CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG
NIÊN B
Gr 23,1-6; Ep 2,13-18; Mc 6,30-34
MỤC TỬ NHÂN LÀNH CHẠNH
LÒNG THƯƠNG VÀ QUÊN MÌNH PHỤC VỤ
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mc 6,30-34.
(30) Các tông đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại
cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. (31) Người
bảo các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ
ngơi đôi chút”. Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có
thì giờ ăn uống nữa. (32) Vậy, Thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi
hoang vắng. (33) Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các
thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài. (34) Ra khỏi
thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như
bầy chiên không người chăn dắt. Và người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.
2. ÝCHÍNH:
Là mục tử tốt lành luôn cảm
thông với nỗi vất vả của các môn đệ, nên sau cuộc hành trình truyền giáo, Đức
Giê-su đã bảo các ông hãy lên thuyền đến nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi. Nhưng khi
thuyền vừa cập bến, nhìn thấy cảnh đám đông dân chúng từ xa kéo đến đang chờ
đợi để nghe giảng Tin Mừng, thì Người lại “chạnh lòng xót thương” họ, và quên
việc nghỉ ngơi để tiếp tục rao giảng Tin Mừng cho họ.
3. CHÚ THÍCH:
-C 30-31: + Các tông đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su
và kể lại cho người biết mọi việc: Sau cuộc thực tập truyền giáo, các tông đồ đã họp
lại quanh Thầy để báo cáo công tác rao giảng kêu gọi người ta ăn năn sám hối
(x. Mc 6,12), trừ quỉ và xức dầu chữa bệnh cho nhiều người đau ốm (x. Mc 6,13).
+ Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi
chút; Lời này cho thấy Đức Giê-su cảm thông với nỗi vất vả của các tông
đồ khi không có thời gian thư giãn để hồi phục sức khỏe. + Quả thế, kẻ
lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống: Dân
chúng kéo tới tấp nập gợi lên hình ảnh dân Ít-ra-en xưa đã đi theo Mô-sê trong
hoang địa Xi-nai trên đường về Đất Hứa. Đây cũng là kết quả cụ thể của cuộc
hành trình truyền giáo vừa qua của các tông đồ: Các ông đã giúp người ta nhận
biết Đấng Thiên Sai Giê-su và khao khát nghe giảng Tin Mừng Nước Trời.
-C 32-33: + Thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng
ra một nơi hoang vắng: Đức Giê-su muốn cho các tông đồ vào nơi thanh vắng để họ được sống thân
tình với Người và được hồi phục sức khỏe cả về thể xác lẫn tâm hồn. +
Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau
theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài: Thấy thầy trò lên
thuyền, nhiều người đoán các ngài sẽ đến miền Bét-sai-da và Giu-li-a cách đó
khoảng 10 cây số. Họ không ngại đường xa vất vả nên đã đi bộ ven bờ hồ và đến
nơi trước các ngài. Chính lòng tin yêu đã thôi thúc dân chúng vượt qua trở ngại
để tìm đến với Đức Giê-su, như lời thánh Phao-lô; “Tình yêu Chúa Ki-tô thôi
thúc chúng tôi” (2 Cr 5,14).
-C 34: + Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì
chạnh lòng thương: “Chạnh lòng thương” hay “Động lòng trắc ẩn”, là một tình cảm sâu xa bắt
nguồn từ nội tâm và biểu lộ bằng hành động. Tin Mừng đã nhiều lần thuật lại các
phép lạ Đức Giê-su làm do động lòng thương” như: Chữa hai người mù tại
Giê-ri-cô (x. Mt 20,34), phục sinh con trai bà góa thành Na-in (x. Lc 7,13),
chữa một đứa bé mắc bệnh động kinh vì bị quỷ ám (x. Mc 9,22). + Vì họ
giống như đàn chiên đang bơ vơ không có mục tử chăn dắt: Đây là hình
ảnh đáng thương của dân Ít-ra-en thời bấy giờ. Những người đầu mục Do thái là
các tư tế và các kinh sư, lẽ ra phải dạy dỗ dân thì lại lười biếng không làm
việc chăm sóc phục vụ chiên mà chỉ lo tìm kiếm tư lợi cho bản thân, như ngôn sứ
Ê-dê-ki-en đã tuyên sấm: “Khốn cho các mục tử Ít-ra-en, những kẻ chỉ biết lo
cho mình ! Nào mục tử không phải chăn dắt đàn chiên đó sao ? Sữa các ngươi
uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt các ngươi giết, còn đàn chiên thì các
ngươi lại không lo chăn dắt: Chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh; Chiên
bệnh tật các ngươi không chữa lành; Chiên bị thương các ngươi không băng bó;
Chiên đi lạc các ngươi không đưa về; Chiên bị mất các ngươi không đi tìm. Các
ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc. Chiên của Ta vì thiếu mục tử
chăn dắt nên biến thành mồi ngon cho dã thú, chúng chạy toán loạn. Chiên của Ta
tản mác trên các ngọn núi, trên đỉnh đồi. Chiên của Ta tản mác trên khắp mặt đất,
thế mà chẳng ai chăm sóc, chẳng ai kiếm tìm” (Ed 34,1-6). + Và người bắt
đầu dạy dỗ họ nhiều điều: Đức Giê-su đặt nặng sứ vụ loan báo Tin
Mừng Nước Trời, nên Người đã bỏ qua chương trình nghỉ ngơi. Tin Mừng Lu-ca
viết: “Đức Giê-su tiếp đón họ, nói về Nước Thiên Chúa và chữa lành những ai cần
được cứu chữa” (Lc 9,11).
4.CÂU HỎI:
1) Các tông đồ đi truyền giáo
trở về, đã báo cáo những gì với Đức Giê-su ?
2) Câu nào cho thấy Đức Giê-su
luôn nghĩ đến người khác, nghĩ đến nỗi vất vả của các tông đồ khi đi rao giảng
Tin Mừng Nước Trời ?
3) Kết quả cụ thể của cuộc hành
trình truyền giáo của các tông đồ là gì ?
4) Đức Giê-su muốn đưa các môn
đệ vào nơi thanh vắng để làm gì ?
5) Dân chúng biểu lộ lòng yêu
mến Đức Giê-su và hâm mộ nghe lời Người giảng qua hành động nào ?
6) Chạnh lòng thương nghĩa là
gì ? Tin Mừng ghi nhận Đức Giê-su làm gì khi “chạnh lòng thương” dân chúng ?
7) Tin Mừng dùng hình ảnh nào
để diễn tả sự đáng thương của dân chúng lúc đó ? Ngôn sứ Ê-dê-ki-en tuyên sấm
Lời Thiên Chúa quở trách các mục tử Ít-ra-en thế nào ?
8) Đức Giê-su đã làm gì
để đáp ứng nhu cầu muốn nghe giảng Tin Mừng của dân chúng ?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì
chạnh lòng thương và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều” (Mc 6,34):
2. CÂU CHUYỆN:
1) HOẠT ĐỘNG CẦN ĐI ĐÔI VỚI CẦU NGUYỆN:
Cuộc sống của Cha Sở xứ Ars cho ta thấy rõ sức mạnh chinh
phục tâm hồn người ta là do ơn Chúa ban. Gio-an Vi-an-ney không tài giỏi, nhưng
ngài luôn tích cực làm việc và tin tưởng ở Chúa. Hoạt động mục vụ của Cha
Vi-an-ney xây dựng trên ba trục chính: đời
sống khắc khổ hy sinh; tôn sùng Thánh
Thể; phục vụ giáo dân bằng lời rao
giảng và nơi tòa giải tội.
Trong cuộc sống tông đồ hôm nay, người ta chỉ có thể thu
lượm kết quả, một khi biết trau dồi đời sống nội tâm, và kết hiệp mật
thiết với Chúa.
2) CHIA SẺ NIỀM VUI CHO THA NHÂN:
KEN-NETH là một học sinh lớp 6. Cậu rất vui và hồi hộp khi
được ban giám hiệu chọn để tham dự ngày hội thao của nhà trường. Cậu đã vượt
qua các bạn và về nhất trong lần thi chạy đầu tiên. Phần thưởng là dải ruy-băng
choàng chéo vai và sự hoan hô của khán giả khiến cậu cảm thấy hãnh diện với bố
mẹ và với bạn bè cùng lớp.
Bấy giờ cậu bé tiếp tục thi chạy lần thứ hai. Nhưng khi
về gần đến đích, chỉ cần thêm vài bước chân nữa là Ken-neth sẽ lại chiến thắng.
Tuy nhiên cậu bé bỗng chạy chậm lại và bước ra khỏi đường đua. Sau đó bố mẹ cậu
rất thắc mắc về hành vi đó và hỏi con:
- Tại sao con lại làm như vậy hả Ken-neth? Nếu con tiếp
tục chạy, chắc chắn con sẽ giành được chiến thắng nữa cơ mà.
Bấy giờ cậu bé Ken-neth ngước mắt lên nhìn bố mẹ và nói:
- Nhưng, mẹ ơi, con đã có phần thưởng rồi, còn bạn Bil-ly
của con thì lại chưa có. (First news)
Chính tình yêu thương bạn là Bil-ly đã khiến cậu bé
Ken-neth sẵn sàng chạy chậm lại để bạn mình vượt qua và cũng giành được huy
chương giống như mình.
3) QUAN TÂM ĐẾN
NGƯỜI BÊN CẠNH:
Một học viên đã chia sẻ bài học cuối khóa tu nghiệp như
sau:
Vào tháng thứ hai của một khóa học tại trường, giảng viên
cho chúng tôi làm một bài kiểm tra về kiến thức phổ thông. Tôi vốn là một sinh viên chăm chỉ
nên dễ dàng trả lời mọi câu hỏi trong bài kiểm tra, trừ câu hỏi cuối: "Chị
tạp vụ ở trường bạn tên là gì?". Tôi nghĩ đó chỉ là một câu hỏi cho vui.
Tôi đã trông thấy chị ta vài lần. Chị có dáng người cao, mái tóc nâu sậm và khoảng 50 tuổi, nhưng làm thế nào mà tôi có thể biết tên chị được kia
chứ? Tôi đã nộp bài và bỏ trống không trả lời câu hỏi đó.
Trước khi tan học, một sinh viên
đứng lên hỏi giảng viên về cách tính điểm câu hỏi cuối trong bài kiểm tra vừa
làm. Giáo sư bộ môn trả lời:
- Tất nhiên là có tính điểm. Trong
mọi ngành nghề, các anh chị luôn phải gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều người. Tất
cả những con người đó đều có ý nghĩa. Họ đáng được các anh chị quan tâm chú ý
đến, cho dù tất cả những gì ta có thể làm chỉ là một lời chào và mỉm cười với
họ.
Tôi đã không quên bài nọc đó trong
suốt cuộc đời mình sau này. Sau đó tôi cũng đã biết được tên của chị tạp vụ
trong trường là Do-ro-thy.
4) HẬU QUẢ TAI HẠI CỦA THÁI ĐỘ BẤT
KHOAN DUNG:
Một thanh
niên kia tính tình ngang bướng đã gặp nhiều khó khăn khi tiến hành thủ tục hôn
phối. Sau khi lấy được vợ, anh luôn cảm thấy uất ức và căm ghét đạo Công giáo,
đặc biệt là các linh mục. Anh bỏ đến nhà thờ ngày Chúa Nhật và cho biết lý do
bỏ đạo như sau: ”Tôi đã
gặp bao nhiêu phiền hà về thủ tục hành chánh nơi các viên chức ngòai đời. Hy
vọng sẽ gặp được thái độ khoan dung nhân ái nơi các mục tử trong đạo. Nhưng một
lần nữa tôi lại gặp bao nhiêu rắc rối phiền hà về các thủ tục hành chánh !”
Giả như vị
mục tử trong câu chuyện trên học nơi Chúa Giê-su đầy lòng thương xót thì chắc
đã tìm ra cách giải
quyết các trường hợp rắc rối về hôn nhân, để vừa trung thành tuân giữ lề luật Hội
Thánh, lại vừa thể hiện lòng bao dung nhân ái noi gương Mục Tử Giê-su, thì có
lẽ đã không đẩy chàng thanh niên ngang bướng nói trên đến chỗ bất mãn và lìa bỏ
Hội Thánh.
4. SUY NIỆM:
1) BỆNH VÔ CẢM CỦA CON NGƯỜI THỜI NAY:
Theo kết quả khảo sát mới đây của
viện Quốc tế Gal-lup thì Việt Nam là nước đứng thứ 13 trên thế giới về tệ nạn
vô cảm. Thực hư của cuộc khảo sát thế nào chưa rõ, chỉ biết rằng rất nhiều câu
chuyện vô cảm đã được báo chí Việt Nam ghi nhận và được đăng trên các trang
mạng xã hội ngày càng nhiều hơn: Chuyện
mấy nữ sinh tuổi teen đánh nhau được bạn bè đứng chung quanh thay vì can ngăn, lại nhiệt tình cổ vũ kẻ mạnh ức hiếp kẻ yếu; Chuyện bác sĩ có thái độ tắc
trách đã không cấp thời cứu chữa nạn nhân, chỉ vì người nhà chưa kịp nộp viện
phí; Chuyện cô bảo mẫu bạo hành trẻ thơ được cha mẹ nhờ cậy chăm sóc, đã gây
phẫn nộ trong cư dân mạng… Những điều này khiến người ta không khỏi bàng hoàng
về sự suy đồi đạo đức và sự vô cảm của xã hội Việt Nam hôm nay. Sự vô cảm còn
được nhân lên khi có những người bán trái cây hám lợi đã sẵn sàng ngâm trái cây
vào thùng hóa chất có thể gây ung thư,
để hoa quả mau chín;
Chuyện chủ trại heo cho bơm nước vào heo sắp xuất chuồng, người nuôi tôm bơm
thạch vào tôm để tăng cân hầu kiếm lời nhiều hơn… Các hành vi đó
chính là tội ác, vi phạm pháp luật nghiêm trọng cần bị xã hội lên án. Nhất là thái độ vô cảm còn thể hiện rõ nét qua hành động dã man của tài
xế xe tải sau khi gây tai nạn, đã lùi
xe lại cán chết
nạn nhân bị thương đang nằm bên đường, với
hy vọng sẽ bị đền bù thiệt hại ít hơn...
2) MỤC TỬ GIÊ-SU “CHẠNH LÒNG THƯƠNG”:
Trong Tin Mừng hôm nay, sau chuyến đi thực tập truyền giáo trở về,
các môn đệ đã vui mừng thuật lại những thành quả các ông đã đạt được cho Đức Giê-su nghe, mà không nghĩ đến
việc ăn uống nghỉ
ngơi cho lại sức. Trái tim mục tử Giê-su biết các ông cần được nghỉ ngơi, nên
bảo: “Chính anh em hãy lánh riêng ra
đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”. Nhưng khi thầy trò lên thuyền,
dân chúng đoán ra nơi các ngài sắp đến, đã đi bộ theo đường vòng quanh bờ
hồ và đã đến nơi
trước các ngài. Khi thuyền cập bến, thấy dân chúng đã tụ họp
đông đảo chờ đón, Đức
Giê-su liền động lòng
thương, vì họ giống như “đàn chiên không người chăn dắt”, và Người lại tiếp tục
giảng dạy và chữa bệnh để đáp ứng nhu cầu của họ.
Trong thời
gian giảng đạo, Đức Giê-su luôn tỏ tình yêu thương mọi người, nhất là những
người bất hạnh nghèo khổ, bệnh tật và tội lỗi… bị xã hội khinh thường. Người đã
thể hiện tình thương bằng việc sẵn sàng vượt qua Luật Mô-sê để chữa bệnh trong
ngày hưu lễ Sa-bát. Người không sợ
bị ô uế theo Luật khi đặt tay trên đầu các bệnh nhân phong cùi để chữa lành,
sẵn sàng để người phụ nữ bị bệnh băng huyết chạm vào áo mình… Người cũng nặng
lời quở trách thái độ giả đạo đức và thiếu khoan dung của các đầu mục dân Do
thái đương thời như sau: ”Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người
Pha-ri-sêu giả hình…” (Mt 23,23tt); "Ngày Sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không
phải con người cho ngày Sa-bát. Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày
Sa-bát." (Mc 2,27-28). Theo Đức Giê-su thì luật trọng nhất mà mọi người
phải tuân giữ là sống yêu thương.
3) HẬU QUẢ TAI HẠI
CỦA THÁI
ĐỘ VÔ CẢM CỦA MỘT MỤC TỬ:
PRI-MƠ-NĂNG
(Premanand) là một Ki-tô hữu thuộc tầng lớp quí tộc Ấn Độ, đã ghi lại một kinh
nghiệm truyền giáo của ông trong cuốn tự thuật sau: “Từ xưa đến nay, sứ điệp
được các tín hữu chúng ta nói với anh em lương dân là: “Thiên Chúa luôn ưu ái
quan tâm đến hết mọi người. Tôi có một số kinh nghiệm về vấn đề này như sau:
Bản thân tôi hay bất cứ ai trong số các linh mục tu sĩ khi giao tiếp với người
Ấn Độ có trình độ cao, theo đạo rồi hay chưa, mà lại từ chối không muốn tiếp xúc… với lý
do không có giờ rảnh, hoặc sắp đến giờ cơm hay giờ nghỉ trưa … thì sau đó chắc
chắn tôi sẽ bị mất liên lạc với người ấy, vì họ sẽ bất mãn bỏ đi và không bao
giờ trở lại nữa !”.
Ông cũng
thuật lại câu chuyện về lối ứng xử quan liêu của một vị giám mục người ngoại
quốc thuộc giáo phận Băng-gan nước Ấn Độ, đã gây hậu quả tệ hại như sau: Một
hôm, ông PĂNG-ĐI VI-ĐI-SA-GA (Pandit Vidyasagar), sáng lập viên trường cao đẳng
Ấn Độ, là nhà cải cách giáo dục và xã hội có tiếng. Ông được các người theo Ấn
giáo ở Can-quít-ta (Calcutta) cử đi thăm viếng để giao hảo với cộng đồng Giáo
hội Công giáo mà vị giám mục là đại diện. Nhưng sự việc đã xảy ra hôm đó thật
đáng tiếc: Vị giám mục đã không trực tiếp ra gặp gỡ phái đòan, mà chỉ sai
linh mục thư ký tiếp xúc qua loa, khiến ông PĂNG-ĐI ra về với tâm trạng bất mãn
vì nghĩ mình bị coi thường. Sau đó, ông ta đã thành lập một đảng phái tôn giáo
lớn, gồm nhiều thành phần xã hội ở Can-quít-ta như quí tộc, trí thức, những
người giàu có nhiều thế lực … Đảng này thề chống lại Hội thánh Công giáo, và tìm
cách ngăn chặn việc truyền giáo tại nước Ấn Độ.
4) LÀM GÌ ĐỂ NÊN MỤC TỬ NHÂN LÀNH NOI GƯƠNG ĐỨC GIÊ-SU?:
a) Ân cần phục vụ:
Mỗi người
chúng ta, đặc biệt là những ai có nhiệm vụ chăm sóc cộng đòan, tuy cần tổ chức
sinh họat theo thời khóa biểu hợp lý, nhưng vẫn phải dành ưu tiên cho sứ mệnh
loan báo Tin mừng. Cần tránh lối hành xử quan liêu, cứng nhắc và thiếu bác ái
của bọn Biệt Phái khi xưa… vì dễ gây bất mãn cho anh em lương dân khi có dịp
tiếp xúc với chúng ta.
Noi gương
Đức Giê-su vị Mục Tử giàu lòng từ bi thương xót, các mục tử hôm nay cần phải ân
cần phục vụ như: Sẵn sàng gặp gỡ các khách từ phương xa đến dù không có lịch hẹn trước;
Sẵn sàng ban phép giải tội cho các hối nhân xin xưng tội ngoài giờ quy định;
Sẵn sàng đi thăm kẻ liệt
khi có bệnh nhân đau nặng
vào giờ nghỉ trưa hay vào lúc đêm
khuya…
b) Cảm thông phục vụ:
Đức Giê-su
luôn tỏ thái độ cảm thông với nỗi đau của tha nhân: Người đã khóc thương thành
Giê-ru-sa-lem sắp bị hủy diệt (x. Lc 19,44); Người cảm thông khi nghe tiếng
khóc của một bà mẹ góa đang đi chôn đứa con trai duy nhất tại cửa thành Na-in
và Người đã phục
sinh anh ta (x. Lc 7,11-17); Người đã khóc thương người bạn thân La-gia-rô mới
chết và chôn cất trong mồ
được bốn ngày và truyền cho anh trỗi dậy ra khỏi mồ (x. Ga 11,1-14)… Đức
Ma-ri-a cũng có thái độ cảm thông với đôi tân hôn trong bữa tiệc cưới tại thành
Ca-na. Mẹ đã cầu bầu cho đôi tân hôn khi mở miệng xin Đức Giê-su làm gì để giúp đỡ
họ (x.Ga 2,3).
Mỗi tín
hữu chúng ta hôm nay cũng cần tỏ thái độ cảm thông với nỗi đau của tha nhân như
lời thánh
Phao-lô: ”Vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,15). Riêng các
mục tử cần có thái độ cảm thông và sẵn sàng chia sẻ niềm vui nỗi buồn với đàn
chiên được Chúa trao phó, nhất là với những cộng tác viên của mình.
c) Dấn thân phục vụ:
Đức Giê-su
đã luôn quên mình để phục vụ tha nhân: Người sẵn sàng đến nhà ông trưởng hội
đường tên là Giai-rô để chữa bệnh cho con gái ông sắp chết (x. Mc 5,21-24.35-43);
Sẵn sàng đi đến nhà viên đại đội trưởng ngọai giáo để chữa bệnh cho đầy tớ của
ông ta; Người sẵn sàng bỏ chương trình nghỉ ngơi để tiếp tục thi hành sứ vụ rao giảng như Tin
Mừng đã ghi lại…
Để có thể luôn quan tâm phục vụ
noi gương Đức Giê-su thật không dễ chút nào. Chỉ những ai có tình thương yêu
tha nhân thực sự, mới sẵn sàng dấn thân quên mình phục vụ như vậy. Riêng các
mục tử cần tận tình hướng dẫn các đôi hôn phối gặp hoàn cảnh bất thường, giúp
họ đủ điều kiện theo giáo
luật để cử hành hôn lễ tại nhà thờ, hầu được an tâm sống đạo…
5. LỜI CẦU:
LẠY CHÚA
GIÊ-SU. Hiểu biết, cảm thông và chia sẻ nỗi đau của tha nhân, chính là bổn phận
của mỗi tín hữu, đặc biệt là các mục tử hôm nay. Ơn gọi của chúng con là trở
nên khí cụ bình an của Chúa; Là đi bước trước đến với tha nhân, hiểu biết cảm
thông với những nỗi đau và nguyện vọng của họ, để sẵn sàng phục vụ với lòng thương xót
noi gương Chúa xưa. Xin hãy mở mắt chúng con để nhìn thấy những người
đang đói cơm bánh vật chất, đang khát nghe giảng Tin Mừng, để sẵn sàng
đáp ứng với hết khả năng của mình. Xin giúp chúng con luôn
biết “chạnh lòng xót thương” để nên giống Chúa là Đấng từ bi
bao dung nhân hậu, nhờ đó chúng con sẽ tích cực góp phần, đưa được nhiều người về làm con Chúa trong gia
đình Hội thánh.
X. HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A. -Đ.
XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH - HHTM