CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN
Chúa Ki-tô là Đức Khôn Ngoan Thiên Chúa và lẽ sống chúng
ta
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Kn 7:7-11;
Dt 4:12-13; Mc 10:17-30)
Hôm nay
Phụng vụ Lời Chúa cho chúng ta một đề tài thật độc đáo về Chúa Giê-su: Người là đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa, để khi
chúng ta sống theo lối sống của Người là ta sống theo đường lối của Thiên
Chúa. Bài đọc 1 nói với chúng ta về giá
trị tuyệt đối của Đức Khôn Ngoan đến nỗi không gì có thể đổi lấy Đức Khôn Ngoan
được. Đức Khôn Ngoan này ám chỉ chính
Chúa Giê-su. Để chiếm được Đức Khôn
Ngoan, người ta phải trả một giá vô cùng đắt.
Cũng vậy, câu chuyện Tin Mừng nói về người thanh niên đến xin Chúa
Giê-su chỉ giáo cho anh biết làm thế nào để được sự sống đời đời làm gia nghiệp
đã chứng minh cái giá anh phải trả thật là đắt.
Chúa dạy anh hãy về bán đi mọi sự anh có mà cho người nghèo, rồi trở lại
theo Người. Đáng tiếc là anh đã không đủ
can đảm thực hiện cuộc đánh đổi lớn lao ấy để làm môn đệ Người.
1. Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa là chính Chúa Giê-su
Ki-tô. Đoạn sách Khôn Ngoan được
trích dẫn hôm nay là những tâm tình vua Sa-lô-môn ca ngợi Đức Khôn Ngoan. Chắc chắn lời lẽ của vua là những lời từ đáy
lòng một con người chẳng cầu xin Chúa điều gì ngoài “một tâm
hồn biết lắng nghe, để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái”. Chúa đã đáp
lại lời cầu xin này. Người vui lòng vì
vua không cầu xin được sống lâu, giàu có hoặc chiến thắng quân thù, mà chỉ xin
ơn khôn ngoan. Nhận được món quà Đức
Khôn Ngoan vô giá này, Sa-lô-môn đã quý trọng và hết lời ca tụng Đức Khôn
Ngoan. Vua so sánh Đức Khôn Ngoan với mọi
thứ quý giá nhất trên đời như vương trượng, ngai vàng, của cải, trân châu bảo
ngọc, vàng bạc, thậm chí ngay cả sức khỏe và sắc đẹp, tất cả đều là con số
không trước “vẻ rực rỡ của Đức Khôn Ngoan”.
Về phần Thiên Chúa, Người rất hài lòng nên Người quyết định: “Ta ban cho ngươi một tâm hồn
khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi, chẳng một ai sánh bằng, và sau ngươi,
cũng chẳng có ai bì kịp. Cả điều ngươi không xin, Ta cũng sẽ ban cho
ngươi: giàu có, vinh quang, đến nỗi suốt đời ngươi, không có ai trong các vua được
như ngươi” (xem 1 Vua 3:4-15). Điều này được chứng minh ngay sau đó khi sách
Khôn Ngoan kể lại câu chuyện vua Sa-lô-môn xét xử vụ kiện của hai phụ nữ đều
sinh con, nhưng cách nhau ba ngày và ở chung với nhau một nhà. Đêm nằm ngủ, một chị đè chết con mình rồi
tráo đứa con đã chết của chị ta để giành lấy đứa con còn sống của chị kia. Vụ tranh giành được đem tới cho vua Sa-lô-môn
xét xử. Vua truyền lấy gươm chém đứa bé
làm đôi cho mỗi người một nửa. Lập tức
người mẹ đích thực xin tha chết cho đứa bé và bằng lòng để nó lại cho chị kia
nuôi. Vậy rõ ràng người mẹ này mới thực
sự là mẹ của đứa bé còn sống!
Sách Khôn
Ngoan kể lại câu chuyện Thiên Chúa ban Đức Khôn Ngoan cho vua Sa-lô-môn là để
ám chỉ Người sẽ ban cho nhân loại Đức Khôn Ngoan không những là một khả năng
trí tuệ vô hình, mà còn là Đức Khôn Ngoan bằng xương bằng thịt, tức Ngôi Lời Nhập
Thể đến ở giữa chúng ta: đó là Chúa
Giê-su Ki-tô. Chúng ta hẳn còn nhớ câu
chuyện Chúa Giê-su khi lên mười hai tuổi đã tự ý ở lại trong Đền Thờ và “ngồi
giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông
minh và những lời đối đáp của cậu”
(Lu-ca 2:46-47).
Sau này, khi tranh luận với đám kinh sư và nhóm Pha-ri-sêu, Chúa Giê-su
đã đưa ra câu chuyện vua Sa-lô-môn để nói về bản thân Người: “Trong cuộc phán xét, nữ hoàng
Phương Nam sẽ đứng lên cùng với thế hệ này, và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ
tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Sa-lô-môn; mà đây thì còn hơn
vua Sa-lô-môn nữa” (Mát-thêu 12:42).
2. “Hãy bán đi những gì anh có, rồi hãy đến
theo tôi”. Câu chuyện vua
Sa-lô-môn là câu chuyện cảm động vì vua đã không xin Chúa những điều người đời
mong muốn, mà xin điều đẹp lòng Chúa. Còn
câu chuyện Tin Mừng hôm nay là câu chuyện buồn, vì khi Chúa muốn chàng thanh
niên hãy “bán đi những gì anh có” để có được gia nghiệp đời đời là chính Chúa,
thì anh lại từ chối và “buồn rầu bỏ đi”! Anh là một “ứng viên sáng giá” vì rất muốn
theo làm môn đệ Chúa đến nỗi anh “chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người” và đón
nhận Người làm sự sống đời đời của mình.
Cử chỉ và lời nói của anh chứng tỏ lòng thành của anh. Chúa Giê-su cũng xác nhận những điều tốt của
con người anh khi Chúa “đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến”. Nhưng khi Chúa đề nghị anh làm một điều duy
nhất anh còn thiếu, đó là “bán đi những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được
một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo
tôi”, thì anh đã từ chối và buồn rầu bỏ đi.
Lý do đơn giản là “anh ta có nhiều của cải”. Anh khác hẳn với vua Sa-lô-môn. Trong mắt Sa-lô-môn, giá trị của mọi sự trên
đời này chẳng là gì so với Đức Khôn Ngoan.
Còn trong mắt người thanh niên này, giá trị của cải quá lớn nên thu hẹp
trái tim của anh lại cũng như đè bẹp lòng quảng đại của anh. Chắc chắn Chúa Giê-su cũng buồn khi anh ta
không muốn làm theo đòi hỏi của Người.
Còn các môn đệ thì “sững sờ” khi nghe Chúa khẳng định: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên
Chúa biết bao!” Chúa không phủ nhận khó
khăn này, Người còn dùng lối nói phóng đại để diễn tả khẳng định trên: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người
giàu vào Nước Thiên Chúa”. Nhiều nhà chú giải Kinh Thánh cho rằng đây không phải
“lỗ kim” nhỏ xíu, nhưng là một loại cửa nhỏ hẹp thôi. Nhưng điều quan trọng ở đây không phải là chữ
nghĩa, mà là lối nói để diễn tả một sự thật:
người giàu khó vào Nước Thiên Chúa.
Tuy nhiên Chúa Giê-su vẫn mở một cánh cửa khác cho người giàu có để vào
Nước Chiên Chúa: “Đối với Thiên Chúa mọi
sự đều có thể được”.
Câu chuyện
anh thanh niên giàu có này bỏ đi chắc chắn đã khiến cho các môn đệ Chúa “giật
mình” và muốn đặt lại vấn đề. Họ đã bỏ mọi
sự để theo Chúa một thời gian dài rồi, bỏ cha mẹ anh chị em, bỏ nghề nghiệp
chài lưới hoặc nghề thuế vụ. Tương lai
trước mắt vẫn mịt mù. Vì thế ông Phê-rô phổi
bò và lo lắng lên tiếng hỏi thẳng Chúa:
“Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!” Ông mắc cỡ không dám hỏi “chúng con sẽ được
gì?” Nhưng ông nhấn mạnh: “Thầy coi, chúng con đã bỏ mọi sự”, sợ rằng
Chúa vẫn chưa nhận ra thành ý của các ông.
Đáp lại, Chúa bảo họ sẽ được nhiều lắm:
ngay bây giờ và ở đời này thì được hết, cha mẹ anh chị em, nhà cửa ruộng
đất, tuy không phải ruột thịt và sở hữu, nhưng sẽ là của mình trong tình yêu
Chúa Ki-tô. Chúa lại cho thêm món quà “đặc
biệt” nữa, đó là “sự ngược đãi”, bị khinh thường vì là môn đệ Chúa. Còn phần thưởng đời sau là sự sống vĩnh cửu. Người thanh niên giàu có chỉ muốn giữ lấy kho
tàng đời này, nói khác đi là sự khôn ngoan đời này. Phê-rô và các môn đệ khác có lẽ cũng hiểu và
muốn làm như vậy, nhưng các ông vẫn nghi ngại.
Còn Chúa Giê-su thì muốn nói về chính Người là Đức Khôn Ngoan của Thiên
Chúa và là sự sống đời sau làm gia nghiệp.
Vậy kết cuộc ra sao? Chúng ta
không dám chắc chắn là chàng thanh niên giàu có kia bỏ đi luôn. Biết đâu lúc nào đó anh suy nghĩ lại và trở về
làm môn đệ Chúa! Còn các tông đồ Chúa
thì trừ Giu-đa phản bội ra (xem Gio-an 13:10, 18, 21-30), tất cả đều trung
thành làm môn đệ Chúa và sẵn sàng chịu chết để chu toàn sứ mệnh Chúa trao phó.
Sống sứ điệp Lời
Chúa
Chúng ta được chiêm ngưỡng Đức Khôn Ngoan là đường lối
của Thiên Chúa và là ân huệ cao quý vô giá.
Đức Khôn Ngoan đã được Thiên Chúa ban cho vua Sa-lô-môn như một đáp trả
lời cầu xin của vua. Đức Khôn Ngoan này cũng
được ban cho tất cả chúng ta dưới hình thức một con người khôn ngoan là Chúa
Giê-su. Nhưng làm sao chúng ta có được
“con người khôn ngoan” này khi Chúa Giê-su không còn sống trên trần gian nữa? Đừng lo, trước khi về trời, Chúa đã hứa: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi
ngày cho đến tận thế” (Mát-thêu 28:20). Chúa ở cùng chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể
để dưỡng nuôi linh hồn chúng ta. Chúa
còn ở cùng chúng ta trong Lời Chúa để tiếp tục dạy dỗ chúng ta. Bài đọc 2 trích thư Do-thái khẳng định điều
này: “Lời
Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu
chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư
tưởng của lòng người” (Dt 4:12).
Vậy chúng
ta sẽ tiếp nhận Chúa Giê-su qua Lời Chúa như thế nào? Chúng ta có sẵn sàng để cho Lời Chúa “phơi
bày” tất cả những gì của chúng ta ra trước mặt Chúa, để Lời Chúa là “ngọn đèn soi
bước chân chúng ta” và giúp chúng ta sửa đổi dần dần trở nên đồng hình đồng dạng
với Chúa Giê-su không? Chúng ta có yêu mến
và trân trọng Lời Chúa mỗi khi nghe Lời Chúa trong Thánh lễ, trong việc đọc và
suy niệm Kinh Thánh, nhất là sống Lời Chúa trong lối sống của chúng ta không? Nếu có thì đó là cách chúng ta tiếp nhận hồng
ân Đức Khôn Ngoan Chúa ban cho mỗi người chúng ta vậy!
Lm. Đa-minh Trần
đình Nhi