Chúa Nhật 15 TN – Ngày 11 tháng 7, 2021

Lm. James Pierce Cavanaugh, OP

 

Các Bài đọc: Am 7:12–15 • Tv 85: 9–10, 11–12, 13–14 • Ep 1: 3–14 • Mc 6: 7–13

bible.usccb.org/bible/readings/071121.cfm

 

 

Chúng ta có sống với tư cách là dân tư tế của Thiên Chúa không? Mỗi người chúng ta có ý thức rằng Thiên Chúa muốn sử dụng chúng ta để làm cho thế giới trở nên thánh thiện không?

 

Chúng ta không chắc tại sao Thiên Chúa lại chọn chúng ta làm một ngôn sứ, cũng như không chắc tại sao Người lại chọn một người chăn chiênmột người làm vườn để giao tiếp với chúng ta. Nhưng rõ ràng A-mốt đã được gọi. Chúng ta cũng vậy. Dường như lời kêu gọi của Thiên Chúa đến với những ai sẵn sàng lắng nghe nhất, những ai đã trau dồi khả năng tiếp nhận lời Người. A-mốt đã làm điều đó. Và ông đã trung thành đáp lại lời Chúa kêu gọi ông.

 

Vậy thì điều này có liên quan gì đến chúng ta? Nếu như 10 năm trước đây tôi đã ngồi tại những băng ghế này khi nghe điều ấy, thì tôi biết tôi sẽ nghĩ rằng: “Được rồi, thưa Cha, điều đó tốt cho A-mốt là đủ rồi. Nhưng con đâu biết rằng chính mình được gọi làm một ngôn sứ. A-mốt đã là một ngôn sứ, phải, nhưng con đâu biết mình có phải là ngôn sứ hay không."

 

Trong thực tế, có một bản năng tốt đẹp trong câu chuyện A-mốt. Để làm một ngôn sứ như A-mốt, để thực sự nói tiên tri, thì một người phải thực sự tiếp xúc với lề luật Thiên Chúa, đường lối của Người, con người của Người và phải sống trong mối quan hệ với Người. Và chúng ta chỉ cần nhìn vào những người vỗ ngực tự xưng là ngôn sứ của Thiên Chúa, nhưng lại rao giảng những thông điệp thù hận và lên án, mang tai mang tiếng đến độ một người như thế không thể phù hợp với sứ vụ ngôn sứ được.

 

Nhưng đồng thời, tôi biết ít nhất một số người đã nghe điều này trước đây, chúng ta được kêu gọi trở thành một dân tộc mà tất cả là ngôn sứ. Các bài đọc này mời gọi chúng ta hãy lấy con mắt đức tin nhìn vào bí tích Rửa tội. Có điều gì đó mang tính ngôn sứ trong bí tích ấy. Bởi vì trong bí tích Rửa tội, chúng ta được làm cho mạnh mẽ nhờ Chúa Thánh Thần.

 

Các bạn có biết mỗi người chúng ta đều có quyền cầu xin Chúa Thánh Thần không? Kêu xin Chúa Thánh Thần ngự xuống trong cuộc sống của chúng ta và xuống thế giới chúng ta không? Ồ, cầu xin để tất cả chúng ta sẽ sử dụng những hồng ân chúng ta đã được tặng ban. Cầu xin để mỗi người chúng ta được nên thánh thiện như các vị thánh, không vương vấn mùi đời như vị đạo sĩ Đông phương vĩ đại nhất, kỷ luật như người lính thủy quân lục chiến. Trong tất cả những điều này, chúng ta sẽ sẵn sàng trước bất kỳ thử thách nào, nhưng với tư thế rạng rỡ lôi cuốn bất cứ ai có thiện ý mà chúng ta tiếp xúc. Tất cả những điều này dường như đều có thể xảy ra, và thực sự đang xảy ra theo nhiều cách,ở thật xa. Vì vậy, hãy dành một chút thì giờ suy nghĩ về những phương thức Chúa Giêsu ban cho chúng ta để rút ngắn khoảng cách đó. Hãy suy ngẫm về quyền bính Chúa Giêsu trao ban cho các tông đồ của Người.

 

Vậy quyền bính này thì thế nào? Nó cao cả hơn bất cứ điều gì được ban cho A-mốt hoặc một ngôn sứ nào khác. Chỉ có hai ngôn sứ Ê-li-a và Ê-li-sa mới thực hiện được những điều kỳ diệu như các tông đồ đã thường làm. Rồi chưa bao giờ lại có nhiều tông đồ và họ cùng sống bên nhau như vậy. Các ngôn sứ tuy tiếp xúc với Thiên Chúa, nhưng họ không có được những quyền năng này. Còn các tông đồ, với tính cách là một tập thể, đã vượt xa công việc của ngay cả những ngôn sứ vĩ đại nhất trong Cựu Ước. Và các tông đồ vẫn đang ở với chúng ta. Cách đây vài năm, tôi nói với các học sinh trong lớp tôi đã dạy, “Nếu các bạn muốn gặp một tông đồ, các bạn không cần phải đi đâu xa xôi; đó là vị giám mục. Ngài là người kế vị các tông đồ ngay gần đây." các bạn có tin hay không, thì giám mục đã được ban cho mọi quyền năng mà các tông đồ có được. Rồi những người được sai đến để giúp giám mục nữa. . . giống như tôi đây. Tất cả được trao quyền bính và sức mạnh để thực hiện những điều kỳ diệu.

 

Tôi không chỉ nói điều này; chúng ta hãy lấy con mắt đức tin nhớ lại những gì Giáo hội dạy về Bí tích Thánh Thể. Sắp sửa có một phép lạ xảy ra khoảng 15 phút nữa trên bàn thờ này. Nhờ quyền năng Chúa Giêsu đã để lại cho các tông đồ và Giáo hội, bạn có thể chắc chắn rằng Chúa Giêsu sẽ dùng tôi để biến bánh và rượu bình thường trở thành Mình và Máu Người. Người đã ký thác cho tôi quyền năng đó. Quyền năng tha thứ tội lỗi một cách kỳ diệu, giống như Người đã làm. Quyền năng chữa lành trong việc xức dầu. Tại sao tất cả những điều này đã được Chúa ban? Là để củng cố việc thánh hóa bản thân của tất cả chúng ta. Anh chị em thân mến, đó là để làm cho chúng ta phù hợp với sứ vụ ngôn sứ của chúng ta. Là để giúp chúng ta, giống như ngôn sứ A-mốt, trau dồi khả năng tiếp nhận Thiên Chúa. Là để mở ra những quyền năng Người ban cho tất cả chúng ta.

 

Thưa anh chị em, vậy chúng ta hãy tận dụng quyền năng Chúa Giêsu đã ban cho các tông đồ, tận dụng quyền năng Người đã ban cho Giáo hội. Và chúng ta hãy tận dụng quyền năng Người ban cho mỗi người chúng ta trong phép Rửa Tội. Hãy sống với tư cách là dân tư tế của Thiên Chúa. Hãy để Chúa sử dụng chúng ta để làm cho thế giới trở nên thánh thiện.

 

Nguồn: The Homiletic & Pastoral Review – (hprweb.com)

Chuyển ngữ: JB. Đào Ngọc Điệp


Suy Niệm Lời Chúa Năm B