Cù lao đội đức cao dày,

Phải lo hiếu kính đêm ngày khăng khăng.”

(Nguyễn Trãi, Gia Huấn Ca)

Khi cha mẹ qua đời

Con cái tỏ lòng hiếu kính bằng cách lo an táng chu đáo, cầu nguyện và xin lễ cho cha mẹ. Không những cầu nguyện cho cha mẹ, con cái còn xin cha mẹ cầu nguyện cho mình trước mặt Chúa, như khi còn sống, các ngài vẫn cầu nguyện cho mình.

Hội Thánh Công giáo nhìn nhận đó là một hình thức tốt đẹp để bày tỏ lòng tưởng nhớ công ơn tiền nhân. Hội Thánh khuyến khích các tín hữu phát huy những tinh hoa trong văn hoá dân tộc.

Thực hành chữ hiếu

Trong ngày Mồng Hai Tết năm nay chúng ta hãy nhìn qua lại lòng hiếu thảo của chúng ta đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ để mà yêu mến, biết ơn, vâng lời và giúp đỡ các ngài khi còn sống và đã qua đời. Đồng thời Lời Chúa nhắc cho chúng ta phải thi hành bổn phận thảo hiếu của chúng ta.

Ai mà phụ nghĩa quên công

Thì đeo trăm cánh hoa hồng chẳng thơm. (Ca dao)

Xin Chúa trả công bội hậu đời này và đời sau cho những bậc đã sinh thành dưỡng dục chúng con, và giúp chúng con luôn sống cho phải đạo đối với các Ngài. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

 

Xin Chúa sáng soi cho biết việc phải làm

SUY NIỆM LỄ MÙNG BA TẾT 2021

(Ga 20, 19-31)

Để thánh hóa ba ngày Tết Nguyên Đán, Hội Thánh Việt Nam đã chỉ định Ngày mồng ba Tết, Ngày Cầu Mùa, để xin Chúa chúc lành cho công việc làm ăn được phát đạt.

Sau khi đã vui chơi ăn Tết, đến lúc phải bắt tay vào làm việc. Lời nguyện nhập lễ giao thừa chúng ta cúi xin Chúa rộng ban cho chúng ta một năm mới dồi dào phúc lộc và đầy lòng hăng hái làm việc lành để tôn vinh Danh Thánh.

Thánh Phaolô đã có một kinh nghiệm tuyệt vời khi chia sẻ: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm”(Rm 7,19). Điều này có nghĩa là, chúng ta không thể điều khiển được chính mình, chúng ta không đủ nghị lực để dám chắc mọi điều ta làm đều tốt. Vì thế, Giáo Hội mời gọi chúng ta đọc“Kinh Sáng Soi” để xin Chúa hướng dẫn, nhất là thánh hóa trước khi bắt đầu việc làm trong năm mới. “Cúi xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm, cùng khi làm xin Chúa giúp đỡ cho mỗi kinh mỗi việc chúng con, từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen”.

Lời kinh này chất chứa niềm tin tưởng và lòng cậy trông vững vàng của những người con Chúa.

Quả thật, khi chúng ta  “Xin Chúa sáng soi cho chúng con được biết việc phải làm” là chúng ta khơi lên niềm khát mong được nguồn ánh sáng của Chúa soi dẫn tâm trí, lời nói, việc làm… cho chính bản thân ta và đồng thời xin Chúa thánh hóa. Bởi đã có không ít lần chúng ta bắt đầu làm việc mà không biết phải làm gì hoặc phải bắt đầu từ đâu. Vì thế, khi giục lòng cậy trông xin ơn Chúa soi sáng là ta nhận biết về uy quyền của Thiên Chúa trong đời sống chúng ta suốt năm tháng ngày giờ. 

Thiên Chúa đặt con người làm chủ

Sau khi đã tạo dựng vạn vật muôn loài, Thiên Chúa phán : "Chúng ta hãy dựng nên con người theo hình ảnh giống như Ta, để chúng làm chủ cá biển, chim trời, dã thú khắp mặt đất" (St 1, 26). Thế là "Thiên Chúa lấy bù đất nắn thành con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi và con người trở thành một vật sống . Thiên Chúa lập một vường tại Eđen về phía đông và đặt vào đó con người mà Ngài đã dựng nên" (St 2, …). Việc con người được dựng nên từ bùn đất cho thấy tính chất yếu hèn, mỏng giòn của thân phận. Nhưng Thiên Chúa lại tạo nên con người và ban cho con người hình ảnh Chúa, cho con người được chia sẻ sự sống của Chúa, phú ban cho con người sự sống siêu nhiên và nhiều đặc ân như trí khôn minh mẫn, ý chí hướng thiện, không phải đau khổ và không phải chết và nhất là đặt con người làm chủ công trình Chúa sáng tạo, làm chủ chính mình trong ơn sủng mà Thiên Chúa đã ban cho.

Việc làm trong chương trình của Thiên Chúa

Công ăn việc làm là một phần trong chương trình của Thiên Chúa Sáng Tạo. Trong sách Sáng Thế, đề tài trái đất như là nhà - vườn được trao phó cho con người săn sóc và canh tác (x. St 2,8.15) đã đuợc diễn tả như sau : "Ngày Thiên Chúa làm ra đất và trời, chưa có bụi cây ngoài đồng nào trên mặt đất, chưa có đám cỏ ngoài đồng nào mọc lên, vì Chúa là Thiên Chúa chưa cho mưa xuống đất và không có người để canh tác đất đai, và Người làm trào lên từ đất nước của các con kinh để tưới" (St 2,4b-6). Vẻ đẹp của trái đất và phẩm giá của công ăn việc làm được làm ra để nối kết với nhau. Cả hai song hành cùng nhau: trái đất trở nên xinh đẹp, khi nó được con người canh tác.

Hình ảnh địa đàng, nơi con người là chủ, sống, cày cấy và canh giữ đất đai (x. St 2,4-15), cho thấy con người nguyên thủy sống trong mối hiệp thông thân tình với Thiên Chúa, hài hòa với chính mình, với nhau và với cả vạn vật chung quanh. Trong tình trạng hạnh phúc và công chính nguyên thủy đó, con người làm chủ chính mình, không phải đau khổ và không phải chết. Lao động không là gánh nặng nhưng là sự cộng tác của con người với Thiên Chúa, nhằm kiện toàn chính bản thân và cả công trình tạo dựng của Thiên Chúa.Vì “khi chúng ta làm việc là chúng ta cộng tác với Đấng đang làm việc…bởi vì không có Chúa chúng ta không thể làm được gì” (Thánh Augustino - GL HTCG Số 2001). Ý thức được giá trị ấy, con người phải có nghĩa vụ sinh lời từ những ân phúc do Chúa tặng ban.

Làm gì với nén bạc Chúa trao 

Tin Mừng ngày xin Chúa thánh hóa công ăn việc làm hôm nay thuật lại câu chuyện ba người đầy tớ được ông chủ tin tưởng trao phó tài sản của mình trước khi ông bắt đầu một cuộc hành trình dài. Hai trong số họ đã làm rất tốt công việc của mình, vì họ đã làm sinh lợi gấp đôi cái nhận được. Nhưng người thứ ba thì không: “Người lãnh một nén, thì đi đào lỗ chôn giấu tiền của chủ mình” (Mt 25,18). Anh đào lỗ chôn giấu, vì sợ ông chủ, không biết làm thế nào để sinh hoa lợi. Đây có lẽ là trung tâm của dụ ngôn.

Việc gì đến cũng sẽ đến, chủ trở về, ông gọi các đầy tớ lại để tính sổ những gì ông đã trao phó cho họ. Ông hoanh nghênh hai người đầu tiên, và tỏ sự thất vọng đối với người thứ ba. Trong thực tế, người thứ ba đã sai lầm khi chôn kín số tiền nhận được, anh hành xử như thể sẽ không có ngày anh sẽ bị hỏi về những việc anh đã làm. Với dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta cách sử dụng tốt những gì chúng ta đã được ban tặng.

Ý nghĩa của dụ ngôn này thật rõ ràng. Ông chủ trong dụ ngôn này là Chúa Giêsu, những đầy tớ là chúng ta và những nén bạc là tài sản mà Thiên Chúa đã giao phó cho chúng ta. Khi thông ban cho chúng ta sự sống, Thiên Chúa cũng phú ban cho chúng ta những nén bạc, có thể là khả năng nhiều hay ít. Các nén bạc tượng trưng cho những ơn ban của Chúa để phát triển cá nhân, đạo đức và tôn giáo. Các nén bạc ấy, Ngài đã ủy thác để chúng ta làm cho chúng sinh lời. Cái hố được đào dưới đất bởi người “đầy tớ xấu xa và biếng nhác” (Mt 25, 26). Chúa không yêu cầu chúng ta phải bảo quản ân ban của Ngài trong két sắt! Nhưng mong muốn rằng, chúng ta sử dụng nó để sinh lợi cho tha nhân. 

Những nén bạc không đồng đều, kẻ nhiều người ít. Nhiều hay ít, số lượng không quan trọng. Quan trọng là cách mỗi người làm việc với những nén bạc đó. Chúa chú ý tới cố gắng của mỗi người. Bởi thế, người đã lãnh năm nén và người đã lãnh hai nén mà xử dụng tốt đều được thưởng như nhau, là “vào hưởng sự vui mừng của chủ” (x.Mt 25, 21.23). Bạc Chúa trao cho chúng ta phải ra sức làm việc để sinh lời. Việc sinh lời không hệ tại số lượng nén bạc được gia tăng, mà hệ tại tấm lòng của người tôi tớ, người ấy biết chủ tín nhiệm mình nên để đáp lại anh cũng hết lòng với chủ.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa sáng soi, để chúng ta biết việc phải làm. Đồng thới luôn ý thức về sứ mạng Chúa trao ban là làm chủ, để chúng ta mến yêu lao động, cộng tác vào công trình cứu độ của Chúa.  Chúng ta không làm việc một mình, nhưng có Chúa cùng hoạt động.

Xin Chúa chúc phúc cho công ăn việc làm của chúng con trong suốt cả năm mới này. Amen.

 

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