Chúa
Nhật Thứ 25 Thường Niên, B
(21-9-2003)
ĐỌC LỜI CHÚA
· Kn
2,12.17-20: (18) Nếu tên công chính là con Thiên Chúa, hẳn Người sẽ
phù hộ và cứu nó khỏi tay địch thù. (19) Ta hãy hạ
nhục và tra tấn nó (…) (20) kết án cho nó chết nhục nhã, vì cứ như
nó nói, nó sẽ được Thiên Chúa viếng thăm.
· Gc 3,16–4,3:
(17) Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người trở nên trước là thanh
khiết, sau là hiếu hoà, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm
trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình.
· TIN
MỪNG: Mc
9,30-37
Đức Giê-su loan báo lần thứ hai cuộc Thương Khó và Phục Sinh
(Mt 17,22-23; Lc 9,43b-45)
(30) Khi ấy, Đức
Giêsu và các môn đệ đi băng qua miền Galilê. Nhưng Đức Giêsu không muốn cho ai
biết, (31) vì Người đang dạy các môn đệ rằng: «Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết
chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại». (32) Nhưng các
ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người.
Ai là người lớn hơn hết? (Mt 18,1-5; Lc
9,46-48)
(33) Sau đó, Đức Giêsu và các môn đệ đến
thành Caphácnaum. Khi về tới nhà, Đức Giêsu hỏi các ông: «Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?»
(34) Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là
người lớn hơn cả. (35) Rồi Đức Giêsu ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà
nói: «Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người
phục vụ mọi người». (36) Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào
giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: (37) «Ai tiếp đón
một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón
Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy».
CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1. Các môn đệ Đức Giêsu hy vọng gì nơi Đức Giêsu? Các ông phản ứng thế
nào khi Ngài báo trước rằng Ngài sẽ bị giết chết? Việc tiên báo cái chết của
Ngài ảnh hưởng gì đến niềm hy vọng của các ông?
2. Trước sứ mạng của Đức Giêsu, não trạng của Ngài khác với các môn đệ
chỗ nào? Tâm trí các môn đệ bị thu hút bởi đại cuộc của Thiên Chúa hay bởi sự
thăng tiến bản thân của các ông?
3. Những người mang danh theo Chúa mà coi trọng việc thăng tiến bản
thân hơn đại cuộc của Thiên Chúa thì Giáo Hội Chúa sẽ ra sao? sẽ phát triển hay
bị trì trệ? Tại sao?
Suy tư gợi ý:
1. Bối cảnh của bài
Tin Mừng
Đức Giêsu và các môn đệ đi băng qua miền Galilê một
cách âm thầm không cho ai biết. Ngài muốn tạm gác việc loan báo Tin Mừng, giảng
dạy và chữa bệnh cho dân chúng qua một bên để có thì giờ dạy dỗ các môn đệ, đặc
biệt báo cho các ông biết một viễn cảnh sắp xảy ra mà các ông khó có thể hiểu
và chấp nhận. Đó là «Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết
chết Người…». Phải báo trước viễn cảnh ấy để chuẩn bị tinh thần cho
các ông, để các ông không quá ngỡ ngàng và thất vọng khi nó xảy đến, mà sẵn
sàng đón nhận nó. Đây không phải lần đầu tiên Ngài nói với các môn đệ điều này,
Ngài đã từng «nói rõ điều ấy không úp mở» với các ông trước đó không lâu
(x. Mc 8,31-33), nhưng lúc đó các ông tỏ ra không thể chấp nhận được. Thái độ
không chấp nhận này đã bị Đức Giêsu quở trách rất nặng lời, đến nỗi Ngài đã gọi
Phêrô là: «Xatan!»
khi ông muốn can Ngài. Chính vì lần trước các ông bị quở trách nặng nề như thế,
nên lần này bài Tin Mừng cho biết: «Các ông sợ không dám hỏi lại Người».
Các môn đệ Đức Giêsu quan niệm rằng Thầy mình đến
để giải phóng dân Do-thái về mặt chính trị, và Ngài sẽ làm vua. Điều các ông
hằng mơ tưởng bấy lâu nay là: mai mốt khi Thầy mình làm vua thì mình cũng sẽ
làm quan, nắm những chức vụ chủ chốt trong triều đình của Ngài. Nhưng những
chức vụ chủ chốt ấy dẫu sao vẫn có chức lớn hơn chức nhỏ hơn, thế là các ông
bàn tán với nhau xem ai là người được Đức Giêsu giao cho chức vụ lớn nhất.
Nhưng thực tế không xảy ra như các ông nghĩ. Cách suy nghĩ của Thiên Chúa khác
hẳn với cách suy nghĩ của con người. Sở dĩ các ông không thể chấp nhận việc
Ngài chết, vì nếu Ngài chết thì những mơ tưởng đẹp đẽ của các ông sẽ biến thành
mây khói, và các ông sẽ lại trở về với những thực tại tầm thường của mình.
2. Hai não trạng:
một vì đại cuộc, một vì thăng tiến bản thân
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy hai quan niệm, hai
não trạng khác nhau giữa Đức Giêsu và các môn đệ Ngài. Đức Giêsu thì quan tâm
tới đại cuộc của Thiên Chúa, và sẵn sàng hy sinh tất cả cho đại cuộc ấy. Còn
các môn đệ thì lòng trí đang bị thu hút vào việc thăng tiến bản thân, coi việc
được làm môn đệ Đức Giêsu như một cơ hội hết sức thuận lợi cho việc thăng tiến
ấy. Các ông chưa nghĩ gì tới đại cuộc cũng như việc hy sinh cho đại cuộc cả.
Não trạng của các môn đệ cũng là não trạng của tuyệt đại đa số Kitô hữu chúng
ta. Nhưng muốn thật sự theo Đức Giêsu, tất cả chúng ta đều cần phải sửa đổi lại
cách suy nghĩ của mình, đồng thời mặc lấy cách quan niệm và suy nghĩ của Ngài,
là Thầy của chúng ta.
Thực ra, quan tâm hay lo lắng cho việc thăng tiến
bản thân tự nó là điều rất tốt, đó là một động lực hợp pháp và tốt lành đã tạo
nên biết bao nỗ lực hay công việc tốt đẹp ở trần gian này. Tuy nhiên, đối với
những tâm hồn thiếu tình thương, ích kỷ, thiếu đạo đức, việc thăng tiến bản
thân cũng là động lực làm nên bao tội ác. Biết bao người sẵn sàng đạp trên đầu
trên cổ người khác, sẵn sàng âm mưu thâm độc, bỉ ổi, hèn hạ để hại người, giết
người, hầu bước lên những địa vị cao cả ngoài xã hội cũng như trong Giáo Hội.
Vì thế, lòng ham muốn thăng tiến bản thân là một con dao hai lưỡi: nó có thể
tốt mà cũng có thể xấu. Nó chỉ tốt khi nào ta đặt nó dưới sự chỉ đạo của Luật
Chúa, của tình thương, của lương tâm.
Đối với những người thật sự muốn theo Chúa và tiến
tới trên con đường nhân đức, thánh thiện, thì cần phải coi rất nhẹ việc thăng
tiến bản thân để có thể hết mình với đại cuộc của Thiên Chúa. Để sẵn sàng hy
sinh tất cả, dẫu là những cơ hội thăng tiến bản thân, thậm chí cả mạng sống
mình, cho đại cuộc của Thiên Chúa. Đại cuộc của Thiên Chúa chính là kế hoạch
cứu độ nhân loại, thăng tiến tâm linh con người, thực hiện Nước Trời không chỉ
trong thế giới mai hậu mà còn ở ngay trần gian này.
Nói thế không có nghĩa là người theo Chúa phải luôn
luôn khước từ mọi cơ hội thăng tiến bản thân, từ bỏ mọi địa vị hay quyền lực.
Người thật sự hiến mình cho đại cuộc chỉ coi địa vị, quyền lực, danh vọng như
những phương tiện để thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa, để phục vụ con người,
và coi bản thân mình chỉ là dụng cụ mà Thiên Chúa dùng để thực hiện kế hoạch
của Ngài mà thôi. Thái độ của họ đối với địa vị, quyền lực, danh vọng là không
ham muốn cũng không tránh né: sẵn sàng đảm nhận khi thấy đó là một phương tiện
để phục vụ tốt, nhưng cũng sẵn sàng từ khước khi thấy mình bất xứng hay khi có
người khác xứng đáng hơn…
Một số khá đông người trong Giáo Hội – từ giáo dân
cho đến giáo sĩ – coi việc làm tông đồ, đời tu trì… như những cơ hội hay môi
trường thuận lợi để thăng tiến bản thân mình. Họ cũng tỏ ra rất hăng hái nhiệt
thành trong công việc của Chúa, nhưng động cơ thúc đẩy lại mang tính vị kỷ chứ
không phải vị tha. Khi đã đạt được những chức vị cao trong Giáo Hội theo khả
năng của mình, họ trở nên ù lỳ, ngại dấn thân, thích hưởng thụ… vì mục tiêu đã
đạt được, không cần phải phấn đấu để lên cao hơn nữa… Nếu những cấp lãnh đạo
Giáo Hội gồm toàn những hạng người này, thì Giáo Hội sẽ bị trì trệ, không phát
triển được, nhất là khi Giáo Hội gặp phải những giai đoạn khó khăn, bị bách
hại, đòi hỏi các cấp lãnh đạo phải dấn thân, phải thật sự hy sinh và quảng đại
cho Giáo Hội.
3. Người làm lớn
phải có tinh thần phục vụ cao
Bất kỳ tập thể nào – trong Giáo Hội hay ngoài xã
hội – muốn thăng tiến cũng đều cần có những người tài đức biết quên mình để
phục vụ cho sự phát triển và thăng tiến của tập thể. Nhưng những người phục vụ
cho sự phát triển tập thể có thể được thúc đẩy bởi một trong hai động lực trái
ngược nhau. Một đằng thật sự vì đại cuộc, vì ích lợi chung của tập thể. Và một
đằng vì sự thăng tiến của bản thân (để đạt được những chức vụ cao, để nắm quyền
hành trong tay, để được nổi tiếng, được ca tụng, tung hô, nể phục, để thỏa mãn
nhu cầu «phình
to bản ngã», để hưởng thụ cuộc đời). Người thật sự vì đại cuộc có
thể hy sinh tất cả cho đại cuộc, còn người vì sự thăng tiến bản thân thì lại
sẵn sàng hy sinh đại cuộc cho sự thăng tiến của mình. Hạng này coi đại cuộc như
một phương tiện hữu hiệu để mình tiến thân.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, trước tinh thần vì sự
thăng tiến bản thân hơn là vì đại cuộc của các môn đệ, Đức Giêsu đưa ra nguyên
tắc cho Nước Trời và Giáo Hội của Ngài: «Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt
hết, và làm người phục vụ mọi người». Ngài muốn khuyên những ai đang
muốn thăng tiến bản thân hãy từ bỏ ý hướng vị kỷ ấy để hướng lòng về đại cuộc,
về hạnh phúc chung của tất cả mọi người. Chỉ những người có tinh thần cao cả
như thế mới xứng đáng làm lớn, giữ địa vị lãnh đạo. Và chỉ khi những người này
nắm quyền lãnh đạo, Giáo Hội hay xã hội mới thật sự thăng tiến và phát triển.
Để cụ thể hóa tinh thần ấy, «Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các
ông, rồi ôm lấy nó và nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là
tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy,
nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy”» Ngài muốn nói: người làm lớn
phải coi trọng và phục vụ tất cả mọi người, dù là người bé mọn nhất trong xã
hội hay Giáo Hội. Tính phân biệt giầu nghèo, sang hèn, thánh phàm, giáo sĩ giáo
dân… đều không xứng hợp với những người lãnh đạo trong Giáo Hội hay trong Nước
Trời. Khi đối xử tốt với một người giàu có hay có chức vị lớn, rất có thể ta
làm vì một ý đồ ích kỷ. Nhưng khi đối xử tốt với một người nghèo hay một kẻ bé
mọn, một trẻ em, thì việc đối xử ấy thường không vì một ý đồ ích kỷ mà vì tình
thương. Đó cũng chính là làm cho Thiên Chúa hay Đức Giêsu. Cách hành động vị
tha như thế phải là hành động của những người làm lớn trong Giáo Hội: luôn luôn
hành động vì ích lợi hay hạnh phúc của mọi người chứ không vì sự thăng tiến hay
hạnh phúc của mình.
CẦu nguyỆn
Lạy Cha, xin cho con biết nghĩ đến đại
cuộc của Thiên Chúa. Xin mở lòng con ra để có thể ôm cả thế giới vào lòng. Đừng
để lòng con chật hẹp khiến con chỉ biết nghĩ đến mình, đến hạnh phúc hay đau
khổ của mình, đến sự thăng tiến của riêng mình. Xin ban cho con một tâm hồn vị
tha, biết quên mình trước những nhu cầu của tha nhân
Joan Nguyễn Chính Kết