CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG
Con đường Chúa đến với ta
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Is 40:1-5, 9-11; 2 Pr 3:8-14;
Mc 1:1-8)
Thiên Chúa, Đấng Tạo dựng muôn loài và
là Vua vũ trụ, loan báo sẽ đến với nhân loại.
Đó là một tin vui loài người mong đợi.
Tuy nhiên bất cứ cuộc viếng thăm nào cũng cần được chuẩn bị do cả hai
bên, người viếng thăm và kẻ được viếng thăm.
Cuộc chuẩn bị để Thiên Chúa viếng thăm con người đã được Phụng vụ Lời
Chúa hôm nay trình bày một cách cụ thể, là hãy mở đường sửa lối để Thiên Chúa đến. “Hãy mở một con đường cho Đức Chúa” là mệnh lệnh
Vua cao cả từ trên ban xuống cho chúng ta qua ngôn sứ I-sai-a (bài đọc 1). Cũng chính mệnh lệnh này được Gio-an Tiền hô,
vị ngôn sứ cuối cùng và chuyển tiếp thời Tân Ước lập lại khi thời điểm Thiên
Chúa đến viếng thăm đã gần kề (bài Tin Mừng).
Riêng thánh Phê-rô lại cho chúng ta một cái nhìn độc đáo về ý nghĩa của
cuộc Thiên Chúa viếng thăm: sự kiện Chúa
đến mở ra cho chúng ta một “trời mới đất mới” hoặc khởi đầu Triều Đại ơn cứu độ
(bài đọc 2).
1.
“Trong sa mạc, hãy mở một con đường
cho Đức Chúa”. Để hiểu tại sao Thiên
Chúa muốn đến với dân Người, chúng ta hãy trở lại với lịch sử Ít-ra-en. Khi dân Chúa bị lưu đày tại Ba-by-lon, họ đã
thấm khổ đau tủi nhục và những mong được cứu thoát. Thành đô Giê-ru-sa-lem thì hoang tàn. Tất cả nước Ít-ra-en khác nào một “sa mạc”. Do đó Thiên Chúa muốn tái lập Ít-ra-en. Qua ngôn sứ I-sai-a, Thiên Chúa muốn dân Người
mở một con đường cho Người đến, một con đường ở trong “sa mạc tâm hồn” của mỗi
người. Qua những đau thương bởi cuộc lưu
đày, người dân Chúa đã nhận ra tâm hồn của mình giống như một sa mạc với “thung
lũng, núi đồi, lồi lõm và gồ ghề”. Đấy
là những hình ảnh biểu tượng cho con đường tâm hồn để ta đón tiếp Chúa. Ý nghĩa của những hình ảnh này đã quá rõ: những
thung lũng chứa đầy tham lam, thù ghét, ý đồ xấu xa…; núi đồi là những kiêu
căng, ngạo mạn chống lại Thiên Chúa và chống lại nhau; những lồi lõm và gồ ghề của tâm hồn là những
thái độ bất nhất, lừa lọc và không sẵn sàng để đón nhận hoặc vun trồng nhân đức
hoặc những điều tốt lành. Tóm lại, mệnh
lệnh mở con đường trong sa mạc là mệnh lệnh Chúa truyền cho mỗi người chúng ta
hãy chuẩn bị tâm hồn xứng đáng để Chúa đến và ở lại với ta.
2. “Có tiếng người hô trong hoang địa… ông
Gio-an Tẩy Giả đã xuất hiện”. Từ
Na-da-rét, miền Ga-li-lê, Chúa Giê-su cũng sắp khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Thiên Chúa Cha phán với Chúa Giê-su: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con,
người sẽ dọn đường cho Con”. Vì thế, đây
là thời điểm để Gio-an Tiền Hô ráo riết thi hành sứ mệnh Thiên Chúa đã
trao. Khi mô tả ông Gio-an “mặc áo lông
lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng”, thánh Mác-cô muốn
khẳng định ông Gio-an là người của hoang địa, hay đúng hơn, người của sa mạc
tâm hồn để thức tỉnh chúng ta bằng “tiếng hô” của ngài. Như thế, tiếng hô kêu gọi sám hối của thánh
Gio-an không yếu ớt và phải nghe được, vì trong sa mạc thinh lặng của tâm hồn
ta, đâu có tiếng động nào khác ngoài tiếng kêu gọi của ngài. Ngài chỉ lập lại mệnh lệnh của Thiên Chúa đã
truyền qua ngôn sứ I-sai-a. Tuy nhiên,
ngài không chỉ nói về sự kiện Thiên Chúa sẽ đến để tái lập Ít-ra-en sau cuộc
lưu đày, mà còn nói về cuộc viếng thăm của Chúa đến với tâm hồn tất cả những ai
muốn đón nhận ơn cứu độ của Chúa Giê-su Ki-tô.
Do đó, nội dung sứ điệp Gio-an rao giảng là nói về Chúa Giê-su, Đấng Cứu
Độ, là “Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi”. Ngài giải thích tại sao Chúa Giê-su quyền thế
hơn ngài như sau: “Tôi thì tôi đã làm
phép rửa cho anh em bằng nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng
Thánh Thần”. Cả hai đều là “phép rửa”,
nhưng lấy gì để rửa và rửa xong rồi sẽ ra sao, đấy mới là điểm chính. Nước làm sao so sánh được với Thánh Thần! Nước mà ông Gio-an sử dụng chỉ là vật tự
nhiên và giới hạn. Chúng ta có tắm rửa lần
này rồi lần tới cũng phải tắm rửa lại.
Nhưng nếu chúng ta được “rửa bằng Thánh Thần” một lần thôi, ta sẽ vĩnh
viễn thay đổi, được làm con cái Chúa và “đã sạch rồi nên không cần tắm rửa nữa”
(Ga 13:10). Không những rao giảng việc sám
hối, thánh Gio-an còn chỉ cho chúng ta biết Chúa Giê-su là Đấng nào, là con đường
đưa Thiên Chúa đến với chúng ta và cũng là con đường đưa chúng ta đến với Thiên
Chúa.
Sống sứ điệp Lời Chúa
3.
Chờ đợi Chúa đến là mong đợi trời
mới đất mới. Tư tưởng sâu xa của
thánh Phê-rô bao giờ cũng đưa ta đến một điều tốt đẹp. Ngài nhìn việc Chúa đến với ta qua lăng kính
thần học. Khởi đi từ niềm hy vọng của ta
vào ơn cứu độ Thiên Chúa đã hứa và sự ngong ngóng đợi chờ lời hứa ấy được thực
hiện, thánh Phê-rô nói đến thời gian Chúa đến.
Với ngài, thời gian Chúa đến không tính bằng năm tháng (chronos) mà là
cơ hội (kairos). Giáng Sinh là thời gian
của chúng ta hơn hai nghìn năm trước đây.
Nhưng việc Chúa đến trong ngày Cánh chung hoặc vào cái chết của mỗi người
thì lại là cơ hội. Ngôi Hai giáng trần
là để mở ra Triều Đại Thiên Chúa mà Phê-rô gọi là “trời mới đất mới” để giúp ta
“sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15).
Trong thời gian này, ta phải sống thế nào để trở nên con đường cho Chúa
đến đưa ta về trời mới đất mới vĩnh cửu.
Nhưng Chúa đến với ta được còn tùy ta có muốn mở đường cho Chúa hay
không!
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi