CHÚA NHẬT 22 QUANH NĂM, B
Thánh ca và lời nguyện mở đầu
Kinh Thánh: Gia-cô-bê 1:
17-18.21-22.27
Trong
năm Chúa Nhật tới, Phụng vụ Lời Chúa cho chúng ta một chút thay đổi trong bài
đọc Tân Ước, thay vì suy tư thần học với thư thánh Phao-lô thì sẽ học những bài
học sống đức tin thực tế với thư thánh Gia-cô-bê. Hướng đi tư tưởng của hai vị Tông đồ thật khác biệt. Thánh Phao-lô nhấn mạnh vai trò của đức tin,
đến độ khẳng định hành động của người ta không thể đem lại ơn công chính. Trái lại, thánh Gia-cô-bê lại đề cao khía
cạnh hành động của đức tin khi ngài quả quyết:
“Đức tin không có hành động thì quả lả đức tin chết.” Có phải hai vị mâu thuẫn nhau không? Hoàn toàn không phải vậy. Nhưng những gì thánh Gia-cô-bê nêu lên lại
là một bổ túc cần thiết cho giáo huấn của thánh Phao-lô, nhất là để ngăn ngừa
những ai cố tình giải thích sai lạc giáo huấn ấy. Do đó, thật là hài hòa khi Phụng vụ Lời Chúa xen kẽ vào dòng tư
tưởng của Phao-lô những áp dụng thực hành sống động của thư Gia-cô-bê. Bài học luân lý sống đạo được trình bày qua
bài đọc hôm nay đề cập tới vai trò của Lời Chúa trong đời sống Ki-tô hữu.
a) Lời Chúa là Lời chân lý
(c. 17)
Thánh
Gia-cô-bê với đầu óc thực tế đi thẳng vào vấn đề. Nói về Lời Chúa thì trước hết phải biết xuất xứ và bản chất của
Lời ấy. Như mọi ơn lành và phúc lộc
hoàn hảo đều từ Thiên Chúa Cha mà đến, thì Lời Người ban cho nhân loại cũng đã
từ Thiên Chúa Cha đến và “cắm lều” ở lại với con người. Xuất xứ của Lời Chúa theo tư tưởng của thánh
Gia-cô-bê cũng tương tự như những trình bày thần học của thánh Gio-an Tông
đồ. Chỉ có Lời từ trên cao mà xuống mới
có thể giúp cho nhân loại hiểu được những gì ở trên cao. Nói khác đi, Lời của Thiên Chúa mang hình
ảnh hữu hình con người là để giúp con người nhận biết Thiên Chúa vô hình.
Trước
khi khẳng định Lời Chúa là Lời chân lý, thánh Gia-cô-bê đã nêu lên một đặc tính
thiết yếu của Lời Chúa. Đó là đặc tính
“không hề có sự thay đổi, chuyển vần” của Thiên Chúa. Thiên Chúa không thay đổi nên Lời Chúa cũng không hề thay
đổi. Chính vì đặc tính bất biến nên Lời
Chúa mới là Lời chân lý, vì chân lý không bao giờ thay đổi.
b) Lời Chúa là Lời ban sự sống
(c. 18)
Một
đặc tính khác của Lời Chúa, đó là ban sự sống.
Thánh Gia-cô-bê tóm tắt giáo lý của Tin Mừng Gio-an và các thư Phao-lô
về đặc tính này. Ngài viết: “Người (Chúa Cha) đã tự ý dùng Lời chân lý
mà sinh ra chúng ta, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các thọ tạo
của Người.” Đức Ki-tô, Lời Thiên Chúa,
chính là nguyên lý sự sống. Khi tạo
dựng vũ trụ và con người, Thiên Chúa đã dùng Lời của Người để tạo dựng (“Thiên
Chúa phán... Liền có như
vậy”). Để cứu chuộc con người, Thiên
Chúa đã thực hiện kế hoạch cứu rỗi nhờ Đức Ki-tô, Lời của Người. Như thế, quả thực Đức Ki-tô là nguyên lý tạo
dựng và cứu chuộc, nguyên lý sự sống tự nhiên và sự sống siêu nhiên.
Khi
rao giảng Tin Mừng, Đức Ki-tô không ngừng kêu gọi người nghe hãy tiếp nhận lời
giảng, và hơn thế nữa, hãy tiếp nhận chính Người, vì đúng như lời tuyên xưng
đức tin của Phê-rô: “Thưa Thầy, bỏ Thầy
thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới
có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6:68).
c) Lãnh nhận và thực hành Lời Chúa
Vai
trò của Lời Chúa quan trọng trong đời sống Ki-tô hữu, vì Lời Chúa là nguyên lý
của sự sống đời đời. Do đó, thánh
Gia-cô-bê lại đưa ra những lời khuyên vô cùng thiết thực. Trước hết, muốn lãnh nhận Lời Chúa thì phải
dọn chỗ cho Lời Chúa. Ánh sáng không
thể cùng chỗ với bóng tối. Sự thật
không thể sống chung với giả dối. Cho
nên muốn dọn chỗ cho Lời Chúa ở lại trong tâm hồn thì chúng ta “hãy giũ sạch
mọi điều ô uế và mọi thứ độc ác còn lan tràn.”
Cũng không lạ gì khi thấy Đức Ki-tô kêu gọi người ta “hãy trở nên như
con trẻ,” tức là trong sạch và đơn sơ, thì mới có thể tiếp nhận lời Người.
Điều
thứ hai chúng ta phải có để lãnh nhận Lời Chúa, đó là “hãy khiêm tốn đón nhận
Lời đã được gieo vào lòng anh em.”
Khiêm tốn là cần thiết để chúng ta biết chấp nhận giá trị tuyệt đối của
Lời Chúa, để chúng ta không còn bị lung lạc, cám dỗ do những “lời” nào khác,
nhất là những lời đường mật của thế gian.
Khiêm tốn là cách biểu lộ đức tin, cho nên biểu lộ càng đúng cách thì
đức tin càng chân chính mạnh mẽ, nghĩa là càng khiêm tốn nhìn nhận uy quyền của
Lời Chúa thì đức tin của chúng ta vào Chúa Ki-tô càng thâm sâu.
Sau
khi lãnh nhận Lời Chúa, Ki-tô hữu cần phải đem ra thực hành (c. 22). Có thực hành Lời Chúa thì sự lãnh nhận mới
trọn vẹn, mới sinh hoa trái. Chúa
Giê-su sử dụng nguyên cả dụ ngôn Người gieo hạt để nhấn mạnh khía cạnh thực
hành Lời Chúa. Người lãnh nhận phải
chuẩn bị đất tốt để hạt giống Lời Chúa mọc lên và sinh hạt gấp trăm. Thánh Gia-cô-bê cũng mạnh mẽ khuyến cáo
những người không thực hành, chỉ nghe suông.
Ngài gọi họ là những kẻ lừa dối chính mình. Lừa dối người khác đã nặng nề, nay lại lừa dối chính mình thì quả
thực không thể chấp nhận được.
Có
lẽ chúng ta sẽ đặt câu hỏi: Vậy phải
thực hành điều gì? Thánh Tông đồ có
ngay câu trả lời:
- Có
lòng đạo đức tinh tuyền: Để biểu lộ
lòng đạo đức đích thực này, thánh Tông đồ đề ra một công tác cụ thể là thăm
viếng cô nhi quả phụ lâm cảnh gian truân.
Chắc chắn chúng ta phân biệt được lòng đạo đức tinh tuyền này khi so
sánh với đạo đức giả, thứ đạo đức kinh đọc rang rảng nhưng chửi nhau cũng không
kém hăng say!
-
Không tỳ ố trước mặt Thiên Chúa: Nghĩa
là giữ mình cho khỏi bị ảnh hưởng của thế gian. Lời Chúa là đèn soi bước chân chúng ta, để giúp chúng ta khỏi
giẵm phải bùn nhơ của thế gian. Lời
Chúa có quyền năng biến đổi, thanh tẩy con người chúng ta, để mỗi ngày chúng ta
trở nên giống Chúa Ki-tô hơn.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
Ngôi
Lời, Lời Chúa, chân lý, sự sống đời đời, tất cả những điều này nói gì với tôi
về Đức Ki-tô và về đức tin của tôi?
Xét
lại thái độ nhận lãnh Lời Chúa, tôi thấy thế nào? Tôi có làm như thánh Gia-cô-bê nói không? Phải sửa đổi thế nào
cho đúng?
Thực
hành Lời Chúa là một vấn đề khó khăn.
Muốn thực hành cần phải đọc, suy niệm, cầu nguyện, chọn một vài quyết
định thực tế để sống như Chúa muốn, kiểm điểm.
Tôi đã làm những điều này chưa?
Phải bắt đầu làm sao? Hoặc tiếp
tục cho hiệu quả hơn thế nào?
Cầu nguyện kết thúc
Sau
cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng hát “Xin cho con biết lắng nghe Lời Ngài...”
Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi