CHÚA NHẬT 17 QUANH NĂM, năm B
Thánh ca và lời nguyện mở đầu
Kinh Thánh: Ê-phê-xô 4: 1-6
Sau
khi nhắc nhở tín hữu Ê-phê-xô về việc họ đã được Thiên Chúa tuyển chọn qua Mầu
nhiệm Chúa Ki-tô và Mầu nhiệm Giáo Hội, trong phần thứ hai của thư Ê-phê-xô,
thánh Phao-lô gửi tới họ những huấn dụ cụ thể giúp họ xây dựng cuộc sống cá
nhân, gia đình và cộng đoàn. Phụng vụ
Lời Chúa trích dẫn phần này cho năm Chúa Nhật liên tiếp, chứng tỏ những huấn dụ
này quan trọng như thế nào. Có thể chia
phần huấn dụ này làm bốn đoạn. Đoạn thứ
nhất là huấn dụ khởi đầu, nhấn mạnh đến sống sự hiệp nhất của Thánh Thần để
Giáo Hội được phát triển trong tình yêu thương (4:1-16). Đoạn hai gồm ba huấn dụ nhỏ khuyên tín hữu
đừng sống theo lối sống Dân ngoại (4:17-24; 4:25-5:2; 5:3-14). Đoạn ba là huấn dụ về đời sống nội tâm trong
Giáo Hội và nhất là trong gia đình Ki-tô giáo (5:15-6:9). Đoạn bốn nói về cuộc chiến đấu thiêng liêng
của Ki-tô hữu chiến đấu với những thế lực của ác thần (6:10-17). Bài đọc hôm nay trích dẫn đoạn thứ nhất, lời
thánh Phao-lô kêu gọi hãy sống hiệp nhất trong Giáo Hội Chúa Ki-tô.
a) Trong mọi
thời Giáo Hội luôn đương đầu với mối nguy hiểm chia rẽ
Lịch
sử Giáo Hội mang những vết thương chia rẽ từ lâu đời. Giáo Hội có hai đặc tính, Thiên Chúa và loài người, thánh thiện
và tội lỗi, lúa lẫn cỏ lùng. Chính
trong nhóm môn đệ dưới sự huấn luyện dạy dỗ của Chúa Giê-su, chúng ta đã có thể
nhận ra nguy cơ chia rẽ rồi. Khi hai
người con ông Dê-bê-đê đến xin xỏ với Chúa Giê-su, thì “mười môn đệ kia đâm ra
tức tối với ông Gia-cô-bê và ông Gio-an” (Mc 10:41). Tiếp đến là chuyện Giu-đa phản bội Thầy và anh em (Mt
26:20-25). Thời sơ khai của Giáo Hội,
những hiểm nguy chia rẽ gây nhiều khó khăn cho những vị lãnh đạo. Ông Phê-rô phải biện minh cho việc rửa tội
những người ngoại đầu tiên (Cv 10:44-11:18).
Công đồng Giê-ru-sa-lem giải quyết những phiền hà người ta muốn áp đặt
trên những anh chị em ngoại giáo muốn trở lại đạo (Cv 15). Từ những thế kỷ sau đó, Giáo Hội đối phó với
nguy hiểm chia rẽ trong đủ mọi lãnh vực:
giáo lý đức tin, luân lý, kỷ luật, xã hội và chính trị. Những bè lạc giáo, ly giáo, phản
giáo... lần lượt xuất hiện. Những thế lực chính trị thế giới muốn lôi
kéo Giáo Hội về phía mình, nên đã có thời Giáo Hội có tới ba Giáo Hoàng một
lúc!
Ngay
trong đoạn huấn dụ này, thánh Phao-lô đã nêu lên một số lý do cơ bản có thể gây
chia rẽ trong Giáo Hội. Đó là những mối
bất hòa (cc. 1-3), hiểu sai việc phân phối những thừa tác vụ khác nhau trong
Giáo Hội (cc. 7-11) và thích chạy theo những tư tưởng tuy mới lạ nhưng đi ngược
lại giáo lý của Giáo Hội (cc. 14-15).
b) Nguyên lý
của hiệp nhất Giáo Hội
Các
câu 4-6 trong đoạn này là một lời tuyên xưng đức tin nói lên nguyên lý hiệp
nhất Giáo Hội. Giáo Hội phải là một
thực thể duy nhất, không thể phân chia, vì Giáo Hội được thiết lập trên nền
tảng là lời tuyên xưng đức tin của thánh Phê-rô. Sau khi Phê-rô tuyên xưng:
“Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống,” Chúa Giê-su đã khẳng
định: “Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng
đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng
nổi” (Mt 16:18). Quyền lực tử thần tức
là thế lực của ma quỷ muốn chia rẽ con người với Thiên Chúa và với nhau. Nó luôn luôn là một đe dọa cho sự hiệp nhất
của Giáo Hội. Nhưng sự hiệp nhất ấy đã
được gìn giữ nhờ lời cầu nguyện của Chúa Giê-su (Ga 17:11). Vậy bản chất hiệp nhất của Giáo Hội được
thánh Phao-lô trình bày như thế nào?
Phao-lô
vẫn dựa trên Mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa:
Vai
trò của Thần Khí: Tuy gồm những phần tử
khác nhau, nhưng Giáo Hội là một thân thể.
Thánh Thần là nguyên lý hiệp nhất mọi sự, điều này đã được nói lên qua
biến cố Hiện Xuống, mọi ngôn ngữ đều được hiểu theo một ngôn ngữ mới là ngôn
ngữ của Thần Khí Đức Ki-tô. Vì muốn
diễn tả bản chất của Giáo Hội lữ hành, thánh Phao-lô mới nêu lên ở đây đặc điểm
niềm hy vọng. Mọi Ki-tô hữu đều có
chung một niềm hy vọng vào ngày tái lâm của Đức Ki-tô và được cùng hiển trị với
Người.
Vai
trò của Đức Ki-tô: Đức Ki-tô được tuyên
xưng là Chúa, Nguyên lý quy tụ muôn loài muôn vật để đưa về cùng Thiên Chúa
Cha. Niềm tin là lối sống của Ki-tô hữu
luôn nhìn nhận Đức Ki-tô là Chúa Phục Sinh và làm chứng cho Tin Mừng của
Người. Niềm tin ấy được tuyên xưng và
đón nhận qua Bí tích Rửa tội, để Ki-tô hữu được kết hợp với Thiên Chúa và những
phần tử khác trong Giáo Hội.
Vai
trò của Thiên Chúa Cha: Chúa Cha là
nguyên lý cùng đích của sự hiệp nhất.
Mọi sự đều phải quy hướng về Người.
Bản chất của sự hiệp nhất thật là đặc biệt, không làm mất đi tính cách
cá nhân của mỗi tạo vật, bởi vì mỗi tạo vật không biến tan đi trong Thiên Chúa,
mà trái lại, Thiên Chúa “ngự trên mọi người và trong mọi người.” Nghĩa là chúng ta vẫn còn hiện hữu như những
cá nhân tách biệt, nhưng ai ai cũng có Thiên Chúa ngự trong mình.
c) Sống sự
hiệp nhất của Giáo Hội
Giáo
Hội là một thực thể hoàn vũ. Nhưng Giáo
Hội tỏ hiện gương mặt của mình qua những giáo hội địa phương và “giáo hội tại
gia.” Do đó, chúng ta có những cách
sống sự hiệp nhất đối với Giáo Hội toàn cầu, thí dụ như cầu nguyện cho Đức
Thánh Cha và hàng giáo phẩm, giúp đỡ công cuộc truyền giáo của Giáo Hội, theo
dõi những sinh hoạt của Đức Thánh Cha...
Nhưng chúng ta cũng ràng buộc với giáo hội địa phương, như giáo phận,
giáo xứ, cộng đoàn và chính gia đình là tế bào của Thân thể Mầu nhiệm Chúa
Ki-tô. Sự hiệp nhất phải đi từ những
đơn vị căn bản ấy. Suy tư của thánh
Phao-lô quả thực giúp chúng ta nhìn lại ơn gọi của mình. Ơn gọi ấy là lời gọi của Thiên Chúa dạy
chúng ta hãy sống tình con cái mà Người đã ban cho chúng ta khi cho chúng ta
làm một phần tử của Giáo Hội Chúa Ki-tô.
Lối sống của chúng ta trong Giáo Hội là “khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại,
lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau.”
Tóm lại là hãy “ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau.” Thánh Phao-lô đã nêu lên những điểm then
chốt để tạo dựng một cộng đồng yêu thương theo kế hoạch của Thiên Chúa, đồng
thời cũng là những điểm chúng ta phải luôn luôn kiểm điểm cho biết mình làm
được gì cho Giáo Hội Chúa Ki-tô.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
Đề
tài về sự hiệp nhất luôn là một thách đố để tôi nhìn lại bổn phận của mình đối
với cộng đoàn, giáo xứ và Giáo Hội. Vậy
tôi xét lại: tôi đã làm gì phương hại
đến sự hiệp nhất trong cộng đoàn hoặc giáo xứ?
Tôi đang làm gì cho cộng đoàn hoặc giáo xứ? Tôi sẽ làm gì?
Sự
hiệp nhất trong gia đình tôi, tức “giáo hội nhỏ bé” của tôi có gặp nguy hiểm
chia rẽ rạn nứt nào không? Nếu có, phải
làm sao để hòa giải? Tôi có thể xin
nhóm giúp điều gì?
Những
lời khuyên của thánh Phao-lô như “khiêm tốn, hiền từ, nhẫn nại, chịu đựng” đều
có vẻ “thua thiệt” quá! Tại sao tôi
phải chọn những thái độ này trong việc xây dựng sự hiệp nhất?
Cầu nguyện kết thúc
Sau
cầu nguyện bộc phát, hát “Xin hiệp nhất chúng con”, hoặc đọc lại kinh nguyện
tuần trước.
Lạy Chúa Giê-su,
xin
thương nhìn đến Hội Thánh là đàn chiên của Chúa.
Xin ban
cho Hội Thánh sự hiệp nhất và yêu thương,
để
làm chứng cho Chúa giữa một thế giới đầy chia rẽ.
Xin
cho Hội Thánh không ngừng lớn lên như hạt lúa.
Xin
đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,
đừng
để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.
Ước
gì Hội Thánh trở nên men được vùi sâu trong khối bột loài người
để
bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.
Ước
gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp
để
chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.
Xin
cho Hội Thánh trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,
nơi
mọi người được hưởng niềm vui và tự do.
Cuối
cùng xin cho chúng con biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,
nhưng
vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.
Ước
gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,
nhân
loại nhận ra Nước Trời ở gần bên.
A-men.
(Trích
RABBOUNI, lời nguyện 61)
Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi