CHÚ NHẬT 23 – MTN — Ngày 5 tháng 9, 2021

Lm. John P. Cush, STD

 

Các Bài đọc: Is 35: 4-7A; Tv 146: 6-7, 8-9, 9-10; Gc 2: 1-5; Mc 7: 31-37

http://usccb.org/bible/readings/090918.cfm

 

Một trong những cuốn phim hay nhất tôi đã xem năm 2010 là “Hoàng Đế Nói Lắp” (The King’s Speech). Cuốn phim kể chi tiết về cuộc đời của Albert, tức Hoàng Đế George VI, vị Vua tương lai của Vương quốc Anh. Thoạt đầu khi thấy anh ta xuất hiện, thì biết đó là một người đàn ông rất nhút nhát. Thực vậy, anh ta hài lòng sống trong hậu trường, vì biết rằng anh mình sẽ kế vị cha. Albert giỏi trong mọi công việc anh làm - một sĩ quan quân đội, là người cha và người chồng. Tuy nhiên, anh ta rất sợ khi phải nói trước công chúng vì mắc tật nói cà lăm rất nặng. Sau khi thất bại qua tất cả các phương pháp điều trị thông thường, người vợ yêu thương của anh, tức hoàng hậu tương lai, đã đưa chồng mình đến gặp một nhà trị liệu người Úc là diễn viên chuyển giọng.

 

Diễn viên này khám phá ra vấn đề thực sự là gì - Albert sợ thất bại, sợ làm vua cha xấu hổ và khiến gia đình cũng như quốc gia của mình thất vọng. Anh ta sợ đến độ tê liệt cả khả năng giao tiếp. Ông vua tương lai này kinh hoảng vì phải đảm nhận vai trò quốc vương một khi anh mình thoái vị. Nhờ tình yêu của người vợ tốt và tình bạn cũng như sự hướng dẫn tận tình của người trị liệu mà Albert - nay là Vua George - đã lấy lại tự tin trở thành dấu hiệu nói lên sự đoàn kết cho người dân Anh trong Thế chiến thứ hai.

 

Cuốn phim này nhắc nhở tôi về bài Tin Mừng theo Thánh Mác-cô chúng ta công bố Chúa Nhật hôm nay. Đức Giêsu, Chúa chúng ta, khi bước vào miền thập tỉnh, gặp một người đàn ông bị điếc và ngọng. Như chúng ta vừa nghe, Chúa chạm vào người đàn ông đau khổ này và chữa anh được lành, Người phán: "Epphatha!" - "Hãy mở ra!"

 

Bạn hãy tưởng tượng mình là người đàn ông đó, bị trở ngại từ nhiều năm, không bao giờ có thể giao tiếp như ý muốn, đau khổ vì người ta không hiểu mình, sống trong sợ hãi, tự ti mỗi khi mở miệng nói. Giống như Vua George trong phim, người điếc tự ti thiếu lòng tin vào bản thân đều là do sợ hãi. Anh ấy sợ không ai hiểu được mình nóisợ chẳng ai muốn đến gần mình. Vậy Đức Giêsu này có thể chữa lành cho anh ta không? Đây có phải là Đức Giêsu mà anh ta tuyên xưng là Chúa Kitô, Đấng Mê-si-a người ta mong đợi từ lâu không?

 

Căn nguyên gây ra mọi sự thiếu niềm tin và nghi ngờ là sợ hãi. Đây là một điều nguy hiểm khi người ta đặt niềm tin vào một vị Thiên Chúa mà chúng ta không hề thấy. Đây là một điều đáng sợ khi sống cuộc đời chúng ta theo lời chỉ dạy của một con người đã sống hơn 2,000 năm trước. Nếu như chúng ta sai thì sẽ ra sao? Sẽ ra sao nếu như chúng ta dành cả cuộc đời mình để cố gắng sống đời phục vụ và yêu thương, để rồi cuối cùng nhận ra rằng cũng chẳng có gì khác hơn, rằng chúng ta đã làm được bất cứ điều gì mình muốn, ngay cả những hành động phi đạo đức nhất?

 

Vậy câu hỏi cần được đặt ra: Tôi có tin rằng thực sự có Thiên Chúa không? Có tin rằng vị Thiên Chúa này đã tỏ mình ra cho thế giới trong Con Người Đức Kitô không? Tôi có tin rằng sự sống của Đức Kitô này vẫn tiếp tục ngày nay trong Thân thể Người là Giáo Hội không? Tôi có sẵn sàng đánh liều, gạt bỏ nỗi sợ hãi và do dự sang một bên để bước theo Chúa Kitô không?

 

Nỗi sợ hãi này vẫn có thể tồn tại không những trong các câu hỏi về sự hiện hữu của Thiên Chúa, sự mặc khải của Chúa Kitô và sự cần thiết của Giáo hội nói chung, mà còn có thể kéo dài suốt cả cuộc sống chúng ta. Nếu Thiên Chúa hiện hữu, tại sao Người vẫn yêu thương tôi với tất cả lỗi lầm của tôi, tội lỗi của tôi, tất cả những khó khăn và lo lắng của tôi?

 

Nỗi sợ hãi và nghi ngờ này có thể ảnh hưởng đến những lựa chọn trong cuộc sống chúng ta. Chúng ta có thể nghi ngờ chính mình trong các mối tương quan với người khác - sợ để người khác bước vào cuộc đời mình, sợ yêu thương, sợ được yêu thương và sợ bị tổn thương. Mỗi khi chúng ta mở miệng nói chúng ta sợ bị xét đoán. Sẽ ra sao nếu người tôi chia sẻ suy nghĩ của mình với họ lại quay đầu phản bội tôi, chế nhạo hoặc hiểu lầm tôi? Tôi có xứng đáng với tình bạn mà người khác dành cho tôi không? Tôi có đáng yêu không?

 

Nỗi sợ hãi này có khi còn ảnh hưởng tới cả việc chúng ta lựa chọn ơn gọi nữa. Các linh mục, tu sĩ, người lập gia đình, thậm chí ngay cả Kitô hữu độc thân, tất cả đều phải lựa chọn bậc sống cho mình. Vậy, nếu người ta chọn lầm thì sao? Dù thế nào đi nữa, người ta vẫn phải lựa chọn. Triết gia Jean Paul Sartre đã nói “Không lựa chọn tức là chọn lựa vậy” và ông ta đã nói đúng.

 

Vượt qua nỗi sợ hãi là điều thiết yếu cho đời sống đức tin của chúng ta. Cách duy nhất để thắng vượt hãy tiếp tục hướng tới, chú tâm nhìn vào Chúa Giêsu con đường, là sự thật và là sự sống của chúng ta. Chúa Giêsu nhân lành và yêu thương của chúng ta đã truyền lệnh: "Hãy mở ra!" Nếu chúng ta tín thác nơi Người vì Người không hề lừa dối hay bị lừa dối, nếu chúng ta mở lòng để Người chữa lành và tin tưởng vào kế hoạch Người dành cho cuộc đời chúng ta, thì chúng ta sẽ được Người chữa lành và ban bình an.

 

 

Nguồn: The Homiletic & Pastoral Review – (hprweb.com)

Chuyển ngữ: JB. Đào Ngọc Điệp

 

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm B