Chúa Nhật 17 MTN –
Ngày 25 tháng 7, 2021
Các bài đọc: 2V 4: 42–44 • Tv 145:
10–11, 15–16, 17–18 • Ep 4:1–6 • Ga 6: 1–15
bible.usccb.org/bible/readings/072521.cfm
Chúng ta phản ứng thế nào khi bị chống đối? Chúng ta noi
gương ai?
Những anh hùng trong truyền thống của chúng ta không những
bị chống đối, mà họ hầu như luôn bị nhiều người cùng thời muốn họ phải chết nữa. Trong bài đọc I, ngôn sứ Ê-li-sa cũng không
ngoại lệ. Vậy Ê-li-sa phản ứng thế nào trước sự chống đối? Trước khi vào câu
chuyện trong bài đọc I, chúng ta đã nghe kể một câu chuyện về việc Ê-li-sa tự bảo
vệ mình thế nào. Trong câu chuyện đó, có người đã bỏ thuốc độc vào nồi cháo của
ông. Ông phát hiện ra một cách lạ lùng, đó là một trong những phép lạ của
ông; ông tự bảo vệ bằng cách giải chất độc.
Đó là cách Ê-li-sa phản ứng. Ông ta cũng tôn trọng dân chúng và rất kiên nhẫn với họ.
Nhưng sự kiên nhẫn này chỉ đến
thế thôi. Theo tôi
nghĩ tại sao chúng ta không được nghe rất nhiều
câu chuyện về cuộc đời
Ê-li-sa gặp nguy hiểm, đó là vì có liên quan đến một câu chuyện vào lúc khởi đầu trong sứ vụ
của ông. Có thể bạn đã nghe một câu chuyện kể rằng Ê-li-sa, ngay sau khi nhận
được hai phần thần khí của Ê-li-a, đã bị một nhóm thiếu
niên chế nhạo. Từ trong rừng, một con gấu xông ra tấn công chúng, nhưng Ê-li-sa không sử dụng sức của mình để cứu họ. Ông có đủ sức để làm điều đó, nhưng ông ta đã không cứu chúng.
Bây giờ, chúng ta đừng bỏ lỡ cơ hội xem những người cùng
thời với Chúa Giêsu đọc câu chuyện đó như thế nào: đó là chìa khóa giúp chúng ta biết cách đọc câu chuyện đó. Tất cả họ thấy điều xảy ra cho những
thiếu niên kia là đích đáng; đó là toàn bộ điểm chính của câu
chuyện này. Có thể họ sẽ nói, “Xem kìa, những
tên này đã bước ra và chế nhạo người được Thiên Chúa xức dầu, nên họ rước lấy hậu quả tâm linh cho
thân xác họ. Gieo hạt nào gặp quả nấy."
Ngay cả các tông đồ của Chúa Giêsu ở một nơi khác cũng rất tán thành với bài đọc đó, có lẽ các ông còn đi xa hơn nữa. Có thể bạn đã biết câu chuyện này rồi;
các ông bị từ chối trong một thành, và tất cả tông đồ đều xin
Chúa Giêsu hãy cho lửa từ trời xuống tiêu diệt
những kẻ nhạo báng và từ chối Người. Các ông có ý nghĩ này vì đó là điều
ngôn sứ Ê-li-a đã làm trong sách 1 Các Vua
(1:1-12). Nhưng chúng ta không
nghe kể lại câu chuyện Chúa Giêsu khiến
lửa từ trời xuống. Và tôi nghĩ rằng thật thú
vị tại sao lại không nghe như vậy.
Tôi nghĩ rằng Chúa Giêsu lúc còn nhỏ đã được Mẹ Maria và Thánh Giuse kể cho
nghe những câu chuyện về các ngôn sứ. Chúng ta hãy lấy ánh mắt của các ngài mà nhìn vào những câu chuyện được kể trong bài đọc 1 và bài
Phúc âm, bởi vì giờ đây có
thể chúng ta đã nhận ra được mối liên
hệ giữa các phép lạ của Chúa Giêsu và những
phép lạ của ngôn sứ Ê-li-sa. Mẹ Maria có thể đặt
Chúa Giêsu vào lòng và kể cho Người nghe câu chuyện chính xác này. Mẹ kể chuyện
bởi vì Mẹ yêu mến các ngôn sứ, và Mẹ muốn giúp con của Mẹ cũng vun đắp tình yêu ấy như vậy.
Và bây giờ chúng ta hãy nhìn vào những gì Chúa Giêsu đã
làm trong bài Tin Mừng hôm nay: người ta mang
bánh đến cho Chúa ít hơn số bánh
Ê-li-sa đã nhận được, nhưng Chúa lại phải cho
nhiều người ăn hơn. . . và Người đã làm
được. Chẳng những thế, số bánh dư còn nhiều
hơn nữa. Chúa làm cho câu chuyện phép lạ này
trở nên sống động, và Người còn làm cho nó trở nên kỳ diệu hơn thế nữa. Nhưng
tôi nghĩ cách Mẹ Maria kể câu chuyện về những chiếc bánh lúa mạch sẽ
khác với cách Mẹ trình bày câu chuyện ngôn sứ
Ê-li-sa đã đối xử với những kẻ nhạo
báng ông. Tôi nghĩ cũng như chúng ta, Mẹ sẽ đặc biệt cảm nhận rằng Đấng được Thiên Chúa xức dầu khi bị chế nhạo sẽ có lối xử thế đúng đắn hơn
nhiều so với cách Ê-li-sa đã làm.
Bởi vì Chúa Giêsu thực sự bị nhạo
báng. Đấng được Thiên Chúa xức dầu bị
nhạo báng hết lần này đến lần khác. Nhưng
chúng ta thấy phản ứng của Chúa Giêsu là giơ má
kia cho người ta đánh mà không tự vệ. Rất nhiều phép lạ của Chúa Giêsu giống hệt
các phép lạ của các vị ngôn sứ lớn: giống như Ê-li-sa, Chúa cũng làm cho một
cậu bé từ cõi chết sống lại; Người làm cho những chiếc bánh
lúa mạch hóa ra nhiều. Nhưng đối với các kẻ thù của Người
trên trần gian thì Người không cho lửa từ trời xuống thiêu hủy, hay thú dữ cắn xé. Thậm chí Người cũng
không trốn thoát cách lạ
lùng nữa.
Mà Người chỉ kêu gọi
hoán cải và từ chối tự vệ. Cho dù việc từ chối ấy dẫn đến cái chết cho chính mình.
Vì vậy, dù đó là một mệnh lệnh xa vời đối với chúng ta khi
phải cố gắng chọn cách phản ứng
thế nào trong thế giới ngày nay, nơi các Kitô hữu
thường bị chế nhạo và bị gạt ra bên lề vì những điều chúng ta tin, chúng
ta hãy nhìn vào những câu chuyện này, vào hai nhân vật vĩ đại
này và hãy nhớ rằng chính Chúa Giêsu
là Đấng chúng ta được mời gọi hãy noi gương Người.
Chính Chúa Giêsu kêu gọi
chúng ta hãy chia sẻ cuộc sống của Người
và chính Người hứa ban cho chúng ta tất cả những gì chúng ta cần để làm điều
đó. Chúng ta hãy cầu xin, “Lạy Chúa Giêsu, xin
giúp con bắt chước Chúa”. Rồi Ngài
sẽ ban cho chúng ta những gì chúng ta cần.
Nguồn: The Homiletic & Pastoral Review
– (hprweb.com)
Chuyển ngữ: JB. Đào Ngọc Điệp