CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN

Phục vụ là lý tưởng của người môn đệ Chúa Ki-tô

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Is 53:10-11;  Dt 4:14-16;  Mc 0:35-45)

          Suốt mấy tuần lễ liên tiếp vừa qua, chúng ta thấy Phụng vụ Lời Chúa vẫn tiếp tục khai triển cùng một đề tài dựa trên các bài ca về Người Tôi Trung chịu đau khổ và những đoạn Tin Mừng Mác-cô thuật lại việc Chúa Giê-su tiên báo cuộc Thương Khó của Người.  Trinh bày đề tài ấy, Giáo Hội muốn chúng ta suy niệm về cả hai phương diện:  thứ nhất, Chúa Giê-su là mẫu gương yêu thương phục vụ;  thứ hai, dưới mái trường đào tạo của Chúa, các môn đệ Chúa phải theo khuôn mẫu ấy mà yêu thương và phục vụ anh chị em trong Giáo Hội Người.  Bài đọc 1 diễn tả thân phận của Người Tôi Trung phải chịu đau khổ đến tột đỉnh làm lễ vật đền tội, nhưng không phải là chấm hết mà là để lại những hiệu quả trường tồn.  Bài đọc 2 mô tả chân dung vị Thượng Tế thập toàn là Chúa Ki-tô, Đấng giúp chúng ta được “mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng”.  Sau hết, bài Tin Mừng hôm nay đúc kết toàn bộ chương trình đào tạo môn đệ Chúa Giê-su:  “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”.  Hai bài đọc 1 và 2 giúp làm sáng tỏ con người và sứ mệnh của Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa và Đấng Cứu Độ.

 

          1.  Người Tôi Trung hiến thân làm lễ vật đền tội chính là Chúa Giê-su.  Người Tôi Trung chịu đau khổ trong sách ngôn sứ I-sai-a ám chỉ Chúa Giê-su trong Tân Ước.  Sau những mô tả về đời sống công chính và thánh thiện của Người Tôi Trung, đoạn sách I-sai-a hôm nay nói lên sứ mệnh cao cả và rõ ràng nhất khiến chúng ta hiểu ngay rằng đó là Chúa Giê-su:  “Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của ta”.  Đoạn sách ngôn sứ được trích dẫn trên không kể lại những chi tiết của cuộc bách hại Người Tôi Trung phải chịu.  Không còn là những cảnh bị gài bẫy hay bị tố cáo, không còn là màn đưa lưng cho người ta đánh đòn và giơ má cho người ta giật râu hoặc trơ mặt ra như đá… Nhưng là những cảnh còn tàn bạo hơn thế nhiều:  bị nghiền nát vì đau khổ để hiến thân làm lễ vật đền tội.  Tuy nhiên, I-sai-a lại đưa ra một hình ảnh tích cực giống như mặt sau của một đồng tiền:  Người Tôi Trung hiến thân làm lễ vật đền tội “sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn và nhờ người, ý muốn của Đức Chúa sẽ thành tựu”. 

          Chúng ta sẽ hiểu được ý nghĩa đầy đủ và rõ ràng khi áp dụng những lời này của I-sai-a vào Chúa Giê-su, vị Tôi Trung chịu đau khổ trong Tân Ước.  Đúng thế, cái chết của Chúa Giê-su trên thập giá không phải là cái chết vô ích và chẳng còn ai nhớ tới.  Nhưng chính cái chết của Người đã để lại những kẻ nối dõi là tất cả những ai được hưởng nhờ ơn cứu độ của Người.  Đáng lẽ chúng ta phải hư mất do tội lỗi và sự chết, thì nay chúng ta lại được sống sự sống mới, trở nên một thành viên trong “đám em đông đúc của Người” và cùng với Người được “đồng thừa kế” gia sản muôn đời của Thiên Chúa Cha (Rô-ma 8:17, 29).  Ngôn sứ I-sai-a cũng đã nhìn thấy một cuộc tạo dựng nhân loại mới khi “Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, Tôi Trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính”.  Thánh Phao-lô chia sẻ cùng một tư tưởng khi ngài nói đến hiệu quả cứu độ Chúa Giê-su mang lại:  Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính” (Rô-ma 5:19).  Ý muốn của Thiên Chúa Cha là cứu độ nhân loại.  Chúa Giê-su đã thực thi “ý muốn của Đức Chúa” khi Người hoàn tất kế hoạch cứu độ của Chúa Cha nhờ cái chết và sự sống lại của Người.

 

          2.  “Con Người đến để hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”.  Chúng ta đừng quên mỗi lần Chúa Giê-su tiên báo cuộc Thương Khó của Người thì lại xảy ra một “chuyện đáng tiếc” trong đám môn đệ Người:  Phê-rô can gián Chúa đừng chấp nhận cuộc Thương Khó, các tông đồ tranh cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả, và hai người con ông Dê-bê-đê muốn xin Chúa dành cho họ được “ngồi bên tả và bên hữu” Chúa khi Người làm vua!  Vì thế sau mỗi chuyện đáng tiếc này, họ lại được nghe Chúa dạy một bài học.  Hôm nay là lần tiên báo thứ ba về cuộc Thương Khó.  Đáng lẽ càng lúc các môn đệ càng nhìn thấy rõ hơn mục đích chuyến đi lần này của Chúa lên Giê-ru-sa-lem là gì.  Nhưng đáng tiếc, tâm hồn họ đã bị mê hoặc do ý tưởng Chúa Giê-su sẽ trở thành vị lãnh đạo đất nước Ít-ra-en.  Người sẽ đuổi quân xâm lăng đế quốc Rô-ma và giành lại độc lập cho Ít-ra-en.  Khi ấy Người sẽ “được vinh quang” và các môn đệ cũng được dự phần vì họ đã bỏ hết mọi sự để theo Chúa.  Họ nông nổi và không hiểu rõ sứ mệnh phải chịu đau khổ và chịu chết của Chúa.  Còn Chúa thì sẵn sàng nói thẳng nói thật cho họ biết rằng cuộc Thương Khó Người sắp phải chịu chính là “chén đắng Thầy sắp uống” và “phép rửa Thầy sắp chịu” và hỏi họ có muốn cùng uống chén đắng với Người hay không.  Chúa cho họ một cơ hội cuối cùng để họ có thể “buồn rầu bỏ đi” nếu họ không muốn chung phần đau khổ với Người.  Chúng ta cũng hơi lấy làm lạ khi nghe họ trả lời rằng họ chấp nhận lời mời gọi của Chúa.  Có phải “giấc mơ làm lớn” của họ quá to nên họ không hiểu được mức độ “đắng” của việc theo Chúa đến cùng không?

          Nếu câu chuyện “xin xỏ” của hai ông Gia-cô-bê và Gio-an dừng lại ở đây thì chẳng nói làm gì.  Nhưng đáng tiếc là chuyện này làm cho “mười môn đệ kia đâm ra tức tối” với họ.  Cùng là thân phận theo Chúa mà hai anh chàng này lại muốn “ăn mảnh” giành đặc quyền đặc lợi cho mình.  Cũng là thói đời thôi!  Nhưng là môn đệ Chúa thì không được theo thói đời, mà phải theo Thầy đi đường hẹp và sống khiêm nhường.  Thế là Chúa nhân cơ hội này cho họ bài học về lãnh đạo hoặc “làm lớn”.  Người khẳng định rõ ràng:  Thế gian thì tham quyền cố vị, “còn giữa anh em thì không được như vậy”.  Nghĩa là làm sao?  Nghĩa là:  “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em;  ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người”.  Những lời này đã quá rõ ràng, không cần giải thích dài dòng vô ích!  Chúa Giê-su không nói suông, nhưng Người đã sống lý tưởng Người vừa đưa ra.  Người “vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệNgười lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Phi-líp-phê 2:6-8).  Chúa Giê-su không muốn “làm lớn” và tự mình “làm lớn”, nhưng Người chỉ vâng lời và phục vụ và dành việc làm lớn cho Thiên Chúa Cha.  Quả thực Thiên Chúa đã làm cho Chúa Giê-su được làm lớn, lớn đến độ “Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2:9).

          Hơn thế nữa, bài đọc 2 trích thư Do-thái còn thêm vào một tư tưởng tuyệt vời khi nói Chúa Giê-su là “vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời”.  Đúng vậy, Chúa Giê-su đã băng qua các tầng trời để đến chúng ta trong thế gian, hầu “cảm thương những nỗi yếu hèn của chúng ta”, nhất là làm mẫu gương cho chúng ta khi “Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội”.  Đấy, Chúa Giê-su thì như vậy, còn chúng ta, động đau khổ một chút là đã kêu trời trách đất, kêu ca cả Chúa nữa!  Sở dĩ Chúa Giê-su băng qua các tầng trời đến với chúng ta là để Người lại băng qua các tầng trời trở về với Chúa Cha, dẫn theo một đàn em đông đúc về cho Chúa Cha.  Thật là hình ảnh vô cùng đẹp về vai trò thượng tế của Chúa Giê-su.  Không phải chỉ là chuyện vào ngày tận thế đâu, nhưng là chuyện ngay lúc này và ở đây, vì Chúa Giê-su đã giúp chúng ta “mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa” để lãnh nhận “ân sủng, để được xót thươngvà lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần”.

 

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Có quá nhiều ý tưởng giúp chúng ta sống sứ điệp Lời Chúa tuần này.  Chúng ta có thể cảm tạ Thiên Chúa Cha đã ban cho chúng ta một Ngôi Lời bằng xương bằng thịt để dạy chúng ta sống theo đường lối của Thiên Chúa.  Chúng ta có thể hãnh diện và tin tưởng vào vị Thượng Tế thập toàn là Chúa Giê-su, Đấng đã biến đổi thân phận tội lỗi của chúng ta và giúp chúng ta tiến đến gần ngai Thiên Chúa, điều không ai có thể giúp chúng ta làm.  Nhưng có lẽ bài học quý giá nhất chính là bài học phục vụ, noi gương Chúa Giê-su, Đấng đã đến “không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”.

 

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi

 

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm B