CHÚA NHẬT 27 QUANH NĂM, B

(2003)

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

 

Kinh Thánh:        Do-thái 2: 9-11

 

        Thư Do-thái được sử dụng trong Phụng vụ Lời Chúa cho bảy Chúa Nhật năm B và bốn Chúa Nhật năm C chứng tỏ tầm quan trọng về giáo lý của nó thật là đáng kể.  Trong năm B, các bài đọc nằm trong các chương 5-10, phần chính của thư khai triển Ki-tô học về chức tư tế của Chúa Giê-su và nhắm mục đích khích lệ tín hữu đừng mất tin tưởng.  Do đó, bài đọc Tân Ước bảy Chúa Nhật liên tiếp sẽ giúp chúng ta suy niệm sâu xa hơn về chức tư tế tối cao của Chúa Ki-tô.

 

a)  Một vài nét về Thư Do-thái 

        Giáo Hội sơ khai, nhất là Đông phương, thường coi thánh Phao-lô là tác giả thư Do-thái.  Nhưng thực ra cho tới nay, vấn đề tác giả, độc giả và hoàn cảnh thư được viết vẫn còn là vấn đề bàn cãi chưa có kết luận.

        Cũng như các thư của thánh Phao-lô, thư Do-thái chú trọng tới ý nghĩa cái chết của Chúa Giê-su và khai triển Ki-tô học nhấn mạnh Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa đã có từ trước muôn đời.  Tuy nhiên, thư Do-thái lại có những đề tài khác với các thư Phao-lô, đề tài quan trọng nhất đó là chức tư tế của Đức Giê-su Ki-tô.  So sánh với chức tư tế Lê-vi là chức tư tế bất lực trước tội lỗi con người, chức tư tế tối cao của Chúa Giê-su theo phẩm hàm Men-ki-xê-đê có quyền lực trên tội lỗi, chỉ một lần chết khi Người bước cung thánh thiên quốc.  Đề tài này được lập lại nhiều lần trong các bài đọc năm B.  Thư Phao-lô cho rằng chúng ta được nên công chính không phải do việc tuân giữ Luật Mô-sê, nhưng là nhờ cái chết của Chúa Ki-tô trên thập giá.  Còn thư Do-thái thì chủ trương chúng ta được tha thứ tội lỗi không phải do việc tế tự của hàng tư tế Lê-vi, nhưng do Chúa Giê-su, vị Thượng Phẩm tối cao, đã qua cái chết mà vào cung thánh Thiên Chúa để đem lại ơn tha tội cho chúng ta.  Tóm lại, thánh Phao-lô nói rằng Chúa Ki-tô đã thực hiện những gì Lề Luật không thể làm được (ơn công chính hóa), còn thư Do-thái bảo rằng Chúa Ki-tô đã làm những gì việc tế tự Lê-vi không thể mang lại (ơn tha tội).

 

b)  Kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa là loài người cần lấy lại được phẩm giá đã mất  

Đọc lại tất cả đoạn 1:5-2:18, chúng ta mới hiểu được ý tưởng của bài đọc hôm nay.  Nếu lấy vị trí của thiên thần làm mức độ để phân chia phẩm giá, chúng ta sẽ nhận định được vai trò của Chúa Giê-su.  Trước hết là phần trình bày (1:5-14):  những trích dẫn Kinh Thánh cho thấy Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa, cao trọng hơn các thiên thần.  Tiếp đến là khuyến dụ (2:1-4):  vậy phải lưu tâm tới sứ điệp của Con Thiên Chúa.  Sau đó là phần trình bày (2:5-18):  tuy nhiên Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa lại xuống thế làm người, thấp hơn các thiên thần, để chịu chết và được vinh hiển.  Trích dẫn Thánh Vịnh 8 ở đây rất quan trọng, vì nó nói lên điểm giáo lý quan trọng nhất:  Đức Ki-tô là Thiên Chúa làm người đã thực hiện công trình cứu chuộc chứ không phải các thiên thần.  Nơi Đức Ki-tô Nhập Thể, con người tìm lại được tất cả phẩm giá họ đã đánh mất đi do tội lỗi.

Thoạt đầu khi được tạo dựng, con người được Thiên Chúa cho quyền bá chủ mọi thụ tạo khác.  Nhưng vì phạm tội, con người lại trở thành nô lệ (2:15).  Tuy nhiên, có một người đã lấy lại quyền bá chủ ấy, đó là Đức Giê-su, Con Thiên Chúa.  Chúa Giê-su đã đạt được vinh dự này nhờ chịu khổ nạn.  Trong một thời gian ngắn, Đấng cao trọng hơn các thiên thần đã trở nên thấp hơn các thiên thần và bằng lòng chịu chết cho mọi người (2:9).  Như vậy, Chúa Giê-su đã trở nên thủ lãnh của nhân loại được cứu độ.  Mặc dù không sử dụng từ Nhập Thể, nhưng rõ ràng thư Do-thái diễn tả cùng một tư tưởng như chúng ta đọc thấy trong thư Phi-líp-phê của thánh Phao-lô.  Người con đầu lòng của nhân loại mới đã nêu gương vâng phục Thiên Chúa cho tất cả chúng ta là anh em của Người.

 

c)  Liên kết với Chúa Giê-su, vị lãnh đạo thập toàn           

        Kết thúc cho bài đọc hôm nay, thư Do-thái viết:  “Đấng thánh hóa là Đức Giê-su, và những ai được thánh hóa đều do một nguồn gốc.  Vì thế, Người đã không hổ thẹn gọi họ là anh em” (câu 11).  Câu kết luận này thật là quan trọng, nói lên những chân lý về kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.  Ơn cứu rỗi là một cuộc thánh  hóa  để  “trở về nguồn cội.”     Nếu hiểu nguồn cội ấy về phía thiêng liêng, thì cứu rỗi nghĩa là trở về đích điểm của mình là Thiên Chúa Cha.  Nếu hiểu nguồn cội về phía loài người, thì cứu rỗi nghĩa là trở về với A-đam Mới, Đấng thánh hóa chúng ta.

        Sau khi giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của ơn cứu độ, thư Do-thái đã tế nhị mời gọi chúng ta kết hiệp với Chúa Giê-su:  “Vì thế, Người đã không hổ thẹn gọi họ là anh em.”  Chúa Giê-su đã chia sẻ với con người chúng ta.  Người lấy làm vinh dự được trở thành người anh cả của chúng ta.  Ai mà chẳng thấy hổ thẹn khi có người thân làm chuyện xấu xa?  Vậy mà Chúa Giê-su đã bằng lòng gọi những người tội lỗi là anh em của Người!  Người muốn trở nên giống chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi, là để giúp chúng ta được trở nên giống Người.  Người là Đường dẫn chúng ta về Nguồn Cội là Thiên Chúa.  Người mời gọi chúng ta cùng với Người hãy “loan truyền danh Chúa cho anh em” và luôn luôn “tin cậy Thiên Chúa.”

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

 

        Thánh Vịnh 8 giúp tôi hiểu phẩm giá của mình trước mặt Chúa, hơn nữa, còn là lời kêu gọi tôi tìm lại hình ảnh đích thực của mình.  Vậy có khi nào tôi cầu nguyện với Thánh Vịnh này không?  Tôi có thể chia sẻ gì sau khi đọc và suy niệm Thánh Vịnh thời danh này?

        Để đạt được vinh hiển như Đức Ki-tô, nhân loại cũng phải đi cùng con đường với Người, tức là con đường qua gian khổ.  Vậy Chúa Giê-su, vị Thượng Tế và lãnh đạo thập toàn, đã giúp tôi có cái nhìn mới về những đau khổ của tôi như thế nào? 

        Chúa Giê-su không hổ thẹn gọi tôi là anh chị em của Người.  Tôi đã và đang sống tước vị này như thế nào?  Có xứng đáng hay càng làm cho Chúa hổ thẹn hơn?  Tại sao?

 

Cầu nguyện kết thúc

 

                Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng đọc lời nguyện sau đây:

        Lạy Chúa, xin chiếu tỏa trên con ánh sáng của Chúa

và dạy con bước đi ngay trong đêm tối cũng như giữa ban ngày. 

Xin truyền cho con sức mạnh của Người.

        Ước gì những cánh tay rã rời vì thất bại của con tìm lại được sức trẻ

để gieo trồng hàng ngàn cây xanh cho một thế giới mới.

        Ước gì mồ hôi con pha lẫn mồ hôi của Chúa trong Vườn Cây Dầu.

        Ước gì máu con hòa lẫn với Máu Chúa trên Núi Sọ

để tưới gội cho mảnh đất đã bị khô cằn vì bất công và ích kỷ.

        Chúc tụng Chúa là Cha, đã dẫn con đi đến cùng,

đến tận Emmaus, nơi Chúa hiển dung với tràn trề bình an và niềm vui. 

 - Đức Hồng Y Roger Etchegaray

                                                        (Trích RABBOUNI, lời nguyện 78)

Lm. Ðaminh Trần đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B | Về Trang Nhà