CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN

Sự bình đẳng trong hôn nhân phải được tôn trọng

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (St 2:18-24;  Dt 2:9-11;  Mc 10:2-16)

        Phụng vụ Lời Chúa hôm nay muốn trình bày vấn đề gì?  Có phải vấn đề ly dị không?  Ngay cả bài Tin Mừng, nếu đọc thật kỹ, chúng ta sẽ thấy vấn đề ly dị được nhóm Pha-ri-sêu nêu lên chỉ là cơ hội để Chúa Giê-su xác định lại ý nghĩa đích thực của hôn nhân, chứ không phải là đề tài để hai bên tranh cãi.  Điều Chúa Giê-su nhấn mạnh ở đây chính là ý nghĩa của hôn nhân:  “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”. Ly dị là “điều răn” ông Mô-sê đã viết ra cho những người  “lòng chai dạ đá”.  Nói khác đi, ly dị là sản phẩm của loài người.  Còn hôn nhân là việc của Thiên Chúa khi Người phối hợp người nam với người nữ, vì thế sự phối hợp ấy loài người không được phân ly!  Tuy nhiên câu chuyện Thiên Chúa dựng nên người đàn bà trong bài đọc 1 sẽ giúp chúng ta hiểu thêm ý nghĩa việc Thiên Chúa phối hợp người nam với người nữ:  Thiên Chúa không phối hợp hai con người bất bình đẳng.  Nhưng Người phối hợp hai con người khác nhau là nam và nữ để họ bổ khuyết cho nhau và giúp nhau “tiến tới nguồn ơn cứu độ” dưới sự lãnh đạo thập toàn của Chúa Giê-su.

 

        1.  Người đàn ông và người đàn bà là bình đẳng trước mặt Chúa.  Tại sao bài đọc 1 kể câu chuyện Thiên Chúa dựng nên người đàn bà lại được đưa vào Phụng vụ Lời Chúa hôm nay?  Phải chăng để nói lên yếu tố cần thiết cho việc phối hợp của hôn nhân là sự khác biệt phái tính, chứ không phải sự bất bình đẳng?  Trước hết chúng ta hãy đọc lại câu chuyện này.  Lý do Chúa dựng nên người đàn bà là vì người đàn ông ở một mình thì không tốt, nên Chúa “sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó”.  Để nói lên sự tương xứng hoặc bình đẳng này, khi dựng nên người đàn bà, Thiên Chúa “rút một cái xương sườn của con người ra và lắp thịt vào”.  Cái xương sườn nằm ngang với trái tim để bảo vệ trái tim.  Do đó, người đàn bà được dựng nên cho tình yêu, chứ không phải để làm nô lệ.  Đối lại, người đàn ông đã nhận ra ngay giá trị bình đẳng của người đàn bà khi Thiên Chúa dẫn nàng đến với anh.  Anh nói:  “Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!”  Việc nhìn nhận giá trị bình đẳng này còn được biểu lộ bằng hành động:  “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt”.

        Ngoài ra, sự bình đẳng cũng được chứng minh qua việc Chúa cho phép người đàn ông “đặt tên” cho mỗi sinh vật.  Đặt tên là hành vi nói lên quyền bá chủ.  Tuy người đàn ông có thể đặt tên cho mọi sinh vật, nhưng anh ta lại “không thể tìm được cho mình một trợ tá tương xứng”.  Tương xứng cũng có nghĩa là khác biệt trong sự bình đẳng.  Vì anh ta không tìm được một trợ tá tương xứng, cho nên Thiên Chúa mới làm cho anh một trợ tá tương xứng là người đàn bà.

