Chúa Nhật 21 Mùa Thường Niên  – Ngày 22 tháng 08, 2021

Lm.  John P. Cush, STD

 

Các bài đọc: Gs 24: 1–2a, 15–17, 18b • Tv 34: 2–3, 16-17, 18–19, 20–21 • Ep 5: 21–32 hoặc 5:2a, 25–32 • Ga 6: 60–69

bible.usccb.org/bible/readings/082221.cfm

 

Tôi biết nhiều nhà giảng thuyết không bao giờ giảng về bài Thánh thư hôm nay, tuy ngắn nhưng sống động được trích từ thư Thánh Phao-lô Tông đồ gửi giáo đoàn Ê-phê-sô. Tôi biết nhiều vị chủ tế hôm nay sẽ sử dụng bài đọc ngắn của Thánh thư này trong phần các Bài đọc (và xin nhớ rằng việc ấy chẳng có gì là sai trái cả) chỉ vì các ngài muốn tránh mọi cuộc tranh cãi. Một cách thành thực tôi mong các vị ấy đừng quá lo lắng, nhưng trái lại hãy cố gắng giải thích đầy đủ đoạn thư nổi tiếng này.

Đúng vậy, bài Thánh thư hôm nay có một câu nổi tiếng: “Các bà vợ nên phục tùng chồng như phục tùng Chúa”. Nhưng việc phục tùng này bắt đầu thế nào? “Thưa anh chị em, hãy phục tùng lẫn nhau vì sự tôn kính Đức Kitô.” Rõ ràng lời đó quy trách nhiệm cho cả người chồng lẫn người vợ phải nhìn vào Đức Kitô, phải là Đức Kitô đối với nhau, mỗi người theo cách phù hợp với cuộc sống của mình. Trong thế giới chúng ta hiện nay, chúng ta hãy vui với những lời của Thánh Tông Đồ vì ngài tuyên bố ràng, mạnh dạn và dứt khoát với chúng ta rằng hôn nhân Kitô giáo không chỉ là sự kết hợp tự nhiên, nhưng thực sự là sự kết hợp siêu nhiên trong Chúa Giêsu Kitô.

Rồi khi đọc bài đọc dài trích thư gửi tín hữu Ê-phê-sô, chúng ta nên tập trung vào dòng thứ hai cho đến dòng cuối cùng của bài Thánh thư, trong đó nói rằng: “Đây là một mầu nhiệm lớn lao, nhưng tôi nói điều đó liên quan đến Đức Kitô và Giáo hội.” Tất cả lý do tại sao Thánh Phao-lô sử dụng hình ảnh vợ chồng là để nói lên một điểm quan trọng hơn – ấy là Chúa Giêsu Kitô là đầu của thân thể là Giáo hội, điều Phao-lô nói với chúng ta trong thư Cô-lô-sê 1: 18.

Chúa Kitô là đầu và chúng ta là chi thể của Người. Rõ ràng Người tách biệt với Giáo hội, tuy nhiên, do mầu nhiệm Nhập thể của Người do quyền năng cứu độ của Người, Người đoái thương để mình đồng hóa trọn vẹn với Giáo hội. Người là Phu Quân Giáo Hội, Mẹ chúng ta, là Hiền Thê. Trong sự kết hợp siêu nhiên giữa Chàng Rể và Giáo Hội, họ trở thành một xương một thịt. Trong Giáo Hội, Nhiệm Thể Đức Kitô vẫn sống động, đem Đấng là Ánh Sáng Thế Gian, Lumen Gentium, đến với tất cả chúng ta. Như J.S. Mohler, thần học gia Công giáo người Đức ở thế kỷ XIX, tuyên bố  “. . . Giáo hội không là gì khác ngoài hiện thân của tình yêu”.

Chàng Rể là Đức Kitô ban sự sống và hoa trái cho Cô Dâu của mình là Giáo Hội.  Trong cuộc hôn nhân thiêng liêng này, Giáo Hội trở thành Mẹ, Đấng trên bình diện hiện sinh là Đấng mang ơn cứu độ. Giáo Hội là Mẹ chúng ta; Mẹ Giáo Hội ban cho chúng ta sự sống, sự sống được sinh ra trong Giáo Hội do Chàng Rể của Giáo Hội là Chúa Giêsu. Mặc dù tách biệt rõ ràng, nhưng Chúa Giê-su và Giáo Hội không còn là hai, mà là một. Khi người ta gặp Cô Dâu, thì cũng phải gặp chính Chàng Rể. Đây là sự thật trong bí tích hôn nhân; điều đó còn hơn thế nữa trong sự kết hợp giữa Đức Kitô và Hiền Thê của Người, Thân thể Người, là Giáo hội. Mẹ chúng ta, tức Hội Thánh, thì vinh quang và kỳ diệu, cả Hội Thánh chiến đấu lẫn Hội Thánh khải hoàn, đều Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.

 

Nguồn: The Homiletic & Pastoral Review – (hprweb.com)

Chuyển ngữ: JB. Đào Ngọc Điệp

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm B