Chúa Nhật Thứ 21
Thường Niên, B
(24-8-2003)
ĐỌC LỜI CHÚA
· Gs 24,1-2a.15-17.18b: (2) Ông Giôsuê nói với toàn dân: (15) «Nếu anh em
không bằng lòng phụng thờ Đức Chúa, thì hôm nay anh em cứ tuỳ ý chọn thần mà
thờ. Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa». (16) Dân đáp
lại: (18) «Chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa, vì Người là Thiên
Chúa của chúng tôi».
· Ep 5,21-32: (22) Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa.
(25) Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức
Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh.
· TIN MỪNG: Ga
6,54a.60-69
Một số môn đệ bỏ Đức Giêsu, nhưng Phêrô tuyên xưng lòng tin
Khi ấy, Đức Giêsu nói với người Do thái: (54) «Ai
ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời». (60) Nghe rồi,
nhiều môn đệ của Người liền nói: «Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?»
(61) Nhưng Đức Giêsu tự mình biết được là các môn đệ đang xầm xì về vấn đề
ấy, Người bảo các ông: «Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được
ư? (62) Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia
thì sao? (63) Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích
gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống. (64) Nhưng trong
anh em có những kẻ không tin». Quả thật, ngay từ đầu, Đức Giêsu đã biết những kẻ nào
không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. (65) Người nói
tiếp: «Vì thế, Thầy đã bảo anh em: không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha
không ban ơn ấy cho». (66) Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không
còn đi theo Người nữa.
(67) Vậy Đức Giêsu hỏi Nhóm Mười Hai: «Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?»
(68) Ông Simôn Phêrô liền đáp: «Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết
đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. (69) Phần chúng
con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa».
CHIA SẺ
Câu hỏi
gợi ý:
1. Câu Đức Giêsu nói: Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được
sống muôn đời» có lạ tai không? Câu nói trên cần phải hiểu theo
nghĩa tâm linh hay theo nghĩa vật chất? Sau khi câu nói câu ấy, Đức Giêsu có nói
câu nào để hướng dẫn người nghe phải hiểu theo nghĩa tâm linh không? Ngài nói
gì?
2. Nếu bạn là các môn đệ Ngài hồi ấy, khi nghe
lời ấy, bạn sẽ phản ứng thế nào? bỏ Ngài và rút lui, hay theo Ngài tới cùng như
Phêrô?
3. Trước hai phản ứng khác nhau của các môn đệ,
ta rút ra bài học gì? Có nên tin vào lý trí của mình hơn tin vào Thầy mình, hay
vào Thánh Thần chăng?
Suy tư
gợi ý:
1. «Lời này
chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?»
Khi nghe Đức Giêsu nói: «Ai ăn thịt
và uống máu tôi, thì được sống muôn đời», chẳng những người Do-thái
nghe không lọt tai, mà ngay cả các môn đệ cũng có những người không chấp nhận
được. Họ đã hiểu câu Ngài nói theo nghĩa vật chất, theo mặt chữ, mà không chịu
hiểu theo nghĩa tâm linh, theo Thần Khí. Thế là «nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo
Người nữa». Ngài đã để mặc họ bỏ Ngài, vì thấy họ không thích hợp
với công việc của Ngài, vốn mang nhiều tính chất «thần khí» hay tâm linh.
a) «Ai có tai thì nghe!» hay «ai hiểu được
thì hiểu!»
Trong Tin Mừng có nhiều trường
hợp tương tự như trường hợp này. Nhiều lần, Đức Giêsu nói xong, người ta không
hiểu, Ngài chẳng những không giải thích thêm, lại còn nói: «Ai có tai
thì nghe» (nghĩa là ai hiểu được thì hiểu) (Mt 11,15; 13,9; 13,43;
Mc 4,9; 4,23; 7,16; Lc 8,8). Vì chân lý không phải là ai cũng có thể hiểu và
sẵn sàng đón nhận, như Ngài đã nói: «Thế là đối với họ, lời sấm của ngôn sứ Isaia đã ứng
nghiệm: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng
thấy, vì lòng dân này đã ra chai đá» (Mt 13,14). Một hình thức của chai
đá tâm trí là chỉ hiểu được lời Chúa theo nghĩa vật chất mà không thể hiểu theo
nghĩa tâm linh, chỉ biết chấp vào lời mà không chịu hiểu ý, nhất là khi lời đó
diễn tả những chân lý thâm sâu về Thiên Chúa và đời sống tâm linh.
b) Đừng hiểu theo nghĩa vật chất, mà theo nghĩa tâm
linh
Khi thấy có những môn đệ không
chấp nhận vì hiểu sai, Ngài đã soi sáng thêm: «Điều đó, anh em lấy làm chướng, không
chấp nhận được ư? Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao?»
Ngài gợi ý cho họ thấy hai cách hiện hữu của Ngài: cách hiện tại là hiện hữu
trong xác thịt, còn cách hiện hữu trước kia là hiện hữu trong thần khí. Nhắc
tới hai cách hiện hữu ấy, Ngài gợi ý cho các ông hiểu rằng: lời của Ngài cần
hiểu theo nghĩa tâm linh, chứ không thể hiểu theo nghĩa thể chất. Câu nói kế
tiếp của Ngài lại càng khai sáng vấn đề hơn: «Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt
chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống».
Lời Ngài nói là thần khí chứ không phải xác thịt, nên phải hiểu theo nghĩa tâm
linh chứ không phải nghĩa thể chất. Hiểu theo nghĩa thể chất thì những từ «thịt»
và «máu»
Ngài vừa nói chính là thịt và máu vật chất, tức xác thịt. Ngài đã loại bỏ cách
hiểu này: «Xác
thịt chẳng có ích gì». Ngài đề cao cách hiểu theo nghĩa tâm linh qua
câu: «Thần
khí mới làm cho sống».
Thánh Phaolô cũng so sánh hai
cách hiểu ấy: «Giao Ước Mới không phải là Giao Ước căn cứ trên chữ viết, nhưng dựa vào
Thần Khí. Vì chữ viết thì giết chết, còn Thần Khí mới ban sự sống»
(2Cr 3,6). Chữ viết là vật chất, ai chỉ biết hiểu lời Chúa theo nghĩa vật chất
của chữ viết, thì cách hiểu ấy sẽ giết chết tâm linh của người ấy. Lời Chúa cần
được hiểu theo nghĩa tâm linh, nghĩa là «dựa vào Thần Khí», cách hiểu này mới «ban sự sống».
Sự sống ở đây là sự sống tâm linh chứ không phải thể chất. Về vấn đề giữ luật,
thậm chí luật cắt bì là một luật hết sức quan trọng trong Cựu Ước, thánh Phaolô
chủ trương phải giữ theo tinh thần của lề luật chứ không phải theo chữ viết: «Phép cắt bì
chính hiệu là phép cắt bì trong tâm hồn, theo tinh thần của Lề Luật chứ không
phải theo chữ viết của Lề Luật» (Rm 2,29). Vậy, khi đọc Kinh Thánh,
đặc biệt sách Khải Huyền, những chân lý thâm sâu cần được hiểu theo nghĩa tâm
linh. Hiểu theo nghĩa vật chất nhiều khi dẫn tới sự phi lý và không đem lại «sự sống»
hay lợi ích thực tế.
2. Hai phản
ứng khác nhau của các môn đệ
Khi nghe Đức Giêsu nói câu khó
hiểu, thậm chí có vẻ phi lý và chướng tai ấy, tôi nghĩ, chắc hẳn ngay lúc ấy
chẳng ai trong các môn đệ đủ trình độ để hiểu được ý nghĩa lời của Ngài. Nhưng
các môn đệ đã phản ứng theo hai cách: một số rút lui và số còn lại vẫn trung
thành theo Ngài.
a) Đừng quá cố chấp vào những hiểu biết mình đang có:
Những môn đệ từ bỏ Ngài, không
chịu làm môn đệ Ngài nữa, là vì họ nghe Ngài nói điều mà họ thấy là phi lý không
thể chấp nhận được. Họ hoàn toàn có lý của họ. Nhưng phải nói họ là những người
đã bị chai đá về mặt lý trí. Hễ điều gì họ đã cho là đúng, mà có ai nói ngược
lại, nói những điều không lọt tai họ, thì họ tiên thiên cho là sai, và không
thèm nghe, suy nghĩ hay tìm hiểu thêm. Những người này sẽ không bao giờ tiếp
nhận được những kiến thức mới, những khám phá mới về chân lý. Vì chân lý thì vô
tận, con người khám phá không ngừng và không bao giờ hết. Những khám phá mới
nhiều khi phủ nhận hoặc vượt qua những khám phá cũ. Chẳng hạn nếu các em học
sinh cấp I cứ chấp cứng vào kiến thức mà các em thu thập được ở trường lớp là:
không được lấy số lớn trừ số nhỏ vì đó là một sự phi lý, thì các em sẽ cho các
thầy dạy cấp II là dạy bậy. Vì ở cấp II, việc lấy số nhỏ trừ số lớn để ra một
số âm là chuyện bình thường. Hay ở cấp II và III, việc đặt số âm trong một căn
hiệu là phi lý, nhưng ở đại học, khi học về số ảo, thì một số âm vẫn luôn luôn
có căn số.
Đức Phật có đưa ra một minh họa
về vấn đề này: Một người có duy nhất một đứa con mà ông rất thương yêu. Khi ông
đi vắng để đứa con ở nhà thì kẻ cướp đến đốt làng cướp bóc và bắt con ông đi.
Khi về, ông thấy thi hài một đứa bé cháy đen bên căn nhà mình. Ông tin ngay là
con mình và chôn cất trong sự thương tiếc. Mấy tháng sau, con ông tìm cách
thoát được bọn cướp, tìm về đến nhà lúc nửa đêm và gõ cửa xin vào. Nhưng ông
không chịu ra mở cửa vì cứ nhất định là con ông đã chết rồi, và cho rằng đứa gõ
cửa là một thằng mất dạy nào đó trêu chọc ông. Rồi ông nhất quyết không nhận nó
là con, bất chấp những bằng chứng hợp lý trước mắt.
Người ta nói: «Khoa học là
mồ chôn những giả thuyết», vì giả thuyết mới phủ nhận giả thuyết cũ.
Sự vật thì không thay đổi, nhưng khi ta biết 10 điều, ta nghĩ về sự vật thế
này. Khi biết 100 điều, ta lại nghĩ thế khác. Khi biết 1000 điều, ta lại nghĩ
hoàn toàn khác nữa. Ta nên tiếp tục nghĩ rằng khi biết 2000, 3000… điều, ta
cũng sẽ tiếp tục nghĩ khác. Vậy trong đời sống tâm linh, hãy luôn luôn tỉnh
thức để đón nhận những đổi mới của Thánh Thần trong cả cách nhìn về Thiên Chúa
và về những chân lý cao sâu. Các tư tế và kinh sư Do-thái chính vì chấp vào
những hiểu biết dựa trên Kinh Thánh và thần học của họ mà đã lên án và giết Đức
Giêsu!
b) Hãy tin tưởng vào sự hướng dẫn của Thánh Thần:
Còn những môn đệ khác mà điển
hình là Phêrô, tuy cũng thấy phi lý và chói tai, nhưng nghĩ rằng mình chưa hiểu
được hết ý của Ngài. Qua những sự kiện thấy được nơi Đức Giêsu, họ tin Ngài là
người nắm được những chân lý cao siêu, là «Đấng Thánh của Thiên Chúa». Vì thế, dù
Ngài nói điều gì nghe không lọt tai, họ vẫn tạm chấp nhận để tiếp tục theo
Ngài, mong có cơ hội sau này hiểu được điều ấy. Và đương nhiên sau này họ đều
hiểu. Đó là thái độ khiêm nhường nhưng rất hợp lý: cho rằng khả năng hiểu biết
mình còn non kém thì đúng hơn là cho rằng Thầy mình nói sai.
Tất cả những hiểu biết của nhân
loại – kể cả của Giáo Hội – đều là những hiểu biết tương đối, phù hợp với số
lượng những khám phá của họ. Khi khám phá ra nhiều sự kiện hơn nữa, ắt nhiên
mọi người sẽ phải thay đổi quan niệm hay hiểu biết của mình. Trong đời sống tôn
giáo hay tâm linh, điều quan trọng là chúng ta phải sẵn sàng đổi mới quan niệm
và sẵn sàng từ bỏ những kiến thức cũ của mình thì mới theo kịp Thánh Thần. Ngài
là Đấng luôn luôn «đổi mới mặt đất này» (Tv 104,30) và sẽ dẫn
chúng ta «tới
sự thật toàn vẹn» (Ga 16,13). Nên nhớ cách hành động của Thiên Chúa
là: «Khi
Thiên Chúa nói đến Giao Ước Mới, Người làm cho giao ước thứ nhất hoá ra giao
ước cũ; và cái gì cũ kỹ, lỗi , thì sẽ
tan biến đi» (Dt 8,13). Nếu ta cứ chấp vào giao ước cũ, làm sao ta
đón nhận được giao ước mới? Nên nhớ, chỉ một mình Thiên Chúa là không thay đổi,
còn mọi hiểu biết của con người về Thiên Chúa thì phải thay đổi theo trình độ
trí thức và tâm linh con người. Cứ chấp vào hiểu biết cũ làm sao đón nhận những
hiểu biết mới?
CẦu nguyỆn
Lạy Cha,
Thánh Thần của Cha luôn luôn đổi mới mọi sự trong thế gian này. Xin cho chúng
con biết thích ứng với Thánh Thần, sẵn sàng từ bỏ quan niệm cũ, cách hiểu biết
cũ để theo quan niệm và cách hiểu biết mới mà Thánh Thần hướng dẫn. Đừng để
chúng con đi vào bánh xe đã đổ của các kinh sư Do-thái: cứ chấp vào hiểu biết
cũ nên không theo kịp cái mới của Thánh Thần, để cuối cùng bị đào thải về mặt
tôn giáo. Amen.
Joan Nguyễn Chính Kết