        Câu chuyện cho chúng ta thấy Thiên Chúa đã chủ động “phối hợp” người nam với người nữ như thế này.  Thiên Chúa dựng nên người đàn bà, rồi “dẫn” nàng đến với người đàn ông.  Lập tức người đàn ông nhận ra nàng bình đẳng với mình và đón nhận nàng vì nàng đúng là một trợ tá tương xứng với mình.  Đó là hôn nhân giữa người nam và người nữ.  Rồi từ đó, người đàn ông gắn bó với vợ mình và cả hai thành một xương một thịt.   Đúng vậy, Thiên Chúa đã làm cho người đàn ông “một trợ tá tương xứng”.  Tương xứng để giúp cho người đàn ông có đôi có cặp và không phải sống lẻ loi một mình nữa.  Đã là “xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi”, thì có ai lại ghét chính bản thân mình!  Tương xứng để tiếp tay Thiên Chúa trong việc dựng nên loài người qua việc họ sinh sản con cái và dưỡng dục con cái thành người đúng theo ý định của Thiên Chúa.

 

        2.  Chúa Giê-su xác định lại ý nghĩa đích thực của hôn nhân.  Như chúng ta đã biết, nhóm Pha-ri-sêu luôn tìm mọi cách để hạ uy thế của Chúa Giê-su.  Hôm nay họ đem vấn đề ly dị để thử thách Chúa Giê-su.  Đối với họ và dân chúng, ly dị là vấn đề được phép làm vì “Ông Mô-sê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ”.  Vậy nếu Chúa Giê-su chống lại việc ly dị, họ sẽ tố cáo Chúa chống lại ông Mô-sê và Lề Luật.  Từ xưa đến nay, việc “viết giấy ly dị mà rẫy vợ” đã thịnh hành trong dân Do-thái.  Lý do để người đàn ông viết giấy ly dị nhiều khi rất nhỏ nhặt không đáng kể, thí dụ người vợ không nấu nướng khéo léo cũng trở thành lý do.  Hầu hết những lý do để người ta viết giấy ly dị chỉ có mục đích bảo vệ “lòng chai dạ đá” của những người lúc nào cũng kêu trách Thiên Chúa và ông Mô-sê.  Cho nên ông Mô-sê mới chiều theo “lòng chai dạ đá” của họ mà cho phép họ viết giấy ly dị.  Lập tức ở đây Chúa Giê-su kêu gọi họ hãy nhìn lại hôn nhân vào “lúc khởi đầu công trình tạo dựng” để hiểu được ý nghĩa đích thực của hôn nhân.  Vậy theo sách Sáng Thế, vấn đề hôn nhân là: “Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ;  vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt”.  Rõ ràng theo ý định tạo dựng của Thiên Chúa, hôn nhân là sự “gắn bó” hoặc kết hợp giữa người nam và người nữ, chứ không phải thứ “hôn nhân đồng tính” được Tối cao Pháp viện Hoa-kỳ chấp thuận!  Ngoài ra, hôn nhân là sự phối hợp giữa người nam và người nữ theo luật tự nhiên do Thiên Chúa ấn định, nên loài người không được phân ly.  Điều ông Mô-sê đã cho phép chỉ là bất đắc dĩ và là luật của ông chứ không phải Lề Luật của Chúa.  Vì thế, Chúa Giê-su muốn chúng ta phải hiểu hôn nhân theo ý nghĩa đích thực, nghĩa là theo như Thiên Chúa đã ấn định ngay từ “lúc khởi đầu công trình tạo dựng”.

        Chính các môn đệ Chúa Giê-su cũng không khỏi thắc mắc tại sao Chúa Giê-su lại kịch liệt chống lại vấn đề ly dị như vậy.  Một lần nữa, để trả lời, Chúa Giê-su đã khẳng định rằng trong một hôn nhân hợp pháp, chồng ly dị vợ mà cưới người khác hoặc vợ ly dị chồng mà cưới người khác đều là phạm tội ngoại tình.

        Cho dù người ta có hiểu ý nghĩa đích thực của hôn nhân, nhưng biết bao nhiêu gia đình vẫn không thể hiện được ý nghĩa ấy trong hôn nhân của họ.  Bài đọc 1 và bài Tin Mừng hôm nay kêu gọi vợ chồng nhìn lại sự bình đẳng của họ và ý nghĩa của sự “tương xứng”, sự phối hợp giữa hai con người khác nhau nhưng bình đẳng, nhất là lý do của sự phối hợp chính là tình yêu.  Ngoài mục đích của hôn nhân là để sinh sản và nâng đỡ nhau, họ cũng đừng quên một mục đích người ta ít khi nhớ đến, đó là để vợ chồng giúp nhau thánh hóa, điều sẽ được đoạn thư Do-thái trình bày trong bài đọc 2.

 

        3.  Hôn nhân giúp vợ chồng (và con cái) được thánh hóa dưới sự lãnh đạo thập toàn của Đức Giê-su.  Trước hết đoạn thư Do-thái trình bày Đức Giê-su là Đấng thánh hóa sẽ dẫn mọi người tới nguồn ơn cứu độ.  Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa là sai Con Một là Đức Giê-su đến thế gian, để nhờ “trải qua gian khổ” và cái chết, Người trở thành “vị lãnh đạo thập toàn” mà dẫn đưa chúng ta tới ơn cứu độ.  Như thế, mọi người dù trong bất cứ bậc sống nào, linh mục, tu sĩ, giáo dân, vợ chồng hay độc thân, tất cả đều ở dưới sự lãnh đạo của Chúa Giê-su, Đấng thánh hóa.  Nếu đặt hôn nhân ra ngoài mục đích được cứu độ thì đúng là đi ngược lại ý định của Thiên Chúa, bởi vì “Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích mọi loài”.  Thiên Chúa là nguồn gốc của chúng ta vì Người tạo dựng chúng ta.  Thiên Chúa cũng là cùng đích của chúng ta vì chúng ta được cứu độ và tiến đến vinh quang nhờ Chúa Giê-su dẫn đường.  Nhờ Người dẫn dắt, vợ chồng sẽ đi đúng con đường hôn nhân như Thiên Chúa hoạch định.  Hôn nhân là con đường nên thánh của vợ chồng con cái.  Đến như Chúa Giê-su mà cũng phải “trải qua gian khổ để trở thành vị lãnh đạo thập toàn” thì nói chi đến vợ chồng là những người cũng phải trải qua những “thánh giá” của bậc sống hôn nhân để đạt tới sự hoàn hảo của gia đình theo gương mẫu Thánh Gia!

 

Sống sứ điệp Lời Chúa

        Chúng ta đang sống trong thời đại mọi giá trị bị đảo lộn.  Đời sống hôn nhân vốn phải đương đầu với nhiều khó khăn nay lại chồng chất thêm nhiều khó khăn nữa.  Những hệ thống chính trị, giáo dục và luân lý hiện nay đi ngược lại kế hoạch tạo dựng của Thiên Chúa, đang gây ảnh hưởng vô cùng tai hại cho nhiều người, nhất là con em chúng ta.  Cha mẹ đang bị tước đi quyền được gọi là cha hay mẹ, để thay thế bằng danh từ “vô thần, vô gia đình, vô tổ quốc” như “người sinh”.  Người ta muốn bỏ đi cả những danh xưng thân thương như ông bà, cha mẹ, anh chị em.  Thậm chí người ta còn muốn tước bỏ cả phái tính của chúng ta vì cho rằng phân biệt nam nữ là kỳ thị…  Do đó, hơn lúc nào hết, các gia đình Công giáo phải là sức mạnh bảo tồn những giá trị của con người, của gia đình, của hôn nhân.  Thiên Chúa đã thiết lập hôn nhân và gia đình như môi trường tốt đẹp, để trong đó ơn cứu độ của Đức Giê-su Ki-tô sẽ được đón nhận và được sống.  Mong tất cả chúng ta sẽ được Chúa Giê-su, vị Lãnh đạo thập toàn, “không hổ thẹn gọi chúng ta là anh em” của Người.

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm B