CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN
Làm người đứng đầu thì phải phục vụ mọi người
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Kn 2:12, 17-20; Gc 3:16 – 4:3; Mc 9:30-37)
Mỗi lần
Chúa Giê-su tiên báo cho các tông đồ biết về cuộc Thương khó và cái chết của
Người, thì thật là mỉa mai vì các ông phản ứng chẳng mấy tốt đẹp. Lần thứ nhất, ông Phê-rô can gián Chúa đừng
chấp nhận cuộc Thương khó cùng cái chết thập giá, nên Chúa Giê-su nặng lời quở
trách và cho ông và các tông đồ một bài học về điều kiện theo Thầy. Lần thứ hai này, các ông vẫn chứng nào tật nấy: “Họ cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả”! Cho nên Chúa dạy cho họ một bài học nữa: Người đặt một em nhỏ ở giữa các ông và dạy
các ông bài học thế nào là làm lớn: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm
người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. Bài đọc 1 mô tả dung mạo “người công chính” sống
thẳng thắn trước mặt Thiên Chúa và người đời và luôn tin rằng Thiên Chúa sẽ phù
hộ và cứu họ khỏi tay địch thù. Người
công chính ấy ám chỉ Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa. Bài Tin Mừng thuật lại lần thứ hai Chúa
Giê-su tiên báo cuộc Thương khó và cái chết của Người. Lần này, phục vụ là bài học Chúa Giê-su muốn
dạy cho các tông đồ là những người lãnh đạo tương lai trong Giáo Hội Người. Rút bài học từ việc các tông đồ tranh cãi
nhau xem ai là người lớn hơn cả, thánh Gia-cô-bê lên án thái độ ghen tương và
tranh chấp, rồi ngài cổ võ việc xây dựng hòa bình (bài đọc 2).
1. Chúa Giê-su là người công chính bị kẻ thù
bách hại. Tuần trước, để giúp
chúng ta hiểu vai trò của Chúa Giê-su là Đấng Mê-si-a như Người đã tiên báo, Phụng
vụ Lời Chúa sử dụng hình ảnh Người Tôi Trung chịu đau khổ trong sách I-sai-a. Hôm nay, bài đọc 1 trích sách Khôn Ngoan nói
về “người công chính” bị kẻ thù bách hại diễn tả một khía cạnh khác thuộc vai
trò của Đấng Mê-si-a. Quả thực, hình ảnh
“người công chính” này được áp dụng thật chính xác cho Chúa Giê-su, Đấng đã bị
bách hại do kẻ thù là “phường vô đạo” và “bị nộp vào tay người đời”, tức những
kẻ đi ngược lại đường lối và kế hoạch của Thiên Chúa. Vậy phường vô đạo và người đời là ai? Đó là kẻ thù của Chúa Giê-su, gồm các người
Pha-ri-sêu, các kinh sư, các thượng tế và tư tế. Bảo rằng những người này là “vô đạo” thì cũng
không đúng, vì rõ ràng họ là con cháu các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp
là những người một lòng tin kính Thiên Chúa.
Nhưng sở dĩ gọi họ là phường vô đạo, bởi vì tuy họ xưng mình là con cái
Thiên Chúa, mà lại không đi theo “con đường” (đạo) của Thiên Chúa. Chúa Giê-su tuyên bố Người là “con đường”. Vậy thì họ không đi theo “con đường Giê-su” tức
là họ trở thành kẻ vô đạo rồi! Để hiểu
rõ kẻ thù bách hại Chúa Giê-su thế nào, thiết tưởng chúng ta nên theo dõi những
gì phường vô đạo đã cố gắng hại người công chính như đoạn sách Khôn Ngoan mô tả. Trước hết bọn vô đạo muốn “gài bẫy” để hại
người công chính. Lý do chúng gài bẫy là
vì người công chính làm vướng chân chúng, phản đối hành động của chúng, tố cáo
chúng vi phạm lề luật và coi thường lễ giáo.
Bọn chúng đã quen đi theo đường lối gian tà, nay gặp phải người công
chính là kỳ đà cản mũi, nên chúng cần phải tiêu diệt người này.
Nhìn lại
cuộc đời Chúa Giê-su, người công chính, danh hiệu bà vợ Phi-la-tô đã dùng để gọi
Chúa Giê-su (Mt 27:19), chúng ta thấy Chúa bị bách hại giống hệt như đoạn sách
Khôn Ngoan mô tả. Nhiều lần đám Pha-ri-sêu
và kinh sư đã tìm đủ cách để “gài bẫy” Chúa Giê-su. Có lẽ cái bẫy tinh vi nhất của họ là khi họ hỏi
Chúa câu hỏi có nên nộp thuế cho vua Xê-da không. Đối lại lối sống giả hình của họ, Chúa Giê-su
đã thẳng thắn chống lại. Chúng ta có
nguyên một chương 23 trong Tin Mừng Mát-thêu ghi lại những lời Chúa Giê-su lên
án các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình!
Nhưng họ vẫn ngoan cố, không hề sám hối, lại còn tiếp tục mưu mô giết
Người bằng cái chết nhục nhã trên thập giá nữa.
Họ nghĩ rằng tiêu diệt được Người là xong, vì họ không tin rằng Thiên
Chúa sẽ phù hộ và cứu Người. Họ đã lầm
to, vì Thiên Chúa đã cho Người sống lại từ kẻ chết.
2. Lần thứ hai Chúa Giê-su tiên báo cuộc Thương
Khó và cái chết của Người. Thầy
trò cùng nhau trên đường lên Giê-ru-sa-lem và họ đang “đi băng qua miền
Ga-li-lê”. Lần tiên báo thứ nhất xảy ra
tại Xê-da-rê Phi-líp-phê ngay sau khi Phê-rô tuyên xưng Người là Đấng
Ki-tô. Lần tiên báo thứ hai này, Chúa
Giê-su chỉ nói giản dị: “Con Người sẽ bị
nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết,
Người sẽ sống lại”. Thánh sử Mác-cô viết
rằng “các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người”. Các ông “không hiểu” thực sự hay các ông
không muốn hiểu theo ý Chúa? Dù thế nào,
các ông cũng “không dám hỏi lại” Chúa, vì các ông đã học kinh nghiệm của Phê-rô
lần trước rồi!
Tưởng như
vậy là xong, nhưng chưa đâu! Các ông
không dám hỏi lại Chúa, còn Chúa thì dám hỏi lại các ông: “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?” Hỏi vậy thôi, nhưng Thầy đã biết hết rồi! Các ông cãi nhau om xòm xem ai trong nhóm là
người lớn hơn cả. Thật chẳng khác nào lũ
chính trị gia xôi thịt thời nay. Chưa gì
đã tranh giành địa vị. Lập tức Chúa
Giê-su dạy cho đám tông đồ một bài học thích hợp cho địa vị lãnh đạo tương lai
của họ. Đó là bài học phục vụ: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người
rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”.
Muốn cho bài học sống động và dễ gây ấn tượng, Chúa Giê-su đặt một em nhỏ
giữa các ông và nói về đức khiêm nhường người lãnh đạo phải có. Thời Chúa Giê-su, việc tiếp đón một em nhỏ có
nghĩa là người ta phải gạt đi địa vị người lớn của mình để đặt mình ngang hàng
với em nhỏ, giống như Chúa Giê-su đã nhiều lần để cho trẻ em thoải mái đến với
Người. Làm lớn hay lãnh đạo không có
nghĩa là lạm quyền, đàn áp, độc tài…, nhưng là làm người rốt hết và làm người
phục vụ mọi người. Giáo Hoàng, vị lãnh đạo
tối cao của Giáo Hội, vẫn được gọi là “đầy tớ của các đầy tớ”, servus
servorum. Trước kia trong lễ đăng quang
giáo hoàng, người ta đốt những nắm bông gòn, tung lên trước mặt vị tân giáo
hoàng và hô lớn để nhắc nhở ngài rằng:
vinh hoa trần gian khác nào nắm bông gòn cháy tiêu tan và biến mất! Thật cũng đáng buồn là ngày nay, có một số
linh mục vừa mới được thụ phong linh mục đã hăm hở “làm cha” thiên hạ rồi. Các vị nên đọc lại bài Tin Mừng hôm nay để hiểu
rõ thế nào là lãnh đạo đích thực.
3. “Ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có
xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa”.
Tình trạng tranh giành địa vị của các môn đệ Chúa Giê-su ngày xưa cũng
là tình trạng của nhiều cộng đoàn, giáo xứ, dòng tu… hôm nay. Hôm các tông đồ tranh cãi nhau trên đường
băng qua miền Ga-li-lê, chắc chắn có mặt Gia-cô-bê rồi. Có lẽ bài học vể “muốn làm lớn” Chúa Giê-su dạy
các tông đồ đã thấm thật sâu vào tâm khảm tông đồ Gia-cô-bê. Ngoài địa vị của thánh Phê-rô đứng đầu Tông đồ
đoàn thì người lớn thứ nhì chính là thánh Gia-cô-bê, giám mục Giê-ru-sa-lem
(xem Công Vụ 15:13-21). Để duy trì sự hiệp
nhất của cộng đoàn gương mẫu Giê-ru-sa-lem, thánh Gia-cô-bê đã hết lời căn dặn
tín hữu phải tránh xa thói ghen tương và tranh chấp. Trái lại, mọi người phải sống theo “đức khôn
ngoan Chúa ban” để trở nên những con người “thanh khiết, hiếu hòa, khoan dung,
mềm dẻo, đầy từ bi, không thiên vị, cũng chẳng giả hình”. Thánh Gia-cô-bê không quên vạch ra căn nguyên
gây ghen tương và tranh chấp: đó là “những
khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em”. Do đó chúng ta phải dẹp bỏ “những khoái lạc” ấy
trước, đừng để chúng xúi giục chúng ta ham muốn, ganh ghét, xung đột và gây chiến
với người khác. Thí dụ trong giáo xứ, một
người chỉ muốn làm chủ tịch Hội đồng giáo xứ, nhưng lại không được bầu, cho nên
hậm hực. Cái “khoái lạc” muốn làm chủ tịch
cứ cám dỗ ông, dần dần ông “sa chước cám dỗ” rồi ông kéo bè kéo cánh đánh phá Hội
đồng giáo xứ, gieo sóng gió cho nhiều người.
Thật là tai hại, vì ông không chấp nhận lý tưởng “ai muốn làm người đứng
đầu, thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người”!
Sống sứ điệp Lời
Chúa
Lời Chúa
hôm nay đem lại cho chúng ta hình ảnh tuyệt vời về Chúa Giê-su. Người là “người công chính” theo sách Khôn
Ngoan. Người là Thầy, nhưng nêu gương phục
vụ khi rửa chân cho các môn đệ. Chúng ta
chiêm ngưỡng Người, nhưng cũng không quên bài học lãnh đạo Người đã dạy cho các
môn đệ và cả chúng ta nữa. Chắc chắn mỗi
người chúng ta đều là những người lãnh đạo, dù trong hoàn cảnh và những giới hạn
khác nhau. Chúa luôn nhắc nhở chúng
ta: “Anh em cũng đừng để ai gọi mình là
người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo là Đức Ki-tô” (Mt 23:10). Vậy chúng ta hãy sốt sắng học gương lãnh đạo
của Chúa Giê-su, Đấng đã cúi mình xuống rửa chân cho Phê-rô và các bạn của ông.
Lm. Đa-minh Trần
đình Nhi