Đừng có phe nhóm
SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN - B
(Mc 9,37-42)
Khởi đầu đoạn Tin
Mừng hôm nay, chúng ta bắt gặp lời ông Gioan thưa cùng Chúa Giêsu rằng : “Lạy
Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo ta, và
chúng con đã ngăm cấm y” (Mc 9, 38). Chúng ta đừng vội kết án Gioan là ích
kỷ, hẹp hòi. Danh Chúa được mọi người nhận biết
và ca tụng, nhất là nhờ danh Chúa mà trừ được quỷ mang lại bình an cho con
người mà còn cấm.
Đối với người Do
Thái, Chúa là Thiên Chúa của riêng họ. Chính Chúa Giêsu đã từng từ chối chữa
lành con gái người đàn bà xứ Cannaan thuộc giòng giống Syrôphênixi (x. Mc
7,24-30). Khi nói với Gioan : “Đừng ngăn cấm y, vì chẳng ai có thể nhân danh
Thầy mà làm phép lạ, rồi liên đó lại nói xấu Thầy” (Mc 9, 39), là Chúa giúp
ông mở rộng tầm nhìn về ơn cứu độ Chúa mang đến cho hết mọi người và loại trừ
đầu óc phe nhóm.
Phe nhóm
Óc địa
phương, óc bè phái, phe nhóm xuất hiện ở trong xã hội từ tổ chức nhỏ nhất
đến cơ quan đoàn thể cao nhất. Giáo Hội sống trong một xã hội cũng không nằm
ngoài cái thường tình ấy. Ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt,
việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp
với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách
gièm pha, nói xấu, dìm người đó xuống, họ phải mấy cũng không nghe.
Vì phe
nhóm mà ông Giôsuê, con ong Nun đã đề nghị ông Môsê ngăn cấm ông Enđát và ông
Mêđát nói tiên tri.Ông Môsê đáp lại rằng : “Ngươi phân bì giùm ta làm
chi? Chớ gì toàn dân được nói tiên tri và Chúa ban Thần Trí Người cho họ”
(x. Ds 11,27).
Vì óc bè
phái mà Gioan đã ngăm cản một số người không cùng nhóm các tông đồ đã dùng danh
Chúa mà trừ quỷ (x. Mc 9,38). Ông nghĩ rằng họ không được phép vì họ không
thuộc nhóm các tông đồ mà lại hành động theo thần trí của Thiên Chúa. Chúa bảo
ông : “Không ai lấy danh nghĩa Thày mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó có thể
nói xấu về Thày” (Mc 9,39).
Danh “Giêsu”, có
nghĩa là “Thiên Chúa cứu độ”. Thánh Phêrô khẳng định rằng “dưới gầm trời này
không có danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta nhờ vào Danh đó
mà được cứu độ” (Cv 4,12). Danh “Giêsu” được cất lên, “cả trên trời dưới
đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ” (Pl 2, 5-11). Danh ấy có sức
mạnh trừ quỷ đuổi ma. Vì thế, phải rao truyền Danh “Giêsu” cho mọi người nhận
biết.
Nước trời là mục
tiêu tối hậu
Người đời
thường có óc bè phái, ích kỷ, bảo vệ quyền lợi và danh dự của nhóm mình, và đố
kỵ ganh ghét với những nhóm khác. Phe nhóm làm tha hóa con người, xói mòn lòn
tin của người khác và nhất là rất dễ bị ma quỷ lợi dụng. Phương châm của thế
gian là “Ai không theo ta tức là nghịch với ta”. Chúa Giêsu dạy các môn
đệ đừng nhìn người khác bằng cặp mắt đố kỵ, nhưng hợp tác với những người thiện
chí. Phương châm Chúa đưa ra là “Ai chẳng chống đối các con là ủng hộ các
con” (x. Mc 9, 40 ).
Nước Trời
và sự sống đời đời là mục tiêu tối hậu. Vì muốn kéo dài sự sống tạm bợ đời
này mà có người sẵn sàng tháo chân, móc mắt, cắt ruột, xem ra nhẹ nhàng. Vậy,
để có được sự sống đời đời, chúng ta phải chấp nhận hy sinh nhiều thứ
khác, từ bỏ hy sinh những gì cản trở sống đời đời của chúng ta.
Tay, chân,
mắt là những bộ phận rất quan trọng trong cơ thể không
thể thiếu để có một đời sống bình thường, tuy nhiên, chúng có
thể trở thành duyên cớ cho ta vấp phạm, sa ngã đưa chúng ta vào
cõi chết đời đời. Chặt tay, chặt chân hay móc mắt là những điều kinh
khủng, gây đau đớn. Bị què tay, què chân hay chột
mắt ở đời này là điều chẳng ai muốn. Nhưng Chúa Giêsu mời chúng ta
nghĩ đến giá trị của đời sống vĩnh cửu, can đảm cắt bỏ với những thụ tạo đang
làm hư hỏng ta chẳng những đời này mà cả đời sau nữa. Chúng ta phải can đảm,
quảng đại sống cho giá trị của Tin Mừng, dẫu cho có thiệt thòi, mất mát những
vinh hoa trần thế, nhưng có được chỗ đứng trong vương quốc của Thiên Chúa.
Đừng là cớ
vấp phạm
Sống yêu
thương, quảng đại, hy sinh vì Nước Trời, nên ngay ở đời này chúng ta phải sống
tốt, sống gương mẫu, đừng làm cớ vấp phạm cho ai. Nhấn mạnh đến điều này, Đức
Thánh Cha Phanxicô giảng trong thánh lễ sáng thứ năm 27 tháng 2 năm 2014 tại
Nhà nguyện Mácta, ngài nói : “Người Kitô hữu bất nhất sẽ làm cớ vấp phạm, và
cớ vấp phạm thì giết hại người khác”.
Mang danh là Kitô hữu, thì cần
phải sống như Kitô hữu, suy nghĩ như Kitô hữu, cảm nhận như Kitô hữu và hành
động như Kitô hữu. Đó là sự thống nhất trong đời sống của một Kitô hữu, nếu
thiếu một trong những điều này, thì chúng ta không còn là Kitô hữu nữa. Cần
phải sống trước sau như một, sống bất nhất sẽ gây rất nhiều tai hại cho người
khác.
Thánh Giacôbê đã nặng lời khiển trách những người Kitô hữu sống bất
nhất huênh hoang, Ngài viết : “Này tiền công thợ gặt ruộng cho các ngươi mà
các ngươi đã gian lận, tiền đó đang kêu gào và tiếng kêu gào của người thợ gặt
đã lọt thấu đến tai Chúa các đạo binh. Các ngươi đã ăn uống say sưa ở đời này,
lòng các ngươi đã tận hưởng khoái lạc trong ngày sát hại. Các ngươi đã lên án
và giết chết người công chính, vì họ đã không kháng cự lại các ngươi”.
Trong cộng đoàn có người sống bất nhất như thế thì rất tai hại, trở nên cớ vấp
phạm cho người khác”.
Chúa Giêsu lên án người làm cớ
vấp phạm : “Kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin
Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn”.
Lạy Chúa, xin ban ơn trợ giúp,
để chúng con biết sống yêu thương, sống quảng đại mưu tìm kiếm nước Trời, và
đừng là cớ vấp phạm cho người khác, nhất là trẻ em. Amen.
Lm. An-tôn Nguyễn Văn
Độ