Chúa Nhật thứ 29 Thường Niên

(19-10-2003)

Chúa Nhật Truyền giáo

 

ĐỌC LỜI CHÚA

Is 53, 10-11: (10) Đức Chúa đã muốn người phải bị nghiền nát vì đau khổ. (11) Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ

Dt 4, 14-16: (15) Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội.

 

TIN MỪNG: Mc 10, 35-45

Lời xin của hai con ông Dêbêđê (Mt 20, 20-23)

(35) Hai người con ông Dêbêđê là Giacôbê và Gioan đến gần Đức Giêsu và nói: «Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây». (36) Người hỏi: «Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?» (37) Các ông thưa: «Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang». (38) Đức Giêsu bảo: «Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?» (39) Các ông đáp: «Thưa được». Đức Giêsu bảo: «Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. (40) Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được».

Người làm đầu phải hầu hạ (Mt 20, 24-28)

(41) Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Giacôbê và ông Gioan. (42) Đức Giêsu gọi các ông lại và nói: «Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. (43) Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; (44) ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. (45) Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người».

 

Câu hỏi gợi ý:

1. Có hai khuynh hướng căn bản mà ta phải lựa chọn để theo trong từng tình huống của cuộc đời: khuynh hướng vị kỷ và khuynh hướng vị tha. Muốn làm môn đệ đích thực của Đức Giêsu, ta phải chọn lựa theo khuynh hướng nào?

2. Việc chọn lựa ấy ảnh hưởng thế nào trên mục đích nhắm tới của những người theo Chúa? Khuynh hướng vị kỷ biến họ thành tông đồ hay mục tử loại nào? Còn khuynh hướng vị tha thì sao?

3. Phong cách mục vụ của hai loại mục tử trên khác nhau thế nào? Mục tử nhân lành phải có phong cách nào?

 

CHIA SẺ

1. Hai hướng đi khác nhau tại các ngã ba cuộc đời

Con người chúng ta, trong mọi hoàn cảnh, cứ bị dẫn đến những ngã ba đường: nghĩa là trước mắt ta luôn luôn có hai ngả mà ta phải chọn một. Hai ngả đó thường hướng đến hai chiều khác nhau: một hướng vị kỷ và một hướng vị tha. Hướng vị kỷ có một sức mạnh tự nhiên lôi cuốn ta vào, nó khiến ta chỉ nghĩ đến bản thân mình, hạnh phúc hay đau khổ của mình, quyền lợi hay trách nhiệm của mình. Nói chung, nó thu hút ta vào chính bản thân ta. Hầu hết mọi người, trong hầu hết mọi trường hợp, đều bị lôi cuốn vào ngả này… Còn hướng vị tha rất ít khi lôi cuốn ta, nhưng lương tâm ta lại thúc đẩy ta, đôi khi còn ép buộc ta bước vào. Nó đòi hỏi ta phải quên bản thân, quên những gì liên quan đến bản thân, để nghĩ đến người khác, đến đám đông bên ngoài ta, đến hạnh phúc hay đau khổ của họ. Dù đi vào hướng nào, thì sau khi đi một đoạn đường nữa, ta sẽ lại đến một ngã ba khác, cũng với hai hướng vị kỷ và vị tha trước mặt. Mỗi lẫn gặp ngã ba đó là mỗi lần ta phải lựa chọn hướng đi cho mình.

Đối với những người còn nghèo nàn về mặt tâm linh, ngả vị kỷ thường là một con đường rộng thênh thang, bằng phẳng, đầy hoa thơm cỏ lạ, hứa hẹn một phong cảnh hấp dẫn; còn ngả vị tha thì nhỏ bé, gập ghềnh, khó đi, thậm chí nó nhỏ đến nỗi họ không hề thấy hay nghĩ đến nó. Đối với những người đã tiến bộ về tâm linh, con đường vị kỷ tuy hấp dẫn, nhưng kinh nghiệm cho họ thấy nó dẫn đến nhiều phiền não, chứ không dẫn đến hạnh phúc như họ tưởng ban đầu. Ngược lại, lương tâm và sự khôn ngoan thường thúc đẩy họ vào con đường vị tha, vì kinh nghiệm cho họ thấy, con đường này tuy chông gai, nhỏ hẹp, nhưng lại đem đến cho tâm hồn họ bình an và nhiều niềm vui nội tâm. Kinh nghiệm ấy rất phù hợp với lời của Đức Giêsu: «Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy» (Mt 7,13-14).

2. Hai hướng khác nhau cho những người theo Chúa

Đối với những người theo Chúa, hai hướng ấy vẫn luôn luôn mở ra đòi buộc họ chọn lựa mỗi lần họ phải quyết định để hành động.

– Hướng vị kỷ sẽ cám dỗ họ lợi dụng con đường theo Chúa như một phương tiện để tiến thân, để bước vào con đường vinh quang trần thế, với quyền lực, danh vọng, tiền bạc trong tay, là những thứ mà Giáo Hội cũng như xã hội cống hiến cho họ, mong họ dùng chúng để phục vụ Thiên Chúa, Giáo Hội và mọi người. Nhưng họ lại dùng chúng cho mục đích vị kỷ của mình, mặc dù trên danh nghĩa vẫn là để phục vụ Thiên Chúa, Giáo Hội và tha nhân.

Các môn đệ Đức Giêsu khi theo Ngài cũng bị khuynh hướng này cám dỗ. Họ tin tưởng đó là con đường ngắn nhất, dễ nhất, đỡ vất vả nhất để có thể đạt tới tột đỉnh bậc thang danh vọng trong đất nước Do-thái. Nếu để leo lên tột đỉnh ấy mà phải trầy da tróc vẩy như các quan trong các triều đình các nước thì chắc hẳn các ông chẳng bao giờ dám mơ tưởng như thế. Hai ông Giacôbê và Gioan mong rằng khi Thầy mình làm vua, thì cả hai anh em sẽ là hai vị quan lớn nhất trong triều đình Do-thái của Ngài. Các môn đệ khác chắc hẳn cũng có những mong ước tương tự, nên: «Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối». Nếu không cùng mong điều ấy thì làm gì mà phải tức tối.

– Còn hướng vị tha sẽ khiến người theo Chúa coi việc theo Chúa như một phương cách hữu hiệu nhất để phụng sự Thiên Chúa, nhân loại, quê hương và tha nhân. Họ không quan tâm hay mong muốn chuyện thăng tiến bản thân, không bao giờ coi đó như một mục đích phải đạt tới trong cuộc đời. Nếu họ được giao địa vị, trách nhiệm, với những phương tiện hữu hiệu trong tay, họ sẽ lợi dụng tất cả những thứ ấy để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Điều họ quan tâm là: con người được hạnh phúc, và qua đó Thiên Chúa được vinh danh.

3. Hai phong cách mục vụ khác nhau

Hai khuynh hướng trên sẽ khiến những người theo Chúa có hai phong cách khác nhau đối với tha nhân. Hai phong cách này được Đức Giêsu nói đến trong bài Tin Mừng.

– Khuynh hướng vị kỷ sẽ biến những người mang danh theo Chúa thành những mục tử thích uy quyền. Khuynh hướng này tất yếu tạo nên trong lòng con người sự ham muốn thăng tiến bản thân. Ham muốn này đẻ ra ham muốn quyền lực, địa vị, tiền bạc, và những sự sang trọng hào nhoáng trần tục. Do đó, nếu chưa có những thứ đó, người mục tử sẽ tìm đủ mọi phương cách để đạt được chúng, một cách thô thiển hoặc vi tế tùy theo khả năng trí tuệ của mỗi người. Một khi đã đạt được thì người mục tử loại này sẽ hành xử chúng như một phương tiện để xác định hay thể hiện bản thân, để hưởng thụ cuộc đời. Phong cách mục vụ của họ, như Đức Giêsu mô tả, sẽ tương tự như «thủ lãnh các dân», như «những người làm lớn», nghĩa là thích «dùng uy mà thống trị dân», «lấy quyền mà cai quản dân», thích đứng trên đầu trên cổ người khác, muốn mọi người phải vâng phục, chịu lụy, đề cao mình.

Một mục tử như thế khó mà hy sinh thật sự cho dân, nếu có thì chỉ mang tính màu mè, biểu diễn. Thật khó mà đòi hỏi loại mục tử này dấn thân vào những nguy hiểm để bảo vệ đàn chiên. Trong những trường hợp đặc biệt đòi hỏi lương tâm mục tử phải chấp nhận nguy hiểm để bảo vệ đàn chiên, ta sẽ thấy họ tìm đủ mọi cách tránh né thay vì sẵn sàng đối đầu với nguy hiểm vì lợi ích đàn chiên. Và rất có thể họ sẵn sàng hy sinh sự an toàn hay sự phát triển của đàn chiên để bảo vệ cho thế đứng của họ trong Giáo Hội hay xã hội. Dù có ngụy trang thế nào, thì tận thâm sâu lòng họ, họ không thể chối được chủ trương của họ là «đến để được người ta phục vụ».

– Khuynh hướng vị tha sẽ biến người theo Chúa thành những mục tử đích thực. Tuy dù sự thăng tiến bản thân cũng như lợi ích của riêng họ vẫn là điều hấp dẫn họ, nhưng họ chọn cách «làm lớn», «làm đầu» theo cách thức của Đức Giêsu: «Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người». Họ thực hiện việc «làm lớn» bằng cách làm nhỏ: sẵn sàng chấp nhận làm mọi việc trong âm thầm không ai biết đến, sẵn sàng sống một cuộc đời thanh bạch, đơn sơ, nghèo khó, miễn sao ích lợi cho Thiên Chúa và tha nhân. Họ thực hiện việc «làm đầu» bằng cách làm «người rốt hết» (Mc 9,35), đặt mình ra sau, luôn luôn đặt lợi ích của Thiên Chúa và tha nhân lên trên lợi ích của mình, sẵn sàng hy sinh việc riêng cho việc Chúa hoặc việc chung.

Với tinh thần «đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ» họ trở nên người dễ dàng «hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người». Vì thế, khi cần phải bảo vệ đàn chiên, bênh vực những kẻ yếu đuối, những kẻ bị đàn áp bất công, họ sẵn sàng chấp nhận nguy hiểm, thậm chí hy sinh cả mạng sống mình. Một đặc điểm trong phong cách mục vụ này là ít sử dụng quyền bính để áp đặt người khác, để bắt người khác theo ý muốn của mình, mà luôn luôn thể theo nhu cầu chung của mọi người, lắng nghe ý kiến mọi người và sẵn sàng tuân theo những ý kiến hợp lý, khôn ngoan của người khác. Họ luôn theo tinh thần của thánh Phêrô: «Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em» (1Pr 5,3). Chỉ những người theo Chúa loại này mới có thể trở nên những «mục tử nhân lành» theo mẫu gương của Đức Giêsu (x. Ga 10,1-18). Thiên Chúa, Giáo Hội và thế giới rất cần những mục tử loại này!

 

CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, cánh đồng truyền giáo hiện nay trên thế giới cũng như tại quê hương của con quả là «lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít» (Mt 9,37; Lc 10,2). Thực ra không phải là thiếu thợ gặt, vì thợ tay mơ, thợ lề mề, thợ chém vè lúc nào cũng đầy dẫy. Nếu có thiếu là thiếu những thợ gặt nhiệt thành, chăm chỉ và thiện nghệ. Vì thế, xin Cha hãy ban cho chúng con những tông đồ nhiệt thành, những mục tử nhân lành dám liều mạng vì đàn chiên, chứ không chỉ đơn thuần là những giám mục, linh mục hay tu sĩ. Và cũng xin biến mỗi người chúng con nên mục tử và tông đồ thật sự của Cha.

 

Joan Nguyễn Chính Kết

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B | Về Trang Nhà