Chúa Nhật thứ 14 Thường Niên
(6-7-2003)
ĐỌC LỜI CHÚA
· Ed 2,2-5: (5) Còn chúng, vốn là nòi phản loạn, chúng có thể nghe
hoặc không nghe, nhưng chúng phải biết rằng có một ngôn sứ đang ở giữa chúng.
· 2Cr 12,7-10: (9) Người quả quyết với tôi: «Ơn của Thầy
đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối». Thế nên tôi
rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở
mãi trong tôi. (10) Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối,
khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu, chính
là lúc tôi mạnh.
· TIN MỪNG: Mc 6,1-6
Đức Giêsu
về thăm Nadarét (Mt 13,5358; Lc 4,1630)
(1) Đức Giêsu ra khỏi đó và đến nơi quê quán của Người, có các
môn đệ đi theo. (2) Đến ngày sabát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường.
Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói: «Bởi
đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông
ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì? (3) Ông ta
không phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Giacôbê, Giôxết,
Giuđa và Simôn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta
sao?» Và họ vấp ngã vì Người. (4) Đức Giêsu bảo họ: «Ngôn sứ có
bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân
thuộc, và trong gia đình mình mà thôi». (5) Người đã
không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân
và chữa lành họ. (6) Người lấy làm lạ vì họ không tin.
CHIA SẺ
Câu hỏi
gợi ý:
1. Đặt mình vào địa vị những người đồng hương với
Đức Giêsu thời ấy, bạn sẽ nghĩ thế nào về Ngài? Bạn có nghĩ và hành xử như họ
không? Tâm lý nào khiến họ nghĩ và hành xử như vậy?
2. Tại sao Đức Giêsu lại không làm được nhiều
phép lạ tại quê hương Ngài? Việc Ngài có làm được phép lạ hay không tùy thuộc
vào Ngài hay vào họ? Điều đó khiến ta kết luận thế nào về phần rỗi và việc nên
thánh của ta? Thiên Chúa có thể cứu rỗi hay làm ta nên thánh bất chấp sự cộng
tác của ta không?
Suy tư
gợi ý:
1. Tâm lý
người đời: trọng vọng lời nói của kẻ giàu có, quyền thế, có học vấn
Người ta thường dựa vào những
tiêu chuẩn khôn ngoan kiểu loài người để phân định sự việc, điều đó có thể đúng
khi áp dụng vào những việc của thế gian (làm ăn, ngoại giao, bon chen, tranh
quyền đoạt lợi…). Nhưng nếu áp dụng sự khôn ngoan ấy vào những công việc của
Thiên Chúa, vào đời sống tâm linh, vào việc sống đạo… thì thật là sai lầm.
Người đồng hương với Đức Giêsu – cùng sinh trưởng tại làng Nadarét – mắc phải
sai lầm ấy. Họ khó có thể chấp nhận được một người nghèo, ít học, thuộc loại
lao động tay chân như Đức Giêsu, lại có thể hiểu sâu xa về Thiên Chúa, lại có
thể đưa ra những quan niệm mới về Thiên Chúa, về cách sống đạo, về đời sống tâm
linh. Nếu có ai nói về Thiên Chúa khiến họ tin được, thì phải là người xuất
thân từ trường lớp thần học và có bằng cấp như những kinh sư Do-thái (tức các
tư tế, luật sĩ, Pharisêu).
Nhưng nếu dùng ánh sáng hiểu biết
của các Kitô hữu ngày nay để nhìn về ngày xưa, ta thấy:
– Đức Giêsu tuy ít học (Ga 7,15),
và biết bao người khác tuy ít học nhưng lại hiểu biết về Thiên Chúa sâu sắc hơn
những người có học. Trong lịch sử các tôn giáo cũng có những trường hợp tương
tự: chẳng hạn trong Phật giáo có trường hợp của Huệ Năng. Trong số học trò của
Ngũ tổ, Huệ Năng là người ít học lại thuộc sắc dân mọi rợ (dân tộc ít người,
kém văn minh), nhưng ông lại giác ngộ được chân lý sâu thẳm của đạo pháp. Còn
Thần Tú, cũng là học trò của Ngũ tổ, vốn là một vị quan thâm nho của triều
đình, học rất rộng biết rất nhiều, nhưng lại chẳng giác ngộ được chân lý.
– Các kinh sư hay thần học gia
Do-thái xưa, tuy học rộng biết nhiều, nhưng họ chỉ là những người không biết gì
khác hơn ngoài sách vở, ngoài những gì đã học ở trường lớp. Những suy tư của họ
chỉ là những điều đã được người khác suy tư sẵn. Họ chẳng khác gì những kẻ «nhai lại bã
mía», thấy người khác ăn mía khen ngọt, thì mình cũng lấy bã ấy nhai
lại và cũng bắt chước khen ngọt. Trong đời sống tâm linh, họ chẳng phân biệt
được cái nào là chính yếu và cái nào là phụ thuộc, cái nào là cốt tủy và cái
nào là bì phu, cái nào là mục đích và cái nào là phương tiện, nên chẳng biết
cái nào quan trọng hơn cái nào. Vì thế, cái không quan trọng thì họ lại đặt rất
nặng, còn cái hết sức quan trọng thì họ lại coi rất nhẹ (x. Mt 15,20;
23,16.18). Họ chẳng thông minh, chẳng có tinh thần thích ứng và sáng tạo nào khi
áp dụng luật của Thiên Chúa vào đời sống thực tế. Họ chỉ biết áp dụng lề luật
một cách nô lệ, hình thức, thiếu hẳn công lý, tình yêu và sự chân thật vốn là
cốt tủy của lề luật (x. Mt 23,23; 12,2; 12,10; Lc 6,7; 13,14; Ga 5,10.18;
9,16). Chính vì thế, Đức Giêsu đã gọi họ là «quân dẫn đường mù quáng!»
(Mt 23,24), là «người mù lại dắt người mù» (Mt 15,14).
Như vậy, để xét giá trị một lời
nói, một hành động, ta phải chủ yếu xét chính lời nói hay hành động ấy xem nó
có hợp lý và đúng đắn hay không, chứ không nên chỉ đơn phương căn cứ vào tư
cách của người nói điều ấy hay làm hành động ấy.
2. Xét người
xưa lại nghĩ đến mình ngày nay
Những người đồng hương với Đức
Giêsu xưa khi nghe Ngài nói thì «nhiều người rất đỗi ngạc nhiên», họ hỏi
nhau: «Bởi
đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông
ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?». Khi nhận xét như
vậy, đáng lẽ họ phải nhận ra Ngài là một ngôn sứ của thời đại mới đúng. Nhưng
khi nghĩ đến danh phận nghèo hèn của Ngài thì họ lại coi thường Ngài: «Ông ta không
phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Giacôbê, Giôxết, Giuđa và
Simôn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?».
Thế là chỉ vì Ngài ít học, nghèo nàn, mà họ coi Ngài chẳng ra gì, mặc dù họ
ngạc nhiên về chính những lời nói khôn ngoan và những phép lạ của Ngài. Và «họ vấp ngã
vì Người».
Xét người xưa lại nghĩ đến mình
ngày nay. Rất nhiều khi ta phán đoán giá trị lời nói của một người dựa trên
bằng cấp, sự giàu có, uy tín của họ, nhiều hơn là dựa vào sự hợp lý, tính chính
xác của câu nói ấy. Hễ ai có chức có quyền, có địa vị, có của cải, có học vấn
mà nói thì ta tiên thiên cho rằng họ nói đúng. Còn ai nghèo nàn, rách rưới,
thấp cổ bé miệng, ít học mà nói thì ta tiên thiên cho rằng họ nói sai hoặc
chẳng có giá trị gì. Thực ra, một điều sai trái, dù kẻ nói ra có quyền thế, học
vấn hay giàu sang tới đâu thì cũng vẫn là sai trái. Còn một điều đúng, thì dù
người nói ra một đứa trẻ, một người điên, một người nghèo thì cũng vẫn là đúng.
Lời nói sai đâu thể biến thành đúng, hay lời nói đúng đâu thể biến thành sai vì
thế giá hay trình độ học vấn của người nói ra câu nói đó.
Vì thế, nếu ta có tâm lý kiểu đời
thường đó mà ở vào trường hợp của những người đồng hương với Đức Giêsu xưa,
chắc chắn ta cũng đối xử với Ngài chẳng khác gì họ. Và chắc chắn ngày nay ta
cũng sẽ đối xử với các ngôn sứ thời đại mình y như vậy. Chính vì tâm lý sai lạc
này mà các ngôn sứ giả thường được người đời ưu đãi, còn ngôn sứ thật thì
thường bị bạc đãi (x. Lc 6,23.26). Nếu ta hành xử như vậy thì ta chỉ là một
người coi trọng của cải, tiền bạc, chức quyền, địa vị chứ không phải là người
coi trọng chân lý, công lý và tình thương. Một người như thế không bao giờ thật
sự gặp gỡ Thiên Chúa, dẫu họ có đọc kinh, dâng lễ hay rước lễ siêng năng tới
đâu đi nữa. Hãy xem Đức Giêsu coi thường như thế nào những kẻ giàu có, học vấn
mà không nghĩ đúng, hành động đúng cho dù người đời có trọng vọng họ tới đâu
(x. Mt 23). Là Kitô hữu, chúng ta nên bắt chước Đức Giêsu hay bắt chước thói hành
xử của người đời?
