CHÚA NHẬT 18 QUANH NĂM, B
2003
Thánh ca và lời nguyện mở đầu
Kinh Thánh: Ê-phê-xô 4: 17, 20-24
Đây
là huấn dụ thứ nhất (4:17-24) trong ba huấn dụ ngắn. Thánh Phao-lô khuyên tín hữu Ê-phê-xô “đừng ăn ở như dân ngoại
nữa.” Quả thực là nói thẳng nói thật,
không chút kiêng nể, mặc dù tín hữu Ê-phê-xô gốc gác là dân ngoại! Tuy nhiên chúng ta không quên là Phao-lô cư
xử cứng rắn như người cha, nhưng lại có trái tim thật mềm của một bà mẹ. Theo quan điểm của Phao-lô, giờ đây tín hữu
Ê-phê-xô đã được tháp nhập vào Giáo Hội rồi thì họ phải sống con người
mới. Trong Đức Ki-tô không có Dân ngoại
hay Do-thái, cho nên nói thẳng như vậy không có nghĩa là mạt sát mà là chân
tình nhủ bảo. Thánh Phao-lô thấy họ cần
phải nhận ra đâu là quá khứ và đâu là hiện tại. Phụng vụ Lời Chúa bỏ đi từ câu 18-19 nói về lối sống thường tình
của Dân ngoại, và bắt đầu lại từ câu 20-24 đề cập đến đời sống mới theo Thần
Khí của Đức Ki-tô. Như vậy, những bài
đọc của các Chúa Nhật trước cho chúng ta cái nhìn về bản chất Hội Thánh Chúa
Ki-tô, thì bắt đầu từ Chúa Nhật này, thư Ê-phê-xô sẽ nói đến bản chất của các
phần tử trong Hội Thánh tức là Ki-tô hữu.
a) Ki-tô hữu
là ai?
Thánh
Phao-lô không định nghĩa Ki-tô hữu theo xã hội học, tức là những thành phần
thuộc về một tổ chức được gọi là Giáo Hội.
Nhưng ngài hiểu Ki-tô hữu là ai theo ý nghĩa kế hoạch cứu độ của Thiên
Chúa, tức con người đang ở trong tiến trình cứu chuộc để đi tới quê hương vĩnh
cửu Thiên Chúa đã chuẩn bị cho họ. Như
vậy, Ki-tô hữu là “con người mới, con người đã được sáng tạo để thật sự sống
công chính và thánh thiện” (4:24).
Đã
nói tới con người mới tức là ngầm hiểu có con người cũ. Dòng tư tưởng của Phao-lô ở đây khiến chúng
ta liên tưởng đến việc ngài so sánh Chúa Ki-tô là A-đam Mới trong thư Rô-ma
chương 5. A-đam cũ sản sinh một nhân
loại cũ bị tội lỗi khống chế, còn A-đam Mới sinh ra một nhân loại mới được giải
phóng khỏi hậu quả tai hại của tội lỗi và được ơn trở nên công chính. Thuở sáng thế, Thiên Chúa tạo nên con người
là nhắm mục đích cho họ sống “công chính và thánh thiện.” Nhưng tội nguyên tổ đã làm cho họ mất đi khả
năng sống công chính và thánh thiện, chỉ còn biết sống theo những khuynh hướng
xấu xa tội lỗi. Khi chết đi cho tội lỗi
chúng ta, Đức Ki-tô đã tái tạo nơi chúng ta con người thuở sáng thế, tức là phục
hồi nơi chúng ta cái khả năng đã bị tội lỗi tước đoạt xưa kia. Vậy Ki-tô hữu phải là con người như con
người trước khi xảy ra tội nguyên tổ, “được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa
để thật sự sống công chính và thánh thiện.”
Vậy phải sống thế nào để làm Ki-tô hữu đích thực?
b) Thế nào
là Ki-tô hữu?
Là
Ki-tô hữu không hoàn toàn giống như là công dân của một quốc gia, hoặc là thành
viên của một tổ chức, nhưng muốn là Ki-tô hữu thì phải làm sao trở thanh một
Ki-tô hữu đích thực. Đúng thế, có nhiều
người mang danh Ki-tô hữu, nhưng không phải là Ki-tô hữu đích thực. Điều này thánh Phao-lô đã cảm nghiệm ngay
trong các cộng đoàn của mình. Cho nên
ngài rất thực tế. Mặc dù khẳng định rõ
căn tính của những người đọc thư ngài là những người được Thiên Chúa tuyển chọn
trong Đức Ki-tô, nhưng ngài vẫn nhận thức là họ chưa hoàn toàn loại bỏ lối sống
cũ. Có nhiều người vẫn còn chân nọ chân
kia, nửa muốn trung thành với A-đam, nửa muốn trung thành với Đức Ki-tô. Cho nên thánh Phao-lô nhấn mạnh đến thái độ
dứt khoát. Họ chỉ hướng về một lẽ sống
mới là chính Đức Ki-tô.
Do
đó, làm Ki-tô hữu trước hết là phải “học biết về Đức Ki-tô,” tức là phải sống
theo những điều họ đã được nghe rao giảng về Đức Giê-su và sống theo tinh thần
của Người. Có lẽ chúng ta thắc mắc tại
sao Phao-lô đổi cách gọi tên của Đức Ki-tô, thay bằng Đức Giê-su. Ý hẳn ngài muốn ám chỉ đến Đức Giê-su là một
người giống như chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi, là một nhân vật lịch sử
đã sống, đã chết và đã phục sinh, chứ không phải là một nhân vật tưởng
tưởng. Hàm ý ấy có nghĩa là nếu Đức
Giê-su làm người, sống như chúng ta, là để chúng ta cũng có thể sống giống như
Người. Hoặc nói khác đi, Đức Giê-su là
Ki-tô hữu gương mẫu để tất cả chúng ta noi gương Người mà sống nếu chúng ta
muốn là Ki-tô hữu đích thực.
Trở
nên Ki-tô hữu không phải là công việc đơn thuần tự sức riêng chúng ta có thể
làm. Nhưng chúng ta phải có sự giúp đỡ
của Thánh Thần. Thánh Phao-lô căn dặn: “Anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh
em.” Đây là một công việc song hành: muốn đổi mới thì phải cởi bỏ con người cũ và
nếp sống xưa, giống như khi chúng ta muốn tập một nhân đức thì đồng thời phải
cố bỏ đi một nết xấu đối nghịch. Vai
trò của Thánh Thần là canh tân đổi mới.
Người đã đổi mới bộ mặt của Giáo Hội, từ khi còn là một nhóm Tông đồ
nhát sợ và không biết phải làm gì.
Người vẫn tiếp tục đổi mới Giáo Hội qua mọi thời đại, mỗi thời có một
đặc điểm nói lên sự can thiệp của Người vào sự sống và phát triển của Giáo Hội. Cứ nhìn vào Công Đồng Vatican II, chúng ta
có thể nhận ra biết bao đổi mới được suy tư, bàn luận và quyết định. Aggiornamento (canh tân tinh thần) là khẩu
hiệu của Công Đồng, đề cao vai trò canh tân của Chúa Thánh Thần.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
Những
gì đang là “con người cũ” nơi tôi? Đã
làm mất căn tính Ki-tô hữu của tôi đến mức độ nào? Chia sẻ một vài nét thực tế của con người mới tôi cần phải thực
hiện.
Tôi
đã làm gì để “học biết về Đức Ki-tô”?
Từ học đi đến hành, tôi đã thành công hay thất bại? Tại sao?
Tôi
có thể hiểu đoạn thư cho Chúa Nhật 16 nói về tính công giáo của Giáo Hội, Chúa
Nhật 17 nói về tính duy nhất của Giáo Hội.
Vậy đoạn thư hôm nay có thể hiểu về sự thánh thiện của Giáo Hội
không? Nếu đúng như vậy, thì sự thánh
thiện ấy, ngoài Thiên Chúa ra, tôi phải làm sao đóng góp vào sự thánh thiện ấy?
Cầu nguyện kết thúc
Sau
cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng đọc kinh Tin Kính của Công Đồng Ni-xê-a.
Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi