CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN, năm B,
Ngày 21/9/2003
Mc 9, 30-37
Đọc Tin Mừng của Chúa Giêsu chúng ta bắt gặp
nhiều cảnh tượng rất mỉa mai, khó chịu, chán ngán.Ngay các môn đệ của Chúa
Giêsu, những người được Ngài tuyển lựa, những con người đáng lẽ phải hiểu Ngài,
phải chấp nhận đường lối của Ngài, những con người thân tín của Ngài xem ra có
một cái gì đó trớ trêu, trơ trẽn và hầu như chỉ là bề ngoài, theo Chúa nhưng
lại muốn làm lớn tranh dành địa vị, chọn chỗ ngồi cao ngồi thấp. Tin Mừng của
thánh Marcô hôm nay cho ta thấy cảnh tượng mỉa mai đó.
VẪN LÀ TÂM TRÍ U TỐI
XEM RA MÙ MỜ CỦA CÁC MÔN ĐỆ CỦA CHÚA:
Cũng như
các lần trước, hôm nay Chúa Giêsu lại dạy các môn đệ về con đường thực
hiện sứ mạng cứu thế của Ngài: Chúa Giêsu phải bị nộp, bị chết theo ý Chúa Cha,
nhưng sau ba ngày Chúa sẽ sống lại. Đây là con đường cứu thế Chúa Giêsu phải
thực hiện để mang ơn cứu rỗi cho nhân loại. Con đường này là con đường khổ giá,
con đường chông gai, con đường khổ nhục, Chúa phải kinh qua con đường khổ hạnh
này hoàn toàn tự do theo ý định của Cha Ngài. Kinh qua con đường đau khổ: bị
bắt, bị trao nộp, bị kết án tử hình nhuốc hổ dù rằng Chúa hoàn toàn vô
tội...Con đường này lần trước các môn đệ đã được Chúa Giêsu giải thích, loan
báo cách cặn kẽ: các lần trước thì Toma thưa:” làm sao biết được đường của Chúa
mà các ôngđi ? Còn ông Phêrô thì cản đường Chúa. Lần này thì không có một môn
đệ nào dám đề cập đến vấn đề ấy nữa. Các môn đệ sẽ hiểu tường tận khi biến cố
ấy xẩy ra và Ngài ban Thánh Thần để soi sáng, giúp đỡ các ông. Điều đáng ngạc
nhiên, trớ trêu và trơ trẽn ở đây là trong khi Chúa Giêsu muốn các ông hiểu con
đường thống khổ và cái chết thập giá của Ngài sẽ đem lại sự sống mới, sự sống
đời đời và vinh quang của sự phục sinh, thì các môn đệ lại hiểu cách rất mù mờ
như các người Do Thái về một Đấng Mêsia theo quan niệm người đời, sẽ làm vua,
lãnh đạo đất nước Israen và các ông sẽ được chia nhau ghế ngồi trong vương quốc
của Chúa Giêsu: chính vì thế, các ông tranh dành địa vị, tranh nhau chỗ ngồi và
xem ai sẽ làm lớn trong vương quốc của Chúa. Kiểu tranh dành, cãi cọ giữa các
môn đệ vẫn thường xẩy ra khi các ông đi theo Chúa cho tới áp ngày Chúa Giêsu bị
bắt, bị kết án và bị giết.
BÀI HỌC CHÚA GIÊSU
MUỐN DẬY CÁC TÔNG ĐỒ CỦA NGÀI: Chúa Giêsu đã
từng nói với các môn đệ:” Ta đến để phục vụ, chứ không để được hầu hạ”
và Ngài cũng từng dạy:” Ai muốn làm lớn phải tự làm bé trước đã” hoặc” Hãy trở
nên như trẻ nhỏ”. Rõ ràng Chúa Giêsu muốn làm đảo nghịch quan niệm và cách nhìn
của các môn đệ. Theo quan niệm của Chúa người làm lớn phải trở nên người rốt
hết, trở nên đầy tớ của mọi người. Theo Chúa Giêsu người ta không được đánh giá
bởi địa vị, bởi quyền uy, chước tước, danh vọng, nhưng người tông đồ được tôn
trọng, được đề cao do sự phục vụ tốt cho người khác, cho tha nhân và sự hữu ích
cho xã hội, cho con người. Và con đường để được vinh quang là con đường phục
vụ, con đường yêu thương và quảng đại với mọi người. Chính Chúa Giêsu đã nêu
gương cho các môn đệ và mọi người bằng cách Ngài đã khước từ chức vị cao trọng,
chấp nhận làm người để yêu thương và phục vụ người khác. Con đường của Chúa là
con đường khiêm tốn, phục vụ, hữu ích cho xã hội và cho con người. Con đường
của Chúa là con đường lưu tâm đến người nghèo, kẻ tàn tật, neo đơn, kẻ không
nhà không cửa, bơ vơ tất bạt vv.. Chúa đã trả lại cho con người quyền làm con
Thiên chúa: Ngài đã kê vai gánh tội cho nhân loại dù rằng Ngài vô tội. Vì thế,
Chúa đã trỏ cho nhân loại thấy con đường yêu thương, con đường phục vụ sẽ mang lại hạnh phúc và vinh quang cho con
người. Ngài đã chọn lựa cho mình cái giá cuối cùng là cái chết trên thập giá.
Con đường của Ngài là con đường khiêm nhu nhỏ bé và khó nghèo. Chọn con đường
nhỏ bé như trẻ nhỏ tin tưởng và phó thác hoàn toàn vào bàn tay của cha mẹ là
con đường đẹp nhất để đi tới vinh quang. Con đường phục vụ, con đường quảng đại
để sống yêu thương là con đường đưa tới sự sống mới, sự sống vinh quang đích
thực.
GỢI Ý CHIA SẺ:
1. Anh
chị có cảm nghiệm thế nào về con đường thống khổ của Chúa ?
2. Anh
chị có thích phục vụ hay hưởng thụ ?
3. Muốn
vinh quang phải làm gì ?
16-9-2003