Chúa Nhật Thứ 17
Thường Niên, B
(2003)
ĐỌC LỜI CHÚA
· 2V 4,42-44:
(42) (Với hai mươi chiếc bánh lúa mạch và cốm), ông Êlisa nói: «Phát cho
người ta ăn». (43) Tiểu đồng hỏi: «Có bằng này,
sao phát cho cả trăm người ăn được?» Ông bảo: «Cứ phát đi!
Vì Đức Chúa phán: Họ sẽ ăn, mà vẫn còn dư». (44) Tiểu đồng
phát cho họ ăn mà vẫn còn dư.
· Ep 4,1-6:
(1) Là người đang bị tù vì Chúa, tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng
với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em.
· TIN MỪNG: Ga 6,1-15
Đức Giê-su hoá bánh ra nhiều
(Mt 14,13-21; Mc
6,30-44; Lc 9,10-17)
(1) Sau đó, Đức Giêsu sang bên kia Biển Hồ
Galilê, cũng gọi là Biển Hồ Tibêria. (2) Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi
họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm. (3) Đức Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn
đệ. (4) Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Dothái.
(5) Ngước mắt lên, Đức Giêsu nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Philípphê: «Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?» (6) Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi. (7) Ông Philípphê đáp: «Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút». (8) Một trong các môn đệ, là ông Anrê, anh ông Simôn Phêrô, thưa với Người: (9) «Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!» (10) Đức Giêsu nói: «Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi». Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. (11) Vậy, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý. (12) Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ: «Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi». (13) Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng. (14) Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giêsu làm thì nói: «Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!» (15) Nhưng Đức Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.
CHIA SẺ
Câu hỏi
gợi ý:
1. Đức
Giêsu có quan tâm và dấn thân cho những nhu cầu cụ thể – như ăn uống, sức khỏe,
sự thoải mái thể chất – của dân chúng không? Nếu không quan tâm đến những nhu
cầu cụ thể ấy, Ngài có thể loan báo Tin Mừng một cách hiệu quả không? dân chúng
có chịu đến để nghe Ngài dạy dỗ không?
2. Trong
một xã hội đầy bất công, áp bức, nhiều tệ nạn xã hội, người dân phải chịu đựng
nhiều đau khổ, mà người tông đồ lại chỉ quan tâm đến nhu cầu tâm linh của họ,
không đếm xỉa gì đến những đau khổ, những nhu cầu cụ thể và cấp bách của họ,
thì việc tông đồ ấy có kết quả không? Tại sao?
3. Trong những xã hội đầy bất công như thế, nhu cầu cụ thể và cấp bách của dân chúng là gì? Chúng ta chỉ cần xoa dịu những đau khổ cho dân chúng hay cũng cần giải quyết tận gốc những đau khổ ấy?
Suy tư
gợi ý:
1. Đức Giêsu quan tâm tới cả nhu cầu thể chất của
dân chúng
Bị cám dỗ sau khi ăn chay 40 ngày, Đức Giêsu nói với Satan: «Người ta
sống không
nguyên bởi bánh, mà còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán
ra» (Mt 4,4). Nghĩa là con người không chỉ sống bằng thể chất, mà
còn sống bằng tinh thần. Hành động của Ngài trong bài Tin Mừng hôm nay dường
như muốn nói một câu đồng nghĩa như vậy, nhưng theo chiều ngược lại: Người ta
sống không
nguyên bởi Lời Chúa, mà còn sống bởi bánh nữa. Nghĩa
là con người không chỉ sống bằng tinh thần, mà còn sống bằng thể chất. Vì con
người không chỉ thuần túy là tinh thần hay thần khí, cũng không chỉ là thể
chất, mà là cả hai. Nên con người vừa có nhu cầu tinh thần, vừa có nhu cầu thể
chất. Đức Giêsu quan tâm tới con người toàn diện, nghĩa là quan tâm tới cả nhu
cầu tinh thần lẫn thể chất.
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy điều ấy. Mặc dù sứ mạng của Ngài là cứu
độ nhân loại khỏi nô lệ tội lỗi, nghĩa là chủ yếu về mặt tâm linh, nhưng không
vì thế mà Ngài quên đi nhu cầu thể chất của con người. Thật vậy, khi «nhìn thấy
đông đảo dân chúng đến với mình», Ngài liền hỏi môn đệ: «Ta mua đâu
ra bánh cho họ ăn đây?» Thật ra, Ngài có thể để mặc họ trở về nhà
với cái bụng lép xẹp, và chắc chắn chẳng ai lên tiếng trách móc Ngài vì đã để
mặc họ như vậy. Nhưng Ngài không làm như vậy. Tình thương và sự nhạy cảm đối
với đau khổ và hạnh phúc của con người đã thúc đẩy Ngài đáp ứng nhu cầu của họ.
