CHÚA NHẬT 14 QUANH NĂM

Năm B, 2003

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

 

Kinh Thánh:  2 Cô-rin-tô 12: 7-10

 

          Các chương 10-13 là phần thứ ba của thư 2 Cô-rin-tô, đề cập tới việc thánh Phao-lô phải đương đầu với những khó khăn gây nên do một số người “đội lốt tông đồ của Đức Ki-tô” (11:13) tố cáo ngài là “trong thư thì nghiêm khắc và hùng hổ;  nhưng khi có mặt thì nhu nhược, nói chẳng ra hồn” (10:10), đầy tham vọng, lợi dụng cộng đoàn...  Qua những trả lời với lý luận đanh thép nhưng cũng đầy khiêm tốn, chúng ta có một hình ảnh rất độc đáo về con người của thánh Phao-lô:  vừa khiêm tốn lại vừa tự hào.  Tuy nhiên, hậu ý của ngài không phải là muốn chúng ta dừng lại ở chuyện cá nhân của ngài, nhưng là qua kinh nghiệm bản thân, ngài muốn chúng ta đi tới xác tín một chân lý:  Thiên Chúa biểu lộ sức mạnh của Người trong sự yếu đuối của chúng ta, hoặc nói khác đi, muốn áp dụng bài học đó thì hãy biết mình để khiêm tốn, biết Chúa để tự hào.

 

a)  Biết mình và biết Chúa

          Đoạn thư dùng trong Phụng vụ Lời Chúa hôm nay là một phần nhỏ trong đoạn Phao-lô nổi “cơn điên” tấn công địch thủ của ngài (11:16-12:10).  Thực ra thì Phao-lô không điên rồ chút nào, nhưng ngài bất đắc dĩ (12:11) phải nêu lên những thành tích của mình cốt để địch thủ hết còn cớ tấn công ngài, và như thế sẽ có lợi cho tín hữu Cô-rin-tô.  Trong khi địch thủ trưng dẫn gốc gác Do-thái của họ, tài ăn nói hùng hồn và những cảm nghiệm thị kiến hay mặc khải họ có, thì trái lại, thánh Phao-lô chỉ tự hào với những đau khổ ngài chịu và sự yếu đuối ngài có.  Tại sao có sự khác biệt căn bản ấy?  Là vì địch thủ của Phao-lô chỉ muốn biết mình theo họ muốn, chứ không phải trong quan hệ với biết Chúa.  Biết mình theo cách của họ lấy họ làm chuẩn đích chứ không phải là Thiên Chúa, do đó họ không nhìn nhận vai trò của Thiên Chúa và họ tự hào “theo tính xác thịt” (11:18) về tất cả những gì họ có.  Trái lại, thánh Phao-lô dựa trên nguyên tắc căn bản:  “Ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa!”  Với tinh thần “trong Chúa,” Phao-lô tin chắc rằng tín hữu Cô-rin-tô đều nhận thấy tất cả cuộc sống ngài, từ lời nói tới hành động, nhất nhất đều nhắm mục đích phục vụ Tin Mừng của Đức Ki-tô.  “Có Thiên Chúa biết” (11:11), đó là nền tảng để chúng ta biết mình.  “Đừng ai dựa vào phàm nhân mà tự hào” (1 Cr 3:21).  Chúng ta biết mình với cái biết của Thiên Chúa, chứ không phải với cái biết của mình, vì cái biết của chúng ta dễ bị sai lạc do cái không biết của người khác hoặc do tham vọng của chính chúng ta.  Biết mình trong cài biết của Chúa luôn luôn đưa chúng ta tới cùng một thái độ của tác giả Thánh Vịnh 139:  “Lạy Chúa, xin dò xét để biết rõ lòng con, xin thử con cho biết những điều con cảm nghĩ.  Xin Ngài xem con có lạc vào đường gian ác, thì dẫn con theo chính lộ ngàn đời” (cc. 23-24).

 

b)  Khiêm tốn và tự hào

          Đó là hai khía cạnh của cùng một vấn đề.  Để biểu lộ cái biết đích thực về mình và về Chúa, chúng ta biểu lộ qua tâm tình khiêm tốn và tự hào, khiêm tốn để nhận ra rằng nếu Chúa không ban cho thì mình chỉ là tay trắng, tự hào để xác tín rằng nếu Chúa không nâng đỡ phù trì thì mình không thể vượt thắng được những khó khăn mệt nhọc.  Phao-lô đan cử những thí dụ cụ thể cho thấy mọi sự đều là ân sủng.  Những giúp đỡ ngài nhận được từ các cộng đoàn khác, thí dụ như Ma-kê-đô-ni-a, tính độc lập và tự lực cánh sinh của ngài... là những dấu hiệu của ân sủng.  Cả đến gốc gác Do-thái của ngài cũng là một ân sủng lớn lao.  Nhiều lần thánh Phao-lô đã buộc lòng phải nhắc lại gốc gác của mình khi phải đương đầu với nhóm người gốc Do-thái sống ở hải ngoại.  Họ tự hào với xuất xứ của họ:  chủng tộc Híp-ri, tôn giáo Ít-ra-en, tổ phụ Áp-ra-ham, Lời Hứa và Giao Ước.  Nhưng thánh Phao-lô cũng hội đủ tất cả những điều kiện ấy để ngài có thể xưng mình là người Do-thái trăm phần trăm.  Chỉ có một điều Phao-lô hơn họ, đó là ngài luôn nhớ mình thuộc dân tộc được Thiên Chúa tuyển chọn và giờ đây lại trở thành Dân mới, thuộc về Đức Ki-tô.

          Nhưng trong cuộc sống, những lúc dễ nhận ra sự yếu đuối của mình và vai trò của ơn Chúa là khi phải đối phó với gian truân lúc thi hành sứ mệnh.  Những gian khổ trong cuộc đời tông đồ của Phao-lô cho thấy bản thân Phao-lô không thể nào thắng vượt được nếu không hoàn toàn trông cậy vào sự can thiệp của ơn Chúa.  Nhất là khi “thân xác ngài như đã bị một cái dằm đâm vào và một thủ hạ của Xa-tan được sai đến để vả mặt ngài, để ngài khỏi tự cao tự đại,” thì ngài lại càng nhận rõ vai trò của ơn Chúa:  “Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (12:9).  Đúng vậy, thái độ khiêm tốn và tự hào bắt nguồn từ chính Đức Ki-tô, Đấng đã biểu lộ sức mạnh của Thiên Chúa qua cái chết của Người trên thập giá.  Ma quỷ và thế gian tưởng lấy cái chết để thắng được Đức Ki-tô, thì trái lại, Người lại lấy cái chết ô nhục ấy để đền bù tội lỗi nhân loại và chiến thắng cuối cùng của Người trên cái chết chính là sự Phục sinh.

 

c)  Gương của Phao-lô cho chúng ta một lối sống:  sống vui với những giới hạn của mình

          Một người thực sự biết giới hạn của mình với thái độ khiêm tốn sẽ không bao giờ thất vọng về mình, trái lại biết cậy trông vào Chúa.  Một Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su biết chọn con đường nên thánh qua những việc làm nhỏ nhặt trong ngày sống.  Một Mác-ti-nô đệ Porrès bằng lòng với công việc hèn mọn nhất trong tu viện.  Quan trọng là mình làm hết khả năng, tất cả những gì còn lại là do Chúa.  “Kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên, mới đáng kể” (1 Cr 3:7).  Có được xác tín như vậy, chúng ta sẽ vui sướng chấp nhận giới hạn của mình, đồng thời nhận rõ sức mạnh của ơn Chúa.  Ước gì mỗi người chúng ta học được bài học này, để giúp chúng ta chu toàn bổn phận xây dựng Nhiệm Thể Chúa Ki-tô với những khả năng Chúa ban cho chúng ta.

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

          Tự cao tự đại mang rất nhiều mặt nạ khác nhau và là nguyên nhân gây nên những xáo trộn trong cộng đoàn.  Tôi nhận ra tính tự cao tự đại ấy sau những mặt nạ nào nơi tôi?  Làm sao lột được chúng?

          Có nhược điểm nào nơi tôi nhắc nhở tôi phải khiêm tốn không?  Làm sao tôi có thể nhận ra sự can thiệp của Chúa qua nhược điểm ấy?  Chia sẻ một thí dụ cụ thể chứng tỏ “khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh.”

          Tôi có thái độ nào khi nhận ra những điểm yếu của mình?  Ghen tương với người khác?  Không được làm thì phá?  Tiêu cực đến độ thụ động, hoàn toàn không muốn “dính dáng” vào cộng đoàn?...  Hoặc càng hăng say và cố gắng hơn, cậy vào ơn Chúa hơn và biết nhận ra những nỗ lực thiện chí của người khác?

 

 

Cầu nguyện kết thúc

          Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng hát một bài về dấn thân phục vụ, hoặc “Kinh hòa bình” của thánh Phan-xi-cô Át-xi-xi.

 

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi

3-7-2003


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B | Về Trang Nhà