CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN

Tiếng Chúa kêu gọi chúng ta

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (1 Sm 3:3b-10, 19;  1 Cr 6:13c-15a, 17-20;  Ga 1:35-42)

        Nhiều người trong dân Chúa thời Cựu Ước đã được Thiên Chúa kêu gọi để thi hành những sứ vụ đặc biệt.  Thiên Chúa kêu gọi các vị ngôn sứ để đem sứ điệp của Người đến dân chúng là điều thường thấy.  Phụng vụ Lời Chúa tuần trước đã giới thiệu con người và sứ mệnh của Chúa Giê-su khi Người đến chịu phép rửa của ông Gio-an Tẩy Giả.  Chúa Giê-su đã được sai xuống trần, giờ đây Chúa Cha sai Người đi khởi đầu sứ vụ.  Để thi hành sứ vụ, Chúa Giê-su vẫn theo đường lối loài người, nghĩa là qua cách thức tổ chức của trần thế:  kêu gọi và thành lập một nhóm người để cùng với Người “đi gieo Tin Mừng” khắp nơi.  Để giúp chúng ta hiểu việc Thiên Chúa kêu gọi chúng ta như thế nào, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay thuật lại việc Chúa kêu gọi Sa-mu-en trong Đền Thờ (bài đọc 1) và đặc biệt là biến cố Chúa Giê-su kêu gọi các môn đệ đầu tiên (bài Tin Mừng).  Tuy nhiên, với thánh Phao-lô, điều quan trọng nhất đối với Ki-tô hữu là Thiên Chúa kêu gọi chúng ta hãy kết hợp với Đức Ki-tô để “nên một tinh thần với Người” (bài đọc 2).

        1.  Thiên Chúa kêu gọi cậu Sa-mu-en.  Trước khi nghe câu chuyện Chúa gọi Sa-mu-en trong Đền Thờ, có lẽ chúng ta nhìn qua thân thế của Sa-mu-en để dễ nhận ra cách Thiên Chúa kêu gọi thế nào và cậu đáp lời Chúa ra sao.  Bà An-na tuy được chồng là ông En-ca-na hết mực yêu thương, nhưng bà lại không có con và bị bà vợ lẽ của chồng nhục mạ.  Bà lên Đền Thờ khóc lóc cầu xin Chúa ban cho bà một mụn con trai, rồi bà còn hứa “sẽ dâng nó cho Đức Chúa mọi ngày đời nó, và dao cạo sẽ không đụng tới đầu nó” (1 Sm 1:11).  Như vậy cách thức Chúa kêu gọi Sa-mu-en đã manh nha từ trước khi cậu được thành thai trong dạ mẹ.  Sau khi Sa-mu-en ra đời, đáng lẽ em được cha mẹ đem lên Đền Thờ dịp ông En-ca-na dâng lễ thường niên để cảm tạ Chúa, nhưng bà An-na lại muốn đợi đến lúc Sa-mu-en cai sữa xong bà sẽ “dâng luôn” nó cho Chúa.  Sau khi đứa bé cai sữa, bà An-na đích thân đem nó lên Đền Thờ và trao nó cho thầy tư tế Ê-li.  Bà nói:  Đức Chúa đã ban cho tôi điều tôi đã xin Người.  Đến lượt tôi, tôi xin nhượng nó lại cho Đức Chúa. Mọi ngày đời nó, nó sẽ được nhượng cho Đức Chúa" (1 Sm 1:27-28).  Việc bà hiến dâng Sa-mu-en để cậu phụng sự Chúa suốt đời là hành vi đáp lại lời kêu gọi của Thiên Chúa qua một bà mẹ.  Khởi đầu ơn gọi của Sa-mu-en là thế.  Tuy nhiên sẽ tới lúc Chúa đích thân kêu gọi Sa-mu-en, như chúng ta nghe trong bài đọc 1 hôm nay.  Sa-mu-en phụng sự Chúa trong Đền Thờ.  Một đêm kia đang ngủ gần nơi đặt Hòm Bia Thiên Chúa, cậu nghe tiếng gọi.  Cậu thưa dạ và tưởng thầy Ê-li gọi mình.  Thầy nói thầy không gọi và bảo Sa-mu-en về ngủ lại.  Xảy ra ba lần như thế.  Lần thứ ba, Ê-li hiểu là Chúa gọi Sa-mu-en, nên ông dặn cậu nếu nghe tiếng gọi nữa, cậu hãy thưa:  “Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe”.  Và đã xảy ra như vậy.  Ở đây chúng ta nhận thấy vai trò của thầy Ê-li nổi bật không kém.  Ông đã “mớm” cho Sa-mu-en cách đáp trả lời Chúa kêu gọi.  Tuyệt vời nhất, đó là ông dạy cậu thái độ sẵn sàng:  “Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe!”  Sẵn sàng là thái độ cần thiết nhất cho việc đáp trả lời Chúa kêu gọi, một bài học chung cho tất cả chúng ta là những người được Chúa kêu gọi dù ở bất cứ bậc sống nào:  linh mục, tu sĩ, giáo dân, vợ chồng hay độc thân.

        2.  Chúa Giê-su kêu gọi các môn đệ đầu tiên.  Câu chuyện Thiên Chúa kêu gọi Sa-mu-en trong Cựu Ước quả là thích thú, nhưng việc Chúa Giê-su kêu gọi các môn đệ đầu tiên cũng không kém phần linh động và đầy ý nghĩa.  Trong câu chuyện Sa-mu-en, bà An-na giữ vai trò quan trọng cho cuộc đời tận hiến của con trai bà.  Trong biến cố Chúa Giê-su kêu gọi các môn đệ đầu tiên, chúng ta cũng nhận thấy có sự can thiệp của người môi giới.  Trước hết là ông Gio-an Tẩy Giả.  Ông là người danh tiếng nên có nhiều người đến làm môn đệ ông, trong số đó có hai người sẽ nghe lời ông, rời bỏ ông để đi theo Chúa Giê-su.  Thấy Chúa Giê-su xuất hiện, ông đã giới thiệu Người cho nhóm môn đệ ông biết.  Ông nói:  “Đây là Chiên Thiên Chúa”.  Lời giới thiệu không dài dòng, tuy ngắn gọn nhưng nó đòi người ta phải tìm hiểu, phải nhớ lại những điều Kinh Thánh nói về Chiên Thiên Chúa để hiểu được con người và sứ mệnh của Đấng được mệnh danh Chiên Thiên Chúa là ai và làm gì.  Lời giới thiệu đưa hai môn đệ ông Gio-an vào một hành trình mới:  hành trình làm môn đệ Chúa Giê-su.  Vậy khởi đầu hành trình này thế nào?  Về phía hai môn đệ, họ “nghe” thầy Gio-an nói liền “đi theo” Đức Giê-su.  Còn Chúa Giê-su thì “quay lại”, “thấy” họ và “hỏi” họ “tìm gì” thế?  Hành trình quả là một chuỗi những hành vi.  Chắc chắn những “động từ” trên giúp chúng ta hình dung ra được một cuộc tìm kiếm sống động giữa những kẻ đi tìm và Đấng họ tìm kiếm, để rồi tới thời điểm nào đó cả hai bên “gặp” nhau!  Tuy nhiên, ngoài những tìm kiếm bằng cách hỏi han, Chúa Giê-su còn cho hai ông một cơ hội để các ông sống cuộc gặp ấy, bằng cách mời họ đến tận nơi “chỗ Người ở”.  Cảm nghiệm tại “chỗ Người ở” chắc chắn gây ấn tượng mạnh đến nỗi hai ông nhớ được cả ngày giờ:  “Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười”!

        Gương sáng của ông Gio-an Tẩy Giả có sức lan rộng.  Nhờ ông Gio-an Tẩy Giả, hai môn đệ ông đã gặp được “Đấng cao trọng hơn ông” là Chúa Giê-su.  Bây giờ đến lượt một người môn đệ ông, đó là An-rê.  Anh An-rê về nhà khoe với chú em rằng mình đã gặp được Đấng Mê-si-a.  Mặc kệ cho ông em Si-môn thắc mắc không biết Mê-si-a là đấng nào, An-rê thấy tốt nhất là cứ “dẫn em mình đến gặp Đức Giê-su”.  Nói năng giảng giải đâu bằng cứ tạo cho em mình cơ hội để nó tiếp xúc trực tiếp với Chúa Giê-su.  Tới đây, thánh sử Gio-an cho chúng ta một bất ngờ về Chúa Giê-su.  “Đức Giê-su nhìn ông Si-môn và nói:  ‘Anh là Si-môn, con ông Gio-an, anh sẽ được gọi là Kê-pha’”.  Lạ kỳ chưa?  Vừa thấy mặt là đặt tên lập tức!  Ta cứ tưởng tượng khung cảnh này xem.  Chắc là Si-môn há hốc miệng, nói không nên lời, chẳng hiểu tại sao mình lại được Chúa “nhìn” và “bị đổi tên” nhanh chóng như vậy.  Việc này khiến chúng ta phải chú ý đến Đấng kêu gọi hơn là đến người được kêu gọi.  Chúa gọi chúng ta cho một sứ mệnh, mặc dù nhiều khi ta không hiểu sứ mệnh ấy là gì.  Do đó, trước tiên chúng ta phải quảng đại và can đảm thưa “Này con đây” trước đã, rồi cùng với thời gian chúng ta sẽ phó thác và tìm hiểu thêm.  Ơn gọi là một diễn trình người gọi kẻ thưa, chứ không phải là biến cố tức thời xảy ra trong một giây khắc rồi chấm dứt.  Chúng tôi được Chúa kêu gọi làm vợ chồng là để cố gắng “sống” ơn gọi hôn nhân năm này qua năm khác cho đến kết đời.  Cũng vậy, người được Chúa gọi làm linh mục hay tu sĩ cũng phải đáp lại tiếng gọi từng ngày trong cuộc đời tận hiến của mình và cố gắng trung thành với ơn gọi.

        3.  Thiên Chúa kêu gọi mọi người phải kết hợp với Chúa Ki-tô, để “nên một tinh thần với Người”.  Thánh Phao-lô không quên chúng ta là các Ki-tô hữu!  Nếu là Ki-tô hữu thì ở bậc sống nào chúng ta cũng có mẫu số chung, đó là lời Chúa kêu gọi chúng ta hãy tiến tới cùng một mục đích là nên thánh.  “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48).  Vậy nếu muốn nên hoàn thiện như Thiên Chúa ở trên trời thì ta phải nên hoàn thiện như Thiên Chúa ở dưới đất, tức là Chúa Ki-tô, Thiên Chúa nhập thể.  Do đó, ở đây ít ra chúng ta đã có hai định nghĩa thế nào là nên thánh:  nên hoàn thiện như Cha của Đức Ki-tô và nên một tinh thần với chính Đức Ki-tô.  Nhưng chúng ta cần có sự giúp đỡ của Chúa để thực hiện được tiến trình “trở nên” này.  Sự giúp đỡ vô cùng hữu hiệu của Chúa dành cho ta chính là sự hiện diện của Chúa Thánh Thần ngự trong “đền thờ” của Người là thân xác chúng ta.  Vậy là chúng ta có Chúa Giê-su là Thiên Chúa làm người và Chúa Thánh Thần ngự trong thân xác loài người chúng ta, nên việc nên thánh không chỉ là việc trên trời hay việc của Thiên Chúa, mà là của Thiên Chúa và của chúng ta cùng hành động với nhau.  Quả thực lời kêu gọi nên thánh là lời kêu gọi phổ quát và không vượt quá khả năng của mỗi người chúng ta.

Sống sứ điệp Lời Chúa

        Thiên Chúa kêu gọi Sa-mu-en và trao cho ông sứ mệnh làm ngôn sứ cho Người.  Chúa Giê-su kêu gọi các môn đệ để họ làm môn đệ và giúp Người trong sứ mệnh rao giảng Tin Mừng cứu độ.  Còn chúng ta thì sao?  Chúa kêu gọi chúng ta nên thánh và giúp Người biến đổi nhân loại và thế giới này.  Bên cạnh lời kêu gọi nên thánh, Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy tham gia vào công cuộc rao giảng Tin Mừng của Chúa Ki-tô và Giáo Hội để giúp cho Nước Chúa trị đến và ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời.  Những người được Chúa kêu gọi trong Phụng vụ Lời Chúa hôm nay đã hăng say đáp lại tiếng Chúa kêu gọi.  Kể luôn chúng ta nữa chứ?  Mong thay!

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm B