CHÚA NHẬT XXII, năm B,
Ngày 31/8/2003
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
Từ ngàn xưa, dân của Chúa đã hiên ngang, hãnh diện và ưng
ý vì họ có lề luật, có giới dân của đạo giáo, của Thiên Chúa được Môsê lãnh
nhận nơi tay của Ngài và chính Môsê đã truyền lại cho dân. Dân Chúa phải tuân
thủ những điều luật, những khoản luật
để có thể trung thành với giao ước mà Thiên Chúa đã ký kết với dân của Người.
Qua những huấn lệnh, giới răn, các khỏan luật như bài I sách Đệ Nhị Luật trích
đọc cho thấy đây là biểu trưng cho”sự khôn ngoan và sáng suốt” của dân Thiên
Chúa giữa muôn vàn dân tộc khác trên thế giới này. Đạo của Chúa chỉ gồm tóm
trong hai giới luật:” Mến Chúa và Yêu Tha Nhân” đã từ từ bị biến hóa trở thành
những điều khoản luật nặng nề chồng chất trên vai người khác. Bài Tin Mừng của
thánh Máccô 7, 1-8.14-15.21-23 chỉ rõ cho thấy sự biến dạng của lề luật.
BIỆT PHÁI, LUẬT SĨ, NHỮNG NHÀ THÔNG LUẬT
BẮT BẺ CHÚA:
Cái trớ trêu của Tin Mừng vạch ra vẫn là các nhà thông
luật, các biệt phái và luật sĩ đã quá rõ Tin Mừng muốn họ làm gì . Nhưng sự nực
cười ở đây là các hạng người này đã nhắm mắt làm ngơ trước lời mời gọi của
Chúa, trước lòng từ bi, nhân hậu, trước lòng chạnh thương, cảm thông của Chúa
đối với nhân loại. Thay vì “ Ách của Ta êm ái, gánh của Ta thì nhẹ nhàng” như
lời Thầy chí thánh Giêsu chỉ bảo. Họ đã bầy ra theo ý họ nhiều điều khoản luật
rất tỉ mỉ, để bắt dân thực hiện, chứ họ không hề đưa ngón tay lay thử. Họ vẫn
xúng xính trong bộ áo thụng, đeo thẻ kinh rủng rỉnh bên tay áo và ưa người khác
chào họ bằng Thầy, bằng người Chỉ đạo, hướng dẫn, chỉ huy. Vì thế, có những
luật lệ thông thường muốn giữ hay không tùy ý, không hề mắc lỗi gì, nhưng họ đã
làm cho nó trở nên nghi lễ, nghi tiết tôn giáo và họ đánh giá sự đạo đức của
con người qua những nghi lễ do chính họ qui định cách máy móc. Trong đoạn Tin
Mừng này, họ bắt bẻ Chúa Giêsu và các môn đệ của Người không rửa tay trước khi
dùng bữa. Rửa tay trước bữa ăn là một việc làm hợp vệ sinh, một việc thông
thường hoàn toàn tự do, không có tính cách bắt buộc. Trong đời sống thường
ngày, cha mẹ vẫn thường nhắc nhở con cái phải giữ vệ sinh:rửa tay trước khi ăn, rửa chân trước khi đi ngủ, tắm
rửa cho khỏe, cho sạch cho mát. Nhưng rửa tay và tắm rửa ở nơi công cộng về,
trước khi vào bàn ăn đã không còn là vấn đề vệ sinh thông thường mà đã trở
thành nghi lễ tôn giáo theo nhãn giới và truyền thống của biệt phái và luật sĩ.
Người biệt phái không châm chước cho một số môn đệ của Chúa Giêsu ăn cơm mà
không rửa tay trước. Dưới con mắt của họ làm như thế các môn đệ của Chúa Giêsu
đã vi phạm lớn đối với những qui định, những nghi tiết của cha ông. Vì thế, sự
vi phạm này sẽ không thể nào được bỏ qua.
QUAN ĐIỂM CỦA CHÚA GIÊSU” Đấng đến để
kiện toàn lề luật “:
Chúa Giêsu là một một con người hoàn toàn tự do, một con người giải phóng, một con người hoàn toàn có quan niện mới, cái nhìn mới, cái nhìn thông thoáng về lề luật, Ngài chống lại những con người giả hình, vụ hình thức, những con người chỉ áp đặt trên vai những người khác ách nặng nề của lề luật do họ nghĩ, do họ bầy đặt ra mà quên đi cái cốt lõi là con tim của mình. Chúa Giêsu bảo vệ điều răn của Thiên Chúa, chống lại những thay thế truyền thống của người phàm trần. Chúa chống lại các nghi tiết thời Người đang sống vì lúc đó con người, xã hội, nhất là những biệt phái và luật sĩ quá chú trọng đến bề ngoài mà quên đi cái cốt lõi của Đạo là tình thương, là cảm thông, tha thứ, quảng đại. Cái chính yếu ở đây không có nghĩa là chú trọng giữ cái bề ngoài như rửa tay trước bữa ăn, mà là mến Chúa và yêu thương tha nhân. Đối với Chúa Giêsu giữ tỉ mỉ, chi tiết từng khoản luật mà quên đi cái cốt lõi của đạo là lòng mến: đó là giả hình. Chúa Giêsu đã từng vạch mặt chỉ tên những kẻ giả hình dù họ thuộc hàng chóp bu lãnh đạo tôn giáo, hay họ là những kẻ cầm cân nẩy mực trong lãnh vực tôn giáo. Chúa Giêsu đã từng tuyên bố:” Ngài đến không phải để phá lề luật mà để làm cho nên trọn”. Chúa Giêsu mời gọi con người tuân theo điều, và những gì Thiên Chúa đã thiết lập, truyền cho dân phải tuân giữ.
NGƯỜI KITÔ HỮU ĐƯỢC MỜI GỌI THỰC THI LỀ
LUẬT:
Ở muôn thời, người Kitô hữu vẫn không tránh khỏi những cám
dỗ làm lấy lệ, giữ đạo cho qua. Đạo của Chúa không phải chỉ đọc đôi ba kinh
trong nhà thờ, tới nhà thờ dự lễ, cầu kinh là đủ, để khỏi áy náy lương tâm. Đạo
cốt thiết là đạo tình thương: chính từ trong phát xuất ra những điều tốt và
những điều xấu. Những việc làm từ thiện, bác ái, những việc đạo đức bề ngoài
xem ra rất có giá trị nếu chúng được làm với con tim, với ý ngay lành, với việc
tuân thủ ý của Thiên Chúa. Chúa Giêsu, các ngôn sứ, nhất là Isaia đã từng nhắc
nhở:” Dân này chỉ thờ phượng Ta ngoài môi miệng, còn lòng trí của chúng thì xa
Ta” và Isaia nhấn mạnh:”...Hãy chấm dứt
làm điều dữ. Hãy học làm điều lành... Hãy bênh vực những kẻ goá bụa, mồ côi,
neo đơn” và thánh Giacôbê trong bài đọc 2 đã viết:” Lòng đạo đức tinh tuyền và
không chê trách được trước mặt Thiên Chúa Cha, ấy là thăm viếng cô nhi quả phụ
lâm cơn cùng khốn, và giữ mình cho khỏi mọi vết nhơ của thế gian”( Gc 1, 27 ).
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết sống và thực thi cái cốt lõi của đạo là Tình Thương.
GỢI Ý CHIA SẺ :
1. Luật sĩ, biệt
phái quan niệm thế nào về lề luật ?
2. Chúa Giêsu
nghĩ gì về lề luật ?
3. Bạn hiểu sao
về lề luật ?
25-8-2003