Họ cần nghe Ngài rao giảng, nhưng để có thể nghe Ngài, họ cũng cần phải no
bụng.
Chính vì Ngài tỏ ra yêu thương họ, quan tâm đến những nhu cầu cụ thể
của họ, mà họ đến với Ngài, sẵn sàng nghe Ngài dạy dỗ. Nếu Ngài không làm như
vậy, sẽ có nhiều người chẳng đến với Ngài và chẳng nghe Ngài dạy bảo. Ở Việt
Nam, nhiều người truyền đạo trong các tôn giáo khác cũng phần nào làm tương tự
như Đức Giêsu: họ mở phòng thuốc, khám bệnh, chữa bệnh và cho thuốc miễn phí,
và khi thuận tiện thì nói về đạo pháp cho những ai muốn nghe.
Như vậy, Đức Giêsu không chỉ lo phần rỗi đời sau cho con người, mà còn
lo cả những gì cần thiết cho đời sống hiện tại của họ nữa. Ngài cũng ra lệnh
cho các môn đệ ngoài việc rao giảng Tin Mừng, còn phải giải quyết những nhu cầu
thể chất và cấp bách của họ: «Anh em hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. Hãy
chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được
sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ» (Mt 10-7-8). Lo cho người ta về thể
chất chính là cách biểu lộ tình thương đối với họ, đó là tạo điều kiện để lo
cho họ một cách hữu hiệu về tâm linh.
2. Tình yêu đòi buộc ta phải ưu tiên đáp ứng
những nhu cầu bức thiết nhất của người chung quanh ta
Nếu ta thật sự yêu thương những người chung quanh ta, ta sẽ hành xử với
họ giống như ta vẫn hành xử với những người ta yêu thương. Yêu thương ai, ta sẽ
đáp ứng đúng nhu cầu của họ. Cho dù ta là một thầy giáo, một giáo sư đại học,
một linh mục hay giám mục, không khi nào ta thấy người thân của ta đói, khát,
hoặc bị một ai đó ức hiếp, đánh đập mà ta lại tặng họ một cuốn sách hay một
cuốn Thánh Kinh, cho dù những thứ đó cũng rất cần thiết cho họ. Nếu ta hành xử
như vậy, mọi người sẽ nghĩ ta là người mất trí. Trường hợp đó, trước tiên, ta
phải cho họ ăn, uống, hoặc nhảy vào can thiệp để người thân ta khỏi bị đánh đập
đau đớn. Thế nhưng hiện nay, có biết bao người mang danh hiến thân phục vụ con
người, lại chỉ biết lo cho họ về mặt tâm linh, chẳng đếm xỉa gì đến nhu cầu hết
sức cụ thể, bức thiết và trước mắt của họ. Thế mà lúc nào những người ấy cũng
vẫn tự hào mình đang hiến thân cho một sứ mạng cao cả là phục vụ con người.
Quả thật, trong xã hội và Giáo Hội vẫn luôn luôn có những con người «cao cả»
theo kiểu đó, nghĩa là cao cả một cách phi thực tế. Họ có thể «bình tâm như
vại» trước những đau khổ, thiếu thốn, trước những cảnh bất công, áp
bức mà những người chung quanh mình phải chịu, trước những bàn tay giơ lên xin
họ cứu giúp một cách khẩn thiết và tuyệt vọng. Nhưng những người «cao cả»
này vẫn cảm thấy mình không cần phải làm gì cho những người khốn khổ ấy khác
hơn là những việc gọi là tâm linh. Và một khi quan tâm lo những chuyện về tâm
linh ấy, họ cảm thấy lương tâm mình bình an vì mình đã làm được những việc bác
ái rất cao cả. Ngay cả khi làm những việc được gọi là bác ái cao cả ấy, có
nhiều vị còn đòi hỏi đối tượng mình phục vụ phải bù đắp lại cho mình một cách
cụ thể như những điều kiện phải có, nếu không thì họ sẽ chẳng làm. Nói cách
khác, phải được bù đắp cụ thể họ mới chịu làm những việc «cao cả» ấy.
3. Nhu cầu bức thiết của con người trong những
xã hội lầm than, nghèo khổ, đầy dẫy bất công áp bức
Trong những xã hội hay đất nước nghèo khổ, đầy dẫy những tệ nạn xã hội,
những bất công áp bức, thì nhu cầu bức thiết của người dân rất là cụ thể. Là
những người theo Chúa, tuy ta đặt rất nặng mặt tâm linh – đó là điều hợp lý –
nhưng ta không thể hoàn toàn lãnh đạm hoặc không biết đến những nhu cầu khẩn
thiết và cụ thể của người dân chung quanh ta. Thiết tưởng sống trong một đất
nước càng nghèo khổ, càng đầy dẫy sự bất công áp bức, càng lan tràn những tệ
nạn xã hội, thì người theo Chúa càng phải quan tâm và dấn thân nhiều hơn cho
những vấn đề ấy. Nói cách khác, người theo Chúa đúng nghĩa phải quan tâm đến sự
phát triển của con người, sự công bằng của xã hội, và sự tiến bộ của thế giới.
Đó là một chiều kích nhân bản không thể thiếu trong việc nên thánh, hay việc
nên giống Chúa Giêsu, Đấng «muốn lòng nhân chứ không phải hy lễ» (Hs
6,6; Mt 9,13). Lại càng không thể thiếu trong việc tông đồ, trong việc mở mang
Nước Trời.
Tông huấn Giáo Hội tại châu Á viết: «Không thể cắt đứt việc thờ phượng Thiên
Chúa với việc chăm sóc người yếu kém, được Kinh Thánh mô tả một cách điển hình
là “cô nhi, quả phụ và ngoại kiều” (x. Xh 22,21-22; Đnl 10,18; 27,19), là những
người dễ bị tổn thương nhất khi có bất công đe dọa» (số 41§2). Thánh
Gioan Kim Khẩu viết: «Anh em có muốn tôn kính thân thể Chúa Kitô không? Vậy
thì đừng bỏ qua Ngài khi thấy Ngài trần truồng. Đừng tôn vinh Ngài với đủ thứ
gấm vóc lụa là trong đền thờ, trong khi lại bỏ mặc Ngài đang run lạnh và trần
truồng ngoài trời. Đấng đã từng nói “Đây là mình Thầy” cũng chính là Đấng đã
nói "Các ngươi thấy ta đói mà không cho ăn"… Có ích gì khi bàn tiệc
Thánh Thể thì chất nặng những chén lễ bằng vàng, trong khi Đức Kitô đang hấp
hối vì đói khát? Hãy cho Ngài hết đói khát đã, rồi mới lấy những gì còn lại mà
trang hoàng bàn thờ!» (Tông huấn GHTCA trích dẫn, số 41§2).
Chính vì để ta dễ dấn thân cho anh em đồng loại của ta hơn, đặc biệt
trong những hoàn cảnh nguy hiểm của những xã hội đầy áp bức bất công mà Đức
Giêsu đòi hỏi những kẻ theo Ngài phải từ bỏ nhiều thứ thế gian hằng gắn bó.
Thật đáng hổ thẹn cho những người tông đồ đã từng cam kết từ bỏ mọi thứ mà lại
dấn thân cho anh em không bằng những người không hề cam kết! Thật là mỉa mai
khi người tông đồ chủ trương sống độc thân để dễ dàng dấn thân cho đồng loại
hơn, lại không thể dấn thân mạnh dạn bằng những người có gia đình! Rất có thể
tại vì họ đang sợ mất đi những gì mà họ đã từng cam kết từ bỏ khi dấn thân làm
tông đồ!
CẦu nguyỆn
Lạy Cha, chúng con theo Đức Giêsu nhưng lại chẳng làm theo
gương Ngài. Ngài dùng tình thương để đến với mọi người hầu dẫn họ về với Cha.
Còn chúng con, chúng con chỉ muốn dẫn họ về với Cha mà không thèm đến với họ,
không cần tỏ ra yêu thương và quan tâm đến những nhu cầu cụ thể bức thiết của
họ. Phải chăng chúng con đang làm một chuyện vô ích? và công sức của chúng con
đổ ra sẽ chỉ là «công dã tràng»? Xin giúp chúng con noi gương Đức Giêsu, biết
yêu thương và quan tâm đến những nhu cầu cụ thể của đồng loại trước khi muốn
dẫn họ về với Cha.
Joan Nguyễn Chính Kết