Chúa Nhật V Mùa TN – ngày 7-2-2021

Lm. Edward Linton, O.S.B

Các bài đọc: Jb 7:1-4, 6-7 • Ps 147:1-2, 3-4, 5-6 • 1 Cor 9: 16-19 • Mk 1:29-39

 Từ: bible.usccb.org/bible/readings/020721.cfm

 

 

Elie là nạn nhân sống sót từ lò hỏa thiêu Holocaust của Đức Quốc xã. Ông đã dành cả cuộc đời mình để phấn đấu với kinh nghiệm khổ đau này để cố gắng hiểu nó. Ông đã viết một vở kịch có tựa đề Thiên Chúa Thử Thách. Vở kịch này cho thấy một cách chua chát rằng tâm tình mộ đạo và chính thống cũng chẳng giúp ích gì và chỉ là giả dối khi trò chuyện với Thiên Chúa. Trong vở kịch của ông, Chúa bị đưa ra xét xử sau một vụ bạo loạn của người Do Thái tại một ngôi làng ở Ukraine vào năm 1649. Berish, một người sống sót sau vụ bạo loạn, được bổ nhiệm làm công tố viên. Sam được bổ nhiệm làm luật sư biện hộ cho Chúa. Nhớ lại những người Do Thái đã bị giết trong cuộc bạo loạn, Berish đổ lỗi cho Chúa. Sam trả lời:

SAM: Giêsu tha thứ cho bạn, thế mà bạn lại tức giận Người. Người đã tha thứ cho bạn, vậy mà bạn làm tổn thương Người, bạn gây đau khổ cho Người.

BERISH: Đừng nói với tôi về sự đau khổ của Người. . . Nếu tôi được lựa chọn hoặc cảm thông với Chúa hoặc với con người, thì tôi luôn chọn con người. Ông ấy đã đủ lớn khôn, đủ mạnh mẽ để tự lo cho mình; còn con người thì không.

Sam sử dụng lời lẽ rất truyền thống, như kiểu sáo ngữ để kết thúc cuộc đối thoại đầy ý nghĩa. Nhưng sau đó người ta tiết lộ rằng Sam chính là Satan. Wiesel tiết lộ rằng những kiểu nói sáo ngữ, dù có đúng về mặt thần học, thì vẫn là cách tránh né nói chân thực về Thiên Chúa và hiểu biết về Người. Điều quan trọng không phải là che đậy những khó khăn trong cuộc sống, mà hãy thảo luận về chúng với lòng chân thực phũ phàng, đến ngay ông Gióp cũng vậy. Chúng ta không thể để cho lòng mộ đạo, sự kính trọng, lòng yêu mến Chúa ngăn cản sự thành thực của chúng ta, ngay cả khi phải tranh cãi với Người. “Ông ấy đủ khôn lớn, đủ mạnh mẽ để tự lo cho mình; còn con người thì không đưc như vậy.” Đúng thế, giống như ông Gióp, sự cứu rỗi của chúng ta tùy thuộc vào mối quan hệ chân thực và rõ ràng với Thiên Chúa.

Những lúc khó khăn trong cuộc sống đòi chúng ta phải cứng rắn thưa chuyện với Chúa và về Chúa. Chúng ta không thể dập tắt những cuộc thưa chuyện ấy. Bao lâu Thiên Chúa chưa thấm đòn do những tâm tư của chúng ta, thì Người cũng không mong chúng ta sẽ lễ độ với Người, nhưng Người muốn chúng ta hãy thành thực trả lời. Cảm ơn Chúa vì những người bạn sẽ lắng nghe câu trả lời thành thực của chúng ta với Chúa, ngay cả khi đó không phải là một câu trả lời lễ độ.

Ông Gióp không có những người bạn như vậy. Trong bài đọc 1, Gióp nói chuyện với những người bạn, những người nghe kể về những tai ương ập đến với ông nên đã đến an ủi ông. Gióp chán nản và hoang mang. Ông biết mình đã sống tốt và đã yêu mến Thiên Chúa. Thế mà ông lại phải chịu đau khổ do Thiên Chúa. Những người bạn lặng lẽ ngồi bên cạnh ông, hiện diện qua sự thân thiện và quan tâm để an ủi ông suốt bảy ngày bảy đêm, nhưng họ vẫn không nói lời nào. Cuối cùng, chính Gióp đã lên tiếng, ông mạnh mẽ nguyền rủa ngày ông được sinh ra. Gióp cay đắng tuôn ra nỗi nghi ngờ và thất vọng về Thiên Chúa vì Người đã gây đau khổ cho ông. Chắc chắn Gióp vẫn tiếp tục tuyên xưng niềm tin nơi Thiên Chúa. Nhưng mặt khác, ông lại rất hoang mang bối rối. Ông giống như người chồng có vợ vừa qua đời sau nhiều năm đau đớn thể xác. Người chồng này nói: “Tôi tin vào Chúa chứ”. Anh ta nói tiếp: “Nhưng ngoài điều đó rồi thì nghĩa lý gì nữa khi vợ tôi đã chết.” Trong câu chuyện hôm nay, Gióp thành thực một cách khốc liệt khi ông cố gắng hiểu mối quan hệ của ông với Thiên Chúa một cách mới mẻ.

Khi chúng ta đau khổ như Gióp phải chịu đựng, thì chẳng còn chuyện gì quan trọng nữa. Mọi khoảnh khắc trong ngày đều đầy ắp câu hỏi, “Tại sao lại là tôi? Tại sao điều này lại xảy ra cho tôi?" Chúng ta thật may mắn nếu có người nào đó trong đời luôn lắng nghe và giúp chúng ta hiểu được những điều xảy ra ấy. Một ở giáo xứ nơi tôi đã phục vụ nhiều năm bị cơn đau đớn hành hạ thể xác. Quả thực bà ấy đã kể rất nhiều về sự đau đớn của bà. Nhiều người trong giáo xứ tiếp tục khuyên bảo để giúp bà được khá hơn. Có lần bà ấy nói với tôi: “Tôi cam chịu sống với sự đau đớn này. Điều tôi mong nhất bây giờ là có ai đó biết lắng nghe tôi nói. Nhiều người khiến tôi chán ngán vì họ đã đưa ra quá nhiều lời khuyên bảo”. Đây cũng là những loại bạn bè đã đến an ủi ông Gióp. Những lời an ủi của họ nhằm giúp ông Gióp quên đi những phiền muộn của mình và quay trở lại ca ngợi Thiên Chúa như xưa. Nhưng cuộc đời ông Gióp đã khác rồi. Ông cần một lối hiểu biết mới những câu nói sáo ngữ đạo đức là chính thống và đúng đắn cũng không mang lại được.

Điều quan trọng đối với đời sống thiêng liêng của chúng ta là hãy thành thực nói về Chúa, ngay cả khi khó nói. Đời sống thiêng liêng của chúng ta cũng cần có những người bạn không chỉ sửa lỗi mà còn biết lắng nghe, ngay cả khi những gì chúng ta phải nói là điều nghiêm trọng và khó nói.

Trong Chúa Giê-su, chúng ta có một gương mẫu về tình bạn bền vững bắt nguồn từ việc biết lắng nghe. Trong Chúa Giê-su, chúng ta có một người bạn đích thực biết lắng nghe chúng ta và sẽ đem mọi điều chúng ta nói dâng lên Thiên Chúa Cha của Người. Chắc chắn Chúa Giê-su là một người lắng nghe trung thành Người khích lệ ủi an nhiều hơn là khiển trách chúng ta.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, sau khi rời hội đường, Chúa Giê-su đã chữa bệnh và trừ quỷ. Bà mẹ vợ của Phêrô là người đầu tiên được Chúa chữa lành. Sau đó, chúng ta được biết, cả thị trấn tập trung trước cửa nhà ông Phêrô để Người cũng có thể chữa lành cho họ. Vậy Chúa Giê-su đã chữa lành bằng cách nào? Thánh Mác-cô không cho chúng ta nhiều chi tiết. Chúng ta chỉ được biết rằng Chúa Giêsu đã cầm tay mẹ vợ của Phêrô và nâng bà dậy. Đó là một cảnh dịu dàng cho thấy Chúa Giê-su đã dành chút thời gi để lắng nghe bà ấy nói về những đau yếu của bà. Thật vậy, lắng nghe hẳn phải là một phần quan trọng trong sứ vụ chữa lành của Chúa Giê-su. Lắng nghe như vậy, tức là lắng nghe để chữa lành, quả là việc khó khăn. Chăm chú lắng nghe với tất cả tâm trí và thân xác đòi hỏi rất nhiều cố gắng. Khi người khác lắng nghe chúng ta như thế, chúng ta sẽ cảm thấy như trút được gánh nặng. Chúng ta có thể làm cho cuộc sống mình có ý nghĩa. Không có gì lạ khi Chúa Giê-su cần phải ra khỏi nhà vào sáng sớm để cầu nguyện. Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo nói rằng Chúa Giê-su “đồng cảm với. . . những yếu đuối của [con người] để giải thoát họ ”(Sách Giáo lý 2602). Chúa Giê-su cần phải dâng lên Cha Người những yếu đuối của nhân loại mà Người đã mang lấy, để chính Người không bị mất đi trong những yếu đuối ấy. Thật vậy, Chúa Giê-su là người bạn đích thực luôn lắng nghe những gì gây đau khổ cho chúng ta, bất kể điều đó chướng tai đến đâu.

Vài năm trước, tôi đã sống ở Ý và cố gắng học tiếng Ý. Tôi nhận ra có hai loại người lắng nghe. Có người lắng nghe để chỉnh lỗi và có người lắng nghe để khích lệ người học. Đặc biệt, tôi nhớ có một người đã lắng nghe để chỉnh lỗi của tôi. Tôi không thể nói hết một câu mà không bị ngắt ngang nhiều lần để ông sửa cách tôi phát âm. Chắc chắn vì tiếng Ý của tôi làm chói tai ông! Nhưng sự sửa sai của ông ấy chỉ làm tôi nản lòng và khiến tôi ít nói hơn. Trái lại, tôi gặp một loại người lắng nghe khác. Tôi nhớ đặc biệt là một người đàn ông khác đã dành hàng giờ để lắng nghe tôi. Ông ấy họa hiếm mới cho thấy những lỗi sai của tôi. Nhưng ông ấy cho tôi thấy ông hiểu những gì tôi đang cố gắng nói bằng cách tiếp tục cuộc trò chuyện. Điều này thật khích lệ. Nó khiến tôi muốn nói tiếng Ý và dần dần, ông đã giúp tôi tiến bộ hơn. Chúa Giêsu và các môn đệ Người, những kẻ giúp đỡ chúng ta trên đường đời, đều là những người biết lắng nghe, khuyến khích hơn là sửa chữa lỗi lầm. Chúa Giê-su để cho chúng ta thành thực, mặc dù sự thành thực của chúng ta không mấy lễ độ hoặc chướng tai.

Tin vui của Lời Chúa hôm nay là Thiên Chúa “đủ lớn khôn, đủ mạnh để chăm sóc chính Người; còn con người thì không.” Chúng ta không cần phải rón rén vòng vòng quanh Chúa… Thực ra, Chúa cũng chẳng muốn điều đó. Người đã ban cho chúng ta Chúa Giêsu là người bạn lắng nghe và cứu rỗi chúng ta rồi.

Nguồn:Homeletic & Pastoral Review (hprweb.com)

Chuyển ngữ: JB. Đào Ngọc Điệp

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm B