CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN
Lời kêu gọi mở đầu sứ vụ: Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Gn 3:1-5, 10; 1 Cr 7:29-31;
Mc 1:14-20)
Mấy tuần trước đây, chúng ta đã trải qua
những chuẩn bị cần thiết để Chúa Giê-su bắt đầu thi hành sứ vụ: Chúa Cha và ông Gio-an Tẩy Giả giới thiệu
Chúa Giê-su, Chúa kêu gọi những môn đệ đầu tiên. Giờ đây gần như mọi sự đã sẵn sàng: Phụng vụ Lời Chúa mời gọi chúng ta theo Chúa
Giê-su để lắng nghe lời giảng của Người và chiêm ngưỡng những phép lạ Người làm. Đặc biệt bài Tin Mừng hôm nay trình bày điểm
chính của sứ vụ khi Chúa Giê-su mở miệng nói lời đầu tiên: “Thời kỳ đã mãn và Triều Đại Thiên Chúa đã đến
gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Để giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của sám hối,
bài đọc 1 thuật lại câu chuyện ông Giô-na rao giảng kêu gọi dân thành Ni-ni-vê
sám hối để tránh bị hủy diệt. Chính
thánh Phao-lô cũng không ngừng kêu gọi Ki-tô hữu hãy tích cực sống tinh thần
sám hối vì bộ mặt thế gian này đang biến đi, để ta mau chuẩn bị cho tương lai
vĩnh cửu.
1.
Sám hối trong thời Cựu Ước: câu chuyện ông Giô-na và dân thành Ni-ni-vê. Sám hối là quay lưng lại với điều xấu xa để
hướng mặt tiến tới điều tốt lành, là bỏ lối sống tội lỗi để đón nhận lối sống mới
thánh thiện. Câu chuyện dân thành
Ni-ni-vê đã nghe lời ông Giô-na kêu gọi họ hối cải và kết quả là Thiên Chúa đã
không giáng tai họa trên họ nữa cho ta thấy hiệu quả của việc sám hối. Trước đây dân chúng đã đi theo “đường gian
ác”. Nhưng sau lời cảnh báo của Giô-na,
từ vua quan đến dân chúng, thậm chí cả súc vật nữa, tất cả đều được lệnh không
được ăn uống gì, để cầu xin may ra Thiên Chúa tha thứ cho họ. Quả thực là một cuộc sám hối tập thể, nhất là
mọi người và súc vật đều thành tâm một lòng một ý. Tuy nhiên bên cạnh việc hãm mình ăn chay, dân
Ni-ni-vê còn biểu lộ “lòng tin” vào Thiên Chúa nữa. Việc ăn chay và mặc áo vải thô nhắc nhở dân
chúng về sự cần thiết phải thay đổi, từ bỏ tội lỗi để làm việc lành. Nhận thấy thành Ni-ni-vê đã thay đổi và bỏ đường
gian ác để trở về với Chúa, Chúa không trừng phạt họ nữa. Kêu gọi sám hối là việc hầu như các ngôn sứ đều
thi hành. Không ngôn sứ nào là không nhắc
nhở dân Ít-ra-en từ bỏ những việc tội lỗi và gian ác. Thí dụ ngôn sứ Hô-sê, sau khi trách móc, đe dọa
dân Ít-ra-en, ngài kêu mời họ hãy sám hối.
Ngôn sứ A-mốt cũng từng cảnh cáo và đe dọa Ít-ra-en, nhưng họ không chịu
nghe lời và sám hối nên đã bị Thiên Chúa trừng phạt. Vậy Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho chúng ta
nghe câu chuyện ông Giô-na và dân thành Ni-ni-vê nhằm mục đích gì? Đó là Giáo Hội muốn chúng ta xác tín rằng sám
hối cần thiết để chúng ta chuẩn bị tâm hồn mà tin vào Tin Mừng Chúa Giê-su rao
giảng.
2.
“Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại
Thiên Chúa đã đến gần”. Trong thời Cựu
Ước qua các vị ngôn sứ, Thiên Chúa phán dạy và kêu gọi chúng ta sám hối. Nhưng “vào thời sau hết này,
Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” là
Chúa Giê-su (Dt 1:2). Lời nói đầu tiên của
Thánh Tử khi bắt đầu sứ vụ rao giảng là công bố cho chúng ta biết thời gian chờ
đợi ơn cứu độ đã kết thúc. Điều nhân loại
đợi chờ từ lâu bây giờ xuất hiện: Triều
Đại Thiên Chúa đã đến gần. Nhưng Triều Đại
Thiên Chúa là gì? Đó là thời kỳ ơn cứu độ
bắt đầu được thể hiện qua sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Chúa Giê-su. Người được sai đến trần gian để thực hiện một
cuộc tạo dựng mới, thiết lập một Nước không thuộc thế gian này, nhưng là Nước
Thiên Chúa ngự trị trong tâm hồn những ai đón nhận lời giảng của Người. Đúng vậy, Nước Thiên Chúa hay Triều Đại Thiên
Chúa không thể nhận thấy được bằng mắt, cho nên người ta không thể nói “Triều Đại
Thiên Chúa ở đây này” hoặc “Nước Thiên Chúa ở kia kìa”. Nhưng như Chúa Giê-su nói: “Nước Thiên Chúa ở bên trong (tâm hồn) anh
em”. Chính vì Nước Thiên Chúa phải ở
trong tâm hồn, nên muốn đón nhận, chúng ta phải chuẩn bị tâm hồn bằng một sự
thay đổi tức là hối cải.
3.
“Anh em hãy sám hối và tin vào Tin
Mừng”. Lời giảng đầu tiên của Chúa
Giê-su đã lập lại cùng một sứ điệp sám hối mà ông Gio-an Tẩy Giả đã công bố. Ở đây chúng ta càng thấy rõ vai trò của ông Gio-an
là nối tiếp Cựu Ước với Tân Ước bằng việc rao giảng sám hối. Hoặc chúng ta có thể nói: thuở xưa qua các vị ngôn sứ, Thiên Chúa đã kêu
gọi cha ông chúng ta sám hối, nhưng từ thời Gio-an Tẩy Giả chuyển tiếp, qua Con
Một Người là Chúa Giê-su, Thiên Chúa kêu gọi chúng ta hãy sám hối và tin vào
Tin Mừng cứu độ. Sám hối là thay đổi não
trạng, lối suy nghĩ và hành động của chúng ta.
Chúng ta phải thay thế não trạng, lối suy nghĩ và hành động hiện thời bằng
lối suy nghĩ và hành động của Chúa Giê-su, vì lối suy nghĩ và hành động của
chúng ta là lối thuộc về thế gian, còn lối suy nghĩ và hành động của Chúa
Giê-su là thuộc về Thiên Chúa. Chúa
Giê-su kêu gọi người ta hãy tin vào Tin Mừng.
Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô điều kiện, đó là Tin Mừng Chúa Giê-su
rao giảng. Thiên Chúa cứu thoát chúng ta
khỏi tội lỗi và cái chết nhờ cái chết của Chúa Giê-su trên thập giá, đó là Tin
Mừng. Cho nên tin vào Tin Mừng cũng có
nghĩa là chúng ta hoàn toàn đón nhận lời giảng, hành động và cái chết cứu độ của
Chúa Giê-su, hay nói khác đi là tin vào chính Chúa Giê-su vậy.
Tuy nhiên, để giúp người ta mọi thời mọi
nơi tin vào Tin Mừng và đón nhận Chúa Giê-su, thì việc loan báo Tin Mừng và rao
giảng Chúa Giê-su chịu đóng đinh phải được phổ biến càng nhiều càng tốt. Do đó, Chúa Giê-su cần có sự tiếp tay của các
môn đệ, những người được Chúa kêu gọi để làm “những kẻ lưới người như lưới
cá”. Thánh sử Mác-cô sắp xếp việc Chúa
Giê-su kêu gọi các môn đệ đầu tiên (ông An-rê, Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an)
ngay sau lời giảng mở đầu của Chúa kêu gọi sám hối quả thực là hợp lý.
Sống sứ điệp Lời Chúa
Qua Chúa Giê-su, Thiên Chúa kêu gọi
chúng ta hãy sám hối để đón nhận ơn cứu độ Người ban cho chúng ta. Đó là sứ điệp Lời Chúa hôm nay. Nhưng làm sao chúng ta thay đổi lối suy nghĩ
và lối sống của ta? Thánh Phao-lô dạy
chúng ta một cách để thay đổi. Trước
tiên về cách suy nghĩ: thời gian chẳng
còn bao lâu, vì bộ mặt thế gian này đang biến đi! Đúng thế, mọi của cải vật chất… đều là chóng
qua, nay còn mai mất. Nhà sang xe đẹp chỉ
sau cơn lốc xoáy hay trận lụt là mất hết.
Người bạn hôm qua mới nói chuyện, hôm nay nghe tin đã qua đời. Tất cả đều là những “bộ mặt thế gian này” và
tất cả đều “đang biến đi”. Do đó, thánh
Phao-lô kêu gọi chúng ta hãy trở lại với não trạng đúng đắn, đừng lấy cái tạm bợ
làm cái vững bền, nhưng hãy nhìn vào và đi tìm những gì là vĩnh cửu. Nhưng chỉ có tình yêu Thiên Chúa và ơn cứu độ
Người ban mới là vĩnh cửu! Hôm nay chúng
ta cùng đoàn dân chúng đi theo Chúa Giê-su để lắng nghe Người giảng dạy qua Lời
Chúa mùa Thường niên. Ta sẽ tiếp tục để
lời giảng của Chúa Giê-su thay đổi não trạng chúng ta, nhất là lối suy nghĩ và
hành động của ta. Sám hối và tin vào Tin
Mừng là hai hành động song song. Càng biến
đi con người tội lỗi, chúng ta càng được đầy tràn hơn tinh thần và tình yêu của
Chúa Giê-su vậy!
Lm. Đa-minh Trần
đình Nhi