CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN
Nhận biết uy quyền của Chúa Giê-su
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Đnl 18:15-20; 1 Cr 7:32-35;
Mc 1:21-28)
Qua Phụng vụ Lời Chúa tuần trước, chúng
ta được nghe giới thiệu sứ điệp chủ yếu trong sứ vụ rao giảng của Chúa Giê-su,
là hãy sám hối và tin vào Tin Mừng. Hôm
nay lời Chúa cho chúng ta được chiêm ngưỡng chân dung Đấng rao giảng Tin Mừng
là Chúa Giê-su: Người là Mô-sê Mới như
sách Đệ Nhị Luật diễn tả (bài đọc 1); Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền (bài
Tin Mừng); và theo thánh Phao-lô, muốn lắng
nghe và thực hành lời giảng của Chúa Giê-su, mọi Ki-tô hữu đều phải được tự do
và không phải bận tâm lo lắng điều gì, để họ có thể rao giảng Tin Mừng bằng cuộc
sống hằng ngày trong bất cứ hoàn cảnh nào (bài đọc 2).
1. Lời tiên tri của Mô-sê nói về Chúa Giê-su:
“Thiên Chúa của anh em sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như tôi… Anh em hãy
nghe vị ấy”. Đó là những lời ông Mô-sê
nói với dân Ít-ra-en về một “vị ngôn sứ” tối cao sẽ xuất hiện. Vị ngôn sứ này không là ai khác ngoài Chúa Giê-su,
Con Thiên Chúa làm người. Trước hết ông
Mô-sê nhắc lại cho dân Ít-ra-en biết lý do tại sao Thiên Chúa cho xuất hiện một
vị ngôn sứ giống như ông. Chúng ta đều rõ
vai trò của ông Mô-sê là người trung gian giữa Thiên Chúa và dân riêng Người. Ông nhận lãnh Lề Luật là Mười Điều Răn từ
Thiên Chúa rồi truyền lại cho dân chúng.
Ông được coi như người làm luật của Ít-ra-en. Tuy nhiên mỗi lần Thiên Chúa phán dạy qua ông,
thì dân chúng “không dám nghe tiếng Đức Chúa” và “không dám nhìn ngọn lửa lớn
này nữa” bởi họ sẽ quá sợ hãi mà chết.
Vì thế, Thiên Chúa tìm một cách khác để dạy dỗ dân Người. Vậy nên “vào thời
sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1:2). Thiên Chúa đã trực tiếp nói với nhân loại qua
“miệng của Thiên Chúa” là Chúa Giê-su và nói bằng “Lời nhập thể”. Nơi Chúa Giê-su, Thiên Chúa thiết lập Lề Luật
Mới là Luật Tin Mừng mà Chúa Giê-su sẽ rao giảng. Vì thế chúng ta gọi Chúa Giê-su là Mô-sê Mới,
hoặc Đấng ban bố Luật Tin Mừng. Chính
Thiên Chúa cũng nhắc lại điều này với ông Mô-sê khi Người hứa với ông: “Từ giữa anh em của chúng, Ta sẽ cho xuất hiện
một ngôn sứ như ngươi…” Tuy nhiên, vị
ngôn sứ sẽ xuất hiện “giống như Mô-sê” trong sứ vụ, nhưng khác với Mô-sê trong
tư cách. Có sự khác biệt xa vời giữa ông
Mô-sê và Chúa Giê-su: ông Mô-sê chỉ là
người truyền đạt lại sứ điệp của Thiên Chúa cho Ít-ra-en, còn Chúa Giê-su là Đấng
mà Thiên Chúa “sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền
cho người ấy”. Đúng vậy, Chúa Giê-su với
tính cách là Con Thiên Chúa sẽ đích thân “nói” những điều Thiên Chúa muốn
nói. Hoặc hiểu theo thư Do-thái, chính “Thiên
Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử”. Ông Mô-sê từ trên núi xuống chỉ đem cho dân Ít-ra-en
những lời Thiên Chúa được khắc trên hai tấm bia đá chứ không phải những lời của
chính ông; còn với Chúa Giê-su thì những
lời của Thiên Chúa được “đặt trong miệng Người” để trở thành lời của Người cũng
như chính Người là Ngôi Lời, do đó mỗi khi Người phán dạy cũng là chính Thiên
Chúa phán dạy.
2.
Chúa Giê-su giảng dạy như một Đấng có uy quyền. Quả thực là tuyệt vời khi Thiên Chúa đã phán
dạy chúng ta qua Thánh Tử! Chúng ta cứ
thử tưởng tượng mình so sánh giữa hai khung cảnh: cảnh ông Mô-sê truyền đạt cho dân Ít-ra-en Mười
Điều Răn của Thiên Chúa khi ông ở trên núi xuống và cảnh Chúa Giê-su giảng dạy
tại hội đường thành Ca-phác-na-um. Cộng
đồng Ít-ra-en thời Mô-sê thì quá sợ hãi không dám trực tiếp nghe Thiên Chúa
phán và nhìn Người hiện diện, cho nên họ chỉ dám đứng xa xa dưới chân núi
thôi. Trái lại, khi Chúa Giê-su “vào hội
đường và giảng dạy” thì đúng là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta! Kết quả là dân chúng tụ tập bên Người chỉ “sửng
sốt về lời giảng của Người”, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền. Ông Mô-sê ngày xưa cũng như các kinh sư của họ
ngày nay chỉ giảng dạy như một vị thầy (rabbi), trái lại, Chúa Giê-su thì giảng
dạy như vị Thiên Chúa uy quyền dùng tiếng nói của loài người để phán dạy chúng
ta.
Làm sao chúng ta có thể nhận biết uy quyền
của Thiên Chúa nơi Chúa Giê-su? Việc làm
chứng minh cho lời nói và phép lạ biểu lộ uy quyền của Thiên Chúa. Để nói lên sự liên kết giữa lời giảng và việc
làm của Chúa Giê-su, thánh sử Mác-cô dùng liên từ “lập tức”. Ngài viết:
“Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập la
lên…” Nhưng Chúa Giê-su “quát mắng” nó và “ra lệnh” cho nó phải ra khỏi người
nó đã nhập. Hành vi quát mắng và ra lệnh
là hành vi của Đấng có uy quyền. Chúa
Giê-su đã giảng dạy như Đấng có uy quyền thế nào thì Người cũng trừ quỷ bằng uy
quyền Thiên Chúa của Người như vậy.
Chính liên từ “lập tức” cho ta thấy sự kết nối chặt chẽ giữa lời giảng
và phép lạ của Chúa Giê-su, nói khác đi, phép lạ chứng minh cho uy quyền của lời
giảng. Tuy nhiên, thánh sử Mác-cô còn đi
xa hơn thế nữa khi ngài cho thấy không những Chúa Giê-su có uy quyền trong lời
giảng cũng như hành động, mà danh tiếng Người còn “lập tức” lan rộng khắp vùng
Ga-li-lê nữa!
Dù vậy, ở đây chúng ta nhận ra một sự mỉa
mai khi áp dụng hoàn cảnh này vào trường hợp của nhiều người chúng ta. Lời quát mắng của Chúa Giê-su đã bắt cả các
thần ô uế phải xuất khỏi người bị chúng ám.
Trong khi đó, lời giảng dạy Chúa nói với chúng ta qua Kinh Thánh lại
không có tác dụng mạnh mẽ như khi Người quát mắng các thần ô uế! Có phải chúng ta còn cứng đầu hơn cả ma quỷ
chăng? Lạy Chúa, xin thay thế trái tim
chai đá của chúng con bằng trái tim biết yêu thương và biết để cho Lời Chúa biến
đổi chúng con.
3.
Lắng nghe và thực hành lời Chúa. Thánh Phao-lô rao giảng một Chúa Ki-tô chịu
đóng đinh và giáo lý của Chúa. Nhưng bản
thân Phao-lô đã là một gương mẫu về lắng nghe và thực hành lời giảng của Chúa
Giê-su đến độ ngài không mắc cỡ khi khẳng định:
Tôi sống, nhưng không còn là tôi sống mà là Đức Ki-tô sống trong
tôi. Qua kinh nghiệm này, ngài chia sẻ
bí quyết lắng nghe và sống lời Chúa với tín hữu Cô-rin-tô và cả chúng ta: Tôi muốn anh chị em không phải bận tâm lo lắng
điều gì. Đây chính là thái độ tự do, tựa
như mảnh đất tốt của một tâm hồn không “bận tâm lo lắng”, sẵn sàng để cho lời
Chúa gieo xuống được mọc lên, phát triển và mang lại hoa trái phong phú. Để khỏi bận tâm lo lắng thì chúng ta cứ việc
ai nấy làm. Ngài đưa ra vài thí dụ cụ thể,
như “đàn ông không có vợ thì chuyên lo việc Chúa” và “đàn bà không có chồng và
người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa”.
Còn người đàn ông có vợ và người đàn bà có chồng thì ngoài lo việc Chúa họ
còn phải “bận tâm lo lắng” cho người vợ hoặc người chồng của họ nữa. Tuy nhiên thánh Phao-lô đã vội vàng “thanh
minh thanh nga” rằng ngài chỉ muốn đề cao sự tự do của mọi người chúng ta, để
chúng ta “được gắn bó cùng Chúa mà không bị giằng co” thôi. Ngài không có ý khuyên chúng ta đừng có vợ hoặc
đừng có chồng đâu nhé!
Sống sứ điệp Lời Chúa
Dĩ nhiên điều trước hết là chúng ta hãy
thực lòng nhận biết uy quyền của Chúa Giê-su qua lời giảng và những phép lạ Người
làm được ghi lại trong sách Tin Mừng. Tại
quê nhà là Na-da-rét, những người hàng xóm láng giềng của Chúa đã không muốn
nhìn nhận Người là Đấng có uy quyền.
Chính Chúa Giê-su không cưỡng ép họ phải nhìn nhận uy quyền của Người,
nên ở đó Người đã không làm phép lạ nào lớn lao ngoài việc đặt tay chữa lành
vài người đau ốm bệnh tật (Mc 6:1-6).
Còn tại Ca-phác-na-um, dân chúng chỉ “sửng sốt về lời giảng của Người”
và khi Người trừ quỷ thì họ cũng chỉ “sững sờ bàn tán” về Người thôi. Còn chúng ta, chúng ta hãy nhìn lại chính
mình đi. Nghe lời Chúa hằng tuần trong
Thánh lễ, có khi hằng ngày nữa, nhưng thử hỏi được mấy lần chúng ta “sửng sốt”
vì lời Chúa, chứ nói chi đến bị đánh động bởi lời Chúa. Đáng buồn phải không? Rồi bao lần được Chúa “trừ quỷ” khỏi linh hồn,
liệu chúng ta có “sững sờ” cảm tạ Chúa, hoặc coi thường những việc Chúa làm cho
chúng ta không? Đó là chưa nói đến việc
chúng ta phải giúp cho “danh tiếng Người đồn ra mọi nơi” khắp những chỗ chúng
ta sống, làm việc và phục vụ anh chị em.
Quả thực sứ điệp lời Chúa hôm nay là một thách thức lớn cho mỗi người
chúng ta vậy!
Lm. Đa-minh Trần
đình Nhi