CHÚA NHẬT 21
THƯỜNG NIÊN B
Gs
24,1-2a.15-17.18b; Ep 5,21-32; Ga 6,54a.60-69
TÍN THÁC VÀO CHÚA LÀ
ĐIỀU KIỆN ĐỂ TIN BÍ TÍCH THÁNH THỂ
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Ga 6,54a.60-69
(54a)
Khi nghe Đức Giê-su tuyên bố: “Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi, thì
được sống muôn đời”, (60) nhiều môn
đệ của Người liền nói: “Lời này chướng tai quá ! Ai mà nghe nổi?”
(61) Nhưng Đức Giê-su tự mình biết
được là các môn đệ đang xầm xì về vấn đề ấy, Người bảo các ông:
“Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư? (62) Thế thì anh em thấy Con Người lên nơi đã
ở trước kia thì sao? (63) Thần Khí
mới lam cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với
anh em là Thần Khí và là Sự Sống. (64)
Nhưng trong anh em có những kẻ không tin”. Quả thật, ngay từ đầu,
Đức Giê-su đã biết những kẻ nào không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người.
(65) Người nói tiếp: “Vì thế, Thầy
đã bảo anh em: Không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn
ấy cho”. (66) Từ lúc đó, nhiều môn
đệ rút lui, không còn đi với Người nữa. (67) Vậy Đức Giê-su hỏi Nhóm
12: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” (68) Ông Si-mon Phê-rô liền đáp: “Thưa Thầy,
bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những Lời đem
lại sự sống đời đời. (69) Phần
chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng: Chính Thầy là Đấng
Thánh của Thiên Chúa”.
2. Ý CHÍNH:
Sau khi nghe Đức Giê-su giảng về Bánh Hằng Sống, là bí tích
Thánh Thể mà Người sẽ ban, thì thính giả chia thành hai phe: Một số
khá đông, trong đó có cả các môn đệ của Người, cho rằng lời ấy chói
tai, không thể chấp nhận được và đã bỏ không còn đi theo Người nữa
(c. 66). Riêng Nhóm 12, khi được hỏi ông Si-mon Phê-rô đã đại diện Nhóm
tuyên xưng đức tin: “Bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới
có những Lời đem lại sự sống đời đời” (c. 68).
3. CHÚ THÍCH:
- C 54a.60: +
Ai ăn Thịt Tôi và uống Máu Tôi thì được sống muôn đời: “Thịt
và Máu” Đức Giê-su là Bánh Thánh Thể sẽ được Người ban trong bữa
tiệc Vượt Qua (x Mt 26,26). Do đó Thịt và Máu Đức Giê-su nói đây chính
là Thánh Thể của Người, sẽ trải qua cuộc khổ nạn và phục sinh, như
một hy lễ đền tội để ban sự sống cho trần gian. + Nhiều môn đệ
của Người: Môn đệ là những người nhận Đức Giê-su làm Thầy
(Ráp-bi), nghe và thực hành Lời Chúa, tích cực cộng tác với Người
thi hành sứ vụ tông đồ. Đức Giê-su có hai nhóm môn đệ là nhóm bảy mươi
hai (x. Lc 10,1) và Nhóm mười hai (x Ga
6,66). + “Lời này chướng tai quá ! Ai mà nghe nổi?”: Khi
nghe Đức Giê-su nói sẽ lấy Thịt Máu mình cho người ta ăn uống, thì
các môn đệ cũng như đám đông dân Do Thái không chấp nhận. Phần vì
không ai xẻ thịt mình ra cho người khác ăn, hay lấy máu mình cho người
khác uống ! Đàng khác, Luật Mô-sê
cấm ăn máu huyết, vì máu được coi là sinh khí tụ lại, được dành
riêng cho chủ tể của sự sống là Đức Chúa như Luật Mô-sê: “Các ngươi
không được ăn máu huyết của bất cứ xác thịt nào, vì mạng sống của
mọi xác thịt là máu của nó. Bất cứ ai ăn máu huyết sẽ bị khai
trừ” (x. Lv 17,14).
- C 61-62: +
Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư?: Ba
điều người Do Thái và môn đệ xầm xì không chấp nhận: Một là Đức
Giê-su tự nhận mình là Bánh hằng sống, đang khi cha ông họ xưa dù đã
ăn Man-na mà vẫn phải chết (x. Ga 6,49). Hai là Người tuyên bố mình từ
trời mà đến, đang khi họ biết rõ tông tích của Người (x Ga 6,42). Ba
là Người khẳng định: “Thịt Tôi thật là của ăn và Máu Tôi thật là
của uống” (Ga 6,55), đang khi luật Mô-sê cấm uống máu và ăn thịt các con
vật chết ngạt, vì còn có máu trong thịt (x. Lv 17,10). + Thế
thì anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao?: Đức
Giê-su cho các môn đệ bằng chứng để tin Người là Đấng Thiên Sai và tin
lời Người giảng là sự thật. Bằng chứng ấy là Người sẽ từ cõi chết
sống lại và lên trời ngự bên hữu Chúa Cha (x. Ga 3,13), như thị kiến
về vai trò và sứ mệnh của Con Người trong sách Ngôn Sứ Đa-ni-en (x. Đn
7,13).
- C 63-64): +
Thần khí: Là một từ ngữ mang nhiều ý nghĩa như sau: Một là gió, với đặc tính vô hình (x Ga 3,8). Gió có khi trở thành bão để
Đức Chúa trút cơn lôi đình hủy diệt những kẻ gian ác (x. Ed 13,13).
Hai là hơi thở: Tuy yếu ớt, nhưng
lại là sức mạnh nâng đỡ và là điều kiện giúp thân xác sống động.
Con người sẽ chết khi không còn hơi thở do Thiên Chúa phú ban (x. St
2,7; 6,3). Ba là linh hồn: Bao lâu
Thần khí còn ở với con người, nó biến xác thịt bất động thành
sống động, Thần Khí ấy gọi là linh
hồn (x. St 2,7). Chết là khi con người trút hơi thở trả linh hồn
về cho Thiên Chúa (x. Tv 31,6; Lc 23,46). Bốn là một đặc tình của Thiên Chúa: “Thiên Chúa là Thần Khí” (Ga
4,24) nên người ta phải thờ phượng
Thiên Chúa trong Thần Khí và Sự Thật (x. Ga 4,24). + Thần khí
mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì !: Việc tạo
dựng con người đã được sách Sáng Thế thuật lại như sau: “Đức Chúa
là Thiên Chúa lấy bụi đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ
mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St 2,7). Như vậy xác thịt
chỉ là bụi đất, không thể sống động nếu không được Thiiên Chúa phú
ban thần khí là linh hồn. Chính thần khí ấy mới làm cho con người
sống động. Khi thân xác ngừng thở là lúc thần khí xuất ra khỏi thân
xác, và khi ấy thân xác trở thành xác chết, nên chẳng còn ích gì ! +
Lời Thầy nói với anh em là Thần Khí và là Sự Sống: Lời
Chúa chính là Thần Khí thiêng liêng, là Lời phát xuất từ Thiên Chúa,
nhằm mặc khải các mầu nhiệm và các việc làm của Thiên Chúa cho
loài người (x. Xh 20,2), các giới răn và các điều sắp xảy đến (x. St
15,13-16). Lời Chúa sẽ ban Sự Sống đời đời cho con người (x. Ga 6,68),
nếu họ biết lắng nghe (x. Mt 13,23), tìm hiểu và xin vâng (x. Lc
1,34.38), tuân giữ (x. Lc 8,15), và nhất là đem ra thực hành (x. Lc
6,47.49). + Ngay từ đầu, Đức Giê-su đã biết những kẻ nào không
tin, và kẻ nào sẽ nộp Người: Ngay từ đầu, Đức Giê-su đã có
cái nhìn tiên tri và thấy trước sự bất tín của Giu-đa (x. Mt
26,14-16). Tin mừng Gio-an viết như sau: “Người biết ai sẽ nộp Người,
nên mới nói “Không phải tất cả anh em đều sạch” (Ga 13,11).
- C
65-66: + Không ai đến với Thầy được nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho: Đức
tin là một ơn do Thiên Chúa ban cho loài người, để họ tin Đức Giê-su
là “Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa Hằng Sống” (x. Mt 16,16), lắng nghe và
thực hành Lời Chúa dạy để được vào Nước Trời và sẽ được sống muôn
đời (x Ga 6,44.47). + Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn
đi với Người nữa: Lý do nhiều môn đệ bỏ Đức Giê-su là do họ
không tin Người là Đấng Thiên Sai (x. Ga 6,29.40), không tin Người là
Bánh Trường Sinh từ trời mà đến (x. Ga 6,32-38), không chấp nhận lời
tuyên bố Người sẽ lấy Thịt mình cho họ ăn (x. Ga 6,52). + Nhóm
Mười Hai: Đức Giê-su đã lên núi và gọi đến với Người những
kẻ Người muốn (x. Mc 3,13) Sau khi cầu nguyện suốt đêm, Người kêu các môn
đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ (x. Lc 6,12-13). Nhóm Mười
Hai này tượng trưng cho mười hai chi tộc dân Ít-ra-en Mới là Hội
Thánh. Sau này các ông sẽ được ngồi trên mười hai tòa, mà xét xử
mười hai chi tộc Ít-ra-en (x. Mt 19,28). Các ông sẽ được sự sống đời đời
(x Mt 19,29), được “quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và
chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền” (Mt 10,1; Lc 9,1), “Người sai các ông
đi rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân” (Lc 9,2).
- C 67-69: +
Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?: Trước mặc khải
về bí tích Thánh Thể, Đức Giê-su đòi Nhóm Mười Hai phải tỏ thái độ
dứt khoát: Tin hay không tin, thể hiện qua việc tự do chọn ở lại với
Thầy hay bỏ đi. + Ông Si-mon Phê-rô liền đáp: “Bỏ
Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những Lời đem lại
sự sống đời đời”: Dù chưa hiểu hết ý nghĩa của Lời Chúa,
nhưng Si-mon vẫn đại diện Nhóm 12 chọn ở lại làm môn đệ Thầy và
khẳng định niềm tin Lời Thầy là sự thật và sẽ mang lại sự sống
đời đời cho những ai đón nhận (x. Ga 5,24). + “Chính Thầy là Đấng
Thánh của Thiên Chúa”: Trước đó, Si-mon đã tuyên xưng: “Thầy là
Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Ở đây, Si-mon lại công
nhận Đức Giê-su là “Đấng Thánh của Thiên Chúa” (x Ga 6,69) giống như sứ
thần Gap-ri-en khi truyền tin đã cho Đức Ma-ri-a biết về trẻ Giê-su như sau:
“Vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ là thánh, sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”
(Lc 1,35).
5. CÂU HỎI: 1) Tại sao dân Do thái
và một số khá đông môn đệ đã bỏ không đi theo Đức Giê-su nữa? 2) Môn
đệ là những ai và Đức Giê-su có bao nhiêu môn đệ? Tông đồ là ai và
khác với môn đệ thế nào? 3) Người Do thái và các môn đệ lấy làm gai
chướng không chấp nhận ba điều nào của Đức Giê-su? 4) Đức Giê-su đưa ra
bằng chứng nào cho thấy Người có quyền nói ra những điều mầu nhiệm
ấy? 5) Trong Kinh thánh, thần khí mang bốn ý nghĩa nào? 6) Đức Giê-su
đã nói gì về thần khí và xác thịt nơi mỗi con người? 7) Tại sao
Đức Giê-su lại nói Lời Người chính là Thần khí và là Sự sống? 8)
Đức Giê-su biết rõ ai trong Nhóm Mười Hai là người không tin và sẽ phản
nộp Người? 9) Đức Giê-su chó biết đức Tin phát xuất từ đâu? Ta phải
làm gì để giúp người khác tin vào các mầu nhiệm được mặc khải? 10)
Lý do nào khiến nhiều môn đệ đã bỏ không còn theo Đức Giê-su? 11) Nhóm 12
Tông đồ do Đức Giê-su tuyển chọn từ Nhóm nào? Nhóm Tông đồ được
Người hứa ban các quyền lợi nào và phải chu toàn sứ mệnh gì? 12)
Si-mon Phê-rô đại diện Nhóm Mười Hai trả lời thế nào khi được Đức
Giê-su hòi có muốn bỏ đi hay không? Ý nghĩa của câu trả lời đó thế
nào? 13) Si-mon đã tuyên xưng Đức Giê-su là ai?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: Ông Si-mon Phê-rô liền
đáp: “Bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời
đem lại sự sống đời đời” (x. Ga 6,68) :
2. CÂU CHUYỆN:
1) DÂN ÍT-RA-EN
ĐÃ CHỌN TIN VÀ TUÂN GIỮ GIỚI RĂN CỦA CHÚA:
Bài đọc một
trong sách Gio-su-ê là một bản tường thuật mang nhiều ý nghĩa quan
trọng.
- Vào khoảng
năm 1200 trước Công Nguyên, con cháu Gia-cóp đã được Mô-sê cứu khỏi ách nô
lệ cho người Ai Cập để vào sa mạc tiến về hứa địa. Họ đã được Đức Chúa thanh
luyện từ một dòng tộc con cháu Gia-cóp trở thành một dân tộc Ít-ra-en, ký kết
giao ước với Đức Chúa.
- Sau 40 năm
lưu lạc trong hoang địa, dân Ít-ra-en đã đến được sông Giô-đan, giáp ranh
xứ Ca-na-an; Đây là Hứa Địa, được Đức Chúa hứa ban cho Áp-ra-ham và dòng
dõi đến muôn đời. Mô-sê trao cho Gio-su-ê quyền lãnh đạo dân Chúa để đánh
chiếm lại Hứa Địa Ca-na-an. Được Đức Chúa hỗ trợ, dân Ít-ra-en đã
chinh phục được các dân địa phương và chiếm được Hứa Địa.
- Cuối cùng,
Gio-su-ê đã triệu tập các chi tộc Ít-ra-en và các đầu mục trong Đại
Hội tại Si-khem. Ông cho dân Ít-ra-en tự do chọn lựa: Hoặc là tôn thờ
Một Đức Chúa duy nhất, hoặc tin theo các tà thần của chư dân. Dân cũng
được tự do chấp nhận hay từ chối Lề Luật, được chọn trung thành hay
chống lại Giao Ước mà họ đã ký với Đức Chúa tại núi Khô-rép miền
Si-nai...
- Bấy giờ
toàn dân thưa lại rằng: “Chúng tôi không hề có ý lìa bỏ Đức Chúa để
phụng thờ các thần khác ! Vì chính Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng
tôi, đã đem chúng tôi cùng với cha ông chúng tôi lên từ đất Ai-Cập, từ
nhà nô lệ, đã làm trước mắt chúng tôi những dấu lạ lớn lao, đã gìn
giữ chúng tôi trên suốt con đường chúng tôi đi, giữa mọi dân tộc mà
chúng tôi đi ngang qua. Đức Chúa đã đuổi cho khuất mắt chúng tôi mọi
dân tộc cũng như người E-mo-ri” (x Gs 24,14-28).
2) CHẤP NHẬN CHỊU CHẾT VÌ ĐỨC TIN:
Thời vua
Ga-liên bách hại đạo, trong quân đội Rô-ma có một sĩ quan xuất sắc lừng danh là
MA-RANH, bách chiến bách thắng. Ai cũng biết Ma-ranh sắp được thăng đại tướng
và chính ông cũng nghĩ như thế. Nhưng Ma-ranh là một người Công giáo có đức tin
vững mạnh. Ông luôn xin Chúa ban ơn
trung thành với đức tin khi chịu phép rửa tội. Lúc đó, có một viên đại tướng
của quân đội Rô-ma bị chết bất ưng. Hôm sau, vị toàn quyền cho mời Ma-ranh đến
và nói: "Tôi vừa được lệnh nhà vua để gọi ngài lên chức đại tướng, và tôi
được hân hạnh trao quyền tổng chỉ huy cho ngài, nhưng có người cho biết ngài là
người Công giáo, mà nhà vua thì không muốn để bất cứ người Công giáo nào trong
hàng ngũ sĩ quan quân đội hoàng gia. Vậy xin ngài cho biết ngài có phải là
người Công giáo không?". Ma-ranh đã khẳng định: "Thưa ngài, đúng thế,
tôi là người Công giáo". Viên toàn quyền nghiêm nghị nói: "Tôi cho
ngài ba tiếng đồng hồ để nghĩ lại, nếu chối Giê-su thì ngài sẽ làm đại tướng.
Bằng không ngài sẽ phải chết".
Ma-ranh ra về,
đến gặp vị giám mục và kể lại đầu đuôi câu chuyện. Vị giám mục cầm tay Ma-ranh
đưa vào nhà thờ, dẫn lên cung thánh, là chính nơi ngày xưa Ma-ranh đã thề trọn
đời trung thành với Chúa Ki-tô. Rồi vị giám mục rút thanh gươm bên hông của
Ma-ranh đặt bên cạnh sách Tin Mừng trên bàn thờ và nói: "Này Ma-ranh, dễ
giải quyết lắm, ông phải chọn một trong hai. Xin ông nhớ lại ngày rửa tội, rồi
tùy ý ông quyết định". Ma-ranh can đảm chọn cầm sách Tin Mừng và nói:
"Con xin thề trung thành với Chúa". Vị giám mục âu yếm nhìn Ma-ranh
và nói: Con hãy đi bình an, ngày hôm nay sẽ là ngày vinh quang của đời con,
ngày hôm nay là ngày con đại thắng". Và hôm đó, Ma-ranh đã bị đổ máu vì
đức tin Công giáo.
Trong cuộc
sống, có thể chúng ta không phải lựa chọn như ông Ma-ranh hay không bị bách hại
như các vị tử đạo, nhưng rất có thể chúng ta phải chọn giữa nhiều thử thách,
đòi chúng ta phải sống ngay thẳng, công bình, bác ái. Xin Mình Thánh Chúa mà
chúng ta rước lấy, tăng thêm sức mạnh để chúng ta vượt qua những khó khăn thử
thách ở đời này, nhất là về đức tin.
3) TÍN THÁC VÀ VÂNG LỜI CHA:
Ngày xưa có một
ông vua, ông có hai người con. Ông muốn thử xem con nào là đứa con khôn để ông
trao lại quyền cai trị của ông sau khi ông qua đời. Ông lấy một viên kim cương
thật quí gói trong một chiếc túi giấy xấu - còn viên kim cương giả bằng thủy
tinh thì ông bỏ vào một cái hộp trang trí rực rỡ. Sau đó ông cho gọi 2 đứa con
lại. Ông cho người con cả chọn trước, cậu con cả nhìn hai gói, thấy túi giấy
xấu nên đã bỏ qua và chọn cái hộp đẹp.
Sau đó đến
phiên người con út. Anh ta quan sát hai món đồ. Sau một phút
suy nghĩ anh nhìn cha và nói: “Thưa cha, xin cha lựa giúp con”.
Và đức vua đã
tìm ra người sẽ kế vị mình. Sau đó đức vua đã truyền mở gói quà được bọc trong
túi giấy xấu ra khiến mọi người đều ngỡ ngàng. Sau đó đức vua truyền cho thợ
kim hoàn thiết kế một mũ triều thiên thật đẹp và đính viên kim cương thật lên
mũ triều thiên đó. Rồi đức vua cho chiếc triều thiên này vào một chiếc hộp bằng
vàng đẹp hơn chiếc hộp kia ngàn lần. Cuối cùng đức vua đã tuyên bố với thần dân
rằng: “Mai sau con út trẫm sẽ lên nối ngôi của trẫm và sẽ được đội chiếc vương
miện quý giá này”. Sở dĩ người em được chọn vì đã tín thác và làm theo ý cha.
4) PHÉP LẠ BÍ TÍCH THÁNH THỂ Ở LAN-XI-A-NÔ:
Năm 700, tại tu
viện Thánh Lou-gi-no ở Lan-xi-a-nô bên I-ta-li-a, có một linh mục tên là
BA-SI-LI-Ô hoài nghi về mầu nhiệm Chúa Giê-su hiện diện thực sự dưới hình bánh
rượu sau lời truyền phép trong thánh lễ. Chúa Giê-su Thánh Thể đã làm một phép
lạ lớn lao còn lưu truyền đến ngày nay, như một bằng chứng hùng hồn về bí tích
Thánh Thể. Đó là phép lạ LAN-XI-A-NÔ.
Hôm ấy sau khi
linh mục Ba-si-li-ô đọc lời truyền phép trong thánh lễ, tấm bánh miến liền biến
thành Thịt Chúa và rượu nho trong chén thánh liền biến thành Máu Chúa Giê-su
Vào năm 1713. Từ đó đến nay Thịt Máu Chúa vẫn luôn tồn tại. Thịt Máu Chúa đã
được lưu giữ trong một chiếc Hào Quang quí giá gọi là Hào Quang Thánh Thể
Lan-xi-a-nô. Đến năm 1971, tòa thánh đã cho phép các nhà khoa học được xét
nghiệm phép lạ này. Kết quả xét nghiệm cho thấy Thịt đó là một thớ thịt trái
tim, và Máu đó là máu người nhóm AB. Nên nhớ vết máu trên chiếc khăn liệm thành
Tu-ri-nô cũng thuộc về nhóm máu AB. Ngày nay, Thịt và Máu Chúa tiếp tục được
lưu giữ trong nhà tạm tại nhà thờ thánh Phan-xi-cô, một trung tâm hành hương nổi tiếng của thế giới.
Trong Tin Mừng
hôm nay, sở dĩ nhóm môn đệ thứ nhất đã bỏ đi không còn theo Thầy vì chỉ nghĩ
đến bản thân: “Sao ông này lại có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn?”(Ga 6,52), đang
khi nhóm Tông Đồ chỉ nghĩ đến Chúa qua lời tông đồ Phê-rô: “Bỏ Thầy chúng
con biết đến với ai? Thầy
mới có những Lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68).
3. THẢO LUẬN: 1)
Người ta thường bị khủng hoảng đức tin là do những nguyên nhân nào? 2)
Một tín hữu bị khủng hoảng về đức Tin sẽ biểu lộ qua những thái
độ và hành vi nào? 3) Chúng ta phải làm gì để giúp một người đang
bị khủng hoảng đức Tin sớm lấy lại đức Tin vào Chúa và Hội Thánh?
4. SUY
NIỆM:
1) Tự do chọn “tin hay không tin”:
Như dân
Ít-ra-en xưa, ngày nay mỗi tín hữu chúng ta cũng có quyền tự do chọn tin
hay không tin vào Đức Giê-su để đức tin có giá trị giúp đón nhận ơn cứu độ của
Chúa. Khi chịu phép Thánh Tẩy, các dự tòng cũng phải công khai chọn thái độ
từ bỏ ma quỉ tội lỗi và tuyên xưng đức tin vào các chân lý đức tin như
Hội Thánh dạy, trước khi được chủ sự đổ nước trên đầu hoặc dìm mình họ
trong giếng nước rửa tội để được Thánh Thần tái sinh làm con Thiên Chúa.
Trong đời
sống thường ngày, các tín hữu chúng ta cũng cần khẳng định đức tin như
dân Ít-ra-en xưa đã khẳng định niềm tin vào Đức Chúa: “Không thể có chuyện
chúng tôi bỏ Đức Chúa, mà tôn thờ các tà thần của dân ngoại”. Sự
chọn lựa tin theo Chúa đòi các tín hữu chúng ta không ngừng hồi tâm sám
hối để thanh luyện đức tin của mình.
2) Cần dứt khóat chọn tin theo Chúa:
Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su cũng đòi Nhóm Mười Hai Tông đồ
phải dứt khoát chọn tin hay không khi đối diện với bí tích Thánh Thể do Người thiết lập: “Thịt Tôi thật là của ăn và Máu
Tôi thật là của uống !”. Khi nghe mầu nhiệm này, nhiều môn đệ đã phản đối
và rút lui không còn đi theo Người nữa. Riêng ông Phê-rô khi được Thầy hỏi,
đã đại diện Nhóm Mười Hai tông đồ tuyên xưng đức tin: “Bỏ Thầy thì chúng
con biết đến với ai? Thầy mới có những Lời đem lại sự sống đời
đời. Phần chúng con, chúng con đã
tin và nhận biết rằng: Chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Qua
câu này, ông Phê-rô đã mạnh dạn tuyên xưng đức tin dù ông chưa hiểu rõ nội dung
mầu nhiệm bí tích Thánh Thể Thầy vừa mặc khải. Ông tin vì dựa vào Lời Thầy và
vào thế giá của Thầy.
Hôm nay, Chúa
Giê-su cũng đòi chúng ta khẳng định lập trường tin Chúa hay không? Chúng ta có
chọn ở lại với Thầy đang khi nhiều bạn bè khác bỏ Chúa qua việc không đến nhà
thờ dự lễ Chúa Nhật, hành xử theo ý riêng mình chứ không theo Lời Chúa và lề
luật Hội Thánh? Chúng ta có trung thành chọn làm điều tốt trong khi đại đa số
bạn bè chọn theo lối sống dễ dãi phù hợp với tính xác thịt và làm theo các đam
mê lạc thú bất chính, chọn chối bỏ Chúa trong lý lịch để hy vọng được hưởng các
đặc quyền đặc lợi và địa vị xã hội? Có lẽ phần đông chúng ta đã chọn thái độ
lim lặng. Phải chăng thái độ đó đồng nghĩa với sự phản bội của Giu-đa, được Tin
Mừng Gio-an cho biết: “Quả thật ngay
từ đầu, Đức Giê-su đã biết những kẻ nào không tin, và kẻ nào sẽ
nộp Người” (Ga 6,64b). Tuy trong
thâm tâm Giu-đa đã không tin Thầy và quyết tâm phản Thầy, nhưng vẫn ở lại Nhóm
Mười Hai là để chờ cơ hội ! (x. Ga 13,21-27; Mt 26,14-16).
3) Tin bí tích Thánh Thể nhờ vững tin Lời Chúa:
Khi tuyên xưng
đức tin thì không phải ông Phê-rô đã
hiểu biết mầu nhiệm bí tích Thánh Thể, nhưng chỉ vì ông đã tin “Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa”, tin Thầy là Đấng quyền năng đã
từng nhân bánh ra nhiều cho dân chúng ăn no; Đã từng đi trên mặt biển và
phán một lời là dẹp yên sóng gió; Đã từng xua trừ ma quỷ ra khỏi nhiều người bị
ám; Đã từng đặt tay chữa lành nhiều bệnh nhân và phán một lời là kẻ chết sống
lại… Chính nhờ đức tin vào quyền năng của Chúa, mà Phê-rô và Nhóm Mười
Hai đã tin cả những điều khó nghe, khó hiểu và khó chấp nhận về bí tích
Thánh Thể:“Ai ăn thịt và uống máu Tôi
sẽ được sống muôn đời”
(Ga 6,54a).
4) Cần làm gì để tin bí tích Thánh Thể?:
“Đây là mầu
nhiệm đức tin”, vượt trên sự hiểu biết khả giác của lòai người, nên để tin vào
bí tích này, mỗi tín hữu chúng ta cần có ba điều kiện như sau:
- Một là phải lắng nghe và suy niệm Lời Chúa như tông
đồ Phao-lô dạy: “Có đức Tin là nhờ nghe
giảng, mà nghe giảng là nghe công bố Lời Đức Ki-tô” (Rm 10,17). Do đó, để
tin vào mầu nhiệm bí tích Thánh Thể, chúng ta cần lắng nghe Lời Chúa khi tham
dự thánh lễ hoặc dự các buổi họp nhóm học sống Lời Chúa, rồi còn phải “suy niệm Lời Chúa trong lòng” noi gương Mẹ Ma-ri-a xưa (x Lc 2,51).
- Hai là phải xác tín vào Lời Chúa như
ông Phê-rô đã thưa với Chúa:“Bỏ Thầy
thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những Lời đem lại sự
sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng:
Chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6,68-69).
- Ba là phải ý
thức đức tin là do ơn Chúa ban như
lời Đức Giê-su: “Không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy
cho” (Ga 6,65). Do đó, để tin vào mầu nhiệm Chúa Giê-su hiện diện trong bí tích
Thánh Thể, chúng ta cần năng cầu xin Chúa
Giê-su ban thêm đức tin cho mình, như lời cầu của người cha có con bị quỷ
ám:"Tôi tin ! Nhưng xin Thầy giúp
lòng tin yếu kém của tôi” (Mc 9,24).
5. LỜI CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Nhiều lần khi xin các ơn phần xác mà chưa được nhậm
lời, con đã nản lòng thất vọng, thể hiện qua việc bỏ dự lễ Chúa Nhật
và không còn tin tưởng cầu xin Chúa nữa, mà chạy đến với thầy bùa thầy ngải
của lương dân. Tin mừng hôm nay cho thấy: Chúa đã ngán ngẩm trước đức tin
vụ lợi của đám đông dân chúng và các môn đệ. Có lẽ hôm nay Chúa
cũng đang ngán ngẩm khi thấy con cũng chỉ biết lo tìm kiếm lợi lộc tiền
bạc vật chất, và dửng dưng trước những ơn ích thiêng liêng phần hồn. Xin
Chúa giúp con thực thi theo Lời Chúa dạy: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên
Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm
cho” (Mt 6,33).
X) HIỆP CÙNG
MẸ MA-RI-A. – Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH -
HHTM