CHÚA NHẬT 13 THƯỜNG NIÊN
Lòng quảng đại của Thiên Chúa biểu lộ nơi Đức Ki-tô
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Kn 1:13-15;
2:23-24; 2 Cr 8:7, 9, 13-15; Mc 5:21-43)
Xen kẽ những
bài giảng về các đề tài lớn, đôi khi chúng ta thấy Phụng vụ Lời Chúa đưa vào những
vấn đề luân lý hoặc những nhân đức liên quan đến đời sống Ki-tô hữu. Một đức tính mà mọi tín hữu đều phải có để
tích cực sống mối tương quan mật thiết giữa các thành phần trong Giáo Hội là
lòng quảng đại. Để trình bày lòng quảng
đại, bài đọc 1 trích sách Khôn Ngoan đề cao ý định của Thiên Chúa là dựng nên
con người để họ là hình ảnh nói lên bản tính quảng đại của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa là Đấng vĩnh cửu nên Người cũng
muốn loài người được “trường tồn bất diệt”.
Nhưng cuộc tạo dựng do lòng quảng đại ấy lại bị sự ganh tị của quỷ dữ làm
hư hỏng. Thiên Chúa muốn tái tạo vũ trụ
và nhân loại hư hỏng ấy bằng kế hoạch cứu độ nhờ Chúa Giê-su Ki-tô. Chính nơi Người, lòng quảng đại của Thiên
Chúa được tỏ ra cho chúng ta qua mọi hy sinh của Người, nhất là cái chết của
Người trên thập giá. Bài Tin Mừng hôm
nay chỉ đan cử một vài thí dụ nói lên lòng quảng đại của Thiên Chúa, khi Chúa
Giê-su chữa lành cho người đàn bà mắc bệnh băng huyết đã mười hai năm và cho
con gái ông trưởng hội đường Giai-a được sống lại. Sau cùng, đoạn thư thứ hai thánh Phao-lô gửi
tín hữu Cô-rin-tô là một áp dụng tuyệt vời để sống lòng quảng đại của Thiên
Chúa trong đời sống cá nhân cũng như cộng đoàn Ki-tô chúng ta.
1. Ý định của Thiên Chúa khi Người tạo dựng
chúng ta là để chúng ta biểu hiện lòng quảng đại của Người. Sách Khôn Ngoan cho chúng ta một hình ảnh tuyệt
vời của Thiên Chúa khi chúng ta ngắm nhìn công cuộc tạo dựng. Điều đầu tiên tác
giả sách Khôn Ngoan khẳng định với chúng ta rằng mục đích Thiên Chúa sáng tạo
muôn loài là để “hữu ích cho sinh linh”, tức là để được sống. Thiên Chúa là sự sống. Vì lòng quảng đại, Người muốn chia sẻ sự sống
ấy cho muôn loài thọ tạo tùy theo cấp độ.
Riêng loài người, chẳng những Thiên Chúa muốn họ được sống, mà còn được
“trường sinh bất tử” nữa. Đang khi sống
trên trần gian, sứ mệnh của con người là “làm hình ảnh của bản tính Thiên
Chúa”. Nói khác đi, chúng ta được Thiên
Chúa trao phó trách nhiệm biểu hiện tất cả những gì là chân, thiện và mỹ của
Người qua những tháng năm chúng ta sống với đồng loại trên trần gian này. Nhìn lại ý định ấy của Thiên Chúa, chúng ta
hiểu được động lực nào đã khiến Thiên Chúa không giữ lại gì cho mình, nhưng muốn
đem chia sẻ hết cho chúng ta, đó là lòng quảng đại. Mà cũng dễ hiểu thôi, như thánh Phao-lô giúp
chúng ta hiểu nhờ suy tư của ngài: “Đến
như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy
chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất
cả cho chúng ta?” (Rô-ma 8:32). Quả thực, ngay từ ban đầu lòng quảng đại của
Thiên Chúa đã thực hiện một công trình tạo dựng vô cùng tốt đẹp. Muôn loài sống trong sự hiệp nhất hài hòa và
giúp nhau hiện hữu trong sự tốt lành của Thiên Chúa. Tuy nhiên, như sách Khôn Ngoan cho chúng ta
biết tại sao công cuộc tạo dựng tốt đẹp ấy lại bị đổ vỡ. Đó là “chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã
xâm nhập thế gian”. Những lời này làm
chúng ta nhớ lại khung cảnh vườn địa đàng và chuyện xảy ra cho nguyên tổ loài
người. Ma quỷ đã ganh tị với loài người
nên tìm cách cám dỗ họ đừng tuân phục Thiên Chúa nữa. Nó đã thành công khi xúi giục được bà E-và ăn
trái cấm rồi đưa cho A-đam cùng ăn để họ được “trở nên thần linh”! Như thế, ma quỷ đã lấy sự ganh tị để phá hoại tác
phẩm của lòng quảng đại của Thiên Chúa, hoặc nói khác đi, lòng ganh tị là kẻ
thù đối nghịch với lòng quảng đại vậy.
Thế là ý định ban đầu của Thiên Chúa khi tạo dựng chúng ta phải thay đổi,
thay vì để chúng ta được hạnh phúc trong “vườn” của Thiên Chúa thì chúng ta lại
bị đuổi ra khỏi địa đàng. Tuy nhiên Thiên
Chúa đâu chịu bỏ cuộc. Qua lời hứa ban Đấng
Cứu Độ (Sáng Thế 3:15), Người sẽ thực hiện một kế hoạch khác để biểu lộ tình
yêu và lòng quảng đại của Người, đó là kế hoạch cứu độ nhờ Đức Giê-su Ki-tô,
Con Một được Người sai đến trần gian khi thời gian tới hồi viên mãn.
2. Chúa Giê-su biểu lộ lòng quảng đại của Thiên
Chúa khi Người chữa lành. Đoạn
Tin Mừng Mác-cô hôm nay thuật lại hai phép lạ Chúa Giê-su làm trong cùng một bối
cảnh: cho cô con gái nhỏ của ông trưởng
hội đường Giai-a sống lại và chữa lành một người phụ nữ mắc bệnh băng huyết đã
mười hai năm. Tuy cả hai câu chuyện đều
không trực tiếp đề cập đến lòng quảng đại là động lực khiến Chúa Giê-su làm
phép lạ, nhưng khi chiêm ngắm các hành vi của Chúa Giê-su lúc Người tiếp xúc với
ông Giai-a, trưởng hội đường, và với người phụ nữ mắc bệnh băng huyết, chúng ta
sẽ nhận ra tấm lòng quảng đại của Chúa được biểu lộ qua từng lời nói và hành động
của Người. Chúng ta thử đặt mình vào
khung cảnh Chúa Giê-su đang tiếp xúc và rao giảng Tin Mừng cho dân chúng tại bờ
Biển Hồ. Hãy tưởng tượng đang lúc chúng
ta làm một công việc quan trọng mà có ai đó đến gây gián đoạn, thì chúng ta sẽ
phản ứng thế nào đây? Chúa Giê-su đang
giảng, bất ngờ ông Giai-a xông vào, sụp xuống dưới chân Chúa và khẩn cầu Người
đến nhà ông để cứu chữa con gái ông đã chết.
Vậy mà Chúa Giê-su không chút giận dữ, trái lại “Người liền ra đi với
ông”. Vậy điều gì đã khiến Người sẵn
sàng bỏ “việc lớn” là giảng dạy để đi làm chuyện nhỏ là đáp lại lời van xin của
ông trưởng hội đường? Chắc chắn vì lòng
quảng đại rồi! Đối với Chúa Giê-su, lòng
quảng đại không dựa trên công việc của riêng Người, nhưng trên nhu cầu của kẻ
khác. Hành động Người lập tức ra đi để cứu
chữa con gái ông Giai-a thực là một định nghĩa sống động về lòng quảng đại và một
quy tắc để chúng ta thực thi lòng quảng đại! Liệu chúng ta có sẵn sàng dừng lại công việc của
mình để quảng đại giúp đỡ người khác đang cần chúng ta không?
Phép lạ
chữa lành người phụ nữ mắc bệnh băng huyết đã mười hai năm cũng nói lên một
cách không kém hùng hồn lòng quảng đại của Chúa. Người đàn bà này mắc chứng bệnh phụ nữ đã khiến
bà phải khổ sở trăm bề. Về mặt tài
chánh, mười hai năm trời chạy thầy chạy thuốc đủ cách mà vẫn tiền mất tật
mang. Về mặt tâm lý, theo luật Do-thái,
bà đã trở thành người “ô uế” nên không thể tham dự những sinh hoạt cộng đồng
như những người khác, thí dụ tham dự các buổi cầu nguyện tại hội đường hoặc những
lễ hội khác, hoặc không thể sinh con đẻ cái, một nỗi ô nhục theo văn hóa
Do-thái… và bao nỗi khổ tâm khác nữa.
Ngay đến việc xin Chúa chữa lành cho bà, bà cũng không dám làm một cách công
khai. Bà chỉ dám “lách qua đám đông, tiến
đến phía sau Chúa và sờ vào áo choàng của Người”. Tuy nhiên lòng quảng đại của Chúa đã khiến
Người hiểu rõ nhu cầu của bà. Lòng quảng
đại ấy đã trở thành “một năng lực tự nơi Chúa phát ra”, để nhờ lòng tin, người
phụ nữ khốn khổ được tiếp xúc với năng lực ấy qua hành vi sờ vào áo choàng của
Chúa và “tức khắc, máu cầm lại và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh”. Lòng quảng đại của Chúa Giê-su không dừng lại
ở việc chữa lành thể xác cho người phụ nữ này, mà còn đưa tới một sự chữa lành
tâm lý nữa. Chính Chúa đã giúp cho bà giải
tỏa mọi nỗi u uất từ lâu năm. Thánh
Mác-cô viết: “Đức Giê-su ngó quanh để
nhìn người phụ nữ đã làm điều đó”. Chúng
ta hiểu Chúa “nhìn” người phụ nữ ấy thế nào?
Chắc chắn Chúa nhìn qua lăng kính lòng quảng đại, hiểu được nhu cầu đích
thực của bà. Từ lâu nay bà đã bị tách biệt
khỏi cộng đoàn thì bây giờ Chúa giúp bà được trở về với cộng đoàn. Người muốn cho mọi người thấy bà đã thực sự
được chữa lành, không còn là kẻ ô uế nữa!
Bà phủ phục trước mặt Chúa và nói hết “sự thật” với Người. Mọi người đều chứng kiến và nhận thực bà đã
được lành bệnh băng huyết, không còn là người ô uế nữa. Đáp lại lòng thành thực của bà, Chúa
phán: “Này con, lòng tin của con đã cứu
chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn
bệnh”. Lòng tin, bình an và khỏi hẳn bệnh,
tất là đều là hoa trái do lòng quảng đại của Chúa Giê-su. Như thế, qua cả hai câu chuyện phép lạ trên,
chúng ta có thể kết luận rằng Chúa Giê-su đã biểu lộ lòng quảng đại của Thiên
Chúa một cách vô cùng sống động vậy.
Sống sứ điệp Lời
Chúa
Bài học
rút ra từ Lời Chúa hôm nay chính là điều thánh Phao-lô đã dạy tín hữu Cô-rin-tô
thực hành: “Trong hoàn cảnh hiện tại,
anh em có được dư giả, là để giúp đỡ những người đang lâm cảnh túng thiếu” . Trước hết, ngài khen ngợi tín hữu
Cô-rin-tô về những thành quả thiêng liêng họ đã gặt hái được nhờ lời dạy dỗ của
ngài. Nhân dịp lạc quyên giúp đỡ cho hội
thánh ở Ma-kê-đô-ni-a đang trong buổi khó khăn, thánh Phao-lô đã kêu gọi lòng
quảng đại của anh chị em cộng đoàn Cô-rin-tô.
Ngài lấy gương quảng đại của Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng đã trút bỏ vinh
quang Thiên Chúa, trở nên nghèo khó, để “lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh
em trở nên giàu có” về đàng thiêng liêng, mà kêu gọi tín hữu Cô-rin-tô hãy mở
lòng giúp đỡ anh chị em tại cộng đoàn khác đang gặp cơn khốn quẫn. Giống như tín hữu Cô-rin-tô, có lẽ chúng ta cảm
thấy hãnh diện “về đức tin, lời giảng, sự hiểu biết, lòng nhiệt thành” của
chúng ta trong mọi lãnh vực, nhưng có thể chúng ta phải tự xét về lòng quảng đại
của mình là điều mà thánh Phao-lô khích lệ chúng ta cần phải trổi vượt. Thiên Chúa Cha đã quảng đại tạo dựng chúng
ta. Chúa Con đã quảng đại chịu chết để cứu
độ chúng ta. Nhìn cảnh túng thiếu cả vật
chất lẫn tinh thần của nhiều con cái mình, chắc chắn Cha trên trời cũng muốn những
đứa con khác hãy tỏ lòng quảng đại đối với anh chị em của họ, chia sẻ những gì
mình có, để tất cả chúng ta trở nên phương tiện Người dùng mà tỏ bày lòng quảng
đại vô tận của Người.
Lm. Đa-minh Trần
đình Nhi