3. Để thánh
hóa ta, Thiên Chúa cũng phải tùy thuộc vào ta
Bài Tin Mừng cho biết: «Người đã
không thể làm được phép lạ nào tại đó» vì họ không tin. Thì ra Đức
Giêsu có thực hiện được phép lạ hay không, điều đó không chỉ tùy thuộc vào quyền
năng linh thiêng của Ngài, mà còn tùy thuộc vào lòng tin của chính đối tượng
phép lạ nữa. Đức Giêsu rất muốn ưu tiên rao giảng Tin Mừng và làm phép lạ ở
chính quê hương của Ngài, vì thông thường ai cũng yêu nơi chôn nhau cắt rốn hay
nơi sinh trưởng của mình hơn những nơi khác. Nhưng vì những người đồng hương
của Ngài không tin, nên Ngài không làm được việc ấy. Tương tự như vậy, Thiên
Chúa muốn cứu rỗi ta, thánh hóa ta, muốn ta nên thánh, được thật sự bình an
hạnh phúc, và Ngài sẵn sàng làm tất cả để thực hiện điều ấy. Nhưng Ngài có thực
hiện được điều ấy hay không còn tùy thuộc vào cả bản thân ta nữa, cho dù Ngài
rất quyền năng. Vì thế, thánh Âu Tinh nói: «Để dựng nên ta, Thiên Chúa không cần đến ta, nhưng để
cứu rỗi ta, Thiên Chúa không thể làm được nếu ta không cộng tác với Ngài».
Nói tới đây tôi nghĩ đến câu thơ của Nguyễn Du trong truyện Kiều: «Có Trời mà
cũng có ta», nghĩa là ta cũng đóng vai trò quan trọng, thậm chí có
tính quyết định, trong công việc cứu rỗi và nên thánh của chính ta.
Trong việc cứu rỗi và nên thánh
của ta, Thiên Chúa đã làm tất cả và luôn luôn sẵn sàng làm tất cả những gì Ngài
có thể làm được để giúp ta. Phần còn lại rất nhỏ là sự cộng tác và nỗ lực của
ta. Phần này Ngài không thể làm thay thế cho ta được. Cũng tương tự như cha mẹ
có thể lo lắng đủ mọi thứ để con cái mình được ăn uống đầy đủ. Nhưng có điều
cha mẹ không thể làm thay cho con cái mình được, đó là nhai và nuốt thức ăn vào
bụng. Hay như cha mẹ có thể lo cho con đủ mọi phương tiện để học hành, nhưng
không thể nào học thay, nhớ thay, làm bài thay cho con được. Trong việc cứu rỗi
hay nên thánh của ta, phận sự của ta là tin tưởng vào Thiên Chúa, ý thức sự
hiện diện và hoạt động của Ngài ở trong ta, lắng nghe tiếng nói của Ngài ở
trong ta và làm theo những điều Ngài chỉ dạy. Đó là những việc cần thiết ta
phải làm, không ai làm thay cho ta được. Nếu ta quyết tâm thực hiện những điều
ấy, thì việc cứu rỗi hay nên thánh của ta trở nên rất dễ dàng. Nếu ta không
làm, thì Thiên Chúa dẫu có muốn cứu ta, muốn thánh hóa ta cách mấy Ngài cũng
đành bó tay. Vậy ta hãy ráng làm hết sức phần của mình.
CẦu nguyỆn
Lạy Cha,
quả thật uy quyền, danh vọng, sự sang trọng của những kẻ quyền thế, giàu có,
nhiều bằng cấp làm con bị choáng ngợp, khiến con dễ dàng nhận những điều họ nói
là đúng mà không cần suy xét gì cả. Nhiều khi chỉ cần suy xét một chút xíu là
con có thể nhận ra ngay sự sai trái trong lời nói của họ, mà con lại không chịu
suy xét. Còn những kẻ nghèo nàn, nhỏ bé, yếu đuối, ít học mà phát biểu điều gì,
thì con tiên thiên bỏ ngoài tai, chẳng cần biết đúng hay sai. Vì thế, nếu con
là một người đồng hương với Đức Giêsu xưa, chắc chắn con cũng sẽ coi thường
Ngài, chỉ vì thấy Ngài nghèo hèn, thất học. Xin Cha giúp con sửa sai cách hành
xử này.
Joan Nguyễn Chính Kết
6-30-03