CHÚA NHẬT 24 QUANH NĂM
Thánh ca và lời nguyện mở đầu
Kinh Thánh: Gia-cô-bê 2:
14-18
Đoạn
thư hôm nay là ý tưởng cốt lõi của toàn thể bức thư: đức tin phải được minh chứng bằng hành động. Như chúng ta thấy, không có sự đối lập tư
tưởng giữa Gia-cô-bê với Phao-lô. Trong
khi Phao-lô trình bày yếu tố tuyệt đối cần thiết cho sự cứu rỗi của chúng ta là
đức tin, vì nó phát xuất từ tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa, chứ không
phải là những hành động do việc giữ Lề Luật, thì Gia-cô-bê lại muốn nhấn mạnh
đến việc chúng ta đáp trả đức tin Thiên Chúa đã ban cho chúng ta bằng cách sống
đức tin ấy qua những hành động của mình.
Cách trình bày khác biệt này giúp chúng ta có cái nhìn chính xác hơn về
vai trò của cả đức tin lẫn hành động, để chúng ta xác tín nguồn gốc đức tin là
do Thiên Chúa và đáp trả đức tin là do chúng ta.
a) Đức tin là ân sủng do Thiên Chúa ban
Khi
chúng ta tin ai, đó là vì chúng ta chấp nhận thế giá, khả năng hoặc quyền bính
của họ. Một học sinh tin thầy cô, vì
nghĩ rằng những kiến thức của thầy cô bảo đảm cho những điều thầy cô dạy
em. Bệnh nhân tin bác sĩ, vì nghĩ rằng
bác sĩ biết nhiều và kinh nghiệm về chữa trị... Như thế, niềm tin của học sinh có được là do thế giá của kiến
thức thầy cô, niềm tin của bệnh nhân có được là do bảo đảm về hiểu biết và kinh
nghiệm của bác sĩ. Một vài thí dụ như
vậy giúp chúng ta hiểu về đức tin của người con cái Chúa. Nói đức tin là ân sủng do Chúa ban cho chúng
ta có nghĩa là thế giá và quyền bính của Thiên Chúa làm cho chúng ta được an
tâm và giúp chúng ta đặt tất cả tín thác vào Người. Không phải tự chúng ta tìm hiểu và đến với Thiên Chúa được vì
Người là Đấng siêu việt, trái lại chính Người đã đến với chúng ta trước và tỏ
ra tình yêu vô điều kiện Người dành cho chúng ta. Khởi đầu đức tin của chúng ta phát xuất từ Thiên Chúa, Đấng “đã
yêu thế gian đến nỗi ban Con Một Người cho họ.”
Khi
chủ trương chúng ta được nên công chính chỉ nhờ đức tin mà thôi (Rm 3:28; Gl
2:16), thánh Phao-lô muốn chúng ta hiểu rằng sở dĩ chúng ta được ơn công chính
hóa để khởi đầu cho việc cứu rỗi của mình là nhờ chúng ta tin vào kế hoạch tình
yêu cứu rỗi của Thiên Chúa. Thánh
Phao-lô cực lực chống lại chủ trương của những người cho rằng người ta được ơn
công chính hóa là nhờ người ta giữ trọn những điều Lề Luật Mô-sê và các ngôn sứ
dạy. Chủ trương như vậy, thánh Phao-lô
chỉ muốn nhấn mạnh rằng chúng ta được nên công chính là hoàn toàn do Chúa
thương ban đức tin cho chúng ta, chứ không phải do sức riêng của chúng ta khi
chu toàn Lề Luật. “Chính do ân sủng và
nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây
không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa; cũng không phải do việc anh em làm, để không
ai có thể hãnh diện” (Ep 2:8-9).
b) Hành động là cách chúng ta đáp lại ân huệ đức tin Chúa ban
Đề
cập đến vai trò thiết yếu của đức tin, thánh Phao-lô không nói đức tin như là
cách đơn phương Thiên Chúa dùng để ban cho chúng ta được nên công chính và
chúng ta không cần phải làm gì, nhưng ngài còn nói đức tin cần phải được biểu
lộ qua hành động nhờ đức ái (Gl 5:6).
Đây chính là điểm thánh Gia-cô-bê muốn nói đến trong toàn thể nội dung
bức thư của ngài. Đức tin là một quan
hệ sống động, chứ không phải như một gói quà im lìm cất kỹ trong rương. Vậy để nói lên lòng tin tưởng của chúng ta
nơi Chúa và vì yêu mến Chúa, chúng ta muốn biểu lộ những tâm tình ấy bằng cách
làm những gì Chúa muốn. Thánh Gia-cô-bê
gọi thứ đức tin được “cất kỹ” và không được biểu lộ qua hành động là loại “đức
tin chết và không lợi ích gì.” Để chứng
minh đức tin ấy là đức tin chết và không sinh hiệu quả gì, ngài đưa ra một thí
dụ cụ thể. Bạn gặp một người vừa đói
vừa rét mà bạn chẳng làm gì cho người ấy, lại còn mở miệng bảo người ấy hãy đi
bình an và dặn họ nhớ phải ăn cho no mặc cho ấm, thì lời nói đãi bôi của bạn
đâu có ích lợi gì cho người ấy! Sau khi
nêu lên một thí dụ cụ thể, thánh Gia-cô-bê hùng hồn thách thức: “Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà
không hành động; còn tôi, tôi sẽ hành
động để cho bạn thấy thế nào là tin” (Gc 2:18). Nếu đức tin cần thiết để chúng ta được nên công chính, thì hành
động cũng cần thiết để cho chúng ta thấy đức tin ấy có thực hay chỉ là ảo
tưởng, có sinh ích lợi hay chỉ là vô bổ.
Những
câu tiếp theo đoạn trích dẫn của Chúa Nhật hôm nay tuy không được đưa vào bài
đọc, nhưng sẽ giúp chúng ta đi nốt dòng tư tưởng của thánh Gia-cô-bê và hiểu
ngài muốn nhấn mạnh đến vai trò của hành động.
Những ví dụ cụ thể từ lịch sử Ít-ra-en như ông Áp-ra-ham và bà Ra-kháp
chứng minh hành động cũng cần thiết, vì “nhờ hành động mà đức tin nên hoàn hảo”
(2:22) và hành động được ví như “hơi thở” của một thân xác sống động.
c) Sống đức tin
Xác
tín nguồn gốc của đức tin là do Chúa và việc đáp trả ân huệ đức tin là do chúng
ta, chúng ta mới có thể đi tới những kết luận thực hành thích hợp. Đứng trước tình yêu bao la của Thiên Chúa,
Đấng đã yêu thương và muốn cứu chuộc chúng ta nên cho chúng ta được lòng tin
tưởng vào Người, chúng ta không khỏi cảm thấy được an ủi và đầy tràn hy
vọng. Nhận thấy Chúa đã yêu thương
chúng ta trước và chính Người khởi đầu việc cứu rỗi, chúng ta hiểu được chúng
ta có giá trị trước mặt Chúa. Chúng ta
không thể dửng dưng trước những ý tốt của Thiên Chúa. Tình yêu đòi phải được đáp lại bằng tình yêu. Tình yêu là động cơ thúc đẩy tới hành
động. Tin, yêu và hành động là những
yếu tố tạo nên và làm phát triển mối quan hệ giữa chúng ta với Thiên Chúa và
với anh chị em vậy.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
Có
khi nào tôi hiểu đức tin là một mối quan hệ sống động giữa Chúa và tôi
không? Hay tôi vẫn lờ mờ hiểu đức tin
là “một mớ những tín điều trong kinh Tin kính và những điều Hội Thánh dạy”?
Thánh Gia-cô-bê nói:
“Bạn tin rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất. Bạn làm phải. Cả ma quỷ
cũng tin như thế và chúng run sợ.” Thánh Gia-cô-bê muốn ám chỉ một Thiên Chúa
nào? Thiên Chúa của đầu óc tôi hay
Thiên Chúa của con tim tôi?
“Tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin.” Vậy ai sẽ là những người nhận ra thế nào là
tin qua nơi tôi? Và họ nhận ra đức tin nơi tôi nhờ những gì?
Cầu nguyện kết thúc
Sau
cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng hát bài “Tôi tin, tôi tin Chúa đã thương tôi...”
hoặc cùng đọc kinh Tin kính (trong Thánh Lễ) với tất cả niềm xác tín và ước
muốn sống những điều mình tuyên xưng.
Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi
12-9-2003