CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN
Tận thế là ngày của chúng ta và là ngày của Chúa Ki-tô
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Đn 12:1-3;
Dt 10:11-14, 18; Mc 13:24-32)
Trước khi
mừng lễ Chúa Giê-su Ki-tô, Vua vũ trụ, chúng ta có một tuần để suy niệm về ngày
Tận thế. Tận thế là ngày Chúa xét xử. Chúng ta là những kẻ bị xét xử, còn Chúa
Ki-tô là Đấng phán xét chúng ta trong ngày ấy.
Tuy nhiên Lời Chúa hôm nay đặc biệt nói với chúng ta về ý nghĩa của ngày
tận thế. Dường như thị kiến của ngôn sứ
Đa-ni-en muốn nhấn mạnh đến Tận thế là ngày của những người được cứu độ, tức ngày
của những người đã chiến thắng trong cuộc chiến đấu với ma quỷ và tội lỗi dưới
sự chỉ huy tối cao của Tổng lãnh Thiên thần Mi-ca-en (bài đọc 1). Nhưng đoạn thư Do-thái lại diễn tả Tận thế là
ngày chiến thắng của Chúa Ki-tô, sau khi Người đã hiến thân làm hiến lễ đền tội
cho nhân loại và “chờ đợi ngày các kẻ thù bị đặt làm bệ dưới chân” (bài đọc
2). Dựa vào những dấu chỉ, chúng ta biết
chắc chắn ngày Tận thế sẽ đến, nhưng không ai biết được chính xác khi nào. Trong ngày ấy, Thiên Chúa sẽ tập họp những kẻ
được Người tuyển chọn từ bốn phương (bài Tin Mừng).
1. Tận thế là ngày của những người được cứu độ.
Trước hết Phụng vụ Lời Chúa dùng đoạn
trích sách ngôn sứ Đa-ni-en để trình bày với chúng ta về sự sống lại. Đây là đoạn Kinh Thánh đầu tiên nói đến sự phục
sinh. Nhưng trước khi nói về sự phục
sinh, ngôn sứ Đa-ni-en báo trước việc kết thúc cuộc bách hại dân Ít-ra-en dưới
thời vua An-ti-ô-khô nước Ba-tư. Bằng lối
văn khải huyền, ngôn sứ nhắc đến một cuộc chiến dưới sự chỉ huy của thiên sứ
Mi-ca-en. Trong thị kiến lớn của ngôn sứ
Đa-ni-en, có những cuộc chiến đấu ở trên trời giữa các thiên sứ đại diện cho
các dân tộc khác nhau. Ở đây, Thiên sứ
Mi-ca-en xuất hiện (Đa-ni-en 10:13) chiến đấu cho dân Do-thái chống lại một
thiên sứ khác lãnh đạo Ba-tư. Thiên sứ
Mi-ca-en sẽ toàn thắng và dân Ít-ra-en sẽ thoát nạn. Tuy nhiên ngôn sứ Đa-ni-en muốn dùng hình ảnh
thoát nạn của Ít-ra-en để ám chỉ những kẻ chiến thắng trong cuộc chiến với ma
quỷ và tội lỗi. Họ chính là “tất cả những
ai được ghi tên trong cuốn sách của Thiên Chúa”. Tiếp đến, ngôn sứ nói với chúng ta về sự phục
sinh: “Trong số những kẻ an nghỉ trong bụi
đất, nhiều người sẽ trỗi dậy: người thì
để hưởng phúc trường sinh, kẻ thì để chịu
ô nhục và bị ghê tởm muôn đời”.
Chúng ta biết rằng niềm tin vào sự sống lại chỉ mới có trước thời
Ma-ca-bê ít lâu. Phản ứng trước các cuộc
bách hại do đế quốc Ba-tư và suy nghĩ về số phận của những chứng nhân tử đạo đã
giúp cho dân Ít-ra-en xác tín rằng những ai chết mà tin vào Chúa thì sẽ được hưởng
hạnh phúc trong thế giới mới. Hẳn chúng
ta không quên câu chuyện cuộc tử đạo của bảy anh em dưới sự chứng kiến đau cắt
ruột của bà mẹ . Người con thứ hai trước
khi chết đã nói với vua An-ti-ô-khô: “Vua
là một tên hung thần, vua khai trừ chúng tôi ra khỏi cuộc đời hiện tại, nhưng bởi
lẽ chúng tôi chết vì Luật pháp của Vua vũ trụ, nên Người sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời” (2
Ma-ca-bê 7:9).
Để khích
lệ chúng ta đón chờ ngày Tận thế trong niềm hy vọng phục sinh và hưởng hạnh
phúc muôn đời, ngôn sứ Đa-ni-en đặc biệt nhắc đến “các hiền sĩ” và “những ai
làm cho người người nên công chính”. Họ
sẽ “chói lọi như bầu trời rực rỡ” và “chiếu sáng muôn đời như những vì
sao”. Cho dù chúng ta không có đủ điều
kiện để làm các hiền sĩ, thì ít nhất chúng ta cũng có thể giúp phần nào cho người
chung quanh chúng ta nên công chính!
Trong ngày Tận thế, chúng ta sẽ sống lại, nhưng quan trọng là sống lại để
làm gì? Để hưởng phúc trường sinh hay để
chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn đời? Đó
chính là sự lựa chọn của chúng ta đang khi còn ở trần gian này. Khi sử dụng đoạn sách Đa-ni-en nêu ra những
người được ghi tên trong cuốn sách của Thiên Chúa, đồng thời nhắc đến các hiền
sĩ và những người giúp người khác nên công chính, chắc hẳn Phụng vụ Lời Chúa muốn
nhìn ngày Tận thế một cách tích cực, để nhắc nhở chúng ta hãy cố gắng trở thành
những kẻ chiến thắng dưới sự lãnh đạo của Tổng lãnh Thiên thần Mi-ca-en trong
cuộc chiến đấu thiêng liêng tại trần gian này.
Được cứu độ chính là mục đích chúng ta đạt được trong ngày Tận thế vậy.
2. Tận thế là ngày chiến thắng hoàn toàn của Vua
Ki-tô. Song song với cuộc chiến
thắng của những người công chính, Phụng vụ Lời Chúa lại một lần nữa trích dẫn
đoạn thư Do-thái diễn tả chiến thắng của Đức Ki-tô với tư cách là vị Thượng Tế
Muôn đời. Đoạn thư so sánh lễ tế của vị
tư tế trong Đền Thờ với hiến tế của Chúa Giê-su trên thập giá. Mặc dù vị tư tế Đền Thờ “lo việc phụng tự mỗi
ngày và dâng đi dâng lại cũng ngần ấy thứ lễ tế”, nhưng kết quả là vẫn không
bao giờ xóa bỏ được tội lỗi dân chúng.
Trái lại, Đức Ki-tô chỉ dâng “lễ tế duy nhất” và một lần trên thập giá
thì đã đủ để đền bù tội lỗi nhân loại.
Sau khi sống lại, Người lên trời, ngự bên hữu Thiên Chúa và chờ đợi công
cuộc cứu độ hoàn tất vào ngày Tận thế.
Người đã chiến thắng tội lỗi và sự chết sau khi Thiên Chúa cho Người trỗi
dậy từ kẻ chết. Tuy nhiên, Người vẫn còn
chờ đợi ngày Tận thế là thời điểm “những kẻ Người đã thánh hóa được nên hoàn hảo”. Đó cũng là thời điểm “các kẻ thù bị đặt làm bệ
dưới chân”, nghĩa là lúc tội lỗi và cái chết đã hoàn toàn bị hủy diệt khi Người
được tôn vinh làm Vua vũ trụ.
Để giúp
chúng ta hiểu thêm về ngày Tận thế, trong bài Tin Mừng, Chúa Giê-su nói về ngày
quang lâm của Người. Trước hết Người kể
ra một số những biến động trên trời: mặt
trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống
và các quyền lực trên trời bị lay chuyển.
Chúng ta có thể thắc mắc liệu những biến động này sẽ thực sự xảy ra hay
không khi Chúa Giê-su trở lại, nhưng rõ ràng những hình ảnh đó đã được lấy từ
sách I-sai-a (13:10 và 34:4) là để nói lên sự hỗn loạn, sự bất ngờ, sự tan rã của
thế giới loài người và vũ trụ trước oai phong của vị Thẩm phán tối cao. Nói khác đi, những hình ảnh đáng sợ kể trên
chỉ là để diễn tả sự uy nghi của Đức Ki-tô khi Người trở lại trong ngày Tận thế
mà phán xét mọi người. Chính Chúa Giê-su
cho chúng ta biết Người sẽ đến lần thứ hai như thế nào: “Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang
ngự trong mây trời mà đến. Lúc đó, Người
sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập họp những
kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân
trời”. Điều này giúp chúng ta hiểu rằng
ngày Tận thế là ngày của Đức Ki-tô vinh thắng và cũng là ngày của những kẻ được
Người tuyển chọn từ khắp nơi, tức là những ai đã đón nhận ơn cứu độ của Người
và sống như con cái Thiên Chúa.
Sống sứ điệp Lời
Chúa
Từ xưa đến
nay, thắc mắc về ngày giờ xảy ra Tận thế vẫn là đề tài sôi động. Chúng ta còn nhớ chuẩn bị bước vào thiên niên
kỷ thứ ba, người ta đưa ra những lời tiên tri đồn đoán. Có rất nhiều người còn tích trữ nước và lương
thực vì “trời sẽ tối ba ngày ba đêm”! Rồi
bước qua năm 2000, vẫn chẳng có gì xảy ra.
Cho nên chúng ta hãy học biết theo lời Chúa dạy khi Người kể thí dụ cây
vả: “Khi cành nó xanh tươi và đâm chồi nảy
lộc, thì anh em biết là mùa hè đã đến gần”.
Mùa hè đến gần là điều chúng ta muốn biết; còn cây vả trụi lá sau mùa đông bắt đầu đâm
chồi nảy lộc là dấu chỉ cho ta biết mùa hè đến gần. Cũng vậy, các biến động trên trời xảy ra là dấu
chỉ, để khi ta thấy dấu chỉ ấy lập tức biết rằng Con Người đã đến gần. Chúa đâu có nói sẽ có các biến động trên trời
vào thời điểm nào rõ rệt đâu! Người chỉ
muốn cho chúng ta biết chắc chắn rằng Người sẽ đến. Vì thế, biết rõ ngày giờ Chúa giáng lâm không
phải là việc của chúng ta, mà là việc của Chúa.
Bổn phận của chúng ta là phải học cách đọc các dấu chỉ cho thấy Chúa đến
gần để chúng ta sẵn sàng tiếp đón Người.
Cái chết của chúng ta có thể hiểu là một cuộc tận thế cá nhân. Chúng ta không biết khi nào cuộc tận thế cá
nhân xảy ra hoặc khi nào Chúa đến. Do
đó, chỉ còn một thái độ duy nhất và khôn ngoan, là hãy sẵn sàng. Quá lo lắng và sợ hãi khi nghĩ đến cái chết
mà không chuẩn bị thì không phải là thái độ thích hợp của người Ki-tô hữu. Đối với chúng ta, điều chắc chắn là “Con Người
đã đến gần, ở ngay ngoài cửa rồi”. Phải,
Người thực sự đang ở ngay ngoài cửa rồi!
Điều quan trọng là chúng ta hãy canh thức, hãy sẵn sàng mở cửa khi Chúa
gõ cửa.
Lm. Đa-minh Trần
đình Nhi