CHÚA NHẬT 17 THƯỜNG NIÊN:
Phép lạ bánh hóa nhiều của ngôn sứ Elisa và của Chúa
Giê-su
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (2 V 4:42-44; Ep 4:1-6;
Ga 6:1-15)
Phụng vụ
Lời Chúa hôm nay tường thuật hai câu chuyện về phép lạ hóa bánh ra nhiều: một của ngôn sứ Ê-li-sa và phép lạ kia của
Chúa Giê-su. Có thể phụng vụ coi phép lạ
của ông Ê-li-sa trong Cựu Ước chỉ là hình bóng ám chỉ phép lạ của Chúa Giê-su
trong Tân Ước. Hình bóng không cao trọng
hơn thực tại. Vì thế chúng ta không thể
so sánh hai phép lạ trên, mà chỉ căn cứ vào những khác biệt để nhận ra sự ưu việt
của thực tại. Động lực nào đã thúc đẩy ngôn
sứ Ê-li-sa và Chúa Giê-su thực hiện phép lạ?
Phép lạ của các ngài dừng lại ở thời điểm ấy hay còn đưa chúng ta đến một
biến cố vô cùng quan trọng khác nữa? Cả
hai phép lạ để lại cho chúng ta những bài học nào? Có lẽ thánh Phao-lô sẽ chia sẻ với chúng ta một
suy tư thần học để trả lời cho những câu hỏi trên. Nói khác đi, hai phép lạ trên đều là những
chuẩn bị xa hoặc gần cho một mầu nhiệm trọng đại Chúa Giê-su sẽ thực hiện trước
khi Người chịu cuộc Thương Khó để cứu chuộc nhân loại: đó là Bí tích Thánh Thể.
1. Phép lạ hóa bánh ra nhiều của ngôn sứ
Ê-li-sa. Bánh là một trong những
lương thực căn bản để duy trì sự sống, còn đói là một đe dọa đáng sợ cho sự sống. Khi nạn đói xảy ra trong xứ, ông Ê-li-sa đang
ở Ghin-gan. Vì là ngôn sứ, ông Ê-li-sa
được dân chúng kính trọng và họ vẫn lo lắng chăm sóc cho ông. Có người đem biếu ông hai mươi chiếc bánh lúa
mạch đầu mùa. Dân chúng đói khổ, vị ngôn
sứ cảm thông với họ nên ông muốn chia sẻ với họ những gì ông có. Nhưng hai mươi chiếc bánh cũng không đủ cho
ông và các môn đệ cầm cự qua nạn đói, nói chi đến chia cho dân chúng. Điều quan trọng là thái độ tin tưởng của ông
vào lòng quảng đại của Thiên Chúa, chứ không phải vào số lượng bánh. Tiểu đồng của ông nghĩ rằng hai mươi chiếc
bánh không thể đủ cho cả trăm người.
E-li-sa thì nghĩ ngược lại, nên ông bảo tiểu đồng cứ phân phát bánh cho
người ta. Đây là lý do ông đưa ra: “Vì Đức Chúa phán thế này: ‘Họ sẽ ăn mà vẫn còn dư’”. Ông tin vào lời Chúa phán, đúng hơn, ông tin
vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa.
Lòng tin của ông Ê-li-sa là yếu tố quan trọng để Thiên Chúa biểu lộ lòng
thương xót của Người. Bởi thế, thay vì
nói đây là phép lạ của ngôn sứ Ê-li-sa, có lẽ chúng ta nên nói đây là phép lạ của
lòng Chúa thương xót. Nhưng nếu chúng ta
nhìn vào một số chi tiết trong phép lạ Chúa Giê-su làm cho bánh và cá hóa nhiều,
chúng ta sẽ nhận ra được trọn vẹn hơn tình yêu quảng đại của Thiên Chúa biểu lộ
qua Chúa Giê-su. Vậy bây giờ chúng ta
hãy bước vào khung cảnh phép lạ của Chúa Giê-su để chiêm ngưỡng tình yêu nhập
thể của Thiên Chúa.
2. Phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều của Chúa
Giê-su. Sau khi Chúa Giê-su và
các môn đệ “sang bên kia biển hồ Ti-bê-ri-a” và có “đông đảo dân chúng đi
theo”, Chúa Giê-su lên chỗ cao và ngồi đó với các môn đệ. Chắc là Chúa chuẩn bị để giảng dạy cho dân
chúng. Nhưng điều khiến chúng ta ngạc
nhiên là ngay lúc ấy, Người không mở lời để giảng dạy, mà lại “ngước mắt lên,
nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình”.
Tại sao vậy? Có phải là “có thực
mới vực được đạo” không? Đôi khi có những
việc phải làm trước cả việc giảng dạy nữa!
Nhất là đối với con người rất dễ “chạnh lòng thương” như Chúa Giê-su, nhận
ra nhu cầu cấp bách hơn của dân chúng đã khiến Chúa Giê-su hoãn lại việc giảng
dạy để lo cho cái dạ dày của đám thính giả trước đã! Chúa Giê-su cũng muốn nhân
dịp này để dạy cho các môn đệ tập nhận ra những nhu cầu khẩn thiết hơn của dân
chúng. Người muốn họ tham gia một phần
nào vào phép lạ này. Vì thế Chúa gợi ý
cho ông Phi-líp-phê: “Ta mua đâu ra bánh
cho họ ăn đây?” Hỏi một ông tông đồ,
nhưng thực ra là hỏi cả đám đấy, nên Chúa nói như là nói bâng quơ vậy. Thánh Gio-an “bàn” về câu hỏi bâng quơ này
như sau: “Chúa nói thế là để thử ông, chứ
Người đã biết mình sắp làm gì rồi”. Quả
thực là một cách “dạy” môn đệ vô cùng tế nhị!
Riêng tôi rất khoái cái lối dạy này của Thầy Giê-su. Chúa cứ từ từ khơi lên nơi các môn đệ mối bận
tâm chăm sóc cho người khác và kéo họ vào cuộc.
Sau tính toán thật như đếm của ông Phi-líp-phê, ông An-rê lên tiếng thưa
với Chúa: “Ở đây có một em bé có năm chiếc
bánh lúa mạch và hai con cá”. Rồi cũng bắt
chước Phi-líp-phê, ông An-rê thở dài:
“Nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!” Đó là hai bài toán chứng minh sự bất lực của
loài người: một ông thì tính theo số lượng
bánh, ông kia thì tính theo số người ăn.
Cả hai chỉ nói lên sự bất lực và giới hạn của con người thôi. Nhưng “đối với Thiên Chúa, không có gì là
không thể làm được” (Lu-ca 1:37). Bây giờ
là giờ hành động của Thiên Chúa và của lòng thương xót. Nhưng trước khi biểu lộ lòng Chúa thương xót,
Chúa Giê-su muốn có một khung cảnh trang nghiêm và trật tự để Người và dân
chúng “cử hành” tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Vậy sau khi mọi người đã ngồi yên và chú ý,
Chúa Giê-su làm gì trong nghi thức cử hành này?
Người “cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi
đó”. Như vậy, so với phép lạ của ngôn sứ
Ê-li-sa, chúng ta thấy phép lạ của Chúa Giê-su sống động và nói lên chân lý Người
muốn giảng dạy về Thiên Chúa: Thiên Chúa
yêu thương và chăm sóc chúng ta. Còn một
điều khác nữa rất quan trọng, đó là những cử chỉ của Chúa Giê-su trước khi làm
phép lạ nói cho chúng ta biết về một “Nghi Thức” còn trang trọng hơn gấp ngàn lần,
đó là việc Người sẽ thiết lập Bí Tích Thánh Thể, để ban cho chúng ta Bánh Trường
Sinh là Mình Máu Thánh Người. Điều này
đã được thánh sử Gio-an nhắc đến trước khi tường thuật phép lạ, ngài viết: “Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của
người Do-thái”. Đúng vậy, lễ Vượt Qua là
đại lễ của người Do-thái, nhưng cũng là đại lễ của Chúa Giê-su khi Người “vượt
qua” cuộc Thương Khó của Người để đem toàn thể nhân loại về cho Thiên Chúa Cha.
Trong khi
phép lạ của ngôn sứ Ê-li-sa xảy ra vì ông tin vào lời Thiên Chúa phán “Họ sẽ
ăn, mà vẫn còn dư”, thì phép lạ Chúa Giê-su thực hiện là do Người “nhìn thấy
đông đảo dân chúng đến với mình” và “Người đã biết mình sắp làm gì rồi”. Hơn nữa, khác biệt về những con số giữa hai
phép lạ càng nói lên sự siêu việt của phép lạ Chúa Giê-su làm. Một đàng hai mươi chiếc bánh cho vài trăm người,
còn một đàng chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá cho “nguyên số đàn ông đã tới
khoảng năm ngàn”, chưa kể đàn bà và trẻ em!
Trong phép lạ của ông Ê-li-sa, “họ đã ăn, mà vẫn còn dư”, nhưng không
nói dư bao nhiêu; còn trong phép lạ của
Chúa Giê-su, sau khi mọi người đã no nê rồi, các môn đệ đi thu lại những miếng
thừa của năm chiếc bánh và chất đầy mười hai thúng. Điều này càng nói lên lòng Chúa thương xót một
cách cụ thể hơn, nhất là nó ám chỉ về tính phong phú và hiệu năng của Bí Tích
Thánh Thể Chúa Giê-su sẽ thiết lập để thể hiện chân lý Em-ma-nu-en,
“Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”.
Sống sứ điệp Lời
Chúa
Chúng ta
đã suy gẫm về tình yêu quan phòng của Thiên Chúa qua phép lạ của ngôn sứ
Ê-li-sa và nhất là qua phép lạ Chúa Giê-su hóa bánh và cá ra nhiều để nuôi đám
đông dân chúng. Chúng ta đã hiểu phép lạ
này của Chúa Giê-su đưa chúng ta đến với Bí Tích Thánh Thể. Có lẽ bài học Lời Chúa hôm nay muốn để lại
cho chúng ta chính là những điều nhắn nhủ của thánh Phao-lô khi ngài suy nghĩ về
đức tin Ki-tô giáo. Qua đức tin này,
chúng ta xác tín rằng chỉ có một thân thể, một Thần Khí, một Chúa, một niềm tin
và một phép rửa. Vậy làm sao sống đức
tin ấy? Thánh Phao-lô cho chúng ta câu
trả lời: “Anh em hãy sống cho xứng với
ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em”, bằng cách ăn ở thật khiêm tốn, hiền
từ và nhẫn nại, duy trì sự hiệp nhất.
Chúng ta không được trực tiếp tham dự vào phép lạ của Chúa Giê-su như
dân chúng sống đồng thời với Chúa, nhưng chúng ta lại có diễm phúc hơn vì được
tham dự vào phép lạ Chúa Giê-su làm hằng ngày trong Thánh Lễ. Qua việc rước Mình Máu Chúa, chúng ta được
“no nê” lương thực trường sinh, thì chúng ta cũng nên chia sẻ với những anh chị
em thiếu thốn, nhất là nghèo đói vể phương diện thiêng liêng, để tất cả chúng
ta “được sống và sống dồi dào”.
Lm. Đa-minh Trần
đình Nhi