CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN

Ngôn sứ ngày xưa và ngôn sứ hôm nay

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Ed 2:2-5;   2 Cr 12:7-10;  Mc 6:1-6)

        Sau loạt bài giảng về Nước Thiên Chúa, Chúa Giê-su để ý đến việc đào tạo môn đệ để Người sai họ đi rao giảng Tin Mừng cứu độ.  Giống như các ngôn sứ ngày xưa, Chúa Giê-su được Chúa Cha sai đến trần gian để thi hành sứ mệnh và nay đến lượt các môn đệ được Chúa Giê-su sai đi để tiếp tục sứ mệnh của Người.  Điều cần thiết nhất khi bắt đầu chương trình đào tạo là Chúa giúp các môn đệ Người hiểu rõ vai trò ngôn sứ của họ.  Ngôn sứ thời nào cũng đều có những điểm chung trong sứ vụ và trong những khó khăn khi thi hành sứ vụ.  Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày khuôn mặt ngôn sứ, từ các ngôn sứ thời Cựu Ước đến vị Ngôn Sứ Tối Cao là Đức Giê-su Ki-tô, cũng như các ngôn sứ thời nay chia sẻ sứ mệnh của Người, đó là chúng ta, các môn đệ Người.  Vậy vị ngôn sứ Cựu Ước được Lời Chúa hôm nay giới thiệu chính là Ê-dê-ki-en, người nói thay cho Thiên Chúa, đã bị chính đồng bào của ông tẩy chay và tìm cách hãm hại (bài đọc 1).  Cũng giống hầu hết các vị ngôn sứ trong quá khứ, Chúa Giê-su, là chính Lời Thiên Chúa trực tiếp phán dạy, cũng không tránh khỏi số phận bị khinh khi, thậm chí do những người dân thành Na-da-rét, nơi Người đã lớn lên và sinh hoạt với họ đã bao năm (bài Tin Mừng).  Theo chân Đức Ki-tô, thánh Phao-lô tông đồ trên đường rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại, cũng từng bị bách hại và chịu đựng gian truân khi ngài trung thành với sứ mệnh (bài đọc 2).

 

        1.  Ê-dê-ki-en, vị ngôn sứ thời lưu đày.  Ngôn sứ Ê-dê-ki-en, con ông Bu-di, thuộc hàng tư tế bị phát lưu đi Ba-by-lon ngay đợt đầu năm 597 trước Chúa giáng sinh.  Tuy ở Ba-by-lon, nhưng ông vẫn theo dõi và giải thích những gì xảy ra tại Giê-ru-sa-lem.  Sau khi Giê-ru-sa-lem thất thủ, một đám dân lưu đày mới được đưa tới Ba-by-lon.   Sứ điệp của ông gồm nhiều lời “hạch tội” Ít-ra-en và tố cáo nhiều tầng lớp con dân nước Giu-đa.  Song song với những lời nghiêm khắc vạch trần tội lỗi của dân Chúa, Ê-dê-ki-en còn được Chúa trao sứ mệnh rao giảng giúp dân lưu đày hiểu biết về hiện tại của mình và niềm hy vọng vào tương lai.  Tuy nhiên nói thật mất lòng, nhưng vì đã được Thiên Chúa cho biết trước những chống đối và khó khăn nên Ê-dê-ki-en vẫn luôn trung thành với sứ vụ được trao phó.  Điều quan trọng nhất Thiên Chúa muốn Ê-dê-ki-en phải xác tín, đó là Người sai ông đến với con cái Ít-ra-en là “dân phản nghịch đang nổi loạn chống lại Thiên Chúa” giống như cha ông họ ngày xưa.  Họ là “những đứa con mặt dày mày dạn, lòng chai dạ đá”.  Được sai đi như thế khác nào như chiên đi vào giữa đàn sói dữ, cho nên Ê-dê-ki-en làm sao không nao núng lo sợ!  Tuy nhiên Chúa không muốn đe dọa Ê-dê-ki-en, mà chỉ cho ông biết một sự thật phũ phàng để ông chuẩn bị đối phó khi nó xảy đến.  Nhưng nhất là Chúa muốn vị ngôn sứ của Người biết rõ hai điều:  thứ nhất, lời Chúa phán với ông là “thần khí đã nhập vào ông và làm cho chân ông đứng vững”;  thứ hai là tuy được sai đến với “nòi phản loạn”, dù họ chịu nghe lời hay không nghe lời ông, thì họ vẫn phải biết rằng có một ngôn sứ là Ê-dê-ki-en do Chúa sai đến đang ở giữa họ.  Rõ ràng là Chúa đã củng cố địa vị của ông, ban cho ông “thần khí” là sức mạnh của Người để giúp ông đứng vững và Chúa xác định rõ ràng chỗ đứng cũng như vai trò của ông là do Người quyết định.  Bất cứ ngôn sứ nào được Thiên Chúa sai đến, đặc biệt là Ê-dê-ki-en, đều là hình bóng báo trước một vị ngôn sứ cao cả nhất, đó là Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng đã được tác giả thư Do-thái mô tả như sau:  “Thưở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ;  nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử, Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài” (Do-thái 1:1-2).

 

        2.  Chúa Giê-su, vị ngôn sứ bị khinh thường ngay tại quê hương mình.  Ngôn sứ là người nói thay cho Thiên Chúa mà còn bị bạc đãi, huống chi Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa (Thánh Tử) và Lời (Ngôi Lời) Thiên Chúa trực tiếp phán dạy nhân loại, liệu có tránh khỏi sự trớ trêu này không?  Không đâu!  Dân Chúa ngày xưa đã “nổi loạn” chống lại Thiên Chúa, thì cũng thế, dân Do-thái thời Chúa Giê-su chẳng kiêng nể gì Con Một Thiên Chúa.  Tệ hơn nữa, Chúa Giê-su, Thiên Chúa làm người phàm, lại bị rẻ rúng ngay tại quê hương Na-da-rét của Người.  Như thế, nỗi ô nhục Người phải chịu còn lớn hơn ngàn lần so với các ngôn sứ đến trước Người nữa.  Vậy Chúa Giê-su đã bị dân thành Na-da-rét khinh thường như thế nào?  Chúng ta thử tưởng tượng khung cảnh “Đức Giê-su trở về quê quán của Người”.  Chi tiết đầu tiên chúng ta nên để ý trong chuyến “về làng” của Chúa là “có các môn đệ đi theo”.  Chắc chắn mục đích khi trở về chuyến này của Chúa không phải là “áo gấm về làng” nên Người mới đem theo các môn đệ.  Thực ra sau thời gian ngắn, danh Người đã đồn ra khắp nơi xa gần chứ đâu cần tới dân thành Na-da-rét quý trọng.  Người người khắp nơi còn ngưỡng mộ Chúa, khao khát được nghe lời Người giảng, đến độ bỏ cả nhà cửa lẫn công ăn việc làm để đi theo Người.  Nghe nói Chúa ở đâu là người ta lũ lượt kéo tới.  Không phải chỉ đàn ông hoặc người lớn, mà cả đàn bà lẫn trẻ con.  Ai cũng muốn được đến gần Người, nghe Người và chứng kiến những phép lạ Người làm.  Ngày xưa làm gì có phương tiện đi lại dễ dàng mà chỉ là cuốc bộ!  Vậy mà họ vẫn không ngại xa xôi, đi bộ nhiều ngày để tìm kiếm Chúa, đói khát mệt nhọc cũng không một lời than vãn.  Chúng ta trở lại câu hỏi:  tại sao chuyến này lại có các môn đệ đi theo?  Chúng ta đã thấy trong bài đọc 1, Thiên Chúa báo trước cho Ê-dê-ki-en biết những gian khổ ông sẽ phải chịu.  Còn bây giờ, Chúa Giê-su không báo trước cho các môn đệ của Người, nhưng Người muốn cho họ chứng kiến tận mắt nỗi ô nhục do quê hương Người đã đối xử với Người.  Đây quả là một bài học sống động, không chút lý thuyết, nhưng là kinh nghiệm cụ thể để các môn đệ, những ngôn sứ tương lai sẽ được Người sai đi, có cơ hội học hỏi và tin vào Người hơn nữa.  Thử thách hiện tại của Chúa Giê-su cũng sẽ là thử thách của họ.  Trước mắt họ, Chúa Giê-su đường đường là một vị Thầy, một ngôn sứ, Con Thiên Chúa, Đấng chữa lành, Đấng làm những điềm kỳ phép lạ, vậy mà giờ đây chẳng hơn gì “bác thợ, con bà Ma-ri-a” và là “anh em” với đám vô danh tiểu tốt như các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn, những cái tên gọi quá quen thuộc, đi bất cứ đâu trong Ít-ra-en người ta cũng gặp cũng nghe.  Thiết nghĩ bài học đắt giá này sẽ làm cho các môn đệ Chúa nhớ đời, để họ xác tín rằng tôi tớ không hơn chủ, trò không hơn thầy!  Kết quả của sự khinh khi này là gì?  Chúa Giê-su rút ra một bài học thực tế:  “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi”.  Chúa đã đi tới tận cùng của sự khinh thường, từ quê hương tới bà con thân thuộc và tột đỉnh là thân nhân trong gia đình cũng coi Người là tên điên và muốn đến lôi Người về nhà cho khuất mắt (Mác-cô 3:20-21)!  Nhưng cuối cùng có một điều khá thú vị, là dù không thể làm được phép lạ nào lớn lao vì họ thiếu lòng tin, nhưng Người vẫn “đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ”.  Như vậy là Chúa Giê-su đã không lấy oán báo oán, vẫn đối xử tốt với những ai sẵn lòng chấp nhận Người.  Người chỉ “lấy làm lạ” tại sao họ không tin Người mà thôi.  Cuối cùng, Người âm thầm đi nơi khác để tiếp tục sứ vụ, không một lời than trách hay giận dữ.

 

Sống sứ điệp Lời Chúa

        Ngôn sứ không chỉ là cái nghiệp, mà còn là một sứ mệnh.  Khi được rửa tội là chúng ta tham dự vào chức tư tế của Chúa Giê-su là vua, là ngôn sứ và là tư tế.  Công Đồng Vatican đã nhiều lần nhắc nhở chúng ta về vinh dự này.  Đặc biệt bài đọc 2 trong Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nêu lên cho chúng ta một tấm gương sáng ngời của thánh Phao-lô, tông đồ dân ngoại.  Cuộc đời rao giảng của ngài đầy gian nan thử thách và những bạc đãi ngài phải gánh chịu.  Đau khổ thể xác lẫn tinh thần, chống đối và bách hại ngay từ những đồng bào Do-thái của ngài, nguy hiểm trên đất, trên biển, bị đánh đập nhiều lần suýt chết (xem 2 Cô-rin-tô 11:22-33).  Nhưng ngài vẫn kiên vững vì Chúa Ki-tô là sức mạnh của ngài.  Ngài phải đối phó với gian truân từ bên ngoài.  Nhưng gian truân trong tâm hồn còn nguy hiểm hơn nữa, đó là tính tự cao tự đại giống như cái “dằm” đâm vào da thịt ngài, hoặc như “thủ hạ của Xa-tan được sai đến vả mặt ngài”.  Bài học thánh tông đồ Phao-lô dạy chúng ta khi nhìn lại những gian nan của đời ngôn sứ là:  1) Bài học khiêm nhường:  Ơn Chúa luôn đủ cho chúng ta, để sức mạnh của Chúa được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối của ta.  2)  Vui mừng và tự hào vì những yếu đuối, sỉ nhục, bách hại vì Đức Ki-tô.  3)  Xác tín rằng “khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh”.  Quả thực chúng ta là những ngôn sứ hôm nay vậy!

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm B