Chúa Nhật 6 Mùa Thường Niên - Ngày 14 tháng 2, 2021
Lm. Edward Linton
Các bài đọc: Lv 13: 1-2, 44-46 • Tv 32: 1- 2, 5, 11
• 1Cr 10: 31-11:1 • Mc 1: 40-45
bible.usccb.org/bible/readings/021421.cfm
Có sự khác biệt giữa nghe và lắng nghe.
Nghe thuộc lãnh vực thể lý. Đó là một cảm giác máy móc. Sóng âm thanh đi qua lỗ
tai, rồi đập vào màng nhĩ, làm cho nó rung động. Chúng ta không thể dừng nghe.
Thậm chí khi ngủ chúng ta vẫn còn nghe. Nghe khác với lắng nghe.
Lắng nghe đòi hỏi nỗ lực. Lắng nghe đòi
hỏi phải ước ao. Ta cần tập trung tinh thần để lắng nghe. Thật khó để mô tả một người biết lắng nghe. Nhưng để nhận
ra một người không biết lắng nghe thì không có gì khó! Người không biết lắng nghe là người
chẳng khi nào chịu im miệng. Người không
biết lắng nghe không bao giờ có thắc
mắc. Nếu người ấy có đặt câu hỏi, thì chắc chắn họ không cho người
ta có thời gian để trả lời.
Cách đây không lâu, tôi đi cùng với hai
người bạn. Anh Mike gần đây đã bị tai nạn xe khi rời khỏi một nhà hàng địa
phương nổi tiếng. Con gái anh cùng ngồi trên xe bị gãy tay. Mike tâm sự nỗi dày
vò vì lỗi lầm anh đã để xảy ra tai nạn và nỗi sợ hãi khi phải lái xe. Người bạn kia cắt
ngang câu chuyện về nỗi sợ hãi cùng lầm lỗi của Mike và nói rằng anh ta mới
ăn ở nhà hàng này. Anh ấy rất thích địa điểm đó, đặc biệt là món hành tây
chiên của họ!
Mike biết rằng người bạn trong nhóm chúng
tôi có thể là một người không biết lắng nghe, nhưng dù sao thì Mike cũng thân với
anh ấy. Mike chỉ nhìn người bạn kia và hỏi, "Tôi có thể kể tiếp câu chuyện
hồi nãy không?" Nếu biết được thế nào là một người không biết lắng nghe, chúng
ta sẽ cảm thấy tuyệt vời biết bao khi gặp một người thực sự biết lắng nghe chúng ta! Người biết
lắng nghe đơn thuần là người để cho chúng ta nói. Người biết lắng nghe sẽ
quan tâm đến tình huống của chúng ta và đặt những câu hỏi liên quan đến điều
chúng ta đang nói. Người biết lắng nghe là người giao tiếp giỏi mà không cần
dùng lời nói. Họ giao tiếp bằng sự đồng cảm. Họ cho ta
thấy bằng mọi cách họ
muốn lắng nghe chúng ta.
Nghĩa vụ
đầu tiên của Kitô hữu đối với Thiên Chúa là lắng nghe. Nghĩa vụ
đầu tiên của Kitô hữu đối với nhau là lắng nghe. Nghĩa vụ
của Giáo Hội cũng là lắng nghe.
Trong bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta thấy
Chúa Giêsu là một người biết lắng nghe. Và chúng ta cũng nhận ra người không biết lắng nghe chính là người phong cùi! Phúc Ân mô tả người phong
cùi quì dưới chân Chúa Giêsu và thưa: " Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch." Phúc Âm kể
tiếp, Chúa Giêsu “chạnh lòng thương.”
Sau đó, Người giơ tay đặt trên người ấy và nói, “Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh.” Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo dạy chúng ta rằng “Dù chữa bệnh hay tha tội, Đức
Giê-su luôn đáp lời kêu cầu của người tin tưởng khấn xin Người.” (SGLCG
2616)
Là người biết lắng nghe, Chúa Giêsu đã nghe
một câu ngu xuẩn “Nếu
Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” và
nghe một lời cầu xin được chữa lành. Là người biết lắng nghe, Chúa Giêsu biết rằng người phong cùi không chỉ cầu
xin được lành bệnh tật thể xác thôi đâu. Như chúng ta đã nghe trong bài đọc thứ
nhất trích sách Lê-vi, những người phong hủi bị loại bỏ
khỏi cộng đồng xã hội. Để được trở lại xã hội, để về ôm hôn vợ
con và thăm hỏi bạn bè, thì trước tiên người ấy cần được thầy tư tế làm nghi thức thanh tẩy.
Sách Lê-vi cũng cho thấy cách thức thực hiện nghi thức này. Nghe
người phong cùi cầu xin chữa bệnh và biết rằng việc tái nhập cộng
đồng cũng quan trọng như việc lành bệnh thể xác, Chúa Giêsu nhắc anh ta phải đến
gặp thầy tư tế và làm những gì luật Môi-sen quy định.
Chúa Giêsu tái hợp người phong
cùi với Thiên Chúa khi lắng nghe lời anh cầu xin,
ngay cả khi lời cầu xin đó không như là lời xin đích thực! Chúa Giêsu tái hợp
người phong hủi với cộng đồng khi nhắc nhở anh phải trình diện với các tư tế và làm những gì luật Môi-sen quy định.
Chúa Giêsu cứu chuộc chúng ta để
chúng ta yêu mến, tôn thờ và vâng phục Thiên Chúa. Chúa Giêsu cứu chuộc chúng
ta để chúng ta vâng lời Người và nhờ đó chúng ta trở nên nhân
chứng làm sáng danh Thiên Chúa qua mọi việc mình làm, hầu những người khác có
thể được cứu độ. Vâng phục Chúa Giêsu, chúng ta đưa người khác đến với Người.
Từ
“auscultare” trong tiếng La Tinh có cả hai nghĩa “lắng nghe” và “tuân theo”. Trong
tiếng Anh, từ “lắng nghe” cũng mang ý nghĩa tuân theo. Tuy nhiên, người phong
cùi trong Phúc Âm đã không nghe mà cũng chẳng vâng lời. Vì việc này,
anh đã làm cho nhiều người khó đến với Đức Kitô. Điều
duy nhất Chúa Giêsu yêu cầu người phung hủi là “đừng nói với ai biết!” Vậy mà người phong cùi đã làm gì? Anh ta đã nói với mọi người về mọi chuyện! Kinh thánh nói, “Chúa Giêsu không thể công khai vào trong thành. Người vẫn ở bên ngoài,
nơi hoang vắng”.
Chúng ta có thể nói rằng vì người phung hủi đã kể cho mọi người nghe mọi điều
đã xảy ra, nên Chúa Giêsu đã phải đổi vị trí của Người với anh ta! Bây giờ thì chính Chúa Giêsu lại giống như người phong cùi nên không
thể vào các thị trấn và làng mạc được. Đáng lẽ người phung hủi đâu có được cứu chữa để Chúa Giêsu phải ở ngoài
thành! Mà
người phong hủi đã được Chúa chữa lành là để vâng lời Chúa Giêsu Kitô và
chính nhờ sự vâng phục này mà đưa người khác đến gần Chúa hơn. Nhưng sự bất
tuân của người phong cùi đã gây mọi việc thành khó khăn hơn cho Chúa Giêsu.
Trong giáo hội tiên khởi, các ứng viên
rửa tội được gọi là “audientes”, nghĩa là “người lắng nghe”. Chắc chắn, bí tích Rửa tội cho rằng chúng ta đã được cứu là để trở thành người chú ý lắng nghe, chứ
không phải là người chỉ nghe hời hợt. Chúng ta phải lắng nghe Lời Chúa và noi
gương Chúa Giêsu cũng như các thánh của Người. Thánh Phao-lô, trong bài đọc thứ
hai, đã nói rất hay: “Dù anh em ăn uống,
hay làm việc gì, hãy làm mọi sự vì vinh quang Thiên Chúa. Tránh xúc phạm người Do
Thái hay Hy Lạp hoặc hội thánh của Chúa”. Chúng ta phải noi gương Đức Kitô
bằng cách lắng nghe Người. Sự tốt lành của Đức Kitô đang ở đầy xung quanh chúng
ta là lý do để chúng ta tôn vinh Thiên Chúa.
Vài năm trước, tôi còn là cha xứ của một
giáo xứ với một kho lương thực lớn. Nhờ kho thực phẩm này, giáo xứ mỗi tháng có
thể cung cấp thức ăn cho 1000 gia đình. Cũng nơi đây đã giúp đỡ nhiều
người vô gia cư nữa. Khi người nghèo đến nhận thức ăn, tôi thường hỏi thăm sức
khỏe họ. Thường thường họ trả lời, "Con thật may mắn, thưa Cha!" Thật
vậy, họ đã biết lắng nghe, ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn. Thật vậy, họ
đang lắng nghe và nhận ra lòng
quảng đại của Đức Kitô.
Chúa Giêsu cứu chuộc nhân loại để chúng
ta yêu mến, tôn thờ và vâng phục Thiên Chúa. Chúa Giêsu cứu chuộc chúng ta để
chúng ta vâng phục Người và tôn vinh Thiên Chúa trong mọi việc chúng ta làm.
Tin Mừng của Lời Chúa hôm này là Thiên Chúa cứu
chuộc chúng ta để chúng ta lắng nghe Người!
Nguồn: The Homiletic
& Pastoral Review (hprweb.com)
Chuyển ngữ: JB Đào Ngọc
Điệp