Chúa Nhật III Mùa
Thường Niên – Ngày 24-1-2021
Phó tế Peter Trahan
Các bài đọc: Gn 3:1-5, 10 Tv 25:4-5, 6-7, 8-9 1Cr
7:29-31 Mc 1:14-20
(bible.usccb.org/bible/readings/012421.cfm)
Trong các bài đọc tuần trước, chủ đề là
lời kêu gọi làm môn đệ. Cậu bé Sa-mu-en được Chúa gọi, và cậu đã thưa lại rằng
"Lạy Chúa, xin Chúa hãy phán, tôi tớ Chúa đang lắng nghe." Trong bài
Phúc Âm, Gioan Tẩy Giả loan báo Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa thì có hai môn đệ đổi ý và
đi theo Chúa Giêsu. Trong câu chuyện trước, Thiên Chúa trực tiếp gọi Sa-mu-en; trong câu chuyện sau, tiếng gọi là tiếng trong tâm hồn. Sa-mu-en đã phục vụ Thiên Chúa khi làm học
trò của thầy cả Ê-li. Còn hai môn đệ Gioan Tẩy Giả đã là môn đệ của ông trước rồi. Bạn có thể nói đây là việc kêu gọi những người công chính. Tuy nhiên,
tuần trước trong bài đọc thứ hai, Thánh Phao-lô kêu gọi chúng ta từ bỏ đời sống vật chất do xác thịt chi phối là đời sống vô luân để sống sự sống của Chúa Thánh Thần, nhờ đó thân xác chúng
ta trở thành đền thờ của Người. Có sự phân biệt đáng chú ý giữa việc kêu gọi người công chính và kêu gọi người tội lỗi. Tuy nhiên, lời giảng của Thánh Phao-lô về sự sám hối liên kết chúng ta với các bài đọc hôm nay qua chủ
đề chính là sám hối, tức là việc kêu gọi người tội lỗi.
Giô-na được Thiên Chúa sai đến Ni-ni-vê
để lên tiếng cảnh báo dân thành sắp bị hủy diệt. Dân thành Ni-ni-vê ăn năn nên
Thiên Chúa nguôi cơn thịnh nộ của Người. Thánh Phao-lô thì rao giảng một lối sống mới đang tới, đó là quay lưng lại với lối sống thế gian là lối sống “ đang biến đi” để đến với một cuộc sống vượt trên cuộc sống
thế gian này là cuộc sống đang hướng theo tội lỗi. Việc rao giảng của Giô-na và việc rao giảng của Phao-lô đều là lời kêu gọi ăn năn, nhưng làm như vậy là để chuẩn bị cho điều vượt trên cuộc đời này,
tức chuẩn bị cho cuộc sống chúng ta sẽ đạt được nhờ các nhân đức. Trong bài Tin
Mừng hôm nay, Chúa Giêsu còn cụ thể hơn khi tuyên bố sự sống mới đó chính là “Triều Đại Thiên Chúa”.
"Hãy ăn năn, vì Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần." Đây là
sứ điệp Gioan Tẩy Giả đã được sai đi để rao giảng và phép rửa của ông là
“phép rửa hoán cải”. Gioan được sai đi để “dọn đường cho Chúa”, sứ
mệnh chuẩn bị cho đấng Mê-si-a đến. “Sau khi Gioan bị bắt”, Chúa Giêsu tiếp tục
sứ mệnh rao giảng này với cùng một thông điệp như Gioan, là “Hãy
ăn năn, vì Triều Đại Thiên Chúa đã đến
gần.” Gioan chuẩn bị cho Chúa đến, còn Chúa Giêsu thì công
bố Triều Đại Thiên Chúa đang đến gần.
Phải chăng điều này có nghĩa Chúa Giêsu chính là Triều Đại Thiên Chúa? Hay Chúa
Giêsu báo trước Triều Đại Thiên Chúa là
vương quốc phải đến? Vâng, cả hai đều đúng.
Khi
chuẩn bị lãnh nhận bí tích Rửa Tội, chúng ta đề cập đến việc “được tẩy rửa
trong Đức Kitô,” và việc gia nhập “vào Giáo Hội”. Ở đây, một lần nữa chúng ta
thấy hiện tượng chồng chéo của Triều Đại Thiên
Chúa; Chúa Kitô và Triều Đại Thiên Chúa
là một. Hội Thánh, với tư cách là Hiền thê của Đức Kitô, cũng là hiện thân của Triều Đại Thiên Chúa. Triều Đại Thiên Chúa được công bố trong cả bốn sách Phúc âm. Trong Mát-thêu, nó
được gọi là “Nước Trời”. Bởi vì Mát-thêu chủ yếu rao giảng cho những người Do
Thái trở lại, mà theo luật Do Thái, không được phép nhắc đến danh Thiên Chúa, Ya-vê [Yhwh], ngoại trừ vào ngày Xá Tội khi danh Chúa được Thượng Tế xướng lên tại nơi Cực Thánh trong đền thờ.
Vậy theo nghĩa chú
giải Kinh Thánh, “Nước
Thiên Chúa” là gì? Trong kinh Lạy Cha, chúng ta đọc “. . . Nước Cha trị đến”, điều này có vẻ như ngụ ý rằng Nước Thiên Chúa chưa đến. Trong sự ngây thơ khi
học giáo lý lúc còn nhỏ, dường như rõ ràng Nước Thiên Chúa là Nước Thiên Đàng.
Khi chết, chúng ta lên thiên đàng, chúng ta vào Nước Thiên Chúa. Ngôn từ Phúc Âm Mát-thêu đã xác tín điều này. Nước Thiên Chúa được nhắc đến 48
lần trong Mát-thêu, 17 lần trong Mác-cô, 33 lần trong Lu-ca, và 2 lần trong
Gioan. Đôi khi nói ở tương lai, có khi ngay hiện tại.
Nếu đọc lại lời giảng ban đầu của Gioan
Tẩy Giả và của Chúa Giê-su, chúng ta có thể tìm thấy chìa khóa để hiểu cách giải thích này. "Nước Thiên Chúa đã đến gần." Điều này có thể và đã được coi là "gần
kề", Nước Thiên Chúa đang ở gần. Trong Mác-cô (12: 34), Chúa Giê-su nói với người
thanh niên giàu có, “Anh không còn xa Nước Thiên Chúa”. Thậm chí với điều này, hình như Nước Thiên Chúa vẫn chỉ là "gần kề”
mà thôi. Trong Tin Mừng thánh
Mát-thêu (12: 28) và Lu-ca (11: 20) Chúa Giê-su nói “triều đại Thiên Chúa đã đến
giữa các ông,” trong Mát-thêu (21: 31)
Chúa Giê-su nói với các tư tế và các trưởng lão rằng “Những người thu thuế và
những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông” và một lần nữa trong Lu-ca
(17: 21) Người nói triều đại Thiên Chúa đang “ở giữa các ngươi”. Ở đây, chúng ta đang bắt
đầu nghe về triều đại Thiên Chúa không chỉ ở gần mà còn ở ngay đây, trong lúc này.
Khi Chúa Giê-su nói với những người
Pha-ri-siêu rằng Nước Thiên Chúa “ở giữa các ngươi”, khiến nhiều người nghe phải tò mò: “Nước
Thiên Chúa đến là việc chẳng ai dò la được, và chẳng ai có thể loan báo rằng 'Kìa
xem, Vương quốc đây rồi' hoặc ‘Vương quốc kia kìa’. Vì
này, vương quốc của Thiên Chúa ở giữa các ngươi." Nhiều người, kể cả các môn đệ, đang
nghe Chúa Giê-su nói về triều đại, liền nghĩ đến và hy vọng rằng Người nói về việc khôi phục Triều Đại của Đa-vít cho dân Is-ra-en, đó là sự mong đợi về một vương quốc trần
thế. Tuy nhiên, trong câu này, Người nói Triều Đại “đã đến giữa các ngươi”, các bản dịch khác dịch
là Triều Đại “đang ở giữa các ngươi ngay lúc này”,
nhưng có một bản dịch quan trọng hơn, là Triều Đại Thiên Chúa “ở trong các ngươi”. Theo
lối dịch này đã nâng triều đại lên một cấp độ hoàn toàn khác. Người ta không thể quan sát triều đại như một hiện tượng hữu hình, giống như việc khôi phục
Israel thành một vương
quốc mới, nhưng là Triều Đại “ở trong các ngươi”. Điều
này thấy rõ rệt hơn qua lời giảng của Phao-lô là “Anh em lại chẳng biết rằng thân xác
anh em là Đền thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là
Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em”. (1Cr 6: 19) Triều Đại không phải là một hiện tượng trần gian mà là một thực thể thiêng liêng tuy
không thể quan sát được, nhưng ta có thể cảm nhận như là sự hiện diện của Chúa Thánh Thần.
Triều Đại Thiên Chúa bao gồm: Quá khứ, hiện tại và tương lai, nhưng quan trọng nhất
là nó “ỡ giữa chúng ta lúc này” và “ở trong con người
chúng ta”. Trong phúc âm thánh Lu-ca, Chúa Giê-su một lần nữa nói: “Cho
đến thời ông Gioan, thì có Lề Luật và các ngôn sứ; còn từ thời đó, thì Tin Mừng
Nước Thiên Chúa được loan báo”. (Lu-ca 16:16) Theo
tôi nghĩ, câu nói này kết hợp tất
cả lại với nhau. Chúa Giê-su đã mang Nước Thiên Chúa vào giữa chúng ta. Người
đến để mang ơn cứu độ, để thiết lập Giáo hội và các Bí tích. “Từ đó trở đi”
Nước Thiên Chúa lan rộng như một hiện tượng thiêng liêng qua việc Giáo Hội biểu hiện trong thế
giới nhờ công cuộc rao giảng Tin Mừng và trong chúng ta nhờ Phép Rửa khi Chúa Thánh Thần và Ơn
thánh hóa đang ngự trong linh hồn chúng ta. Khi cầu xin “Nước Cha trị đến” là chúng ta đang cầu nguyện
cho Nước Thiên Chúa tiếp tục phát triển trong thế giới và trong chúng ta; cầu nguyện cho Nước Chúa tiếp tục ngự trị như Chúa Giêsu đã mang đến.
Và vì vậy chúng ta cầu nguyện: “Lạy Cha
chúng con ở trên trời…”
Chuyển
ngữ: JB. Đào Ngọc Điệp
Nguồn: Homiletic & Pastoral Review –
(hprweb.com)