CHÚA NHẬT 25 QUANH NĂM, B

21-9-2003

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

Kinh Thánh:        Gia-cô-bê 3:16-4:3

        Nằm trong chủ đề của Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nói về sự khôn ngoan, đoạn trích thư thánh Gia-cô-bê hướng chúng ta tới lãnh vực thực hành đức khôn ngoan trong cuộc sống.  Bài đọc Cựu Ước mời gọi chúng ta tiếp nhận sự khôn ngoan đích thực tức là đi theo đường lối của Thiên Chúa chứ không phải của thế gian.  Bài Tin Mừng giới thiệu cho chúng ta mẫu gương của Chúa Ki-tô, Đấng đã từ chối sống theo khôn ngoan trần thế, nhưng sẵn sàng chấp nhận sứ mệnh Người Tôi Tớ chịu đau khổ của Thiên Chúa và thi hành kế hoạch cứu chuộc như Thiên Chúa muốn.  Đoạn thư Gia-cô-bê giúp chúng ta suy nghĩ về đức khôn ngoan đích thực và đem áp dụng vào cuộc sống Ki-tô hữu.  Có lẽ nhận định tình huống “ghen tương và tranh chấp” của cộng đoàn mình, thánh Gia-cô-bê thấy cần phải nói gì với anh chị em tín hữu về đức khôn ngoan.

 

a)  Phân biệt khôn ngoan thật và khôn ngoan giả 

        Người tín hữu đang sống trong một thế giới là nơi “sự khôn ngoan của thế gian, của con người tự nhiên, của ma quỷ” đang khống chế.  Lẽ khôn ngoan ấy cần thiết để người đời có thể “tự cao tự đại.”  Người đời thấy mình phải theo lẽ khôn ngoan ấy để tranh sống, làm giầu, được danh tiếng...  Cuối cùng, nó đưa người ta đến cuộc sống đầy gian dối, trái với sự thật.  Đó là mấy nét thánh Gia-cô-bê phác họa về khôn ngoan giả của thế gian, trước khi ngài đề cập tới đức khôn ngoan của Thiên Chúa ban.  Nguồn gốc phát xuất khôn ngoan giả là do ghen tương, chua chát và tranh chấp.  Trái lại, nguồn gốc của khôn ngoan đích thực là “từ trời ban xuống” do nơi Thiên Chúa.

        Nhìn vào đời sống cộng đoàn ngài và có lẽ của mọi cộng đoàn khác, thánh Gia-cô-bê nhận ra có những tranh chấp và ghen tương giữa Ki-tô hữu với nhau.  Đúng là họ đang bị khôn ngoan thế gian lôi cuốn!  Ngài tế nhị nhắn nhủ họ phải khiêm tốn nhận định tình huống cộng đoàn mình, với giọng điệu nhẹ nhàng của một vị chủ chăn nhân hậu:  “Ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa.”  Theo nguyên tắc xem quả biết cây, tín hữu có thể nhận ra đâu là khôn ngoan thật và khôn ngoan giả.

 

b)  Thế nào là khôn ngoan thật? 

        Vẫn theo nguyên tắc xem quả biết cây, thánh Gia-cô-bê muốn chúng ta nhận định những gì khôn ngoan đích thực đã biến đổi con người chúng ta.  Trong câu 17, ngài đã kể ra những hiệu quả do đức khôn ngoan đích thực đem lại:  thanh khiết, hiếu hòa, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi, sinh hoa trái tốt, không thiên vị và không giả hình.  Tất cả những đức tính này đã đủ để nói lên mẫu người Ki-tô hữu biết sống đức khôn ngoan đích thực, tức là người xây dựng hòa bình.

        Ở đây chúng ta thấy phảng phất tư tưởng của một trong tám mối phúc Đức Ki-tô đã công bố trong Bài giảng trên núi.  “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.”  Cùng với bài Tin Mừng nói về chính Đức Ki-tô, chúng ta cũng thấy sáng tỏ hình ảnh của Đức Ki-tô qua lời ngôn sứ I-sai-a:  “Đây là người Tôi Trung Ta đã tuyển chọn...  Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường.  Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng” (Mt 12:18-20).

        Từ sự khôn ngoan như một ý niệm, chúng ta phải tìm đến khôn ngoan như một ngôi vị, đó là chính Đức Ki-tô, đức Khôn ngoan của Thiên Chúa đã nhập thể làm người.  Dõi theo bước Đức Ki-tô, theo sát lối sống của Người, chúng ta không còn sợ lạc đường.  Những điều Người dạy, những việc Người làm, những cách đối xử của Người, hết thảy đều sống động và biểu lộ một con người hoàn toàn đi theo đức Khôn ngoan của Thiên Chúa.

 

c)  Áp dụng đặc biệt:  tránh những mối bất hòa 

        Khôn ngoan giúp Ki-tô hữu có một thái độ thích hợp khi phải đối phó với những xung đột và bất hòa.  Bất cứ đời sống cộng đoàn nào, từ gia đình nhỏ bé cho đến những cộng đoàn rộng lớn hơn, không thể tránh được bất hòa và tranh chấp.  Tội nguyên tổ đã để lại gốc rễ bất hòa, giữa Thiên Chúa với con người, giữa con người với con người và giữa con người với những tạo vật khác.  Để hóa giải được những mối bất hòa trong đời sống cộng đoàn, không gì hay hơn là sống đức khôn ngoan đích thực mà thánh Gia-cô-bê đã trình bày ở trên.  Tất cả những đặc điểm của khôn ngoan đều liên kết với nhau làm thành một lối sống đặc thù của con Thiên Chúa.  Sự thanh khiết phải là thái độ căn bản để chống lại với ham khoái lạc, vì khoái lạc là nguyên nhân đưa đến bất hòa.  “Chính những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em.”  Cái nhìn thanh khiết về những người chung quanh sẽ giúp Ki-tô hữu có những thái độ tích cực trong cách đối xử.  Thay vì tìm cách chiếm đoạt, ganh ghét và gây chiến, Ki-tô hữu sẽ sống những tâm tình yêu thương mà thánh Phao-lô đã trình bày trong bài ca đức ái (1 Cr 13:4-7), hoặc như thánh Gia-cô-bê kể ra trong câu 17.  Chính thánh Gia-cô-bê còn nghiêm nghị dùng kiểu nói của Đức Ki-tô, gọi những người không chịu sống theo Lời Chúa là “những kẻ ngoại tình,” là “thù địch của Thiên Chúa.”

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

        Cộng đoàn của tôi (gia đình, nhóm, xứ đạo) có những mối bất hòa nào?  Tôi thử suy nghĩ về nguyên nhân sâu xa nhất của những bất hòa ấy.  

        Đức Ki-tô là Đấng Khôn Ngoan.  Tôi có để cho Đấng Khôn Ngoan dạy dỗ tôi và nhất là muốn thiết lập mối quan hệ cá nhân với tôi không?  Tôi chiêm ngưỡng và nghe lời mời gọi “Hãy học cùng Ta” của Người như thế nào?

        Đức Ki-tô, người Tôi Tớ chịu đau khổ của Thiên Chúa dạy tôi bài học nào về đức khôn ngoan?

 

Cầu nguyện kết thúc

        Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm có thể cùng đọc lời nguyện sau đây:

Lạy Chúa Giê-su, sống cho Chúa thật là điều khó.  Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.  Chúa đòi con cho Chúa tất cả để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.

Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa, để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.  Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà để cây đời con sinh thêm hoa trái.  Chúa cương quyết chinh phục con cho đến khicon thuộc trọn về Chúa.

Xin cho con dám ra khỏi mình, ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan, để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa, dù phải chịu mất mát và thua thiệt.

Ước gì con cảm nghiệm được rằng trước khi con tập sống cho Chúa và thuộc về Chúa, thì Chúa đã sống trong con và thuộc về con từ lâu.  A-men. 

(Trích RABBOUNI, lời nguyện 30)

 

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B | Về Trang Nhà