Xin Ơn Khôn Ngoan

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật XXVIII - B

(Mc 10, 17 – 30) 

Tác giả bài đọc I trích sách Khôn Ngoan bộc bạch sự khao khát tìm kiếm Đức Khôn Ngoan khiến chúng ta thắc mắc, thần trí khôn ngoan là gì? Sự khôn ngoan là gì mà tác giả quí hơn ngai vàng và vương quốc, ngay cả kim cương sách với nó cũng chỉ như cát? Chúng ta cùng tìm hiểu xem khôn ngoan đích thực là thế nào, đâu là nguồn gốc của đức khôn ngoan cũng như những kết quả mà đức khôn ngoan mang lại cho con người.

Đức Khôn Ngoan

Từ cổ chí kim, trong các nền văn hóa Đông cũng như Tây phương người ta đều lo tìm kiếm sự khôn ngoan. Có được sự khôn ngoan, con người trở nên khôn khéo, cư xử thận trọng và dễ thành công ở đời. Thánh Kinh mạc khải, sự khôn ngoan của con người bắt nguồn từ Thiên Chúa. Ngài ban cho ai tùy ý, vì chính Ngài là Đấng Khôn Ngoan tuyệt hảo. Vì thế các tác giả Sách Thánh chiêm ngắm sự Khôn Ngoan Thiên Chúa như nguồn gốc sự khôn ngoan của họ.

Theo thánh Irênê, vị giáo phụ thời danh của Giáo hội thì Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa không phải ai khác ngoài chính Ngôi Vị Thứ Hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa, đúng như sách Khôn Ngoan mô tả : Người tìm thấy niềm vui giữa loài người ... "Người đã làm người giữa muôn người ... Người đã trao ban sự sống và thiết lập sự hiệp thông giữa Thiên Chúa với con người " (Kinh Tin Kính của Thánh Irênê).

Theo thánh Gioan tác giả Tin Mừng thì Chúa Giêsu chính là sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa từ trời nhập thể. Ai tin và đón nhận Chúa Giêsu là tin và đón nhận sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Ai bước theo đường lối khôn ngoan, và cư ngụ trong nhà Đức Khôn Ngoan đã xây dựng, ngồi tại bàn của của Đức Khôn Ngoan thì sẽ được ăn thoả thích những đồ ăn mỹ vị và uống rượu ngon do Đức Khôn Ngoan dọn sẵn cho.

Đức Giêsu, Khôn Ngoan của Thiên Chúa

Đức Giêsu được gọi là Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa (1Cr 1,24.30) không phải chỉ vì Người thông ban sự Khôn ngoan cho nhân loại, nhưng chính Người là sự Khôn ngoan. Người là sự Khôn ngoan của Chúa Cha vì cũng là Lời của Cha (x.Ga 1,1). Sự Khôn ngoan Ngôi vị này trước kia tàng ẩn nơi Thiên Chúa nay được Mạc khải nơi Đức Giêsu Kitô.

Đức Giêsu, Thầy dạy sự khôn ngoan

Đức Giêsu đã xuất hiện với người đương thời như môt ngôn sứ, hơn cả ngôn sứ (x. Mt 12,41), là Đấng Messia (x. Mc 8,29). Người là thầy dạy sự khôn ngoan. Người thích dùng những thể văn của họ (châm ngôn, dụ ngôn). Những ai chứng kiến đều ngạc nhiên về sự khôn ngoan vượt bực của Người, (x. Mc 6,2). Chính Đức Giêsu đã dạy cho biết rằng sự khôn ngoan đó đặt thành một vấn đề : “Nữ hoàng Phương Nam đã đứng lên nghe lời Khôn ngoan của Salomon, mà ở đây còn hơn cả Salomon nữ” (x. Mt 12,42).

Xin Chúa ban cho sự khôn ngoan

Để có được khôn ngoan, nhiều người cho rằng cần phải học cao biết rộng, thông minh. Không phải thế, Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch mọi khôn ngoan sẵn lòng chia sẻ cho chúng ta sự khôn ngoan của Ngài bất luận chúng ta có quá trình sinh trưởng và học vấn nào (x.1Cr 1,26-29). Nhưng chúng ta phải chủ động tìm kiếm, vì Kinh Thánh khuyến khích chúng ta hãy “khởi đầu của khôn ngoan. Hãy thu tập khôn ngoan” (x.Cn 4,7). Nhưng thu tập như thế nào?

Trước hết phải kính sợ Chúa, vì“kính sợ Chúa là đầu mối khôn ngoan” (Tv 111, 10); Sách Huấn ca cũng dạy : vì“kính sợ Chúa là đầu mối khôn ngoan” (Tv 111, 10); Sách Huấn ca cũng dạy: “Lòng kính sợ Đức Chúa là tuyệt đỉnh của khôn ngoan, mang lại bình an và sức khoẻ dồi dào” (Hc 1, 18). Kính sợ Chúa không là cúi đầu trước mặt Thiên Chúa, biểu hiện lòng kính phục, tôn trọng và cậy tin. Người khôn ngoan trong Kinh Thánh là người nhận thấy bàn tay quyền năng của Thiên Chúa trong thiên nhiên vạn vật và trong chính đời sống mình (G 36, 22-27; Hc 42, 15-43).

Thứ đến chúng ta phải khiêm nhường. Không thể có sự khôn ngoan của Thiên Chúa nếu không khiêm nhường (x.Cn 11,2). Vì Thiên Chúa  “chống cự kẻ kiêu ngạo” và Ngài vui lòng ban sự khôn ngoan cho kẻ khiêm nhường (x. Gc 4,6). Muốn có được sự khôn ngoan ấy, chúng ta phải nỗ lực tìm kiếm, nhất là cầu nguyện (x.Cn 2,1-5). Nếu chúng ta chân thành cầu xin, Thiên Chúa sẽ rộng rãi ban cho sự khôn ngoan của Chúa (x. Gc 1,5).

Chàng thanh niên lỡ mất Sự Khôn Ngoan

Chàng thanh niên trong Tin Mừng hôm nay thật tuyệt vời. Nếu xưa nay người ta cứ tưởng có một đời sống luân lý hoàn hảo đã đủ bảo đảm về mặt đạo đức, tiền bạc dư thừa bảo đảm về mặt vật chất, thì anh vẫn mang trong mình khát vọng sống đời đời cho dù anh đã thủ đắc trong tay toàn bộ những thứ đó.

Để biến khát vọng thành hiện thực, anh đã tìm đến với Đức Giêsu là Đấng mà anh gọi là nhân lành, Người là chính Đức Khôn Ngoan. Đức Khôn Ngoan đã chỉ cho anh : "Hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người khó khó, rồi đến theo Ta" (Mc 10,17). Gặp được Chúa Giêsu, nhưng để có được Chúa Giêsu, Đấng là nguồn mạch mọi khôn ngoan ấy, anh phải bán sạch tài sản mà cha mẹ anh và chính anh đã vất vả tích lũy một đời bằng mồ hôi nước mắt; đã thế, còn đem bố thì hết cho người nghèo, còn mình trở nên trắng tay mà có sự sống đời đời sao ? Một lời mời gọi mới khó làm sao!

Đức Giêsu là một giá trị vượt trên tất cả những của cải trần gian, vì Người là "sức mạnh và sự không ngoan của Thiên Chúa" (1Cr 1,24). "Trong Người có cất giấu một kho tàng của sự khôn ngoan và hiểu biết" (Cl 2, 3). Gia tài của chàng thanh niên có là gì so với Đức Khôn Ngoan ? Nếu biết Đức Giêsu là Đức Khôn Ngoan hiện thân, có lẽ anh sẽ nói như tác giả sách Khôn Ngoan : "Đem so sánh sự giầu sang với sự không ngoan, tôi kể sự giầu sang như không" (Kn 7, 8).

Lạy Chúa, xin phái Đức Khôn Ngoan của Ngài tới đồng lao cộng khổ với chúng con, dạy cho chúng con biết tìm kiếm Chúa là nguồn mạch mọi sự khôn ngoan, ẩn mình trong Bí tích Thánh Thể, và siêng năng lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa để được sống đời đời. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm B