CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG
Dựng nhà cho Đấng Em-ma-nu-en, Thiên-Chúa-ở
cùng-chúng-ta
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (2 Sm 7:1-5, 8b-12, 14a, 16; Rm 16:25-27;
Lc 1:26-38)
Khởi đầu kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa
là Người muốn đích thân xuống trần gian để ở lại với nhân loại. Đó là mầu nhiệm Nhập Thể: Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người và cư
ngụ giữa chúng ta. Chuẩn bị cho việc cư
ngụ này, Thiên Chúa sẽ dựng một “ngôi nhà” trên mặt đất. Trước hết ngôi nhà ấy là Đền Thờ
Giê-ru-sa-lem mà vua Đa-vít mong muốn xây dựng để đặt Hòm Bia Thiên Chúa, biểu
tượng linh thiêng nói lên sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Ít-ra-en (bài đọc
1). Tuy nhiên Thiên Chúa không chỉ cư ngụ
trong Đền Thờ sang trọng, mà Người còn muốn ngự trong “ngôi nhà” bằng xương bằng
thịt để Người trở thành thân xác phàm nhân và sống giữa gia đình nhân loại. Ngôi nhà sống động ấy chính là cung lòng Đức
Trinh Nữ Ma-ri-a, Đấng sẽ thụ thai do quyền năng Chúa Thánh Thần (bài Tin Mừng). Theo thánh Phao-lô, việc Ngôi Lời Nhập Thể là
một “mầu nhiệm vốn được giữ kín tự ngàn xưa nhưng nay lại được biểu lộ như lời
các ngôn sứ trong Sách Thánh”. Cho nên
ta hãy chúc tụng Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan thượng trí (bài đọc 2).
1.
Vua Đa-vít muốn dựng nhà cho Hòm
Bia Thiên Chúa. Hòm Bia đựng những
phiến đá ghi lại Mười Điều răn của Thiên Chúa lúc nào cũng được dân Ít-ra-en
mang theo trên đường về Đất Hứa. Đã có lần
Hòm Bia lọt vào tay người Phi-li-tinh, sau đó họ đem trả lại vì sợ những hình
phạt Thiên Chúa giáng xuống trên họ. Đến
thời vua Đa-vít, sau khi vua đã thảnh thơi và hết phải chinh chiến, được ở nhà
bằng gỗ bá hương, thì Hòm Bia vẫn được đặt trong Lều vải. Do đó vua muốn thực hiện một kiến trúc vĩ đại
thay thế lều vải, cho xứng với sự cao cả của Thiên Chúa. Nhưng từ ý tưởng cao đẹp này của Đa-vít,
Thiên Chúa lại chuẩn bị một kế hoạch khác cao cả hơn gấp bội. Thay vì tạo dựng cho Đa-vít một ngôi nhà hay
cung điện, Chúa thiết lập một “nhà” thiêng liêng là Chúa Giê-su Ki-tô, một “người”
thuộc dòng dõi Đa-vít và là Đấng sẽ nắm giữ “vương quyền muôn đời bền vững”. Xây dựng Đền Thờ là thiện ý của vua Đa-vít và
Chúa rất vui lòng về ý định của ông.
Nhưng vì Người muốn ở lại với dân Người và chẳng cần cung điện trần
gian, nên Người đã làm ngược lại. Thay
vì Đa-vít xây nhà cho Thiên Chúa ngự thì Thiên Chúa lại xây “nhà” cho ông. Nhà Chúa muốn xây không phải là Đền Thờ,
nhưng là công cuộc cứu độ được thể hiện nhờ Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng sinh ra từ
dòng dõi Đa-vít sẽ nắm giữ vương quyền bền vững muôn đời. Điểm đặc biệt nhất của ngôi nhà Thiên Chúa dựng
giữa nhân loại lại là nguồn ơn cứu độ, nhờ đó tất cả những ai ở trong và thuộc
về “ngôi nhà” này cũng sẽ được gọi Thiên Chúa là Cha. Suy luận thêm, như Hòm Bia, biểu tượng sự hiện
diện của Thiên Chúa, đã được đặt trong Đền Thờ thế nào, thì giờ đây chính Thiên
Chúa cũng cư ngụ trong ngôi nhà sống động là Đức Ki-tô như vậy!
2.
Trinh Nữ Ma-ri-a là Hòm Bia Thiên
Chúa. Thiên Chúa đã lập cho vua
Đa-vít một nhà với vương quyền vĩnh cửu là Chúa Giê-su sinh bởi dòng dõi ông. Giờ đây Thiên Chúa muốn chuẩn bị cho Con Một
Người một ngôi nhà là cung lòng Trinh Nữ Ma-ri-a, để người Con ấy sinh ra làm một
phàm nhân sống giữa chúng ta. Điều này
cho ta thấy rõ ý nghĩa danh hiệu của Mẹ Ma-ri-a là Hòm Bia Thiên Chúa. Hòm Bia chứa đựng Mười Điều răn, còn Mẹ Ma-ri-a
thì mang trong thân thể Mẹ chính Đức Ki-tô là Lề Luật sống động của Thiên
Chúa. Câu chuyện sứ thần truyền tin cho
Mẹ Ma-ri-a hôm nay cho ta thấy Thiên Chúa dựng “nhà” cho Con Một Người ở trần
gian như thế nào. “Nhà” ấy không phải là
một hoàng hậu cao sang ở Giê-ru-sa-lem, mà là trinh nữ Ma-ri-a khiêm nhường tại
làng Na-da-rét. Nhưng ngôi nhà khiêm nhường
này lại chứa “đầy ân sủng”! “Đầy ân sủng”
hoặc “nguồn sung mãn” của Thiên Chúa hoặc “hết ơn này đến ơn khác” (Ga 1:16) là
những thuật ngữ thánh sử Gio-an dùng để nói về Chúa Giê-su là Ân Sủng Thiên
Chúa ban cho trần gian. Về đức khiêm nhường
của Mẹ Ma-ri-a thì chúng ta đã quá rõ qua từng lời nói và hành vi của Mẹ khi tiếp
nhận Tin Mừng rồi! Bạn cứ đọc lại thật
chậm đoạn Tin Mừng này nhé. Ngoạn mục nhất
là giây phút Mẹ thưa “xin vâng” và Thánh Thần ngự xuống trên Mẹ, đồng thời cũng
là giây phút Con Thiên Chúa hiện diện bằng xác thịt giữa chúng ta. Đó là điều chứng tỏ “đối với Thiên Chúa,
không có gì là không thể làm được”!
3.
Chắc chắn thánh Phao-lô đã có
lúc suy niệm biến cố Truyền Tin và hôm nay ngài chia sẻ cảm nghĩ của ngài với
chúng ta về biến cố ấy. Trước hết ngài
khẳng định việc Nhập Thể là một mầu nhiệm “vốn được giữ kín tự ngàn xưa”, mặc
dù nhiều vị ngôn sứ đã từng thông báo.
Nhưng khi thời gian tới hồi viên mãn để Thiên Chúa bắt đầu thực hiện kế
hoạch cứu độ, thì Người mới cho ta biết nhờ biến cố Chúa Giê-su giáng
sinh. Cụ thể là qua lời thông báo của đạo
binh thiên quốc: “Vinh danh Thiên Chúa
trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”. Chính Phao-lô cũng dâng lời ca tụng
Chúa: “Kính dâng Người mọi vinh quang!”
Sống sứ điệp Lời Chúa
Đấng Em-ma-nu-en muốn mỗi người chúng ta
hãy dựng cho Người một ngôi nhà để Người sinh ra và ở lại trong tâm hồn
ta. Vậy ta hãy có thiện ý như vua
Đa-vít. Nhưng cần thiết hơn cả, ta hãy
theo kiểu mẫu tâm hồn Mẹ Ma-ri-a mà kiến tạo một đền thờ để đón Đức Vua Bình An
ngự đến!
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi