LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA

Chúa Giê-su được sai đi để thi hành sứ vụ

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Is 55:1-11;  1 Ga 5:1-9;  Mc 1:7-11)

        Chúng ta biết Giáo Hội mừng lễ Hiển Linh của Chúa Giê-su trong ba biến cố cuộc đời Người:  các nhà chiêm tinh viếng thăm Hài Nhi, Chúa Giê-su chịu phép rửa tại sông Gio-đan và Chúa Giê-su làm phép lạ đầu tiên tại tiệc cưới Ca-na.  Cả ba biến cố đều nhắm mục đích cho chúng ta biết con người và sứ mệnh của Chúa Giê-su.  Hôm nay Giáo Hội mừng biến cố Chúa chịu phép rửa.  Các bài đọc giúp ta hiểu ý nghĩa của biến cố này.  Có lẽ trước tiên chúng ta đi vào chính biến cố để xác tín đây là dịp để Chúa Cha chính thức giới thiệu việc khởi đầu sứ vụ của Chúa Giê-su khi Người phán:  “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (bài Tin Mừng).  Tiếp theo là đoạn sách ngôn sứ I-sai-a nói đến viễn ảnh thế giới nhân loại sẽ thay đổi khi người ta đón nhận Chúa Giê-su và sứ vụ rao giảng của Người (bài đọc 1).  Nhưng đón nhận thế nào?  Thánh tông đồ Gio-an cho ta câu trả lời thực tế:  hãy tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô (bài đọc 2).

        1.  Chúa Cha giới thiệu Chúa Giê-su sẽ khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng.  Thiên Chúa Cha đã tỏ Hài Nhi Giê-su cho trần gian, nhất là cho dân ngoại qua các đạo sĩ từ phương Đông được biết.  Thấm thoắt đã ba mươi năm trời Chúa Giê-su sống ẩn dật tại Na-da-rét.  Giờ đây là lúc Người lên đường thi hành sứ mệnh.  Người được Chúa Cha sai đi trong một nghi thức đơn giản, nhưng không kém phần trọng thể.  Đó là dịp Người đến bờ sông Gio-đan để nhận phép rửa của ông Gio-an Tẩy Giả.  Thánh sử Mác-cô không kể lại chi tiết biến cố này, nhưng ngài nhấn mạnh đến khung cảnh xảy ra sau khi Chúa chịu phép rửa:  Người thấy các tầng trời xé ra và thấy Chúa Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên Người, rồi Người nghe tiếng Chúa Cha phán.  Phải chăng Mác-cô muốn diễn tả Chúa Giê-su là một người giữa nhân loại được Thiên Chúa sai đi?  Đúng vậy, nhưng đây là người Con yêu dấu làm đẹp lòng Thiên Chúa, vì từ nay Người sẽ sống như một mẫu gương triệt để vâng phục Thiên Chúa.  Mác-cô muốn ám chỉ rằng khi thi hành sứ vụ, Chúa Giê-su sẽ chu toàn tất cả kế hoạch cứu độ Chúa Cha trao phó cho Người thực hiện, đến độ Người sẵn sàng chịu chết trên thập giá.  Như thế, Chúa Cha không chỉ giới thiệu người Con bắt đầu thi hành sứ mệnh mà Người còn thấy trước Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô sẽ hoàn tất kế hoạch cứu độ của Người nữa.  Trước đây ngôn sứ I-sai-a đã mô tả niềm ước mong Đấng Cứu Độ của nhân loại:  “Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống” (Is 63:19).  Còn lúc này và ở đây bên sông Gio-đan, chính Đấng Cứu Độ lại thấy các tầng trời xé ra và thấy Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Người.  Phải, Thánh Thần ngự xuống trên Chúa Giê-su để xức dầu tấn phong cho Người.  Lên đường sứ vụ, Người sẽ để cho Thần Khí của Thiên Chúa dẫn dắt mọi tư tưởng, lời nói và hành động của Người luôn theo đúng thánh ý Chúa Cha, xứng đáng là Con yêu dấu của Chúa Cha.  Chúa Giê-su được sai đến với một thế giới nhân loại cần được tái tạo.  Tội lỗi đã làm hư hỏng công trình tạo dựng của Thiên Chúa và giờ đây Người muốn sửa chữa cuộc tạo dựng ấy được tốt đẹp hơn cả trước kia.  Tuy nhiên, Thiên Chúa cũng muốn nhân loại phải tích cực cộng tác với Người trong công cuộc tái tạo này.  Do đó, qua lời ngôn sứ I-sai-a, Thiên Chúa kêu gọi nhân loại hãy đón nhận Đấng Cứu Độ để cùng Người làm một cuộc thay đổi.

        2.  Nếu ta đón nhận sứ vụ của Chúa Giê-su, Người sẽ thay đổi ta.  Giới thiệu con người và sứ mệnh của Chúa Giê-su chưa đủ, Thiên Chúa Cha còn quả quyết cuộc giáng trần của Con Một Người sẽ đem lại kết quả vô cùng tốt đẹp.  Trước hết, Chúa Cha dùng hình ảnh cụ thể mưa rơi và tuyết sa từ trời xuống để nói lên tính hiệu quả của sứ vụ Đức Ki-tô.  Như mưa và tuyết sa xuống từ trời làm cho trái đất phì nhiêu và đâm chồi nảy lộc thế nào, thì Ngôi Lời từ trời xuống thế cũng sẽ hoàn tất sứ mệnh cứu độ như vậy.  Vậy chúng ta hãy nghe ngôn sứ nói về lời Thiên Chúa kêu gọi chúng ta phải đón nhận đấng Cứu Độ và sứ vụ của Người giống như đất đón nhận mưa và tuyết.  Chúng ta khác nào đất khô khát mong mưa và tuyết, nên Chúa phán với ta:  “Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây!”  Chúng ta khao khát được cứu độ thì Chúa ban Đấng Cứu Độ cho ta.  Chúa Giê-su là “lời xuất phát từ miệng Thiên Chúa” hoặc “Trong những ngày sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1:1).  Vì thế, bổn phận chúng ta là chăm chú “lắng nghe” Chúa Giê-su như chính Người đã nghe tiếng Chúa Cha từ trời phán.  Vậy chúng ta sẽ nghe Thiên Chúa nói gì qua Chúa Giê-su?  Người kêu gọi chúng ta “trở về” với Người.  Muốn trở về thì phải “bỏ đường lối mình đang theo” là đường lối tội lỗi, phải “bỏ tư tưởng mình đang có” là tư tưởng của ma quỷ thế gian.  Chúa khẳng định rõ:  tư tưởng và đường lối của chúng ta không phải là tư tưởng và đường lối của Chúa, vì tư tưởng và đường lối của Người thì siêu việt như trời cao, trong khi tư tưởng và đường lối của ta là bất lương.  Mưa và tuyết từ trời rơi xuống thay đổi bộ mặt trái đất thế nào, thì Ngôi Lời Thiên Chúa cũng vậy, “một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó”.  Chúa Cha quả quyết như vậy chứng tỏ Người hết sức mong đợi chúng ta hãy để Chúa Ki-tô biến đổi đời sống chúng ta.

        3.  Đón nhận Chúa Ki-tô là tin và yêu mến Người.  Qua lời giới thiệu Chúa Giê-su và trình bày sứ vụ của Người, Chúa Cha mời gọi chúng ta hãy đón nhận Chúa Giê-su vào đời sống chúng ta, tức là “Hãy nghe lời Người”.  Ngay trong phần giới thiệu sách Tin Mừng, thánh Gio-an đã nêu lên một thực tại đáng buồn: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1:11).  Đón nhận Chúa Giê-su nghĩa là tin vào Người.  Vậy thánh Gio-an diễn tả việc đón nhận này thế nào?  Trước hết ngài định nghĩa thế nào là tin Chúa Giê-su:  “Phàm ai tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, kẻ ấy đã được Thiên Chúa sinh ra”, hay nói khác đi ai tin Chúa Giê-su Ki-tô thì người ấy là con Thiên Chúa, hoặc Thiên Chúa sinh người ấy ra trong đức tin.  Bắt đầu từ chân lý “được Thiên Chúa sinh ra”, thánh Gio-an khai triển bổn phận của người con.  Nếu chúng ta được Thiên Chúa sinh ra thì ta không những phải yêu mến Người là đấng sinh thành, mà còn phải yêu thương cả những người anh chị em khác cũng được Chúa sinh ra nữa.  Quả là một suy luận tuyệt vời liên kết hai điều răn mến Chúa và yêu tha nhân!  Rồi nếu ta yêu mến Chúa thì dĩ nhiên phải tuân giữ các điều răn của Người.  Tiếp theo, việc tuân giữ này chắc chắn giúp chúng ta thắng được thế gian.  Đến đây, thánh Gio-an đưa chúng ta trở về khởi điểm, nghĩa là kẻ thắng được thế gian là kẻ tin vào Chúa Giê-su!  Chúng ta đừng vội chê “ông lão Gio-an” lẩm cẩm nghe!  Lẩm cẩm mà vô cùng sâu sắc đấy.  Nhưng thánh Gio-an nói vòng vo tam quốc để làm gì?  Để bảo chúng ta phải tin vào Chúa Giê-su Ki-tô là “Đấng đã đến, nhờ nước và máu”.  Khó hiểu quá đi thôi!  “Đấng đã đến, nhờ nước và máu” nghĩa là Chúa Giê-su đã đến qua nước rửa tội và máu cứu chuộc của Người đổ ra trên thập giá để hòa giải chúng ta với Thiên Chúa cũng như phục hồi cho ta chức phận làm con cái Thiên Chúa.  Còn thiếu một yếu tố quan trong nữa, đó là Chúa Thánh Thần, Đấng làm chứng cho Chúa Ki-tô và cho chúng ta có đủ tư cách gọi Thiên Chúa là “Áp-ba!  Cha ơi!”  Nếu đã có ba chứng nhân là Chúa Thánh Thần, máu Chúa Giê-su và nước rửa tội để chứng nhận Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô, thì tại sao chúng ta không tin như vậy?  Có lẽ những giải thích này chưa đủ rõ ràng, nên xin các bạn đọc đi đọc lại từng chữ từng dòng đoạn thư của thánh Gio-an, tôi tin là các bạn sẽ thấy rất thú vị!

Sống sứ điệp Lời Chúa

        Để rút ra bài học sống Lời Chúa hôm nay, chúng ta dường như nghe văng vẳng bên tai những lời Chúa Cha phán từ trời với Chúa Giê-su:  “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”.  Lời ấy Chúa Cha cũng phán với từng người chúng ta khi chúng ta được rửa tội và mọi giây phút trong cuộc đời chúng ta.  Vậy ráng lên bạn nhé!  Chúng ta quyết tâm và giúp nhau tất cả trở nên những người con “yêu dấu” của cùng một Cha trên trời, bằng cách kính mến Cha và yêu thương anh chị em mình.

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi                  


Suy Niệm Lời Chúa Năm B