CHÚA NHẬT  23  QUANH NĂM, B

2003

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

 

Kinh Thánh:        Gia-cô-bê 2: 1-5

 

        Đoạn trích thư thánh Gia-cô-bê hôm nay tiếp tục đề tài thực hành Lời Chúa trong môi trường xã hội và cộng đoàn.  Thánh Tông đồ đã trình bày vai trò của Lời Chúa đối với đời sống Ki-tô hữu.  Đối với đời sống nội tâm cá nhân, mỗi Ki-tô hữu có bổn phận đón nhận Lời Chúa và để cho Lời Chúa giúp mình thêm lòng đạo đức và được tinh tuyền trước mặt Chúa.  Trong đời sống cộng đoàn và xã hội, thực hành Lời Chúa đòi hỏi nơi Ki-tô hữu cách cư xử hoàn toàn ngược lại với cách cư xử của người đời và cách Ki-tô hữu nhìn nhận phẩm giá của người khác cũng phải theo cách thức của Thiên Chúa, Đấng nhìn thấu tâm can chứ không xét dáng vẻ bề ngoài.   Nói khác đi, thánh Gia-cô-bê muốn đặc biệt nêu lên một áp dụng cụ thể sống Lời Chúa trong cách giao tế cộng đoàn, đó là “đừng đối xử thiên tư.”  Thế nào là đối xử thiên tư và tại sao phải tránh thái độ này?

 

a)  Anh em là Ki-tô hữu

        Trước hết thánh Gia-cô-bê khẳng định chúng ta phải ý thức mình là Ki-tô hữu.  “Anh em đã tin vào Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.”  Ý thức này quan trọng, vì nó nhắc nhở chúng ta về căn tính đích thực của mình.  Nếu chúng ta đã tin vào Đức Ki-tô thì chúng ta cũng phải chấp nhận tất cả con người, giáo lý và lối sống của Người.  Chúng ta biết rõ lối sống và cách nhìn của Đức Ki-tô hoàn toàn đi ngược lại lối sống và cách nhìn của thế gian.  Lời Người giảng dạy đã mặc khải cho chúng ta con đường Thiên Chúa muốn chúng ta “hãy yêu thương anh em như chính mình.”  Lối cư xử của Đức Ki-tô là gương mẫu để chúng ta nhìn nhận phẩm giá của anh chị em.  Người không đối xử thiên tư với bất cứ một ai (Mt 22:16).  Đối với Đức Ki-tô, những người bị tước đoạt phẩm giá, bị gạt ra ngoài lề xã hội, lại là những người ưu tiên được Người tiếp nhận.  Người không nhìn ông Da-kêu theo cái nhìn của đám đông, thiên kiến và khinh miệt.  Người không quan sát bà góa nghèo bỏ tiền vào thùng tiền Đền Thờ theo tiếng kêu lẻng xẻng của những đồng tiền người giàu có.  Người không cảm thấy bị quấy rầy do những nghịch ngợm tự nhiên của đám con nít, trái lại Người còn dạy chúng ta phải trở nên giống như trẻ em.  Người vẫn tìm thấy nét cao quý của con người đằng sau lớp da bệnh hoạn ghẻ lở của những người phong cùi.  Người quở trách người môn đệ yêu quý là Phê-rô khi ông xét đoán theo tư tưởng của thế gian...  Chính vì lối cư xử của Đức Ki-tô với mọi người như anh chị em con cùng một “Cha trên trời” ấy nên chúng ta cần phải luôn ý thức mình là những người tin vào Đức Ki-tô, nghĩa là cũng sẵn sàng noi theo lối cư xử của Người để sống niềm tin của chúng ta.

 

b)  “Không đối xử thiên tư” trong đời sống cộng đoàn   

        Thánh Gia-cô-bê là con người thực tế.  Ngài dùng thí dụ cụ thể để nói về vấn đề “không đối xử thiên tư.”  Giữa sinh hoạt cộng đoàn, có lẽ chúng ta đã gặp thí dụ ngài đưa ra.  Cứ tưởng tượng trong khung cảnh một cuộc họp của cộng đoàn, có hai người bước vào cùng lúc hoặc hai lúc khác nhau, một người giàu có sang trọng và một người nghèo hèn rách rưới.  Cộng đoàn xun xoe tiếp đón người giàu và tỏ ra coi thường người nghèo hèn.  Nếu chúng ta thuộc cộng đoàn như vậy, thì quả thực chúng ta đã “tỏ ra kỳ thị” và là những người xét đoán “đầy tà tâm” rồi!  Kỳ thị và đầy thành kiến không phải chỉ gặp thấy ngoài xã hội hôm nay, nhưng chúng có mặt ngay giữa cộng đoàn Ki-tô hữu, một cộng đoàn quy tụ mọi người không phân biệt màu da, ngôn ngữ, chủng tộc.  Chúng len lỏi vào ngay cả đời sống Giáo Hội, phân cách miền Bắc với miền Nam, nhóm này với nhóm kia trong giáo xứ.  Đặc biệt trong cộng đoàn căn bản của Giáo Hội là giáo xứ, ranh giới giữa người giàu với người nghèo, kẻ sang trọng với kẻ tầm thường vẫn là mầm mống gây nên biết bao thiệt hại cho đời sống của giáo xứ.  Nhiều khi người nghèo phàn nàn:  cha chỉ tới thăm mấy người giàu thôi.  Hoặc người giàu cũng lẩm bẩm:  cha coi tụi tôi như lũ lạc đà chui qua lỗ kim vậy.  Đó là đối xử “thiên tư” của linh mục.  Cũng có thật nhiều cách đối xử thiên tư của người giáo dân.  Kỳ thị biểu lộ bằng im lặng không thèm chào hỏi, hoặc làm như vẻ thân thiện trước mặt nhưng nói xấu rỉ tai với người khác.  Có lẽ những đối xử thiên tư thường thấy hơn cả là cách thức phán đoán quá vội vàng và lên án.

 

c)  Nghèo của cải nhưng giàu đức tin                 

        Tuy đưa ra chứng lý bênh vực cho người nghèo, nhưng thánh Gia-cô-bê muốn trở lại chủ đề sống đức tin và đề cao sự cần thiết của đức tin.  Điều khiến chúng ta phải suy nghĩ là tại sao Chúa lại chọn những kẻ nghèo khó trước mặt người đời?  Thánh Gia-cô-bê trả lời:  là “để họ trở nên giàu đức tin và thừa hưởng vương quốc Người.”  Đúng vậy.  thường những kẻ giàu có hay cậy trông vào của cải và coi đó là thước đo giá trị của mình.  Họ dừng lại ở của cải tiền bạc và đâu cần Thiên Chúa nữa.  Trái lại, người nghèo hèn còn gì khác để tin cậy ngoài Chúa ra.  Cho nên Kinh Thánh thường ca tụng những người nghèo hèn biết đặt tin tưởng vào Chúa và gọi họ là anawim, tức là những “người nghèo của Gia-vê.”  Đức Ma-ri-a là mẫu “người nghèo của Gia-vê” trong Tân Ước.

        Trái với người giàu có, người nghèo hèn không lấy của cải làm cứu cánh cuộc đời.  Đối với họ, của cải là những gì chóng qua.  Nhưng cứu cánh đích thực của cuộc đời phải là được “thừa hưởng vương quốc” Chúa ban cho những ai yêu mến Người.

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

 

        Thái độ của tôi đối với người nghèo cần phải xét lại không?  Phải xét lại như thế nào cho đúng với những gì thánh Gia-cô-bê dạy?

        Suy niệm về lối cư xử của Chúa Giê-su đối với người nghèo và bị xã hội khinh khi dạy tôi điều gì?  Tôi cần phải chiêm ngưỡng Chúa Giê-su như thế nào để lối sống của Người thực sự ảnh hưởng trên lối sống của tôi?

        Trong cộng đoàn, nơi làm việc, tôi đang có thành kiến với những người nào nhiều nhất?  Tôi phải làm gì để gột bỏ được những thành kiến ấy?  Tôi có một vài quyết định cụ thể nào giiúp tôi thay đổi được cái nhìn tiêu cực về những người ấy?

 

Cầu nguyện kết thúc

 

        Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng đọc lời nguyện sau:

 

        Lạy Chúa Giê-su, dân làng Nazareth đã không tin Chúa vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.  Các môn đệ đã không tin Chúa khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.  Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa chỉ vì Chúa sống như một con người.

        Cũng có lúc chúng con không tin Chúa hiện diện dưới hình bánh mong manh, nơi một linh mục yếu đuối, trong một Hội Thánh còn nhiều bất toàn.

        Dường như Chúa thích ẩn mình nơi những gì thế gian chê bỏ, để chúng con tập nhận ra Ngài bằng con mắt đức tin.

        Xin thêm đức tin cho chúng con để khiêm tốn thấy Ngài tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống.  A-men.    

(Trích RABBOUNI, lời nguyện 52)

 

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B | Về Trang Nhà