CHÚA NHẬT 5 THƯỜNG NIÊN

Vất vả với công cuộc rao giảng Tin Mừng

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (G 7:1-4, 6-7;  1 Cr 9:16-19, 22-23;  Mc 1:29-39)

        Qua Phụng vụ Chúa Nhật tuần trước, chúng ta đã có dịp chiêm ngưỡng Chúa Giê-su như Đấng giảng dạy đầy uy quyền.  Hôm nay Lời Chúa giới thiệu với chúng ta một Chúa Giê-su bận rộn trong sứ vụ của Người, hết giảng dạy rồi đến chữa lành bệnh tật, tuy nhiên Người vẫn không bỏ việc đến nơi thanh vắng để cầu nguyện.  Trước hết câu chuyện ông Gióp trình bày một bối cảnh chung của nhân loại cần được Chúa Giê-su giúp đỡ, đó là thân phận khổ đau của con người (bài đọc 1).  Chính vì tình trạng tội lỗi của thế giới và thân phận khổ đau của nhân loại mà Chúa Giê-su đã đến thế gian để thi hành sứ mệnh cứu độ bằng lời giảng, phép lạ và nhất là bằng cái chết của Người trên thập giá để chuộc tội cho chúng ta (bài Tin Mừng).  Noi gương Chúa Giê-su, thánh Phao-lô tông đồ cũng đã chấp nhận mọi hy sinh, kể cả cái chết vì đức tin, để nhiệt thành rao giảng Tin Mừng cho anh chị em dân ngoại (bài đọc 2).

        1.  Một thế giới và nhân loại cần được đón nghe lời giảng Tin Mừng cứu độ.  Đời là bể khổ.  Đây không chỉ là nhận xét của riêng một tôn giáo nào, nhưng là cảm thức chung của toàn thể nhân loại.  Đau khổ thể xác lẫn tinh thần là hậu quả do tội lỗi con người gây ra, điều chúng ta đã học qua Kinh Thánh và giáo lý.  Giữa những đau khổ ấy, con người khát mong được cứu thoát, không những khỏi đau khổ thể chất mà nhất là khỏi mất mát vĩnh viễn phần linh hồn nữa.  Chúng ta hãy nghe ông Gióp than vãn về thân phận khổ đau không những của cá nhân ông, nhưng cũng là của tất cả chúng ta.  Ông gọi cuộc đời trần gian của ta là “thời khổ dịch”.  Khổ dịch là những đau khổ của người làm thuê hoặc nô lệ, nào là chịu đựng nắng mưa, nào là vất vả kiếm từng đồng để nuôi sống gia đình.  Hình ảnh rõ nét diễn tả đau khổ của chúng ta là ví chúng ta như kẻ làm thuê và kẻ nô lệ.  Kẻ làm thuê thì “mong bóng mát” đang khi làm việc chịu nắng nôi thiêu đốt.  Còn kẻ nô lệ thì tay trắng và gia tài chỉ là những ngày không một tia hy vọng, những đêm đau khổ ê chề.  Sống trong nỗi khắc khoải ấy, ông Gióp “chìm trong mê sảng”.  Ông chỉ còn biết làm một việc cuối cùng, là kêu lên Đấng tạo dựng nên ông:  “Lạy Đức Chúa, xin Ngài nhớ cho, cuộc đời con chỉ là hơi thở, mắt con sẽ chẳng thấy hạnh phúc bao giờ”.  Tiếng kêu xin của ông Gióp cũng là tiếng kêu của toàn thể nhân loại.  Thiên Chúa là Đấng dựng nên chúng ta sẽ không bỏ qua lời kêu xin ấy, nên Người đã sai Con Một là Chúa Giê-su đến để chia sẻ thân phận khổ đau của ta.  Người đến để giải phóng ta là “người nô lệ” dưới ách tội lỗi và phục hồi cho ta chức phận làm con Thiên Chúa.  Người đến để xóa bỏ thân phận chúng ta là “kẻ làm thuê” để cùng với Đức Ki-tô, ta được “đồng thừa kế” gia nghiệp Chúa Cha dành cho tất cả những ai thuộc về gia đình Thiên Chúa.  Trên hết, Chúa Cứu Thế đến để thực hiện một cuộc thay đổi toàn diện:  sự sống con người không còn là một “hơi thở” ngắn ngủi nữa, nhưng sẽ là sự sống vĩnh cửu;  đời người hết là khổ ải triền miên, nhưng mắt ta sẽ thấy hạnh phúc vĩnh cửu tràn đầy.

        2.  Chúa Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật.  Thánh Mác-cô viết:  “Khi ấy, Chúa Giê-su vừa ra khỏi hội đường…” Lời mở đầu này đã cho chúng ta thấy Chúa Giê-su thật là bận rộn, vừa xong chuyện này là đến ngay chuyện khác.  Người kết thúc việc giảng dạy trong hội đường Ca-phác-na-um và ra đến ngoài là có việc khác chờ sẵn!  Hai tác vụ chính trong sứ vụ của Chúa Giê-su là giảng dạy và làm phép lạ chữa lành người đau ốm.  Mà giảng dạy thì chẳng bao giờ cạn, vì nhân loại luôn đói khát lời ban sự sống của Người.  Còn chữa lành thì nhiều vô kể, vì ai cũng đau yếu cả, không thể xác thì cũng tinh thần.  Người đầu tiên được chữa lành hôm nay là bà mẹ vợ ông Phê-rô.  Không hẳn vì bà là mẹ vợ ông Phê-rô nên thuộc “phe ta”, nhưng có lẽ trường hợp của bà là cấp cứu và bà phải “nằm trên giường” cũng như người ta “nói cho Người biết về tình trạng của bà”.  Vì thế bà được ưu tiên thì có gì lạ!  Hơn nữa, Chúa muốn chữa lành ngay cho bà là để bà tiếp tục công việc phục vụ.  Chắc chắn bà thuộc hạng người bác ái phục vụ tha nhân, không chỉ riêng cho Chúa và các môn đệ Người, nhưng còn cho hàng xóm láng giềng, ai cần là bà sẵn sàng giúp đỡ.  Việc Chúa chữa lành bà mẹ vợ ông Phê-rô chỉ là tiêu biểu thôi, vì như thánh sử ghi lại:  “Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người”.  Rõ là bận rộn:  sáng thì giảng dạy trong hội đường, tối thì không ngừng chữa lành mọi kẻ ốm đau và kẻ bị quỷ ám.  Nhà bà mẹ vợ ông Phê-rô bây giờ biến thành bệnh viện, kể cả bệnh viện tâm thần nữa!  Hết mọi người trong thành đã bị lôi cuốn do sự bận rộn của Chúa Giê-su, nên họ xúm lại trước cửa nhà bà mẹ vợ ông Phê-rô.

        Tuy nhiên, điều chúng ta lấy làm lạ nhất, là nguyên một ngày Chúa bận rộn như thế và cần phải nghỉ ngơi, vậy mà “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó”.  Có lẽ nhiều người cho Chúa là “siêu nhân”.  Không phải vậy đâu.  Chúa cũng giống như chúng ta thôi, cũng mệt mỏi, cũng lo âu, vì Chúa làm người phàm như chúng ta mọi đàng, ngoại trừ phạm tội.  Nhưng chính vì yêu mến Chúa Cha hết lòng, hết sức, hết trí khôn và hết linh hồn nên Chúa Giê-su ý thức cầu nguyện là cách tốt nhất để Người sống mối liên hệ với Chúa Cha.  Lại nữa, đối với Người, cầu nguyện còn là nguồn năng lực giúp Người hăng say tiếp tục thi hành sứ vụ cho ngày mai.

        Quả thực Chúa Giê-su có sức thu hút dân chúng đến với Người.  Sau một ngày tháp tùng Chúa, các tông đồ đã thấm mệt.  Nhưng dân chúng lại kéo đến đánh thức các ông dậy và họ muốn gặp Chúa Giê-su.  Các ông đi tìm Chúa, cho Người biết “mọi người đang tìm Thầy”.  Trước tình trạng này, Chúa Giê-su phản ứng khác thường.  Thay vì gặp gỡ họ, Chúa lại quyết định bảo các ông:  chúng ta đi nơi khác thôi.  Người cho biết lý do đi sang các làng mạc chung quanh, là “để Thầy còn rao giảng ở đó nữa”.  Tóm lại, Chúa Giê-su luôn đặt mục đích thực sự của sứ vụ lên hàng đầu, không để cho những cám dỗ công kênh Người hoặc lái Người sang một mục đích khác.

        3.  “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”.  Qua đoạn tường thuật về một ngày làm việc của Chúa Giê-su, chúng ta đã thấy Người bận rộn thế nào trong việc giảng dạy, chữa lành và trừ quỷ.  Mặc dù không được phúc đi theo Chúa ngay từ đầu như các tông đồ khác, nhưng Phao-lô được Chúa gọi sau khi Người sống lại từ kẻ chết và được Người sai đi loan Tin Mừng cho anh chị em dân ngoại.  Vậy Phao-lô nghĩ gì về sứ vụ rao giảng Tin Mừng?  Thứ nhất, đối với Phao-lô, rao giảng Tin Mừng là một bổn phận, một công tác phải chu toàn, vì ngài không “tự ý làm việc ấy”, nhưng được giao phó nhiệm vụ để thi hành.  Ở nơi khác, Phao-lô còn coi sứ vụ rao giảng Tin Mừng là một vinh dự Chúa ban cho ngài, thậm chí ngài còn sẵn sàng đánh đổi mọi sự để được rao giảng Chúa Giê-su Ki-tô chịu đón đinh thập giá nữa.  Thứ hai, rao giảng Tin Mừng là “tự ý trở thành nô lệ cho mọi người”, nói khác đi là phải quên mình vì ích lợi của Tin Mừng và kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.  Muốn đối xử giống như làm “nô lệ cho mọi người” thì Phao-lô cần phải hòa đồng với mọi người, ngay cả đến độ “trở nên yếu với những người yếu”.  Nhưng như thể để làm gì?  Là để chinh phục những người yếu và để bằng mọi cách cứu được một số người.  Bắt chước Chúa Giê-su, thánh Phao-lô chỉ nhắm mục đích chính của sứ vụ, không để mình bị lôi cuốn do bất cứ động lực nào khác.

Sống sứ điệp Lời Chúa

        Lời Chúa hôm nay cho ta biết bối cảnh thế giới tội lỗi và thân phận đau khổ của nhân loại là nơi để Chúa Giê-su được Chúa Cha sai đến mà thực hiện một cuộc thay đổi toàn diện, hoặc nói theo ngôn từ thần học, là thực hiện cuộc Tạo Dựng Mới.  Tuy nhiên, Chúa Giê-su đã khởi đầu công cuộc tạo dựng mới và Người cũng trao cho chúng ta nhiệm vụ cộng tác và tiếp tục cuộc tạo dựng này, bằng cách rao giảng Tin Mừng của Người, chữa lành anh chị em và diệt trừ ảnh hưởng của ma quỷ và tội lỗi.  Quả thực thánh Phao-lô là một tấm gương sáng chói về việc chu toàn nhiệm vụ ấy.  Ước nguyện của Chúa Giê-su cũng như của thánh Phao-lô phải là ước nguyện của mỗi người chúng ta:  “Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng”.

 

Lm. Đaminh Trần đình Nhi        


Suy Niệm Lời Chúa Năm B