Chúa Nhật thứ 20 Thường Niên, B

 (17-8-2003)

ĐỌC LỜI CHÚA

·     Cn 9,1-6: Đức Khôn Ngoan bảo: (5) «Hãy đến mà ăn bánh của ta và uống rượu do ta pha chế! (6) Đừng ngây thơ khờ dại nữa, và các con sẽ được sống; hãy bước đi trên con đường hiểu biết.

·     Ep 5,15-20: (18) Hãy thấm nhuần Thần Khí.(19) Hãy cùng nhau đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa

 

·     TIN MỪNG: Ga 6,51-58

Máu thịt Đức Giêsu là của ăn tâm linh

(51) Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống». (52) Người Do thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: «Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?» (53) Đức Giêsu nói với họ: «Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. (54) Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, (55) vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. (56) Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. (57) Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. (58) Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời».

CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:

1.   Chúng ta đã mang danh là «ăn uống Mình Máu Thánh Chúa» bao nhiêu lần, thậm chí hằng ngày suốt bao năm trường. Nhưng đời sống tâm linh của ta có thật sự tiến triển không? Có những bước tiến vĩ đại – như đúng lý phải có – so với những người không «ăn uống Mình Máu Thánh Chúa» không?

2.   Nếu không có những bước tiến to tát, thì có phải do Lời của Đức Giêsu không đúng, hay do quan niệm về Thánh Thể và cách thức «ăn uống Mình Máu Thánh Chúa» của chúng ta không đúng?

3.   Phải quan niệm về bí tích Thánh Thể thế nào? và phải «ăn uống Mình Máu Thánh Chúa» thế nào cho đúng?

Suy tư gợi ý:

1.    «Thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống»

Như lời xác nhận của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay, thì bản thân Ngài chính là lương thực nuôi dưỡng và bồi bổ tâm linh con người. Vấn đề mà chúng ta cần phải đặt ra hôm nay không còn là lý giải chân lý ấy nữa, mà là áp dụng chân lý ấy vào đời sống tâm linh thực tế của chúng ta. Cả đời người Kitô hữu từ lúc rước lễ lần đầu đến lúc chết, việc áp dụng chân lý này trong đời sống tâm linh luôn luôn được những người hướng dẫn tâm linh nhắc nhở, khuyến khích thực hiện bằng việc rước lễ, tức rước Mình Máu Thánh Đức Giêsu.

Tuy nhiên, lâu lâu chúng ta cũng cần phải nhìn lại xem việc áp dụng chân lý quan trọng ấy có thật sự đem lại kết quả thực tế trong đời sống chúng ta chưa, và kết quả thế nào, có thật sự thỏa mãn chúng ta đúng như lời Đức Giêsu hứa chưa. Nếu quả thực sau nhiều năm rước Mình và Máu Thánh Đức Giêsu vào lòng mà chúng ta cảm thấy có tiến bộ thật sự trong đời sống tâm linh, thì đó là một điều hết sức đáng mừng. Nhưng nếu không được như vậy thì chúng ta cần phải xét lại. Cũng tương tự như khi uống một loại thuốc bổ được mọi người nói là thần dược một thời gian mà không thấy có kết quả gì khác lạ hơn là khi không uống, ắt nhiên ta phải lấy làm lạ, và phải đặt lại vấn đề. Có thể lời người ta ca tụng về loại thuốc ấy là sai sự thật, nhưng cũng có thể là ta đã sử dụng không đúng cách loại thuốc ấy.

Là người Kitô hữu hay tu sĩ lâu năm, nếu ta đã rước lễ hàng ngày hay hàng tuần suốt mấy chục năm trường rồi, mà ta vẫn không thấy mình tiến bộ về mặt tâm linh hơn những người ngoại, hay hơn những người khô khan ít lãnh nhận bí tích, thì ta cần đặt vấn đề lại. Trong thời đại khoa học thực nghiệm này, sự tiến bộ tâm linh nếu có ắt phải được được chứng tỏ bằng những sự kiện rõ rệt như: khả năng yêu thương ngày càng rộng rãi và bao trùm hơn, tính vị tha ngày càng nhiều hơn, có khả năng hy sinh cho tha nhân nhiều hơn, nội lực tinh thần mạnh mẽ hơn, sự khôn ngoan kiểu Thiên Chúa (chứ không phải kiểu trần gian) tăng triển hơn, bình an và hạnh phúc trong tâm hồn nhiều hơn và biểu hiện rõ rệt hơn, v.v… Nếu không có được những dữ kiện cụ thể như thế, chúng ta nên thành thật nhìn nhận rằng mình đã không tiến bộ tâm linh gì cả hay bao nhiêu. Lúc đó, chúng ta cần đặt lại vấn đề quan niệm về bí tích Thánh Thể và cách rước Chúa của chúng ta.

2.    Cần quan niệm cho đúng về bí tích Thánh Thể

a) Bí tích Thánh Thể không phải là bùa chú hay phù phép

Nhiều Kitô hữu quan niệm Mình Máu Thánh Chúa tương tự như một thứ bùa chú hay phù phép, cứ việc nuốt vào bụng là tự động sinh hiệu quả mong muốn. Quan niệm như thế thì thật là sai lầm. Họ quan niệm Thánh Thể không khác gì những yêu tinh trong truyện Tôn Ngộ Không quan niệm về thịt Đường Tăng, cho rằng hễ ăn được thịt của ông thì sẽ tự nhiên sống lâu trường thọ. Nếu có khác thì chỉ khác ở chỗ thay vì trường thọ về mặt thể chất thì được trường thọ hay phát triển về mặt tâm linh, mà không cần phải có một ý thức hay nỗ lực nào.

b) Thức ăn tâm linh thì phải ăn bằng tâm linh

Thực ra, Mình Máu Thánh Chúa hay thịt và máu Đức Giêsu là của ăn tâm linh bổ dưỡng tâm hồn. Thức ăn tâm linh thì chủ yếu phải ăn bằng tâm linh chứ không phải bằng thể xác. Điều quan trọng để được bổ dưỡng tâm linh là phải gặp gỡ được Đức Giêsu và nhận được sức mạnh từ nơi Ngài. Việc gặp gỡ Ngài ở đây cũng cần được hiểu là gặp gỡ bằng tâm linh chứ không phải bằng thể chất.

c) Gặp gỡ Thiên Chúa phải gặp gỡ bằng tâm linh

Nếu chỉ gặp gỡ bằng thể chất mà thôi thì hoàn toàn chẳng ích lợi gì. Các kinh sư Do-thái xưa cũng gặp gỡ và nói chuyện với Đức Giêsu nhiều lần, nhưng họ có được biến đổi gì đâu, trái lại họ chỉ trở nên tồi tệ, cứng lòng và độc ác hơn. Một chàng trai ăn chơi hưởng lạc trong ổ gái điếm, tuy chung đụng xác thịt với các cô gái, nhưng như thế đâu phải là gặp gỡ họ đúng nghĩa. Trong một đống gạch, hai viên gạch xếp cạnh nhau hay chồng lên nhau, tuy có trực tiếp tiếp xúc với nhau thật lâu, nhưng như thế đâu thể gọi là gặp gỡ.

Sự gặp gỡ đòi hỏi một thái độ nội tâm hơn là tiếp xúc bằng thể chất. Văn chương Việt Nam có câu: «Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng» (có duyên với nhau thì dù xa cách ngàn dặm vẫn có thể gặp nhau, còn không có duyên với nhau thì dù có đối diện với nhau cũng chẳng thể gặp nhau). Vì thế, có biết bao Kitô hữu nuốt Thánh Thể vào bụng hằng ngày mà chưa bao giờ thật sự gặp được Đức Giêsu. Vì thế, họ có rước lễ hằng ngày suốt cả cuộc đời thì đời sống tâm linh của họ chẳng hề thay đổi, bởi họ chẳng hề được nuôi dưỡng bằng Thánh Thể. Nếu thật sự gặp gỡ Đức Giêsu, tâm hồn ta chắc chắn phải được biến đổi. Thời Ngài còn tại thế, có những người chỉ cần thật sự gặp gỡ Ngài một lần là được biến đổi hoàn toàn như Da-kêu (Lc 19,1-10), người trộm lành (Lc 23,39-43)…

d) Muốn thật sự gặp gỡ Đức Giêsu, phải có tình yêu

Theo câu nói văn chương trên thì điều quan trọng để thật sự gặp nhau là phải có «duyên» với nhau. Muốn gặp Chúa, kết hiệp hay nên một với Ngài thì phải có «duyên» với Ngài, nghĩa là phải có một sự đồng cảm hay một sự giống nhau nào đấy với Ngài. Ta thấy dầu và nước không thể hòa tan với nhau được, vì hóa tính của hai chất không giống nhau. Hai chất phải có những hóa tính căn bản giống nhau mới hòa tan với nhau được. Cũng vậy, «Thiên Chúa là tình yêu» (1Ga 4,8.16), nên muốn gặp Ngài hay kết hiệp với Ngài thì chính mình cũng phải có ít nhiều tình yêu, có lòng vị tha, có thiện chí muốn gặp gỡ Ngài bằng bất cứ giá nào. Một người có tính ích kỷ, lãnh đạm với mọi người, hay có tính ganh tị, ghen ghét thì khó mà gặp được Chúa, dẫu họ có rước lễ cả chục lần một ngày. Thánh Gioan xác định: «Ai không yêu thương, thì không biết (=kinh nghiệm về) Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu» (1Ga 4,8); «Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta» (4,12); «Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao Thiên Chúa ở trong người ấy được?» (3,17).

Phương cách ­«ăn» Mình và Máu Thánh Đức Giêsu

Ăn theo nghĩa vật chất đòi hỏi một số tác động như đưa thức ăn vào miệng, nhai, nuốt, và sau đó là cả một tiến trình làm việc âm thầm của dạ dày, gan, mật, ruột… để biến thức ăn thành chất bổ dưỡng. Tất cả đều là tác động thể chất. Còn «ăn thịt» và «uống máu» Đức Giêsu hoàn toàn là những tác động tâm linh. Hình bánh, rượu và tác động nuốt vào bụng đều là những dấu chỉ mang tính bí tích nói lên một thực tại tâm linh có thực ở đằng sau. Nếu chỉ ăn hay uống Ngài theo kiểu vật chất thì chẳng khác gì ăn một mẩu bánh hay uống một ly rượu, chẳng ích lợi gì cho tâm linh ta cả. Do đó, cần phải biết «ăn» hay «uống» Ngài theo kiểu tâm linh. Tôi đã trình bày vấn đề này trong hai bài chia sẻ trước (Chúa Nhật 18 và 19 Thường Niên). Cách «ăn» hay «uống» ấy hệ tại việc ý thức thường xuyên Đức Giêsu là Thiên Chúa với bản chất thần linh, là nguồn sống, nguồn tình yêu, nguồn sức mạnh, nguồn trí tuệ, nguồn của tất cả mọi sự thiện hảo trên trời dưới đất. Bản chất thần linh và tất cả những nguồn này đang hiện diện ngay trong bản thân ta, sẵn sàng lan tràn sang bản chất của ta, biến đổi bản chất ta nên giống Ngài, làm ta nên mạnh mẽ, tràn đầy sức sống, tình yêu, trí tuệ, can đảm, v.v… Ý thức thường xuyên như thế ta sẽ dần dần thấy tâm linh ta được biến đổi thật sự một cách có thể kiểm chứng được. Và sự biến đổi đó sẽ là một thực chứng, một kinh nghiệm tâm linh làm nền tảng cho đời sống thần linh của ta. Đời sống tâm linh phải được xây dựng trên những thực chứng về Thiên Chúa, về sức mạnh của Ngài. Nếu không, nó chỉ là một mớ lý thuyết không có khả năng đem lại lợi ích tâm linh thực tế.

CẦu nguyỆn

Lạy Cha, con đã «ăn uống Mình Máu Thánh Đức Giêsu» suốt bao nhiêu năm trường, nhưng dường như con chẳng tiến bộ tâm linh bao nhiêu. Xin cho con biết đặt lại vấn đề một cách nghiêm chỉnh: máu thịt Đức Giêsu là lương thực tâm linh, tại sao con ăn uống máu thịt ấy hằng ngày, hằng tuần, mà tâm linh con vẫn yếu hèn? Xin dạy con cách thức «ăn uống Mình Máu Thánh» cho đúng với ý mà Đức Giêsu mong muốn.

 

Joan Nguyễn Chính Kết

10-8-2003


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B | Về Trang Nhà